Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ – điều mẹ phải lưu tâm


4,226
1
1
Xu
53
Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ em rất dễ gặp nhưng phụ huynh thường nhầm lẫn với tiêu chảy cấp và đôi khi có những biện pháp xử lý chưa chính xác. Để phát hiện đúng cũng như chữa trị hiệu quả vấn đề này ở trẻ, bố mẹ cần trang bị kiến thức cụ thể chắt lọc từ lời khuyên của các chuyên gia.

Bé 5 tháng đi ngoài ra phân hoa cà hoa cải


Câu hỏi bởi: mebetho

Chào bác sĩ, con tôi hiện nay được 5 tháng tuổi, đi ngoài luôn bị lỏng, có khi chỉ toàn bọt. Đi khám ở Viện Nhi Trung Ương thì không thấy vấn đề gì. Bác sĩ chỉ giải đáp dinh dưỡng của má và cách chăm sóc con. Nhưng 4 ngày qua bé bị đi són nhiều lần, phân hoa cà hoa cải. Xin bác sĩ giải đáp giúp. Càm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn!

Trẻ em đi ngoài phân lỏng, són, phân hoa cà hoa cải là tình trạng tăng nhu động ruột, thức ăn đi qua đường tiêu hóa nhanh, sắc tố mật màu xanh chưa được các vi khuẩn đường ruột kịp biến thành màu vàng. Phân có tính đặc trưng là nền nước màu xanh lẫn các cục nhỏ phân màu vàng. Đây là hiện tượng thường thấy ở trẻ nhỏ, bệnh viện đã xác định không thấy nhiễm trùng đường ruột nên không cho thuốc. Để xử lý tình trạng này bạn nên theo sự giải đáp dinh dưỡng của bác sĩ hoặc có thể cho bé uống thêm thuốc làm giảm nhu động ruột và khô phân như Hamett, Hydrasec. Thuốc Hydrasec có 2 loại , loại viên nhộng dành cho người lớn và trẻ lớn, loại túi bột dành cho trẻ trên 1 tháng tuổi trở lên. Liều lượng trung bình là 1,5 mg/1kg thể trọng, không dùng kéo dài quá 7 ngày.

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe!

Bé 2 tuổi bị nhiễm trùng đường ruột, đi ị kèm nhầy có ít máu, phân cứng


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Bé nhà em gần được 2 tuổi. Bé bị nhiễm trùng đường ruột mấy tháng nay rồi. Đi khám nhiều bệnh viện, cả bệnh viện Nhi Đồng 2 nhưng vẫn không khỏi. Bé đi phân cứng, kèm theo nhầy và ít máu. Em nên làm gì?

Em cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sáng


Chào bạn!

Tuy không khám bệnh trực tiếp cho cháu nhưng có thể nghĩ tới con bạn bị bệnh kiết lị. Kiết lị là tình trạng nhiễm trùng ở ruột già do Entamoeba histolyca hoặc do vi khuẩn Shigella. Vi khuẩn Shigella được tống ra cùng với phân, và nếu không rửa tay sau khi đi cầu, tay có thể trở nên nhiễm trùng. Vi khuẩn sau đó sẽ do tiếp xúc và truyền đi. Kiết lị đặc biệt nghiêm trọng đối với trẻ em, do có nguy cơ bị mất nước.

Về nguyên nhân, bệnh có thể xảy ra khi trẻ mọc răng. Trẻ bị đau, sinh ra chán ăn và có sự thay đổi hệ tiêu hóa có thể dẫn đến phân lỏng và chảy nước. Thuốc kháng sinh cũng có thể dẫn đến bệnh lỵ. Có một số thuốc kháng sinh có thể làm thay đổi các enzym tiêu hóa trong dạ dày, làm chậm tiêu hóa. Một lí do khác là do tiêu thụ nước, thức ăn không sạch, không hợp vệ sinh. Bệnh lây qua thức ăn, nước uống, nước rửa rau quả… bị ôi, thiu; thú vật mang mầm bệnh (chó, mèo); ruồi là trung gian truyền bệnh nguy hiểm; tay bẩn bốc thức ăn, đưa vi trùng vào mồm. Khi trẻ bị kiết lị thường không nôn nhiều mà đau bụng và mót rặn. Phân có nhày máu mũi. Bệnh biến chuyển nhanh, sau 24 giờ đau bụng và đi ngoài thì phân có dịch nhầy và máu. Trẻ đi ngoài nhiều lần, thậm chí không muốn rời bô vì luôn cảm thấy mót rặn. Nếu không chữa trị kịp thời sẽ có những biến chứng như: Thủng ruột, xuất huyết tiêu hóa, lồng ruột, viêm loét đại tràng sau lỵ, viêm ruột thừa do Amip…

Bạn nên đưa trẻ đi khám bác sĩ, nếu thấy có chất nhớt, máu hay mủ trong phân tiêu chảy của trẻ. Điều trị càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng như mất nước. Trong tình huống bị kiết lị nghiêm trọng, trẻ có thể được nhập viện và cho truyền dịch để đối phó lại tình trạng mất nước. Điều trị Oresol là một kỹ thuật chăm sóc dễ dàng tại nhà để bù nước cho trẻ bị kiết lị. Giữ vệ sinh sạch sẽ mỗi khi con bạn đi ngoài. Cho trẻ uống kháng sinh theo hướng dẫn của thầy thuốc là cần thiết. Để phòng bệnh cho cháu bạn cần chú ý nguyên tắc “ăn chín, uống sôi” cho trẻ. Cho trẻ phải rửa sạch tay trước khi ăn. Thức ăn cần đậy kỹ tránh ruồi nhặng, vệ sinh phân, rác, quản lý việc dùng phân trong nông nghiệp. Ðặc biệt nơi sống tập thể và người phục vụ ăn uống, cấp dưỡng, nuôi dạy trẻ phải sạch sẽ. Trước khi cho trẻ dùng thuốc kháng sinh, hãy chắc chắn rằng con bạn đã ăn no.

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe!

Bé bị sốt 39 độ, quấy khóc , không chơi đùa, ăn bột ói ra, nước tiểu vàng và đi phân màu xanh lá cây có dịch nhầy là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Cháu gái tôi được 5 tháng 7 ngày tuổi, từ tối hôm trước bé bị sốt cao và khóc tôi chưa đo được nhiêt độ, sau cháu vẫn chơi cười như bình thường, người vẫn sốt. đêm cháu ngủ bình thường, trước khi ngủ còn không không nhớ quậy cười như mọi khi. Đến sáng hôm qua bé vẫn còn triệu chứng sốt, nhiệt độ là 39 độ và bé quấy khóc liên tục, không chơi đùa, ăn bột ói ra, nước tiểu vàng và đi phân màu xanh lá cây có dịch nhầy. Xin hỏi bác sĩ trường hợp của bé nhà tôi như vậy là bệnh gì? Hai trường hợp sốt, phân xanh, nước tiểu vàng có liên quan tới nhau không và nếu bị kéo dài thì có tác động gì không ạ?

Tôi cảm ơn!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn!

Tất nhiên là nếu bé sốt cao 39 độ kéo dài nhiều ngày tác động rất nhiều đến sức khỏe của bé.

Hiện tượng nước tiểu vàng đơn điệu không nói lên điều gì, nước tiểu vàng kèm theo vàng mắt, vàng da thì mới có giá trị nghĩ đến sắc tố mật có nhiều trong nước tiểu (vàng da tắc mật).

Dấu hiệu sốt phân màu xanh (như hoa cà hoa cải) có liên quan với nhau trong tình huống trẻ mọc răng. Bạn xem lợi của bé có bị sưng dày lên (lợi không sắc canh nữa) không? Lợi có màu tím hồng tại chỗ răng sẽ mọc hay không?

Sốt là thường kèm theo nôn do não bị kích thích, nhưng nếu bé nôn nhiều 3 – 4 lần trong ngày, nhất là nôn cả khi đói hoặc khi sốt ít thì bạn nên cảnh giác có thể bé bị viêm não, viêm màng não.

Sốt luôn luôn có lí do của nó, không bao giờ bỗng nhiên sốt, cho nên nếu sốt kéo dài 2 – 3 ngày liền bạn phải đưa bé đi khám, các bác sĩ sẽ xem xét tìm lí do gây nên sốt từ đó có biện pháp chữa trị thích hợp.

Các biểu hiện như bạn mô tả thì có thể có một số bệnh như sau:

Mọc răng: lợi sưng đỏ dày lên, trẻ ngứa lợi…

Nhiễm trùng đường ruột: nhưng thường là phân mùi tanh hoặc thối khẳm, phân lỏng toàn nước, phân nhày bọt có lẫn máu …

Sốt vi-rút: sốt phát ban (sau khi sốt vài ngày mọc ban ngoài da) rubeon, thủy đậu….

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe!

Đau bụng đi ngoài, sau khi đi ngoài thì không đau nữa, là bị bệnh gì?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ.

Con trai em 4 tuổi. Hiện tại, cháu nặng 15,5kg, khi sinh cháu nặng 2,7kg. Bình thường cháu ăn kém, chỉ thích ăn cơm chan canh sấu nấu thịt hoặc ăn cháo thịt. Thường ngày, cháu đi ngoài bình thường 1 lần/ngày, nếu 2 lần/ ngày thì 1 lần buổi sáng lúc ngủ dậy và 1 lần buổi tối sau khi ăn no. Cách đây 5 ngày, cháu bị đi ngoài 6 lần từ 3h chiều tới 10h tối (đi ngoài có nhiều nước hơn phân). Đêm có sốt khoảng 38,7 độ, em cho cháu uống hạ sốt và ngày tiếp theo cháu không sốt nữa. Khi cháu bị đi ngoài, em có cho cháu uống men enterogermina 2 ống lúc 3h30 chiều và 9h30 tối. Sáng hôm sau, em cho cháu uống thêm 2 ống men enterogermina, sau đó dừng lại không cho cháu uống thêm thuốc gì nữa. Cháu có đi ngoài 4 lần nhưng phân đã khô hơn. Ngày tiếp theo cháu đi ngoài 3 lần phân bình thường. Ba ngày nay, cháu đi ngoài ngay sau khi ăn, ngày khoảng 5 lần, phân bình thường nhưng ít. Cháu thường kêu đau bụng, sau khi đi ngoài thì không kêu đau bụng nữa. Em lo lắng không biết cháu bị làm sao mà đi ngoài nhiều thế. Mong bác sĩ chỉ bảo, cho lời khuyên giúp đỡ cháu.

Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Bạn không nên cho trẻ uống vài ống hoặc vài gói men vi sinh mỗi khi bị đi ngoài, mà cho uống men vi sinh thành đợt rõ ràng, đủ liều, đủ ngày khi nghi ngờ hoặc xác định được lí do đi ngoài là do loạn khuẩn đường ruột. Khi trẻ bị đi ngoài, không có dấu hiệu tiêu chảy cấp, không có dấu hiệu nhiễm trùng đường ruột cấp tính như bệnh tả, lỵ, vi rút thì chỉ nên cho bé dùng thuốc bảo vệ niêm mạc ruột và thuốc chữa tiêu chảy làm khô phân.

Con bạn đi ngoài vặt (đi nhiều lần trong ngày), phân ít không loãng, đau bụng vừa phải, sau khi đi ngoài không đau bụng nữa là biểu hiện viêm đại tràng do tạp trùng. Vì lí do là do tạp trùng, vốn không phải là lí do gây bệnh đặc hiệu nên thường tự khỏi, đi qua nhanh do sự loại trừ và sức đề kháng của cơ thể, không cần thiết phải uống kháng sinh mà chỉ dùng thuốc bảo vệ niêm mạc ruột, nếu phân lỏng nhiều dùng thuốc chữa tiêu chảy làm khô phân.

Bạn nên đưa bé đi khám bệnh để xác định rõ lí do xem có phải đúng là viêm đại tràng hay vì lí do khác. Tuy nhiên, bạn có thể xử lý ban đầu là cho bé dùng thuốc bảo vệ niêm mạc ruột nhằm hỗ trợ cho sự khỏi bệnh tự nhiên, nếu biểu hiện này không được cải thiện hoặc nặng lên thì đưa bé đi khám bác sĩ.

Thuốc bảo vệ niêm mạc ruột thường dùng cho trẻ em là Hamett (Diosmectite) 3g, bạn có thể mua ở các hiệu thuốc về cho con uống ngày 2 gói

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl