Biến chứng sỏi mật ở người cao tuổi: Không nên xem thường


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Bệnh sỏi mật có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, đặc biệt ở người cao tuổi biến chứng của bệnh có thể phức tạp hơn cần đặc biệt chú ý.

Biến chứng của sỏi mật ở người cao tuổi


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Em chào bác sĩ!

Mẹ em năm nay 65 tuổi, bị sỏi túi mật, sỏi to 9mm thường xuyên nôn ói. Bác sĩ bảo mổ túi mật nhưng vì sợ mất sức rất nhiều nên mẹ em không mổ. Nhưng dạo này mẹ em hay bị nhức đầu, đột ngột mê man, mệt, khi đi thì giống như người càng lùn xuống muốn ngã… Có phải là biến chứng của sỏi mật không ạ? Và làm thế nào để hạn chế tình trạng này ạ? Nhờ bác sĩ giải đáp sớm cho em!

Em cám ơn.

Bác sĩ Trần Thị Bích Lan


Chào em!

Mẹ em đã được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh sỏi túi mật, kích thước của sỏi là 9mm. Sỏi túi mật thường hay gây cho người bệnh: Đau tức vùng hạ sườn phải, nôn, sốt nếu có nhiễm trùng đường mật. Bệnh có chỉ định chữa trị Ngoại khoa và mang lại kết quả rất tốt cho người bệnh. Với trình độ y học hiện đại, sỏi túi mật được các bác sĩ Ngoại khoa mổ nội soi nhanh chóng, ít tác động đến sức khỏe, thời gian phải nằm viện ít, kinh tế ít tốn kém.

Nếu sỏi túi mật không được chữa trị kịp thời sẽ có những biến chứng nguy hiểm: Viêm túi mật, hoại tử túi mật… có thể tác động đến tính mạng người bệnh.

Theo bác sĩ, em và gia đình nên động viên mẹ em đi khám để được bác sĩ giải đáp và chữa trị kịp thời, không nên lo lắng quá, để lâu bệnh sẽ có những diễn biến phức tạp, khó chữa trị. Hiện tại mẹ em hay bị nhức đầu, đột ngột mê man, khi đi lại thấy người hay bị chìm xuống và muốn ngã. Đó không phải là biến chứng của bệnh sỏi túi mật. Đó thường là triệu chứng của bệnh tăng huyết áp, rối loạn tiền đình, thiếu máu não… Em nên đưa mẹ đi khám để được làm các xét nghiệm, chẩn đoán bệnh chính xác, và được chữa trị kịp thời, dùng thuốc mẹ em sẽ đỡ bệnh ngay.

Chúc em và gia đình sẽ có những giải đáp sáng suốt để mẹ em yên tâm chữa trị.

Tiểu máu, đau lưng, mất ngủ do đi tán sỏi phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Cẩm Linh

Chào bác sĩ.

Mẹ cháu năm nay 62 tuổi, đi tán sỏi niệu quản lần đầu tiên, về nhà bị biểu hiện tiểu máu, đau lưng, đặc biệt là mẹ cháu bị mất ngủ nghiêm trọng, như vậy là sao bác sĩ?

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp chữa trị sỏi ít xâm lấn, an toàn, hiệu quả, nhưng bệnh nhân vẫn có thể bị tai biến, biến chứng do nhiều lí do khác nhau (do máy tán sỏi, kỹ thuật tán sỏi và trình độ, kinh nghiệm chuyên môn của bác sĩ thực hiện kỹ thuật này). Các tai biến, biến chứng thường gặp là đau sau tán sỏi. Thường bệnh nhân bị đau tại vị trí da tiếp xúc với bầu nước của máy tán sỏi và đau tạng (gan, thận, tụy, lách) do căng bao thận và tổ chức quanh thận. Bệnh nhân cũng có thể bị đốm xuất huyết hay vết bầm da tại vị trí da tiếp xúc với bầu nước của máy tán sỏi.

Ngoài ra, tiểu máu (nhiều hoặc ít), tổn thương đụng giập thận sau tán sỏi cũng là biến chứng thường gặp ở hầu hết bệnh nhân được tán sỏi. Bệnh nhân còn có thể bị một số tai biến, biến chứng ít gặp hơn như máu tụ dưới bao thận; chuỗi sỏi vụn bị kẹt ở niệu quản do sỏi vỡ vụn thoát xuống niệu quản nhiều và nhanh; nhiễm trùng niệu diễn tiến do bệnh nhân đã bị nhiễm trùng niệu mà không được chữa trị tích cực trước tán sỏi hoặc do vi khuẩn được phóng thích vào nước tiểu khi sỏi vỡ vụn…

Đặc biệt, bệnh nhân cũng có thể gặp các tai biến, biến chứng hiếm gặp hơn như vỡ thận, vỡ gan, vỡ lách; ho ra máu, tràn máu màng phổi; viêm tụy gây tăng Amylase trong máu và nước tiểu; viêm gan gây tăng SGOT, SGPT trong máu; xuất huyết ruột non, đau do co thắt ruột.

Như vậy, theo mô tả của bạn thì mẹ bạn đang có những biến chứng thường gặp sau tán sỏi, có thể hoàn toàn được giải quyết bằng chữa trị nội khoa. Bạn nên đưa mẹ đến gặp bác sĩ chuyên khoa Thận-tiết niệu để kiểm tra, làm các xét nghiệm đánh giá tình trạng sau tán sỏi để có hướng chữa trị cụ thể. Vấn đề thứ 2 của mẹ bạn là mất ngủ nghiêm trọng. Đây không phải là biến chứng sau tán sỏi, rất có thể là do mẹ bạn quá lo lắng về bệnh tật gây căng thẳng thần kinh dẫn đến mất ngủ, hoặc cũng có thể do lí do thực thể nào khác. Vì tình trạng mất ngủ này đã rất nghiêm trọng gây tác động nhiều đến sức khỏe, bạn nên đưa mẹ đến gặp một bác sĩ chuyên khoa Thần kinh để có những giải đáp và chữa trị cụ thể.

Chúc bạn và gia đình sống khỏe!

Tư vấn về sỏi mật


Câu hỏi bởi: nguyen chi hop

Thưa BS tôi năm nay 56 tuổi tôi có sỏi mật căn cacbonat cách đây 10 năm Hiện giờ vẫn có 3-4 vien soi đường kính 0,6cm Không có dấu hiệu đau tức hay sốt nhưng ăn uống khó tiêu . Biết PK Hoàng Long Ha nội có Phương pháp nội soi để khám và điều trị Vậy xin BS tư vấn phương pháp điều tri , có thể nội soi lấy sỏi theo đường ống mật được khổng xin cảm ơn BS

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.
Túi mật là nhà kho nhỏ lưu trữ dịch mật được gan tiết ra. Mật có thành phần chủ yếu là nước, cholesterol, muối mật và axit mật, thực hiện chức năng tiêu hóa chất béo. Thông thường, dịch mật có dạng lỏng, không đóng cặn, nhưng cũng có thể lắng đọng, kết tụ lại với nhau tạo thành sỏi túi mật.
Nhưng không phải cứ có sỏi túi mật là phải mổ, chỉ định mổ túi mật, hoặc cắt bỏ túi mật khi:
– Sỏi chiếm 2/3 diện tích túi mật.
– Sỏi gây viêm túi mật cấp tính hoặc mạn tính tái diễn (đau bụng, sốt, vàng da) khiến người bệnh thường xuyên nhập viện.
– Thành túi mật xơ hóa (túi mật sứ).
– Người bệnh sỏi mật kèm theo suy giảm miễn dịch.
– Sỏi mắc kẹt tại đường ống dẫn mật nhưng không thể thực hiện được bằng can thiệp ERCP

Hiện nay có phương pháp mổ nội soi lấy sỏi túi mật, sỏi ống mật. Phương pháp nội soi ngược dòng (ERCP) chỉ thực hiện được cho sỏi ở ống mật, không thực hiện được cho sỏi ở túi mật. Như vậy có nghĩa là không mổ nội soi lấy sỏi túi mật qua đường ống mật được.
– Kỹ thuật ERCP (nội soi mật tụy ngược dòng) là: Bác sĩ dùng một ống nội soi nhỏ, mềm, đầu có gắn camera, đưa qua miệng bệnh nhân đi xuống thực quản, dạ dày và phần đầu của ruột non, nơi có lỗ của đường mật – tụy chảy xuống ruột non. Thông qua lỗ này, các bác sĩ sẽ bơm thuốc cản quang, chụp hình đường mật – tụy, tán sỏi, lấy sỏi, gắp giun, đặt stent đường mật….
– Kỹ thuật mổ nội soi lấy sỏi túi mật là không phải mổ rạch bụng, mà chỉ rạch những lỗ nhỏ ở thành bụng luồn các ống có dụng cụ phẫu thuật và camera quan sát để tiến hành mổ lấy sỏi.
Chúc bạn mau khỏi bệnh.

Mổ lấy túi mật có ảnh hưởng đến đường tiêu hóa không?


Câu hỏi bởi: hanhanhq79

Thưa bác sĩ.

Bố em năm nay 66 tuổi, tuần trước bố em đi khám bệnh thì bác sĩ chẩn đoán là bị sỏi mật, có viên 20mm. Vậy bố em có phải mổ lấy túi mật không ạ? Nếu mổ thì có tác động nhiều đến đường tiêu hóa sau này không ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Bố em 66 tuổi, đi khám có sỏi túi mật 20mm, tình huống này có chỉ định phẫu thuật cắt túi mật nếu như có các biểu hiện lâm sàng như đau, sốt, vàng da… Chỉ định mổ cắt túi mật do sỏi cũng được đặt ra, cân nhắc với những tình huống sỏi trên 10mm, không có biểu hiện lâm sàng, khả năng chữa trị nội khoa là hạn chế.

Túi mật có chức năng dự trữ dịch mật do gan tiết ra, và dịch mật từ túi mật đổ vào đường tiêu hóa sau ăn. Khi cắt bỏ túi mật thì dịch mật đổ thẳng vào đường tiêu hóa, không theo nhịp điệu bữa ăn, có thể gây nên một số triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, chán ăn, đau sau ăn… Nhìn chung người ta cho rằng phẫu thuật cắt túi mật không có tác động lớn đến chức năng tiêu hóa.

Chúc em mạnh khỏe !

68 tuổi bị sỏi mật có nên mổ không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Mẹ em đang bị sỏi mật. Hiện bà 68 tuổi, có nên mổ sỏi được không? Nếu không dùng phương pháp mổ hở thì còn có phương pháp nào nửa không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào bạn!

Sỏi túi mật có thể được thực hiện qua mổ nội soi, đây là kỹ thuật mổ được áp dụng từ lâu và khá phổ biến. Tùy từng trường hợp người bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định kỹ thuật và phương pháp mổ phù hợp. Chỉ đinh phẫu thuật cũng có căn cứ, không phải tất cả các trường hợp có sỏi mật đều có chỉ định mổ. Bạn nên đưa mẹ bạn khám bác sĩ để có giải đáp cụ thể.

Chúc bạn và gia đình mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl