5 cách giảm đau răng tối ưu nhất


4,226
1
1
Xu
53
Đau răng không chỉ gây cảm giác khó chịu, đau đớn mà còn ảnh hưởng lớn tới công việc và cuộc sống của người bệnh. Do đó, làm sao để chấm dứt nhanh những cơn đau răng là vấn đề luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm.

Đau răng thì phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Nếu bị đau răng thì làm thế nào ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thanh


Chào bạn.

Đau răng có rất nhiều lí do:

– Viêm tủy răng: Tủy răng là hệ thống mạch máu và thần kinh giúp nuôi dưỡng và dẫn truyền cảm giác, được bảo vệ bởi men răng, xương răng… Khi tổ chức bảo vệ tủy răng bị tổn thương (sâu răng, vỡ hay mẻ răng, mòn cổ răng…) dẫn đến viêm tủy răng. Giai đoạn đầu của viêm tủy răng, cơn đau thường thoáng qua vài phút, đau tăng khi bị kích thích như ăn nóng, lạnh, chua. Về sau, cơn đau nhức kéo dài, rất khó chịu, nhất là về ban đêm. Trường hợp này, phải điều trị tủy (điều trị nội nha) là quá trình lấy sạch tủy bị tổn thương, trám bít hệ thống ống tủy, ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn, giúp loại bỏ viêm nhiễm và bảo tồn mô răng còn lại.

– Viêm quanh chóp răng (cuống răng): là tình trạng viêm xảy ra ở tổ chức quanh chóp của răng sau khi tủy đã chết. Tổ chức bị viêm gồm có dây chằng quanh răng và xương ổ răng. Nguyên nhân: do tủy bị hoại tử không được điều trị, bệnh nha chu, sang chấn răng… dẫn đến hiện tượng viêm quanh cuống răng, việc chữa trị là rất cần thiết để loại bỏ toàn bộ tổ chức hoại tử, vi khuẩn, độc tố vi khuẩn, những yếu tố kích thích khác có trong ống tuỷ và tổ chức cuống, tạo điều kiện cho tổ chức cuống hồi phục sau chữa trị. Trong quá trình chữa trị phải đảm bảo vô trùng và không gây bội nhiễm thêm tổ chức vùng cuống răng.

– Mọc răng số 8 (răng khôn): Răng số 8, mọc từ lúc 17 tuổi đến 25 tuổi. Răng không mọc lên được, lợi trùm lên răng, thức ăn và vi khuẩn giắt vào túi lợi gây viêm mủ. Nếu viêm lan rộng có thể bị sưng to một bên mặt, đau không há được miệng, không ăn uống được. Cần xử trí bằng cách chích mủ, uống hoặc tiêm kháng sinh.

Trường hợp của bạn nên đi khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt, bác sĩ sẽ tìm lí do gây đau răng và điều trị theo lí do, cho dù bạn đau răng do lí do gì thì việc điều trị sớm là rất cần thiết. Định kỳ kiểm tra răng miệng 6 tháng/lần nhằm phát hiện sớm các bệnh lý về răng miệng.

Chúc bạn mau khỏi!

Đau răng và đau đầu vào ban đêm phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 20 tuổi. Gần đây cháu bị xuất hiện triệu trứng đau răng và kèm theo đau nửa đầu bên trái và đau cực mạnh vào ban đêm. Bác sĩ giải đáp giúp cháu xem đây là bệnh gì và cách điều trị ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Triệu chứng đau răng kèm theo đau nửa đầu bên trái như tình huống của bạn có thể do các bệnh lý về răng hoặc bệnh lý về thần kinh. Các bệnh lý về răng có thể gặp như các viêm nhiễm (viêm quanh răng, viêm lợi, abcess,…), mọc răng số 8 bình thường và bệnh lý, sâu răng,… Bệnh lý thần kinh có thể gây đau răng và đau nửa đầu là bệnh đau dây thần kinh số V.

Nguyên nhân của tình trạng này thường là do dây thần kinh số V là dây thần kinh chi phối cảm giác cho vùng mặt cùng bện bị chèn ép, có thể do mạch máu hoặc do khối u chèn ép và gây đau. Vì vậy, bạn nên đi khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt để bác sĩ chuyên khoa trực tiếp khám và tìm lí do để chữa trị cho bạn.

Chúc bạn sức khỏe!

Bị đau răng cấm nhưng không được nhổ phải làm thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Cháu là nam, 15 tuổi. Cháu bị đau răng nửa năm nay, đau răng cấm, tái phát nhiều lần. Cháu có đi khám thì bác sĩ bảo không nhổ răng đó được, phải để nó bung ra. Hiện cháu có dùng thuốc giảm đau nhưng thường xuyên bị tái phát. Mỗi khi uống nước lạnh, răng cháu lại tê nhức, khi ăn nhai cũng đau. Xin hỏi bác sĩ cháu phải làm gì để hết đau ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Răng cấm là thuật ngữ dân gian, trong thuật ngữ y học, đó là răng số 6. Hiện tượng đau răng của bạn có thể do nhiều bệnh lý gây nên: các bệnh viêm nhiễm (viêm lợi, viêm quanh răng,…), bệnh sâu răng, mẻ răng, viêm tủy răng… Đối với các viêm nhiễm, trước tiên cần chữa trị bảo tồn bằng các thuốc kháng sinh, chống viêm, giảm đau. Nếu các viêm nhiễm của răng miệng hay sâu răng không được chữa trị tốt có thể dẫn tới tổn thương tủy răng, biểu hiện đau thường đi kèm với hiện tượng tê buốt ở răng bị tổn thương. Khi đó sẽ cần phải chữa trị tủy hoặc thay thế bằng răng giả thì mới có thể hết đau được.

Trường hợp của bạn, nghi ngờ có tổn thương tủy răng, vì vậy bạn nên đi khám chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt để bác sĩ khám và chữa trị tiếp cho bạn.

Chúc bạn khỏe!

Đau răng sâu, 2 bên hàm nổi hạch nhưng không đau phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cháu 17 tuổi, năm học cấp 2 cháu bị đau răng sâu, giờ 2 bên hàm của cháu có 2 cục hạch, không đau. Cho cháu hỏi là có nguy hiểm tác động gì không ạ? Cháu phải làm sao ạ?

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Nổi hạch vùng cổ là một biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau, có thể chỉ là tình trạng viêm nhiễm vùng mũi xoang nhưng cũng có thể là hạch di căn đến từ khối ung thư nằm ở chỗ khác trong cơ thể. Chính vì vậy hạch nổi vùng cổ thường được chia làm hai nhóm, một từ các bệnh lành tính, hai là từ các bệnh ác tính. Hạch cổ nổi được cho là lành tính nếu lí do đến từ các bệnh viêm thông thường của đường hô hấp trên như viêm loét amiđan, viêm họng, viêm tấy nướu (lợi) răng, viêm loét lớp lót của miệng, viêm tuyến nước bọt… Hoặc viêm đặc hiệu do lao, giang mai.

Hạch cổ nổi cũng có thể là ung thư hạch hoặc là hạch di căn của các khối ung thư từ các tổ chức kế cận như vòm mũi họng, hạ họng, thanh quản, phổi… Nhưng cũng có thể của các khối u nguyên phát từ xa như dạ dày, buồng trứng, tinh hoàn… Việc xác định hạch đó là gì phải cần được thăm khám kỹ qua sờ nắn bằng tay, tìm những ổ viêm nhiễm lân cận, cấy dịch, mủ, chất bã đậu từ hạch (nếu có).

Nếu nghi ngờ ung thư, bác sĩ có thể sử dụng máy nội soi để tầm soát khối u nguyên phát ở vùng mũi họng, thanh quản, đường tiêu hóa… thậm chí phải rạch một chút da cổ nơi hạch nổi để lấy một ít mô của hạch đem thử, xét nghiệm này được gọi là sinh thiết hạch (nếu bác sĩ thấy cần thiết) để xem đó là bệnh gì? Sự xác định có bị ung thư hay không phụ thuộc trực tiếp vào kết quả của xét nghiệm này.

Thường thì những hạch dạng ‘hạt đậu phộng’ nhiều khả năng chỉ là hạch viêm thông thường phản ứng với các ổ viêm gần đó. Theo tôi, bạn có thể đến bất kỳ cơ sở y khoa nào để khám Nội tổng quát hoặc Huyết học, có thể cần thiết sinh thiết hạch để xem đó là gì để xác định sớm bệnh trạng của mình.

Chúc bạn sức khoẻ!

Cách giảm đau răng như thế nào?


Câu hỏi bởi: pe_nhutnhat

Chào bác sĩ!

Người thân của tôi năm nay 17 tuổi, là nữ giới. Do bị sâu răng nên nhức răng và sưng nướu. Vậy có thể giảm đau bằng cách nào ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Bùi Thị Thư


Chào bạn!

Theo như bạn mô tả thì người thân của bạn đang bị viêm cuống răng. Đây là tình trạng biến chứng của răng sâu. Viêm quanh cuống răng (hay chóp răng) là tình trạng viêm xảy ra ở tổ chức quanh chóp của răng sau khi tủy đã chết. Trường hợp này cần đến bác sĩ Nha khoa để thăm khám và chữa trị. Các thuốc giảm đau chỉ chữa trị biểu hiện mà thôi.

Răng bị viêm quanh chóp cần được chữa tủy hoặc nhổ, việc chữa hay nhổ tùy thuộc vào mức độ tổn thương tổ chức cứng của răng và tổn thương của vùng quanh răng. Người thân của bạn đang đợt bệnh cấp cần được dùng kháng sinh và các thuốc làm giảm biểu hiện sưng đau. Nên dùng kháng sinh phổ rộng kết hợp với Metronidazole vì vùng chóp răng có thể có vi khuẩn kỵ khí, như thuốc Vidorigyl. Trong mỗi viên Vidorigyl có 100mg Acetyl Spiramycine và 125mg Metronidazole. Người lớn dùng liều 2 viên/lần, uống 2-3 lần/ngày sau bữa ăn. Ngoài ra có thể uống thuốc giảm đau loại Panadol 500mg uống 1 – 2 viên/lần. Viêm quanh cuống răng nếu không được chữa trị kịp thời có thể gây biến chứng viêm xương hàm, viêm mô tế bào…

Tóm lại, tình huống này cần đến phòng khám Nha khoa để được bác sĩ thăm khám, chữa trị tại chỗ và kê đơn thuốc phù hợp.

Chúc bạn và người thân vui, khỏe.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl