Dấu hiệu, nguyên nhân dẫn tới sỏi bàng quang


4,226
1
1
Xu
53
Sỏi bàng quang là một khối bao gồm các chất hóa học khác nhau được hình thành từ thận, niệu quản hay tạo ra ngay ở bàng quang. Vậy nhận biết bệnh như thế nào? Cùng tham khảo thêm thông tin về bệnh qua một số hỏi đáp dưới đây.

Đau ở vùng bụng phải, niệu quản phải giãn nhẹ, sát thành bàng quang có sỏi đường kính 6mm là bị bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Ngọc anh

Thưa Bác sĩ,

Em năm nay 31 tuổi, bị đau ở vùng bụng phải. Đi khám, xét nghiệm, siêu âm kết quả:

Niệu quản phải giãn nhẹ

Sát thành bàng quang có sỏi đường kính 6mm.

Bác sĩ đã kê đơn:

Zizu 200mg: 20 viên ngày 4 viên/sáng, tối.

Phartino: 30 viên ngày 4 viên/sáng, tối.

Buscopan 10mg: 30 viên 6 viên/sáng, tối.

Em bị đau và nôn nó có tác động gì không ? Em phải làm sao ? Mong bác sĩ giải đáp giúp em. Có phải tán hay mổ không ?

Em xin cám ơn.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn!

Bạn cần cảnh giác bệnh viêm ruột thừa vì đau vùng bụng bên phải kèm theo nôn.

Nếu bạn ấn vào điểm giữa của đường nối giữa rốn và xương cánh chậu thấy đau nhói hoặc đau nhiều ở vùng này kèm theo buồn nôn hoặc nôn, bụng chướng hơi, sốt thì nên đi khám Bác sĩ để loại trừ bệnh viêm ruột thừa hoặc chẩn đoán xác định để có biện pháp chữa trị kịp thời.

Bệnh viêm ruột thừa nếu mổ sớm, hậu phẫu xẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều và ít có biến chứng hơn.

Nếu do có sỏi ở niệu quản, thì hiện nay tại bệnh viện Việt Đức có kỹ thuật nội soi tán sỏi ngược dòng để tán sỏi, không phải mổ. Trước đây sỏi ở niệu quản phải mổ không tán bằng siêu âm được vì không thấy nước và sỏi bị cố định trong lòng niệu quản.

Tán sỏi nội soi ngược dòng là dùng ống thông luồn từ niệu đạo vào bàng quang và vào ống niệu quản để đẩy viên sỏi lên bể thận để tán bằng sóng siêu âm.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Đi tiểu khó và thấy khó chịu ở dương vật, lượng nước tiểu ít và đi nhiều lần ban ngày


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em tên Tuấn Anh 24 tuổi. Bác sĩ cho em hỏi. Khoảng 1 tháng trở lại đây mỗi lần em đi tiểu em thấy rất khó chịu ở dương vật và lượng nước tiểu ít hơn bình thường nhưng lại tiểu nhiều lần vào ban ngày còn buổi tối thì không. Khi tiểu em có cảm giác như có thứ gì đó ngăn nước tiểu lại em phải cố gắng lắm mới tiểu ra được trong lúc như vậy em có cảm như là đang tiểu rồi ngắt ngang rất khó chịu. Mong bác sĩ giải đáp giúp em và tư vấn cho em những phương pháp điều trị.

Em xin chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Tiểu lâu hay tiểu khó là triệu chứng của sự kháng cự của các lớp cơ thắt chống lại những cản trở gây bít tắc ở cổ bàng quang. Bình thường nước tiểu có từ 250ml-800 ml sẽ gây kích thích buồn đái, lưu lượng nước tiểu đái ra khoảng 20ml/giây, những người đái lâu, đái khó với có triệu chứng như:

Thời gian của một bãi đái kéo dài.

Đái khó lúc ban đầu, phải cố rặn mới đái được, đến khi đái được nước tiểu thường rất chậm.

Có khi đái khó toàn bãi, phải ráng sức rất nhiều trong suốt thời gian đái.

Như vậy bạn cần xác định xem có phải chờ quá 30 giây mới thấy xuất hiện dòng nước tiểu đầu không, có phải rặn trong suốt thời gian tiểu hay chỉ lúc đầu của bãi đái không, dòng nước tiểu có liên tục hay bị ngắt quãng, sau khi đái có cảm giác dễ chịu vì đã đái hết không…

Nguyên nhân chung:

Những bệnh do tổn thương tủy sống, chèn ép tủy sống do lao, do khối u, các bệnh viêm rễ thần kinh tủy sống.

Đái khó sau chấn thương có vỡ xương chậu.

Sau mổ vùng bàng quang, sỏi bàng quang.

Các bệnh ở vùng bàng quang như: Các khối u, sỏi bàng quang, túi thừa bàng quang, xơ cúng cổ bàng quang… Hoặc do viêm nhiễm lâu ngày.

Nguyên nhân ở nam giới thường do:

Sỏi bàng quang hoặc niệu đạo.

Viêm tuyến tiền liệt, u xơ tuyến tiền liệt ở người già.

Chấn thương niệu đạo.

Chít hẹp niệu đạo sau chấn thương hoặc do viêm nhiễm ở niệu đạo.

Bạn nên đi khám chuyên khoa Niệu, bác sĩ có thể cho bạn làm thêm một số xét nghiệm chuyên khoa như siêu âm và xét nghiệm nước tiểu để xác định bệnh và chữa trị sớm.

Chúc bạn sống khỏe!

Tiểu buốt, rát ra bọt hồng có phải bị sỏi không?


Câu hỏi bởi: Tấn Lực

Chào bác sĩ!

Em là nam, năm nay 29 tuổi, làm nhân viên kinh doanh, công việc hay ngồi và chạy xe ngoài đường rất nhiều. Cách đây 3 ngày, em có biểu hiện tiểu buốt, khó tiểu. Lần đầu cảm giác mắc tiểu không kiềm được rất khó chịu nhưng đi tiểu thì khó, khi tiểu rỉ giọt đau buốt ngay trong đường niệu tiểu, có giọt hồng hồng, đi rất nhiều lần nhưng không được chỉ ra vài giọt nhưng rất đau. Em uống nhiều nước và ngủ đến sáng, ngày thứ 2 em tiểu ra được nhiều nhưng vẫn đau và khó chịu. Ngày thứ 3 cảm giác buốt có giảm nhưng khi ngắt cơn tiểu thì rất buốt, không còn giọt hồng nhưng em để ý thấy có ra vệt bọt trắng hồng hồng dạng tựa bọt bánh kem. Xin bác sĩ giải đáp giúp em có phải đó biểu hiện sỏi hay viêm đường tiết niệu không? Em nên khám chữa bệnh chuyên khoa ở đâu? Em ở thành phố Hồ Chí Minh.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Sỏi thận và hệ tiết niệu là bệnh thường gặp nhất của đường tiết niệu và thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Tuổi mắc bệnh thường là từ 30- 55, nhưng cũng có thể gặp ở trẻ em (sỏi bàng quang).

Điều kiện thuận lợi để phát sinh ra sỏi:

Điều kiện thường xảy ra nhất là sự cô đặc quá mức của nước tiểu. Trong điều kiện bình thường, nếu có hai điều kiện sau đây thì các tinh thể hòa tan có thể lắng đọng được:

Dung dịch được để yên tĩnh, không bị khuấy động trong một thời gian dài. Dung dịch có chứa đựng các vật lạ như sợi chỉ, xác tế bào, vi khuẩn,… thì vật này có thể trở thành nhân để các tinh thể đọng xung quanh để tạo sỏi.

Ngoài ra, khi dung dịch được cô đặc quá biên độ hòa tan trên ngưỡng bão hòa thì sẽ có sự kết tinh của các chất hòa tan. Sự thay đổi của pH nước tiểu sẽ làm cho một số chất hòa tan dễ kết tinh lại cụ thể, dưới tác dụng của một số chủng loại vi trùng (như Proteus Mirabilis) có tiết ra men Uréase làm phân hủy Urée thành Amoniaque, nước tiểu sẽ bị kiềm hóa (pH> 6,5) và như vậy, chất Photsphate- Magié sẽ kết tinh lại. Ngược lại nếu pH nước tiểu trở nên acid (pH< 6) thì sẽ là điều kiện thuận lợi cho urat kết tinh lại.

Sỏi đường tiết niệu dưới gồm sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo.

Sỏi bàng quang sẽ kích thích niêm mạc bàng quang gây tiểu buốt, rát, tiểu láu. Tiểu tắc giữa dòng. Khám ấn điểm bàng quang đau. Sỏi niệu đạo sẽ gây bí tiểu, khám lâm sàng thường phát hiện được cầu bàng quang, sờ nắn dọc theo niệu đạo có thể thấy sỏi.

Trường hợp của bạn là do bạn làm nghề hay phải chạy xe ngoài đường nên nước tiểu dễ bị cô đặc. Đó là điều kiện để hình thành sỏi. Bạn có thể bị sỏi đường tiết niệu dưới nhưng cũng có thể bị viêm đường tiết niệu. Siêu âm hay xét nghiệm nước tiểu có thể tìm ra bệnh cho bạn. Vì vậy bạn có thể đến bất cứ phòng khám nào có phương tiện chuẩn đoán để khám bệnh.

Chúc bạn khỏe mạnh!

Nam 28 tuổi đi nước tiểu trắng đục


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ ạ!

Thưa bác sĩ, tôi là nam, năm nay 28 tuổi, khi đi tiểu tôi thấy nước tiểu có màu trắng đục. Vậy tôi có bệnh gì không? Cách chữa ra sao?

Xin cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn!

Bình thường, nước tiểu có màu vàng nhạt tự nhiên. Nước tiểu của bạn có màu trắng đục như vậy là bất thường. Tốt nhất thì bạn nên tới bệnh viện khám chuyên khoa Tiết niệu để bác sĩ khám trực tiếp, làm thêm các xét nghiệm cần thiết để xác định lí do khiến nước tiểu có màu trắng đục và chữa trị thích hợp cho bạn. Bạn không nên tự ý uống thuốc vì như vậy có thể khiến việc chữa trị khó khăn hơn. Các lí do khiến nước tiểu có màu trắng đục bao gồm: đái ra phốt phát và u-rát: nước tiểu trắng đục như nước vo gạo, để sẽ thấy lắng cặn ở dưới. Đái ra dưỡng chấp: nước tiểu trắng như sữa, như nước vo gạo, lẫn những màng keo hoặc những cục lầy nhầy như mỡ. Nếu đái ra nhiều dưỡng chấp thì nước tiểu đặc sánh như nước cơm, váng mỡ nổi lên trên và khi lắng cặn thì phía dưới đông đặc lại như cục thạch.

Biểu hiện rõ nhất sau bữa ăn nhiều mỡ hoặc nhiều sữa, trứng, sau những đợt lao động nặng, nóng bức. Đái ra dưỡng chấp thường gặp trong bệnh giun chỉ. Đái ra mủ: nước tiểu đục, để sẽ có lắng cặn nước tiểu ở trên, mủ ở dưới. Cặn gồm có sợi, các hạt lấm tấm và chất nhầy. Đái ra mủ thường kèm theo các biểu hiện đau vùng thắt lưng, cơn đau quặn thận có kèm theo sốt và các triệu chứng của viêm niệu đạo. Đái ra mủ thường gặp trong viêm nhiễm niệu đạo do vi khuẩn lậu, vi khuẩn Chalamydia, Mycoplasma hoặc cũng có thể viêm nhiễm do một số vi khuẩn khác như tụ cầu, trực khuẩn mủ xanh..; bệnh viêm thận có mủ bởi một số loại vi khuẩn (E.coli, tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn…), lao thận,…; viêm nhiễm hoặc áp xe tuyến tiền liệt do vi khuẩn lậu hoặc một số vi khuẩn khác; viêm bàng quang do vi khuẩn lao (Mycobacterium), lậu cầu; viêm mủ bàng quang sau thực hiện một số thủ thuật (như thăm dò bàng quang), sỏi bàng quang và do tán sỏi bàng quang…

Chúc bạn khỏe!

Thủ dâm nhiều nên bị viêm bàng quang phải chữa thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Cháu tên Tuấn, năm nay 22 tuổi. Lúc 18 tuổi cháu hay thủ dâm nhiều, lâu dần thành thói quen. Do vậy nên giờ cháu bị sinh lý yếu cộng với tiểu đêm nhiều, nước tiểu vàng đục, quan hệ nhanh xuất tinh. Cháu có đi khám thì bị viêm bàng quang, uống thuốc mà vẫn không khỏi. Xin bác sĩ cho cháu lời khuyên để mau khỏi bệnh ạ!

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu!

Viêm bàng quang là căn bệnh tương đối phổ biến và hay gặp trong chuyên nghành tiết niệu. Có nhiều lí do gây nên viêm bàng quang như:

Có sỏi bàng quang.

Viêm bàng quang do vi khuẩn, đây là lí do chủ yếu.

Viêm bàng quang cũng có thể do nấm gây nên.

Nguyên nhân khác.

Việc chữa trị viêm bàng quang thì cần phải xác định lí do, và chữa trị theo lí do. Cháu cần hạn chế việc thủ dâm, giữ gìn và vệ sinh sạch sẽ. Khi hết thuốc theo đơn cháu nên tái khám để bác sĩ kiểm tra lại và có điều chỉnh phù hợp.

Chúc cháu và gia đình mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl