Động mạch vành và những thắc mắc của người bệnh


4,226
1
1
Xu
53
Khi mắc phải động mạch vành, người bệnh sẽ có nhiều thắc mắc, một số hỏi đáp dưới đây đã được các bác sĩ chuyên khoa giải đáp phần nào sẽ giúp bạn hiểu thêm về căn bệnh này.

Bệnh động mạch vành có thể chơi thể thao được không?


Câu hỏi bởi: thanhdung

Chào bác sĩ!

Tôi năm nay 45 tuổi và bị bệnh động mạch vành. Vậy tôi có thể chơi thể thao được không?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn!

Những bệnh nhân bị bệnh mạch vành thường e sợ hoạt động thể thao sẽ gây nguy hiểm cho quả tim của họ. Tuy nhiên, tập luyện thể dục thể thao đều đặn lại là một phần của quá trình chữa trị. Nó có tác dụng hạn chế sự tiến triển của bệnh thông qua cải thiện các nguy cơ tim mạch khác như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường… Nhiều nghiên cứu cho thấy vận động thể dục đều đặn và đúng cách cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh, đồng thời giảm tỉ lệ tái phát cơn đau thắt ngực.

Bạn nên tránh những môn thể thao nặng, đòi hỏi nhiều oxy như chạy bộ, bơi nhanh, quần vợt. Thay vào đó, bạn có thể đi bộ, đạp xe, tập yoga, tập thái cực quyền, bơi chậm. Có một số nguyên tắc bạn nên tuân theo nếu muốn việc tập luyện thể thao thực sự đem lại lợi ích cho bệnh mạch vành của bạn:

• Bạn cần giải đáp bác sĩ để đánh giá khả năng gắng sức của bạn.

• Tập luyện kiên trì trong thời gian dài.

• Tập luyện đều đặn tất cả các ngày trong tuần (hoặc ít ra tối thiểu 4-5 buổi/tuần).

• Mỗi buổi tập kéo dài ít nhất khoảng 30 phút.

• Tập luyện với cường độ vừa đủ, đủ để làm nóng cơ thể, ra mồ hôi nhẹ. Đừng tập đến mức gây khó thở.

• Tránh những hoạt động thể lực có thể gây tăng áp lực lồng ngực hay áp lực ổ bụng.

• Nếu bạn mới bắt đầu tập luyện sau thời gian bị bệnh, hãy khởi đầu với cường độ thấp trong thời gian ngắn, sau đó tăng dần mức tập và thời gian tập

• Ngừng ngay mọi hoạt động thể lực và đến khám bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng tức ngực, khó thở, chóng mặt… khi tập thể thao.

Chúc bạn mạnh khoẻ!

Các biện pháp nào để xác định bị bệnh động mạch vành?


Câu hỏi bởi: thanhdung

Chào bác sĩ.

Người thân của tôi dạo này sức khỏe kém, bị đau tim đã lâu. Chẩn đoán bị bệnh động mạch vành. Bác sĩ cho tôi hỏi: Các biện pháp nào để xác định bị bệnh động mạch vành như thế nào ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn.

Với bệnh nhân có bệnh động mạch vành, biểu hiện đầu tiên thường là cơn đau thắt ngực. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân không đau ngực hoặc cơn đau không điển hình. Nếu nghi ngờ người bệnh có bệnh mạch vành, bác sĩ có thể yêu cầu làm một số thăm dò để xác định bệnh. Điện tâm đồ: Điện tâm đồ là biện pháp đơn giản nhất để tìm các dấu hiệu của bệnh mạch vành. Điện tâm đồ có thể có các triệu chứng thiếu máu cơ tim hay hoại tử cơ tim, các biến chứng của bệnh mạch vành như dày thành tim, giãn buồng tim rối loạn nhịp tim. Điện tâm đồ là một thăm dò không chảy máu, đơn giản, ít tốn kém, có thể tiến hành trong vòng 5 phút. Tuy nhiên, có khá nhiều tình huống có bệnh mạch vành mà điện tâm đồ lại không biến đổi. Ngược lại, điện tâm đồ có thể biến đổi trong khi bạn lại không có bệnh mạch vành (tình huống nữ giới, bệnh nhân béo phì, tăng huyết áp). Lưu giữ các điện tâm đồ cũ để so sánh và xác định những biến đổi mới cho phép nâng cao khả năng phát hiện bệnh mạch vành.

Siêu âm tim: Siêu âm tim đánh giá vận động các thành tim. Nếu bạn có bệnh động mạch vành, vùng cơ tim được cấp máu bởi nhánh mạch vành đó sẽ không được cấp đủ oxy. Vùng cơ tim đó sẽ có hiện tượng rối loạn vận động so với các vùng khác (có thể giảm vận động hoặc hoàn toàn không vận động). Siêu âm tim cũng là một thăm dò không chảy máu, tuy nhiên đòi hỏi phương tiện hiện đại (máy siêu âm) cũng như bác sĩ được đào tạo chuyên khoa.

Mặt khác, siêu âm tim thường chỉ phát hiện được bệnh mạch vành ở giai đoạn muộn khi bệnh đã gây ra các rối loạn vận động buồng tim. Nghiệm pháp gắng sức: Nghiệm pháp gắng sức là biện pháp kinh điển để chẩn đoán bệnh mạch vành. Như chúng ta đã biết, khi nghỉ ngơi thì động mạch vành dù bị hẹp vẫn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu oxy của cơ thể. Khi phải gắng sức, nhu cầu oxy cơ thể tăng lên, và khi đó mới lộ ra các dấu hiệu thiếu máu cơ tim. Thầy thuốc có thể yêu cầu người bệnh chạy trên thảm chạy, hoặc đạp xe tại chỗ với tốc độ tăng dần, hoặc họ sẽ truyền thuốc cho người bệnh để gây tình trạng gắng sức thực nghiệm…

Tình trạng thiếu máu cơ tim khi gắng sức sẽ được ghi nhận và đánh giá bằng một số biện pháp như điện tâm đồ gắng sức, siêu âm tim gắng sức, hoặc xạ hình cơ tim gắng sức. Qua đó, thầy thuốc đánh giá người bệnh có khả năng bị bệnh mạch vành hay không và mức độ như thế nào. Thăm dò chẩn đoán hình ảnh: Các thăm dò chẩn đoán hình ảnh, như chụp cắt lớp vi tính đa dãy động mạch vành, chụp cộng hưởng từ tim, chụp phóng xạ tưới máu cơ tim ngày càng được ứng dụng rộng rãi để chẩn đoán sớm động mạch vành. Chụp cắt lớp vi tính đa dãy mạch vành đã khá phổ biến ở các trung tâm tim mạch lớn trong nước. Phim chụp sẽ cung cấp hình ảnh giải phẫu của mạch vành, cho biết mức độ vôi hóa mạch vành, nhánh mạch vành bị hẹp, mức độ hẹp, cũng như các bất thường giải phẫu khác. Thông tim và chụp động mạch vành: Thông tim và chụp động mạch vành là biện pháp hiện đại nhất để chẩn đoán bệnh mạch vành.

Thủ thuật này được tiến hành trong phòng tim mạch can thiệp với các thiết bị chụp mạch và màn huỳnh quang tăng sáng hiện đại. Qua đường động mạch quay hoặc động mạch đùi, bác sĩ sẽ đưa một ống thông lên tim của bạn vào nhánh động mạch vành. Qua ống thông đó bác sĩ sẽ tiêm một dung dịch đặc biệt là chất cản quang vào động mạch vành của bạn. Chất cản quang cho phép bác sĩ nhìn thấy hình dạng, kích thước mạch vành trên màn huỳnh quang, đánh giá vị trí hẹp và mức độ hẹp mạch vành. Chụp động mạch vành qua da là một biện pháp thăm dò chảy máu, tuy nhiên hoàn toàn không đau đớn (không cần gây mê, chỉ cần gây tê tại chỗ) và rất hiếm gặp biến chứng. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp để xác định bệnh mạch vành đã nêu chỉ có thể đánh giá được bệnh lý mạch vành tại thời điểm thăm khám trong khi bệnh mạch vành là bệnh lý tiến triển liên tục theo thời gian, do vậy bạn cần lưu ý đi khám định kỳ, áp dụng các biện pháp phòng bệnh để kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành và giải đáp bác sĩ chuyên khoa Tim mạch bất cứ khi nào có các triệu chứng nghi ngờ bệnh mạch vành.

Chúc bạn mạnh khỏe.

Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh động mạch vành?


Câu hỏi bởi: ChiliCa

Chào bác sĩ.

Xin hỏi bác sĩ: Làm thế nào ngăn ngừa bệnh động mạch vành?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn.

Để ngăn ngừa bệnh động mạch vành trước tiên, cùng với sự giúp đỡ của thầy thuốc, bạn phải đánh giá là mình thuộc nhóm nguy cơ thấp hay cao.

Nhiều câu hỏi bạn có thể tự trả lời được. Bạn có hút thuốc? Bạn có thừa cân? Bạn có uống quá nhiều rượu? Có ai trong gia đình bạn mắc bệnh tim mạch hay tăng huyết áp? Tuy nhiên, để đánh giá đầy đủ về mức độ nguy cơ của bản thân, bạn cần có sự trợ giúp của thầy thuốc. Thầy thuốc sẽ đo huyết áp, sẽ gửi máu của bạn đi làm xét nghiệm về Cholesterol, Triglycerid, đường trong máu đồng thời khai thác tiền sử và tiến hành quá trình thăm khám. Thầy thuốc có thể ghi điện tâm đồ hoặc tiến hành một vài xét nghiệm chuyên biệt nào đó để xác định xem quả tim bạn có bị phì đại hay bất thường không. Bằng việc kết hợp những thông tin thu được về các yếu tố, thầy thuốc sẽ giúp bạn xác định được tổng nguy cơ.

Khi các thông số về nguy cơ đã được thu thập và lượng giá, một chương trình chữa trị hướng tới việc điều chỉnh các yếu tố nguy cơ có thể được bắt đầu.

Nếu bạn là người không mang yếu tố nguy cơ và không mắc bệnh tim mạch, những lời khuyên đơn giản dưới đây sẽ luôn hữu ích và nếu có, cũng sẽ rất ít gây hại cho bạn:

Thực hiện chế độ ăn uống có lợi cho tim, ít mỡ bão hoà và Cholesterol, nhiều rau, quả, cá,…

Giảm cân nặng nếu bạn thừa cân.

Hạn chế muối đưa vào cơ thể. Đa số chúng ta ăn nhiều muối hơn lượng cơ thể chúng ta cần. Nhiều thức ăn tự nhiên đã chứa muối hoặc muối đã được thêm vào trong quá trình chế biến. Đơn giản nhất, bạn hãy hạn chế cho muối vào thức ăn khi nấu nướng.

Bắt đầu một chương trình tập luyện thể dục. Tập luyện đều đặn có lợi cho tất cả mọi người. Bạn hãy chọn một phương pháp phù hợp với sở thích, thời gian và khả năng của bạn. Luyện tập đều đặn, mỗi ngày ít nhất 45 phút.

Nếu bạn hút thuốc, hãy ngừng ngay.

Nếu bạn uống rượu, hãy vừa phải.

Học cách làm giảm căng thẳng, tránh phản ứng với các trường hợp có thể gây stress bởi nó chỉ làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn mà thôi.

Đi khám bệnh định kỳ để đánh giá mức độ nguy cơ của bạn. Một hồ sơ hoàn toàn trong sạch về sức khoẻ tại một thời điểm nào đó không thể suốt đời đảm bảo được rằng bạn không có bệnh tật.

Trong trường hợp bạn đã được xác định tăng huyết áp hoặc có lượng Cholesterol trong máu cao? Thời gian bắt đầu và việc chọn lựa một phác đồ chữa trị hãy để người thầy thuốc quyết định, tất nhiên phải có sự đồng ý của bạn. Nhìn chung, khi bị tăng huyết áp, tăng lượng Cholesterol trong máu hoặc có nhiều yếu tố nguy cơ kết hợp, bạn cần được chữa trị bằng thuốc. Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể khởi đầu bằng thực hiện chế độ ăn kiêng, tập luyện thể lực và điều chỉnh các thói quen có hại.

Chúc bạn vui vẻ.

Nữ giới có bị động mạch vành không?


Câu hỏi bởi: Thu Hằng

Thưa bác sĩ!

Bác sĩ cho tôi hỏi: Nữ giới có thể bị bệnh động mạch vành không ạ, hay chỉ có nam giới bị thôi?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn!

“Bệnh động mạch vành là bệnh của đàn ông” – đây là một quan niệm phổ biến của nhân dân ta nhưng sự thực là nữ giới cũng hoàn toàn có thể mắc bệnh động mạch vành. Tại nước có nền y học phát triển hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở nữ giới lại chính là bệnh động mạch vành.

Sau khi mãn kinh, nguy cơ bị bệnh động mạch vành ở nữ giới sẽ gia tăng. Ở độ tuổi 50, người phụ nữ sẽ đối mặt với sự gia tăng 46% nguy cơ bị bệnh mạch vành và 31% nguy cơ có thể tử vong do bệnh này. Còn ở tuổi 75, nguy cơ bị bệnh ở nữ lúc này là ngang bằng với nam giới.

Các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch gia tăng sau độ tuổi mãn kinh bao gồm: Tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, béo phì, lối sống tĩnh tại, ít vận động,…

Đặc điểm cần lưu ý là biểu hiện bệnh mạch vành cấp ở phụ nữ thường mơ hồ làm rất khó khăn trong chẩn đoán, gần 40% là không có biểu hiện đau ngực, và thường có thể có những triệu chứng của những cơn đau khác như đau ở cổ, vai, vùng dạ dày, nhịp thở gấp, nôn mửa, đổ mồ hôi, hoa mắt chóng mặt hoặc những sự mệt mỏi khác dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Mặt khác, 2/3 bệnh mạch vành ở phụ nữ thường chết đột ngột không có dấu hiệu báo trước.

Ngoài ra, một đặc tính có tính cách truyền thống của phụ nữ Á đông là luôn có tính chịu đựng, chịu thương, chịu khó, luôn hết mình lo cho chồng, cho con, cho gia đình hơn là cho chính bản thân mình nên dẫn đến khi phát hiện bệnh thì thường đã nặng. Đa số phụ nữ khi phát hiện các bệnh lý nguy cơ tim mạch không chữa trị sớm, thậm chí ngay cả khi lên cơn đau, vẫn có khuynh hướng lưỡng lự do dự chần chừ không đi cấp cứu sớm. Chính vì vậy Đại hội Tim mạch toàn quốc năm 2010 đã tập trung cảnh báo về nguy cơ bệnh tim mạch ở phụ nữ mà đã được thế giới đặc biệt chú ý trong nhiều năm qua.

Chúc bạn sức khỏe!

Bệnh thiếu máu cơ tim có mang thai được không?


Câu hỏi bởi: linhtran

Thưa bác sĩ!

Em năm nay 21 tuổi, khi đi khám bác sĩ nói là bị thiếu máu cơ tim. Em muốn biết bị thiếu máu cơ tim thì có thể có bầu không? Em hay bị hụt hơi khi đang hít thở bình thường và phải hít thật sâu vào mới có thể thở lại bình thường. Xin hỏi bác sĩ như vậy thì bệnh cuả em có nặng lắm không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Thiểu năng động mạch vành hay thiếu máu cơ tim có triệu chứng chủ yếu bằng biểu hiện đau thắt ngực, dấu hiệu đau ngực như đè ép tim hoặc bóp nghẹt tim, thường đau lan lên cằm trái, vai hay cánh tay trái. Cơn đau thường chỉ kéo dài vài chục giây đến vài phút, nếu đau kéo dài thì phải cẩn thận vì có thể bị nhồi máu cơ tim. Nguyên nhân của thiếu máu cơ tim là do động mạch vành nuôi dưỡng cơ tim bị hẹp lại do vữa xơ động mạch. Do bị hẹp nên động mạch vành không cung cấp đủ máu cho cơ tim khi cơ tim cần nhiều oxy hơn lúc đó sẽ xảy ra hiện tượng đau thắt ngực, nếu không được chữa trị tốt, có thể sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim hay đột tử.

Khi bạn được chẩn đoán bị bệnh thiểu năng vành rồi, thì việc chữa trị là bắt buộc và thời gian chữa trị thường lâu dài. Cũng như các bệnh tim mạch khác, khi bị thiểu năng vành bạn cần rất cân nhắc trước khi có con. Bạn cần tham khảo trực tiếp bác sĩ chữa trị bệnh thiểu năng vành cho bạn. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe chung, tình trạng bệnh của bạn, mức độ an toàn khi mang thai, và có cần chữa trị ổn trước khi có thai không, có cần uống thuốc hoặc cách thức chữa trị nào trong thai kỳ không…? Những điều này, bác sĩ chữa trị trực tiếp sẽ là người giải đáp cho bạn tốt nhất.

Chúc bạn mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl