Táo bón và cách điều trị hiệu quả


4,226
1
1
Xu
53
Táo bón nặng có thể dẫn đến hiện tượng phân bị nêm chặt, gây tắc ruột. Vì vậy, điều trị bệnh này là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm từ mọi đối tượng khác nhau.

Làm sao để trị bệnh táo bón?


Câu hỏi bởi: ha zinzin

Chào bác sĩ.

Em năm nay 18 tuổi, là nữ giới. Em bị táo bón một năm nay, ăn nhiều rau xanh cũng không khỏi. Vậy em phải làm thế nào để chữa khỏi ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Mai Hương


Chào bạn.

Táo bón thường do rối loạn chức năng ruột và thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Nguyên nhân chính dẫn đến táo bón là chế độ ăn chưa hợp lý. Chính vì vậy, chế độ ăn chỉ nhiều rau xanh như bạn cũng chưa đủ để giải quyết được táo bón mà cần điều chỉnh chế độ ăn một cách tổng thể như sau:

Uống đủ nước: Bình thường trong thành phần phân phải chứa khoảng 75% nước. Nếu tỷ lệ nước trong phân giảm xuống còn 50% sẽ làm phân khó di chuyển trong ruột già. Vì vậy mỗi ngày bạn cần cung cấp cho cơ thể 40ml nước/kg cân nặng gồm nước trong thức ăn và nước đun sôi để nguội hoặc các loại nước uống khác. Mỗi sáng ngủ dậy bạn nên uống 1 cốc nước để kích thích nhu động ruột. Tăng cường các thức ăn có nhiều chất xơ: Không chỉ ăn nhiều rau mà bạn cần ăn cả các thức ăn khác có nhiều chất xơ như hoa quả, trái cây khô, hạt ngũ cốc, bánh mì đen, gạo lứt, cám gạo; thức ăn như đồ xông khói, dầm giấm, thịt gân,… Các thức ăn này chứa nhiều chất xơ và pectin tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có lợi trong ruột phát triển, ức chế quá trình gây thối và các chất độc hại sẽ bám theo chất xơ thải ra ngoài cơ thể. Các chất này còn làm tăng khối lượng phân, làm kích thích thành ruột gây cảm giác muốn đại tiện. Tăng cường thức ăn nhiều magie làm tăng nhu động ruột như sữa, kê, đậu đũa, khoai lang, khoai sọ, các loại rau như rau đay, mùng tơi, rau khoai lang, đu đủ xanh, chuối tiêu. Ăn đúng bữa và chia 4-5 bữa/ngày. Duy trì thói quen đi đại tiện 1 lần/ngày vào thời gian nhất định sáng hoặc tối. Không ăn các thức ăn chế biến tinh như cháo, súp đặc, thức ăn nhanh, thức ăn nóng, các chất kích thích như hạt tiêu, ớt cay, nước chè đặc, ca cao, rượu, cà phê, hút thuốc. Tránh dùng một số loại thuốc có thể gây táo bón như thuốc an thần, chống trầm cảm, chống nôn, lợi tiểu, viêm dạ dày, cao huyết áp.

Chúc bạn mạnh khoẻ!

Xin cách chữa táo bón 3 tháng chưa khỏi


Câu hỏi bởi: knight

Cháu là nam, 22 tuổi, 4 tháng nay cháu có bị táo bón, đi cầu có vệt đen chắc là máu. Gần đây cháu có bị đầy hơi, đã dùng thuốc tăng men, ăn nhiều rau, uống nhiều nước mà vẫn không khỏi. Ngoài ra cháu không sốt, không đau bụng. Vậy cháu có mắc phải ung thư đại tràng không ạ? Xin Bác sĩ giải đáp cho cháu cách cũng như thuốc chữa táo bón. Cháu cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào cháu.

Việc chữa trị táo bón ngoài chế độ ăn, như ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước thì còn cần phải rất hay vận động, tập thể dục để nhu động ruột được tốt hơn. Ngoài ra nếu đang trong đợt táo bón thì không nên ăn các loại rau có nhiều chất xơ, vì chất xơ khó tiêu lại khiến táo bón nặng thêm. Cháu nên tăng cường các loại thực phẩm mềm, nhuận tràng như đu đủ, chuối tiêu, bột sắn sống v.v…

Trong thư cháu kể thấy có máu khi đi cầu, đây là dấu hiệu bất thường và lí do hay gặp nhất là do bệnh trĩ. Do đó tốt nhất cháu nên đi khám chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán chính xác và có hướng chữa trị.

Chúc cháu sức khỏe!

Bị táo bón kéo dài nên ăn gì?


Câu hỏi bởi: Ban Mai

Chào bác sĩ!

Tôi năm nay 31 tuổi lúc trước thường bị táo bón, 2 tháng bị khoảng 3 hoặc 4 ngày. Tình trạng này kéo dài 3 năm rồi. Dạo sau này đi tiêu thấy dính ít máu trên giấy vệ sinh. Búi trĩ sa ra ngoài đi xong lại thụt vào trong. Tôi đang uống Sorbitol ngày 2 bịch, Daflon ngày 2 viên, đặt thuốc đạn Proctolog ngày 2 viên. Bác sĩ cho tôi hỏi sử dụng như trên thời gian dài tôi có hết biểu hiện như trên không? Mặc dù tôi uống 2 lít nước mỗi ngày, ăn nhiều rau (rau luộc, nấu canh, ăn sống). Sáng sớm tôi còn uống 1 ly nước lọc sau khi đánh răng, ăn đu đủ chín nữa nhưng vẫn không hết táo bón (chỉ bón ở đầu phân thôi, khúc giữa bình thường). Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên tôi nên ăn gì để hết táo bón?

Xin cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Bạn thường bị táo bón đã 3 năm nay. Mỗi lần bị táo bón bạn sẽ thường xuyên phải rặn khi đi đại tiện. Điều đó là lí do gây nên bệnh trĩ chảy máu của bạn. Đây chính là hậu quả bệnh táo bón mãn tính mà bạn đang mắc phải. Táo bón mãn tính có thể do nhiều lí do như:

Sử dụng thuốc: Các thuốc hay gây táo bón là thuốc đau gây ngủ như Codeine giảm ho trung ương, Oxycodone (ví dụ như Percocet), và Hydromorphone (Dilaudid); thuốc chống trầm cảm như Amitriptyline (Elavil, Endep); thuốc chống co giật như Phenytoin (Dilantin) và Carbamazepine (Tegretol); thuốc sắt; thuốc chẹn kênh calci như Diltiazem (Cardizem) và Nifedipine (Procardia)… Đặc biệt, thuốc nhuận tràng cũng có thể chính là lí do gây táo bón vì các thuốc nhuận tràng kích thích có thể gây tổn thương đại tràng. Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống ít chất xơ có thể gây táo bón. Thói quen đi đại tiện: Đại tiện không thường xuyên, tâm lý ngại đi cầu, thói quen “nhịn” đi cầu, từ đó làm giảm cảm giác mót rặn của đại tràng. Nội tiết rối loạn: Rối loạn nội tiết tố có thể tác động đến vận động ruột. Bệnh lý tại đại tràng như ung thư đại tràng, đại tràng dài và các lí do gây chèn ép cơ học gây ra tình trạng di chuyển chậm phân qua đại tràng gây nên táo bón Bệnh hệ thống thần kinh trung ương: Một số bệnh của não và tủy sống có thể gây táo bón, bao gồm cả bệnh Parkinson, bệnh đa xơ cứng, và tổn thương tủy sống. Rối loạn chức năng chức năng sàn chậu. Hiện nay bạn đang chữa trị thuốc sorbitol, Daflon và Proctolog để chữa trị táo bón và bệnh trĩ.

Bạn dùng các thuốc này có thể ổn định bệnh trĩ. Tuy nhiên, theo mô tả, búi trĩ của bạn đã ở giai đoạn 2-3. Nếu bạn chữa trị 2-3 tháng mà thấy búi trĩ không co hoàn toàn, bạn cần đi khám lại. Việc uống thuốc Sorbitol của bạn nên xem xét lại vì chính thuốc này có thể lại là lí do gây táo bón. Như các loại thuốc nhuận tràng khác, bạn không nên dùng kéo dài trên một tuần. Bạn chỉ uống khi táo bón.

Với chế độ ăn uống của bạn, chứng tỏ bạn là người rất quan tâm đến sức khỏe nhưng như thế chưa đủ. Bạn cần nên ăn thêm những thực phẩm sau: sữa chua, chuối, thanh long, măng tây,… Ngoài ra bạn có thể rang chín đỗ đen và vừng đen rồi xay nhỏ, pha nước uống hàng ngày. Đây là một bài thuốc rất đơn giản nhưng hiệu quả để chữa táo bón. Trường hợp không khỏi bạn nên khám chuyên khoa Tiêu hóa để loại trừ các lí do thực thể.

Chúc bạn chóng khỏi!

Chữa bệnh táo bón sau khi sinh như thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ.

Em sinh cháu đầu lòng đã được hơn 10 tháng mà vẫn bị táo bón. Xin bác sĩ cho biết cách chữa trị và xử lý bệnh này thế nào? Em đã uống nhiều nước và ăn rất nhiều rau củ.

Xin chân thành cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy


Chào bạn.

Táo bón là căn bệnh phổ biến ở phụ nữ sau sinh. Nguyên nhân gây táo bón ở phụ nữ sau sinh là trong thai kỳ, máu tập trung để nuôi dưỡng thai, do đó máu nuôi đại tràng kém đi, sinh táo bón. Phụ nữ sau sinh thường mất máu, mất sản dịch nên cơ thể mất nước, máu chưa kịp xuống nuôi đại tràng. Khi sinh xong, khí huyết bị hư tổn, huyết nuôi đại tràng trong suốt thai kỳ kém nên phụ nữ sau sinh rất dễ bị táo bón. Sau sinh, sản phụ thường hạn chế đi lại, nằm nghỉ trên giường nhiều, vận động của ruột yếu đi, phân lưu lại ruột lâu, bị ruột tái hấp thu nước nhiều nên phân khô và cứng lại gây táo bón.

Qua mô tả biểu hiện của bạn, bạn bị táo bón đã lâu, bạn cũng đã có chế độ ăn nhiều rau, uống nhiều nước nhưng vẫn bị táo bón, theo tôi, bạn nên đi khám bác sĩ để xác định lí do và có hướng chữa trị tốt nhất cho bạn. Bạn có thể tham khảo một số món ăn phòng, chữa bệnh táo bón dưới đây.

Cháo vừng đen. Nguyên liệu: Vừng đen 30gam, gạo tẻ 100gam, gạo nếp 50gam, thịt lợn nạc 100gam, dầu thực vật, mắm muối vừa đủ. Cách chế biến: Vừng đen, gạo xay nhỏ. Thịt lợn băm nhỏ ướp mắm muối, xào chín bằng dầu thực vật. Cho gạo, vừng đen vào nồi cùng với 250ml nước đun nhỏ lửa. Khi cháo chín cho thịt lợn nạc vào đảo đều, cháo sôi lại là được. Ngày ăn 2 lần lúc đói, cần ăn liền 3-5 ngày Cháo cà rốt. Nguyên liệu: Cà rốt 200gam, cuộng rau bắp cải 100gam, gạo 100gam, thịt lợn nạc 10gam, dầu thực vật, mắm muối vừa đủ. Cách chế biến: Cà rốt cạo sạch vỏ, nạo sợi. Gạo xay thành bột. Thịt lợn nạc băm nhỏ, ướp mắm muối rồi xào chín bằng dầu thực vật. Cho bột gạo vào nồi, đổ 250ml nước, đun nhỏ lửa. Khi cháo sôi cho thêm cà rốt, cuộng bắp cải vào quấy đều tay đến khi cháo sôi lại, cho thịt lợn vào đun tiếp một lúc là được.

Ngày ăn 1 lần. Ăn liên tục 3-5 ngày.

Chúc bạn mạnh khoẻ!

Trị táo bón cho trẻ 6 tuổi như thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Em muốn hỏi là con em bị táo bón từ nhỏ, em đã cho cháu ăn nhiều rau, mua sữa có chất xơ nhưng chỉ được 2 tuần sau đó lại không hiệu quả vì thế bé nhà em đã 6 tuổi mà chỉ được có 18kg (bé nhà em là bé gái). Vậy em muốn hỏi có cách nào giúp bé hết táo bón và tăng cân trở lại không vì bé nhà em vẫn ăn uống bình thường.

Em cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sáng


Xin chào bạn.

Con của bạn 6 tuổi nặng 18kg thì cũng không có gì quá lo lắng. Có thể do táo bón nên làm trẻ biếng ăn và tăng cân chậm.

1. Nguyên nhân táo bón:

Ngoài các lý do liên quan đến thuốc và bệnh lý, đa số bé bị táo bón liên quan đến việc ăn uống, sinh hoạt hoặc yếu tố tâm lý. Bé có thể bị táo bón do bé được cho ăn ít chất xơ, bé có thói quen không ăn rau quả, chỉ ăn nước không ăn cái rau, quả, hoặc uống ít nước. Một số tình huống bé bị táo bón do tâm lý nên thường cố ý “nhịn”, khiến đại tràng giãn to. Phân bị tích trữ trong nhiều ngày mới đủ kích thích đại tràng tạo ra phản xạ đi ngoài. Ngoài ra, do tác dụng của thuốc kháng sinh hoặc thuốc ho có codein, viên sắt… hoặc mắc các dị tật bẩm sinh như phình to đại tràng, hẹp ruột, hẹp hậu môn, nứt kẽ hậu môn nên bé cũng rất dễ bị táo bón. Một số tình huống khác khiến bé hay bị táo bón là trẻ còi xương, trẻ suy dinh dưỡng và trẻ bị thiếu máu phải bổ sung vi sắt.

2. Điều trị táo bón cho trẻ:

Tùy theo từng lí do mà bạn áp dụng cách chữa trị khác nhau, nhưng điều chỉnh lại chế độ ăn vẫn là quan trọng nhất. Bạn cho bé uống nhiều nước: Trẻ 6 tuổi uống 1000 ml nước/ngày. Mẹ chọn các loại rau quả có tính chất nhuận tràng: rau khoai lang, mồng tơi, củ khoai lang, đu đủ, chuối tiêu, cam, bưởi. Nên tập cho trẻ thói quen ăn nhiều rau xanh và quả chín từ nhỏ. Trẻ không nên ăn các loại hoa quả có vị chát: Ổi, hồng xiêm, bánh kẹo, nước uống có gas, cà phê… thì mới có thể chấm dứt được tình trạng táo.

Ngoài ra mẹ nên xoa bóp để kích thích nhu động ruột cho bé. Mẹ có thể sử dụng thuốc nhuận tràng, men vi sinh hoặc vitamin C theo chỉ dẫn của bác sĩ. Trẻ cần chữa trị các bệnh như còi xương, suy dinh dưỡng hoặc thiếu máu nếu có. Nếu trên 3 ngày sau khi đã dùng mọi cách trên mà trẻ vẫn không đi ngoài được, thì thụt tháo sẽ là biện pháp cuối cùng. Bạn có thể dùng nước muối sinh lý hoặc nước ấm pha mật ong tỷ lệ 5%. Đối với trẻ lớn hơn 1 tuổi thụt 200 ml.

3. Để phòng ngừa táo bón cho trẻ:

Mẹ tập cho trẻ thói quen ăn nhiều rau và các loại hoa quả tươi như quýt, bưởi, đu đủ, chuối tiêu, thanh long. Ngoài ra, mẹ tập cho trẻ uống nhiều nước và tham gia các hoạt động trẻ thơ, vừa giúp trẻ mạnh khỏe lại đi tiêu dễ dàng hơn. Tập cho bé đi đại tiện đúng giờ, chọn thời gian lúc bé không vội vã, nên chọn sau bữa ăn vì lúc này nhu động ruột đang hoạt động tăng.

Tránh để bé ngồi bô hoặc ngồi hố xí quá lâu. Khi bé có dấu hiệu khó đi tiêu, mẹ xoa bụng cho bé theo khung đại tràng từ phải sang trái, 3 – 4 lần/ngày giữa 2 bữa để kích thích tăng nhu động ruột. Giải pháp an toàn và hiệu quả nhất là bổ sung chất xơ hòa tan là Fructo oligosaccharid (FOS) đã được nhiều chuyên gia về Nhi khoa khuyến cao sử dụng cho cả mẹ và bé. Vì chất xơ hòa tan không hấp thụ vào máu giúp làm phân mềm và xốp hơn, tăng khối lượng phân giúp kích thích tạo ra nhu động ruột đẩy phân ra ngoài một cách dễ dàng.

Chúc bạn và gia đình luôn khỏe!

(Nội dung do Vụ Sức khỏe Bà mẹ, trẻ em – Bộ Y tế kiểm duyệt)


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl