Tụt lợi và tất cả những điều cần biết


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Hiện tượng bị tụt lợi chân răng là bệnh răng miệng khá phổ biến mà nguyên nhân chủ yếu là do các bệnh lý gây nên như viêm lợi, viêm chân răng, viêm nha chu,.. Vậy cách điều trị và triệu chứng mà bệnh gây ra như thế nào? Chia sẻ của bác sỹ sẽ giúp bạn rõ hơn về điều đó.

Khắc phục chứng răng bị tụt lợi


Câu hỏi bởi: vienlsn

Chào bác sĩ.

Em năm nay 27 tuổi, bây giờ răng của em đã bị tụt lợi nhiều. Vậy có loại thuốc nào giúp cải thiện được không ạ?

Em cảm ơn bác sĩ!

Chào cháu!

Tụt lợi không chỉ là vấn đề gây khó chịu cho nhiều người lớn tuổi mà còn làm đau đầu nhiều bạn trẻ ngày nay. Ðó là hiện tượng lộ bề mặt chân răng do lợi di chuyển về phía cuống răng. Tụt lợi là dấu hiệu báo trước cho sự mất xi-măng chân răng, mòn cổ răng, lộ ngà răng gây ê buốt răng và tác động đến thẩm mỹ.

1. Vì sao bị tụt lợi?

Tụt lợi có thể là do viêm và không do viêm. Viêm lợi, viêm quanh răng không được chữa trị lâu ngày sẽ gây tụt lợi. Bệnh nhân bị tụt lợi do viêm quanh răng thường có kèm theo chảy máu lợi, sưng lợi và có thể bị tụt lợi ở toàn bộ hai hàm nếu không được chữa trị kịp thời. Tụt lợi không do quá trình viêm: do lớp xương phủ bề mặt ngoài của chân răng quá mỏng, dễ bị sang chấn.

Sang chấn khớp cắn cũng là yếu tố làm trầm trọng thêm tình trạng tụt lợi do kích thích tăng sinh biểu mô và viêm tại chỗ. Những răng bị lệch ra ngoài cung hàm cũng dễ bị tụt lợi. Đặc biệt sự co kéo quá mức của các phanh môi, má thường gây tụt lợi của răng bên dưới. Tụt lợi còn là hậu quả của một số biện pháp chữa trị vùng quanh răng hoặc chữa trị nắn chỉnh răng.

Một lí do gây tụt lợi và mòn cổ răng rất phổ biến ở người lớn tuổi là chải răng bằng bàn chải quá cứng và không đúng cách. Tình trạng tụt lợi do các lí do không do viêm thường chỉ liên quan đến một răng hoặc một vài răng và thường gặp ở vùng răng nanh, răng cửa, ít khi gặp ở răng hàm. Tụt lợi do các lí do này thường không liên quan đến quá trình viêm của tổ chức quanh răng. Tuy nhiên, nếu lợi bị tụt quá đường ranh giới lợi – niêm thì có thể có kèm theo viêm lợi thứ phát.

2. Hậu quả

Hậu quả của tụt lợi là làm mất xi-măng chân răng, lộ ngà răng, làm tăng nhạy cảm răng, hở kẽ răng, dễ dắt thức ăn và làm giảm thẩm mỹ. Tình trạng mất xi-măng chân răng và lộ ngà răng có thể xảy ra đột ngột ngay sau khi tụt lợi gây ê buốt răng khi chải răng, khi ăn nóng, lạnh nhưng cũng có thể xảy ra từ từ và người bệnh thường không bị ê buốt do phản ứng làm dày lớp ngà sát tủy răng của cơ thể. Đặc biệt ở những răng có phần lợi bám dính ít và mỏng, nếu kèm theo tụt lợi sẽ không còn lợi che phủ cổ răng và chân răng. Những vùng này sẽ dễ bị mòn do cọ sát từ thức ăn hoặc bàn chải khi chải răng.

Một vấn đề người bệnh thường phàn nàn khi bị tụt lợi là vấn đề thẩm mỹ: răng dài ra, hở kẽ răng và dễ dắt thức ăn, đặc biệt ở vùng răng cửa. Tuy nhiên, tụt lợi không bao giờ gây lung lay răng hay mất răng nếu không kèm theo quá trình viêm của vùng quanh răng.

3. Ứng phó với tụt lợi?

Đối với những tình huống tụt lợi mới và nhẹ, không gây ê buốt răng, người bệnh chỉ cần thay đổi cách chải răng đúng với bàn chải lông mềm. Nếu ê buốt răng xảy ra thường xuyên thì người bệnh nên chải răng bằng các loại kem chải răng có chất chống ê buốt hoặc ngậm gel fluor dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Các cổ răng bị mòn có thể được hàn bằng vật liệu hàn răng thẩm mỹ. Tuy nhiên khi tụt lợi nặng, tác động đến thẩm mỹ, có hoặc không kèm theo ê buốt răng thì biện pháp triệt để nhất để giải quyết tình trạng tụt lợi là phẫu thuật ghép để phục hồi lại phần lợi che phủ chân răng.

Nguyên tắc của các phẫu thuật này là sử dụng các vạt niêm mạc ở vùng răng kế cận, có hoặc không kèm theo vật liệu ghép, để che phủ vùng chân răng bị tụt lợi. Các phương pháp thường được sử dụng để che phủ chân răng bao gồm: vạt có chân nuôi (pedicle flap), ghép lợi tự do tự thân (Autogenous free gingival flap), ghép tổ chức liên kết dưới biểu mô (Sub-epithelial connective tisue graft) và phương pháp mới nhất là tái tạo mô có hướng dẫn với màng sinh học (Guided tissue regeneration).

Việc lựa chọn phương pháp ghép và vật liệu ghép tùy thuộc vào mức độ tụt lợi (nặng hay nhẹ), số răng bị tụt lợi (một răng hay nhiều răng liên tiếp), vùng răng bị tụt lợi (răng cửa hay răng hàm) và cấu trúc giải phẫu của vùng kế cận (tổ chức bám dính dày hay mỏng). Phẫu thuật che phủ chân răng nên được thực hiện ở các bệnh viện chuyên khoa lớn bởi các bác sĩ giàu kinh nghiệm.

Chúc cháu sức khỏe.



Nguồn sưu tầm Nguồn: songkhoe.vn

Bị tụt lợi nên chữa trị như thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Lúc nhỏ em thường dùng tăm xỉa răng nên hay bị chảy máu ở lợi. Lớn lên giờ lợi ngắn dần thì em phải lam sao để lợi có thể ôm diện tích răng nhiều hơn. Và đó có phải bệnh không?

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân


Chào em.

Tụt lợi là quá trình lộ bề mặt chân răng do sự di chuyển về phía chóp chân răng của lợi. Tụt lợi có thể do lí do sinh lý hoặc bệnh lý và gây ra sự mất thẩm mỹ rất lớn.

Nguyên nhân sinh lý:

Do chải răng sai kỹ thuật dẫn đến mòn lợi, tuy chải răng rất quan trọng cho sự phát triển lành mạnh của lợi nhưng chải răng quá mạnh và sai kỹ thuật sẽ dẫn đến bị tụt lợi. Mức độ tụt lợi phụ thuộc vào vị trí của răng trên cùng hàm, góc của chân răng trong xương hàm, độ cong gần xa của bề mặt chân răng. Phanh niêm mạc bám sai vị trí thường làm lợi bong khỏi vị trí của nó và dẫn đến tụt lợi.

Nguyên nhân bệnh lý:

Viêm lợi, viêm quanh răng, chấn thương khớp cắn, cao răng nhiều sẽ dẫn đến tụt lợi. Một số tổn thương gây ra bởi virus. Các phương pháp chữa trị viêm quanh răng cũng có thể gây tụt lợi.

Tụt lợi có thể dẫn đến ê buốt răng, mất men răng và cement chân răng, tác động thẩm mỹ… Em nên đi khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt, tùy vào mức độ tụt lợi mà bác sĩ có biện pháp chữa trị phù hợp. Mức độ nhẹ bác sĩ có chỉ định lấy cao răng, hướng dẫn em mát-xa lợi, súc miệng nước muối sinh lý 0,9%… Mức độ nặng có thể phải phẫu thuật.

Em cần có chế độ tự chăm sóc răng miệng cho bản thân mình, cụ thể:

Khám răng miệng định kỳ ít nhất 6 tháng/lần để lấy sạch cao răng, và kịp thời phát hiện các bệnh viêm lợi, viêm quanh răng đồng thời để được bác sĩ chuyên khoa giải đáp chữa trị sớm nếu có nguy cơ bị tụt lợi. Chải răng đúng cách, sử dụng chỉ nha khoa àm sạch sâu các kẽ răng hạn chế tình trạng viêm răng dẫn đến bị tụt lợi. Hạn chế ăn uống các loại hoa quả như nước chanh, cam, nước ngọt có ga, sữa chua…

Chúc em sức khỏe!

Đau chân răng, tụt lợi là bệnh gì, cách điều trị như nào?


Câu hỏi bởi: hoaanadv

Thưa bác sĩ!

Em bị đau chân răng, tụt lợi, ăn uống đồ lạnh thường bị buốt. Răng xỉn màu mặc dù thực hiện vệ sinh răng miệng tốt. Không hôi miệng thỉnh thoảng bị sưng lợi nhiều, răng hiện nay đã bị tụt lợi đến mức nhìn thấy chân răng. Xin hỏi bác sĩ là bệnh gì, cách điều trị (răng em sắp xếp không đều).

Cảm ơn bác sĩ nhiều!

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Huệ


Chào em!

Theo như kể, em bị ê buốt răng khi ăn đồ lạnh, bị đau chân răng và tụt lợi, đây có thể là do các bệnh lý của vùng răng miệng như viêm lợi (hay gặp nhất), bệnh nha chu… Răng của em bị ê buốt khi ăn đồ lạnh còn gọi là răng nhạy cảm. Đây là cách gọi thông thường của hiện tượng quá cảm ngà hoặc là biểu hiện ê buốt chân răng. Khi em ăn uống những đồ nóng, lạnh, chua, ngọt hoặc hít thở không khí lạnh mà có cảm giác ê buốt tức là em đã có biểu hiện răng nhạy cảm. Răng ê buốt thường xảy ra bởi ngà răng ở vùng chân răng bị lộ do tụt nướu hoặc do bệnh nha chu. Khi chân răng bị lộ, nên đã không thấy được lớp men răng bao bọc như ở thân răng mà chân răng được bao bọc một lớp mỏng bên ngoài là xê măng. Khi lớp này mất đi ngà răng sẽ bị lộ ra ngoài và gây nên hiện tượng ê buốt. Nếu em chải răng quá mạnh hoặc sử dụng loại kem đánh răng có độ mài mòn cao thì có thể gây mòn bề mặt men răng và lộ ngà.

Việc chăm sóc, vệ sinh răng miệng không tốt sẽ dẫn tới viêm lợi (răng của em không đều nên đó cũng là một lí do gây nên các bệnh về răng miệng đã nêu trên) và việc chải răng không đúng cách có thể làm cho lợi bị tổn thương. Để hạn chế tình trạng xỉn màu của men răng, em nên lựa chọn thuốc đánh răng có tính chất làm trắng, sáng răng (nếu là do men răng bị xỉn màu từ khi nhỏ, ví dụ như dùng thuốc Tetracycline thì không thể giúp làm trắng men răng được đâu mà phải chữa trị tại các phòng khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt mới cải thiện được màu men răng em ạ). Triệu chứng của viêm lợi là đau nhức quanh răng (nhất là khi ăn thức ăn quá mặn, quá nóng) sẽ làm cho lợi bị sưng tấy, đau nhức. Nếu viêm lợi lâu ngày thì nơi viêm có thể chỉ hơi sưng, không đau nhưng rất dễ chảy máu khi va chạm (dù va chạm rất nhẹ).

Ngoài ra trong một số bệnh mãn tính như: tiểu đường, tim mạch, thiếu vitamin (nhất là vitamin C) cũng có biểu hiện viêm lợi. Tuy nhiên, đa số các tình huống viêm lợi là do việc vệ sinh răng miệng kém, có nhiều cao răng gây viêm lợi và tụt lợi. Sau khi ăn uống mà không được xúc miệng, chải sạch răng nên các cặn thức ăn bị đọng lại trên lợi, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công gây nên viêm lợi và sâu răng.

Để hạn chế tình trạng trên, em nên thực hiện tốt việc vệ sinh răng miệng như: chải răng ngay sau mỗi bữa ăn, sau khi uống nước ngọt, em nên xúc miệng bằng nước muối pha loãng hoặc nước đun sôi để nguội. Sử dụng bàn chải mềm để không làm tổn thương nướu và sử dụng chỉ nha khoa đúng cách. Tốt nhất em nên đi khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt để có chẩn đoán chính xác và phương pháp chữa trị hiệu quả như mong muốn.

Chúc em luôn vui, khỏe!

Răng bị tụt lợi, ê buốt mỗi khi ăn đồ lạnh và chua khi đang điều trị bệnh lupus ban đỏ


Câu hỏi bởi: Anne Phương

Xin chào bác sĩ!

Em là một bệnh nhân nữ đang chữa trị lupus ban đỏ nhưng gặp biểu hiện tụt lợi và ê buốt mỗi khi ăn đồ lạnh và chua. Em rất phân vân vì không biết một người bị tụt lợi mang trong mình căn bệnh lupus có phải dùng thuốc hay kiêng khem gì khác người thường không? Và khi đi khám nha sĩ có phải trình bày ra là mình bị lupus ban đỏ để nha sĩ có liệu trình trị liệu riêng không? Em thực sự không muốn quá nhiều người biết về căn bệnh của mình!

Xin cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào em!

Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn của mô liên kết, có thể tác động đến mọi bộ phận cơ thể. Cũng như trong các bệnh tự miễn khác, hệ miễn dịch tấn công các tế bào và mô của cơ thể, gây viêm và hủy hoại mô. Đây là bệnh có tỷ lệ cao nhất trong nhóm bệnh tạo keo (60%).

Trường hợp của em đang chữa trị bệnh lupus ban đỏ, nên rất có thể một số thuốc chữa trị ức chế miễn dịch khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn, trong đó có có viêm lợi. Tuy nhiên, với tình trạng tụt lợi và ê buốt răng lợi khi ăn đồ lạnh thì có thể em đang bị bệnh răng miệng (viêm lợi, sâu răng,…).

Do vậy, em nên tới cơ sở y tế chuyên khoa Răng Hàm Mặt để khám kiểm tra và chữa trị thích hợp. Em cũng cần trình bày rõ tình trạng bệnh lý em đang mắc và chữa trị để bác sĩ Răng Hàm Mặt cân nhắc các thuốc chữa trị bệnh răng miệng. Điều quan trọng là em cần lưu ý đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ, sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, giữ vệ sinh cơ thể nói chung và vệ sinh răng miệng nói riêng để phòng ngừa các nhiễm khuẩn.

Thân mến!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl