Viêm xoang: Phòng ngừa như thế nào?


4,226
1
1
Xu
53
Tránh nhiễm trùng đường hô hấp trên, chuẩn bị đối phó với những dị nguyên theo mùa, tránh những tác nhân dị ứng từ môi trường là những cách phòng ngừa viêm xoang bạn cần biết.

Viêm xoang mủi


Câu hỏi bởi: Nguyễn Quân

xin hoi BS , tôi đang bị viêm xoan nếu giải phẩu thì tốn bao nhiêu tiền , cần làm gì trước và sau khi giải phẩu , có khả năng bị lại sau khi GP ko ? Cần phải hẹn trước bao lâu ? Cám ơn BS

Bác sĩ Chử Thế Lợi


Chào bạn.

Việc chỉ định phẫu thuật khi viêm xoang cần rất cân nhắc, chỉ khi điều trị nội khoa thất bại. Việc phẫu thuật không quá phức tạp, thường sau khi phẫu thuật mở rộng lỗ thông xoang thì rất ít có khả năng bị lại. Chi phí tùy theo các bệnh viện và bạn có sử dụng thẻ bảo hiểm y tế hay không. Để chuẩn bị cho phẫu thuật tốt chỉ cần giữ gìn không để viêm nhiễm ở vùng Tai Mũi Họng, làm đủ các xét nghiệm cơ bản trước phẫu thuật. Sau phẫu thuật, bạn sẽ phải tuân thủ 1 phác đồ điều trị chặt chẽ (rút merocel mũi, làm thuốc mũi hàng ngày, đơn thuốc ra viện…) Tuy nhiên cũng phải nói rằng chắc chắn phẫu thuật sẽ cải thiện cho bạn tình trạng viêm xoang.

Chúc bạn sức khỏe!

Triệu chứng và cách chữa viêm xoang


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Tôi muốn hỏi bác sĩ về biểu hiện và cách điều trị viêm xoang. Xin bác sĩ trả lời các thắc mắc của tôi.

Xin cảm ơn!

Chào bạn.

Xoang là những khoảng không gian rỗng nằm trong khối xương đầu mặt và xoang thông với mũi. Vùng trán: có xoang trán. Vùng mũi: có xoang sàng và xoang bướm. Vùng hàm trên: có xoang hàm. Vùng xương bướm thuộc nền sọ: có xoang bướm. Tùy theo xoang nào viêm mà có triệu chứng khác nhau. Viêm xoang còn có thể do dị ứng hay nhiễm trùng, nhiễm nấm,… Viêm xoang có nhiều thể: thể cấp tính và mãn tính.

Viêm xoang cấp tính

Triệu chứng:

Toàn thân: thường chỉ thấy mệt mỏi, sốt nhẹ nhưng cũng có trường hợp thường ở trẻ em có sốt cao, thể trạng nhiễm khuẩn rõ. Triệu chứng cơ năng:

– Đau: đau vùng mặt là dấu hiệu chính, thường đau về sáng do đêm bị ứ đọng xuất tiết, đau thành từng cơn gây nhức đầu. Đau nhức nhất là vùng quanh mắt, đau thành cơn, đau theo nhịp đập. Ấn đau ở phía dưới ổ mắt, cơn đau có chu kỳ, đúng khoảng thời gian nhất định trong ngày thường đau vào lúc từ 8 đến 11 giờ.

– Ngạt tắc mũi: tuỳ theo tình trạng viêm, ngạt tắc mũi 1 hay cả 2 bên, mức độ vừa nhẹ, từng lúc hay tắc mũi liên tục gây mất ngửi, ngạt nhiều bên đau, ngạt tăng về ban đêm.

– Chảy mũi: chảy mũi vàng đục làm hoen bẩn khăn tay, có mũi hôi. Đôi khi xì mạnh thường gây đau và lẫn tia máu.

Thực thể:

– Soi mũi: khám mũi thấy niêm mạc mũi nề đỏ, cuốn mũi dưới cương to, đặt bông thấm Ephedrine 1% còn co hồi lại tốt. Cuốn mũi giữa nề, cần lưu ý quan sát ngách mũi giữa thấy có mủ đọng bám.

Trường hợp viêm xoang do răng số 5, 6, 7 hàm trên, thấy bị áp xe quanh răng đau, răng đau nhức theo nhịp đập, lợi quanh đó bị viêm, mủ chảy từ xoang ra rất thối. Khi ấn ngón tay ở mặt trước xoang gây đau: cụ thể ấn vùng hố nanh tương ứng với xoang hàm. Điểm Grunwald ấn góc trên trong hốc mắt với xoang sàng và điểm Ewing ấn đầu trên trong lông mày với xoang trán.

Điều trị:

Nghỉ ngơi, tránh các yếu tố kích thích. Đảm bảo dẫn lưu tốt mũi xoang, rỏ mũi để đảm bảo thông thoáng, xì mũi hoặc hút để tránh ứ đọng. Tại chỗ: xông hơi nóng với các tinh dầu thơm, khí dung với kháng sinh và corticoid. Toàn thân: dùng kháng sinh nếu có sốt cao, nhiễm khuẩn rõ. Uống hoặc tiêm trong 5 – 7 ngày, chống viêm, giảm đau hạ sốt và cho thêm vitamin C. Chỉ chọc rửa xoang hàm khi đã giảm viêm nhiễm (hết sốt, bạch cầu trong máu trở lại bình thường). Trường hợp do răng, cần nhổ và chữa răng.

Viêm xoang sàng cấp tính ở trẻ em

Triệu chứng mãn tính

Cơ năng:

– Đau: viêm mạn tính thường không đau, trừ những đợt hồi viêm. Thường chỉ là cảm giác nặng đầu, vị trí tuỳ theo loại xoang viêm. Viêm xoang trước thường nhức quanh mắt, hố nanh. Viêm xoang sau thường nhức sâu trong mắt hoặc ở vùng đỉnh chẩm.

– Ngạt tắc mũi thường xuyên. Chảy mũi kéo dài ra cửa mũi trước, mủ xanh hoặc mủ vàng, nếu là viêm xoang trước mạn tính. Viêm xoang sau: mủ hoặc chất nhầy chảy xuống họng, bệnh nhân phải khịt, khạc, nhổ thường xuyên. Hay có biến chứng mắt như viêm thần kinh thị giác sau nhãn cầu, viêm mống mắt thể mi…

Thực thể:

Triệu chứng viêm nhóm xoang trước mãn tính.

Ngách mũi giữa nề và ướt hoặc mủ chảy từ ngách mũi giữa xuống cuốn mũi dưới, hoặc có ít mủ đọng khô ở bờ dưới cuốn mũi giữa. Cuốn mũi dưới nề to. Niêm mạc ngách mũi giữa phù nề, có khi thoái hoá thành polyp. Xuất hiện gờ Kauffman (do phì đại niêm mạc ở ngách mũi giữa thành một đường gờ dài, trông như một cuốn mũi thứ hai nằm ngoài cuốn mũi giữa). Soi mũi sau: mủ đọng ở sàn mũi hoặc ở đuôi cuốn mũi dưới.

Triệu chứng viêm nhóm xoang sau mãn tính.

Soi mũi trước nhiều khi không có gì. Soi mũi sau: thấy chất nhầy mủ xuất phát từ ngách trên chảy ra cửa mũi sau, tỏa xuống vòm mũi họng. Khám họng: thành sau họng viêm mạn tính với nhiều tổ chức lymphô đỏ và chất nhầy đặc bám. X-quang: Blondeau và Hirtz có giá trị trong chẩn đoán xác định: hình xoang mờ đều, hình dày niêm mạc, hình polyp…

Điều trị:

Phương pháp điều trị bảo tồn viêm đa xoang mãn tính: Kháng sinh, chống viêm, giảm đau… (nếu có hồi viêm). Khí dung, Proetz… Chọc xoang hàm để ống dẫn lưu, rửa và bơm thuốc. Nhổ, chữa răng nếu do răng. Vacxin chống nhiễm khuẩn. Vitamin A và B. Giảm mẫn cảm nếu có dị ứng.

Phương pháp điều trị phẫu thuật viêm đa xoang mãn tính:

Phẫu thuật nội soi chức năng mũi, xoang (FESS – Functional Endoscopic Sinus Surgery). Phẫu thuật nạo sàng hàm (Caldwell Luc). Phẫu thuật vách ngăn (nếu nguyên nhân do dị hình vách ngăn).

Chỉ định phẫu thuật xoang:

Viêm xoang gây ra các biến chứng: não, mắt, xuất ngoại… Viêm xoang nguyên nhân do các dị vật trong xoang. Viêm xoang đã có thoái hoá dạng polyp. Các khối u trong xoang (khối u lành tính hoặc ác tính).

Viêm xoang mủ mãn tính, chọc dò xoang hàm để ống dẫn lưu và rửa nhiều lần nếu qua 10 lần không đỡ nên chuyển sang phẫu thuật.

Chúc bạn mau khỏi bệnh.

Nguồn sưu tầm Nguồn: songkhoe.vn

Chữa trị viêm xoang mãn tính


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ. Cháu là nữ, cháu 17 tuổi ạ. Cháu bị viêm xoang từ lâu rồi, cháu nghĩ thế vì cháu biết được nó qua những triệu chứng mà cháu đã gặp phải từ việc đọc sách, báo. Căn bệnh tác động khá nhiều đến cháu nhưng do không có điều kiện, kinh tế gia đình cháu không mấy khá giả nên cháu cứ để vậy ạ. Sau 1 vụ ốm nặng, cháu được bố mẹ đưa tới bệnh viện tư nhân, và biết rõ là bị viêm xoang. Cháu uống hết 7 liều thuốc và sử dụng thuốc xịt mũi như hướng dẫn của bác sĩ và thấy bệnh cũng đã đỡ hơn. Vì bố mẹ cháu không có điều kiện nên không đưa cháu đến kiểm tra lại nữa. Cháu ngừng thuốc không sử dụng nữa, nhưng đôi khi vẫn cảm thấy đau đầu, đứng lên chóng mặt và còn xì mũi nữa. Vậy thưa bác sĩ, việc cháu ngừng không dùng thuốc nữa có tác động gì về sau không ạ? Và cháu cần làm gì để cải thiện tình trạng đau đầu, chóng mặt rất hay diễn ra của mình ạ?

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào cháu.

Theo như thư cháu kể thì cháu đã được bác sĩ chẩn đoán là bị viêm xoang và được uống thuốc chữa trị. Sau khi chữa trị bệnh có đỡ hơn. Tuy nhiên cháu đã ngừng uống thuốc gần đây cháu lại thấy xuất hiện các biểu hiện đau đầu, chóng mặt, xì mũi. Như vậy nhiều khả năng bệnh viêm xoang của cháu chưa được điều trị dứt điểm và trở thành viêm xoang mãn tính.

Trong viêm xoang mãn tính, các xoang (là những hốc rỗng của xương sọ, nằm xung quanh mũi) bị viêm và sưng lên.

– Nước mũi có màu vàng, xanh, hôi có thể chảy ra ngoài hoặc chảy xuống họng

– Ngạt mũi, đau đầu, đau quanh mắt, má, mũi, trán

– Giảm cảm giác mùi

– Ho, có thể nặng hơn vào ban đêm.

Các thuốc thường dùng chữa trị viêm xoang mãn tính bao gồm:

– Corticosteroid xịt mũi : giúp ngăn ngừa và chữa trị viêm. Ví dụ như fluticasone, budesonide, triamcinolone, mometasone và beclomethasone.

– Thuốc thông mũi. Ví dụ như các thuốc xịt mũi bao gồm phenylephrine và oxymetazoline. Những thuốc này chỉ được dùng một vài ngày, nếu không thuốc có thể khiến bệnh nặng hơn.

– Thuốc giảm đau như aspirin, acetaminophen hoặc ibuprofen.

– Thuốc kháng sinh dùng để chữa trị viêm xoang mãn tính gây ra do nhiễm khuẩn bao gồm amoxicillin, doxycycline hoặc thuốc kết hợp trimethoprim – sulfamethoxazole.

Điều quan trọng khi thuốc kháng sinh là phải chữa trị đúng liều và đủ liều theo đơn của bác sĩ, có nghĩa là cần dùng thuốc ngay cả sau khi các biểu hiện hết. Nếu ngưng thuốc sớm, các biểu hiện có thể quay trở lại. Ngoài ra, cháu có thể áp dụng thêm những cách sau:

– Nghỉ ngơi nhiều. Điều này sẽ giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và tốc độ phục hồi nhanh.

– Rửa mũi bằng nước muối: dùng dung dịch nước muối sinh lý có bán tại các hiệu thuốc nhỏ mũi nhiều lần trong ngày để rửa mũi.

– Uống nhiều chất lỏng, như nước hoặc nước trái cây. Điều này sẽ giúp làm loãng chất nhầy tiết ra và thúc đẩy thoát nước. Tránh cà phê hoặc rượu vì chúng gây mất nước. Uống rượu cũng có thể khiến niêm mạc của xoang và mũi phù nề nhiều hơn.

– Xông hơi. Trùm một chiếc khăn qua đầu trong khi hít thở hơi nước từ một bát nước nóng, giữ hơi nước hướng về khuôn mặt. Hoặc xả nước nóng trong phòng tắm và hít thở hơi nước ấm và ẩm. Xông hơi sẽ giúp giảm đau và giúp làm loãng chất nhầy, khiến mũi thông thoáng hơn.

– Chườm ấm khuôn mặt. Dùng khăn ấm và ẩm chườm quanh mũi, má và mắt để giảm đau.

– Nằm đầu cao khi ngủ giúp xoang lưu thông, giảm bớt tắc nghẽn. Viêm xoang mãn tính có nhiều lí do và tương đối khó chữa trị. Bệnh thường diễn ra dai dẳng và hay tái phát.

Việc uống thuốc, nhất là thuốc corticoid và kháng sinh cần theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ nguy hiểm. Với những tình huống viêm xoang nặng, chữa trị thuốc không thấy kết quả có thể cần phẫu thuật để giải quyết triệt để lí do. Vì thế cháu nên đi khám sớm tại chuyên khoa tai mũi họng để được các bác sĩ chẩn đoán và chữa trị kịp thời.

Chúc cháu mau khỏi bệnh.

Chữa bệnh viêm xoang khi giao mùa?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Làm cách nào để chữa bệnh viêm xoang trong thời tiết giao mùa hiện nay? Xin cám ơn Bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào bạn.

Khi thời tiết chuyển mùa thì những bệnh về đường hô hấp rất dễ mắc phải và dễ bị tái phát, đặc biệt là bệnh viêm xoang. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và nếu không biết cách phòng tránh, chữa trị kịp thời thì bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính.

Xoang là những khoảng trống của xương sọ, các khoảng trống đó được tạo nên quanh hốc mũi, do cấu tạo của xoang là các hộp rỗng nên chúng có khả năng làm giảm trọng lượng của khối hộp sọ và tham gia điều hòa không khí. Các xoang còn có nhiệm vụ hết sức quan trọng là làm ấm không khí mỗi khi thời tiết lạnh và làm mát không khí khi trời nóng nhờ vào sự điều hòa của hệ thống mao mạch của xoang.

Viêm xoang là bệnh xảy ra do các xoang cạnh mũi bị viêm, đa số là do nhiễm trùng. Viêm xoang được phân loại làm 2 là cấp tính và mãn tính.

Một số lí do dẫn đến viêm xoang:

Do bị viêm nhiễm vi khuẩn,vi rút làm cho sự lưu thông giữa các khoang bị ứ trệ ,chất nhầy ở các xoang thoát ra không kịp, lỗ thông xoang gần như bị tắc nghẽn

Do sức đề kháng của cơ thể kém, dẫn đến suy giảm hệ thống miễn dịch ,suy yếu niêm mạc đường hô hấp

Do hệ thống lông chuyển, có chức năng vận chuyển các chất nhầy trong xoang ra ngoài kém, tuyến nhầy của niêm mạc xoang hoạt

Triệu chứng của viêm xoang:

Đau nhức vùng xoang bị viêm, xuất hiện chảy dịch nhầy lên phía mũi hoặc xuống họng

Tùy theo mức độ nặng nhẹ, dịch sẽ có màu trắng đục, vàng nhạt, xanh, có mùi hôi

Nghẹt mũi: có thể nghẹt một bên hoặc hai bên, ngửi không biết mùi

Điều trị viêm xoang:

Dùng thuốc kháng sinh khoảng từ 10 đến 14 ngày, kết hợp với các thuốc kháng viêm, chống phù nề tại chỗ, các thuốc có tác dụng làm loãng dịch nhầy để giúp thông thoáng đường thở. Lưu ý cần sử dụng kháng sinh theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra có thể dùng thêm một số thuốc chiết xuất từ thảo dược, như thuốc xịt mũi Hoa ngũ sắc (chiết xuất từ cây hoa ngũ sắc, còn gọi là cây cứt lợn) cũng có tác dụng tốt trong chữa trị viêm xoang.

Phòng bệnh viêm xoang cũng giống như phòng các bệnh về đường hô hấp, khi thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh, cần giữ ấm, nhất là vùng cổ, ngực, mũi. Mỗi khi ra đường, nên dùng khẩu trang ngăn khói bụi.

Giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ, tránh xa khói bụi độc hại, không hút thuốc lá, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, luyện tập thể thao hàng ngày

Vệ sinh vùng họng, miệng hàng ngày bằng cách súc họng bằng nước muối ấm, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý sẽ hạn chế rất nhiều viêm xoang cũng như viêm xoang tái phát.

Bệnh có thể lây lan, nên không dùng chung đồ dùng cá nhân của người bị viêm xoang. Nếu thấy triệu chứng của những biểu hiện trên cần được khám và chữa trị ngay, tránh để bệnh kéo dài sẽ dẫn đến mãn tính.

Chúc bạn luôn mạnh khỏe!

Bệnh viêm xoang chữa thế nào?


Câu hỏi bởi: huongthanhtr

Thưa bác sĩ!

Em năm nay 29 tuổi. Cách đây 1 tuần em cảm giác buốt và hơi nhức trong mũi rất khó chịu. Em đi khám, bác sĩ kết luận em bị viêm xoang. Em xin hỏi bệnh này chữa thế nào ạ?

Xin cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào em!

Em đi khám bệnh được bác sĩ kết luận em bị viêm xoang, vậy là em đã được bác sĩ giải đáp, chỉ định chữa trị theo cách tương ứng phù hợp cơ thể rồi, em nên thực hiện đúng y lệnh. Trong quá trình chữa trị nên duy trì liên lạc với bác sĩ để được tư vẫn, chữa trị tốt nhất. Sau khi chữa trị hết một đợt mà vẫn không khỏi thì em nên đến bệnh viện hoặc khoa Tai Mũi Họng để khám và có thể có phác đồ chữa trị khác phù hợp với em hơn.

Viêm xoang là một bệnh xảy ra do viêm các xoang cạnh mũi – đa số bởi nhiễm trùng. Viêm xoang được phân loại theo cấp tính và mãn tính. Viêm xoang cấp tính thường chữa trị nội khoa, còn mạn tính thì phải chữa trị ngoại khoa. Em có thể tham khảo cách chữa trị viêm xoang dưới đây: Giữ nhiệt độ trong nhà vừa phải, xông mũi bằng hơi nước nóng, uống nước nhiều để làm loãng các chất tiết. Nếu viêm xoang do vi trùng, em có thể phải uống uống 1 đợt kháng sinh từ 10-14 ngày. Thuốc chống sổ mũi có thể giúp mủ và chất nhầy thoát ra, nhưng cũng phải cẩn thận khi dùng vì có thể gây hại nhiều hơn lợi khi làm khô mũi quá mức và các chất không thoát ra ngoài được. Kèm theo chữa trị bằng thuốc, có thể rửa xoang, bệnh nhân thường thấy dễ chịu sau vài lần rửa.

Nếu viêm xoang không bớt sau khi uống thuốc, bác sĩ có thể gây tê và chọc xoang để thoát các chất ứ đọng và phải mổ xoang trong tình huống vẹo vách ngăn. Một cách đơn giản để chữa trị viêm xoang là dùng lá cây cứt lợn giã lấy nước, nhỏ vào mũi, hoặc dùng nước muối sinh lý ngâm ấm 30 độ C cùng với vài lát tỏi. Sau đó dùng xilanh (bỏ mũi kim) bơm vào mũi. Nếu chữa trị nội khoa mà bệnh không thuyên giảm, nhiều bệnh nhân cần chữa trị ngoại khoa.

Chúc em khoẻ!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl