Điều trị chuột rút như thế nào?


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Dừng vận động, cố gắng thả chùng chi bị bệnh để thư giãn bắp thịt đang bị co rút, nhẹ nhàng xoa bóp bắp cơ, nếu có dầu nóng thì thoa dầu lên vùng da của bắp thịt đang bị co rút rồi xoa bóp nhẹ nhàng. Nếu chuột rút ở cẳng chân, bạn nên nhẹ nhàng vươn duỗi cơ theo chiều đối ngược: kéo đầu ngón chân và bàn chân lên cao hướng về đầu gối là cách điều trị chuột rút tại chỗ. Những cách điều trị khác sẽ được đề cập dưới đây.

Chuột rút bắp chân phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Cháu chào bác sĩ ạ.

Năm nay cháu 16 tuổi, nặng 47kg. Gần đây khi ngủ vào lúc đêm cháu lại có triệu chứng như chuột rút bắp chân, rồi bắp chân nó rất căng, đau đến nỗi cháu giật mình khóc do đau, nhưng vài phút sau lại hết. Nhưng nó lại gây ê ẩm nhức mỏi bắp chân đến vài ngày mới hết. Và nó khiến bắp chân cháu mỗi lần đau lại to lên (tính thời điểm này nó đã to 34cm rồi ạ). Cháu đã cố tập thể dục rồi giảm cân nhưng nó lại không hết. Cháu cũng bị bệnh nhiễm độc tuyến giáp, liệu nó có tác động tới bắp chân cháu không ạ? Làm thế nào để bắp chân nhỏ lại vì tự nhiên bắp chân qá to làm cháu rất ngại khi ra đường lẫn đi học. Xin bác sĩ giải đáp cho cháu.

Cháu cảm ơn ạ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Chuột rút là cảm giác đau gây ra bởi sự co rút cơ, thường hay gặp ở chân dẫn đến đau bắp chân. Có nhiều lí do gây ra chuột rút ban đêm: do tăng hoạt động điện trong các cơ bắp, do mất cân bằng nước và các chất điện giải như canxi, magiê, natri và kali, thường xảy ra sau khi tập thể dục, đổ mồ hôi quá nhiều mà không được bù đủ nước và muối, uống thuốc lợi tiểu, đang có thai, phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh… do mắc một số bệnh: bệnh lý tuyến giáp, thiếu máu, đái tháo đường, Parkinson, bệnh mạch máu hai chân, xơ gan, bệnh thần kinh,…; ngộ độc chì. Có thể gặp ở những người ăn chay.

Biểu hiện chuột rút về đêm thường là: co thắt dữ dội các cơ bắp chân, cơ ngực, bụng… thường kéo dài vài giây đến vài phút, nhưng sau đó biểu hiện đau có thể kéo dài cả ngày hay vài ngày sau.

Bạn có thể áp dụng một số biện pháp để có thể hạn chế được chuột rút: tránh ngồi lâu, tư thế của chân lúc nghỉ ngơi phải luôn thoải mái. Hàng ngày, trước khi đi ngủ, nên tập một số động tác để làm giảm căng cơ bắp chân. Bổ sung các loại thực phẩm giàu kali như ăn chuối, mơ, chà là, nho, đậu, bông cải xanh, bắp cải, cam, bưởi, cà chua, thịt lợn, khoai tây, cá ngừ… Khi bị chuột rút, cần giảm đau bằng cách: chườm nóng bắp thịt bị đau; xoa bóp nhẹ nhàng bắp thịt bị chuột rút, sau đó nâng cao chân lên. Luôn chú ý uống bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể để ngăn ngừa chuột rút vào ban đêm.

Chúc bạn sức khỏe!

Chuột rút khi ngủ là bị bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Nkư Trâm

Chào bác sĩ!

Xin hỏi bác sĩ bị chuột rút khi ngủ là bệnh gì? Nên chữa thế nào?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Hiện tượng chuột rút là một triệu chứng rối loạn co cơ mà lí do chính là do thiếu hụt canxi. Canxi đóng vai trò chính trong quá trình co cơ, dẫn truyền thần kinh, giải phóng các Hormon và đông máu, điều hoà nhiều Enzym khác nhau nên khi cơ thể bị thiếu vi chất này sẽ dẫn đến một loạt các triệu chứng nguy hiểm như cơn Tetani, loạn nhịp tim hoặc rối loạn dẫn truyền trong tim… Nồng độ canxi toàn phần trong cơ dao động từ 8,8 mg/dL đến 10,4 mg/dL (2,20 mmol/L đến 2,60 mmol/L) trong điều kiện protein huyết thanh bình thường. Nồng độ canxi thấp hơn chỉ số này hoặc canxi ion hoá dưới 4,7mg/dL (1,17mmol/L) được gọi là hạ canxi máu với dấu hiệu lâm sàng thường gặp là tình trạng co cứng cơ (chuột rút) ở vùng lưng và chân. Bệnh do nhiều lí do gây nên, trong đó chủ yếu là:

Cung cấp canxi không đủ (trẻ em đang giai đoạn phát triển nhanh, phụ nữ đang mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ). Hấp thu canxi tại đường ruột kém thường gặp trong bệnh rối loạn tiêu hoá kéo dài. Có bệnh lý tuyến cận giáp Thiếu hụt Vitamin D thường gặp trong các bệnh lý suy thận mạn tính…

Hiện tượng chuột rút khi ngủ của bạn chính là là triệu chứng của bệnh hạ Canxi máu mạn tính. Trước mắt bạn cần bổ sung canxi bằng đường uống và đôi khi phối hợp với Vitamin D. Có thể dùng Canxi gluconat hoặc Canxi carbonat, 1-2g canxi/ngày. Ngoài ra bạn cần kết hợp với chế độ ăn giàu canxi như tôm, cua, cá, sữa, phomát… và tăng cường tập thể dục ngoài trời (tăng tổng hợp Vitamin D làm tăng hấp thu canxi ở ruột).

Chúc bạn vui khỏe!

Tránh chuột rút liên tục bằng cách nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Thưa bác sĩ, cháu thường bị chuột rút, có cách nào chống chuột rút hiệu quả không ạ?

Xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Huệ


Chào cháu!

Chuột rút là tình trạng co thắt cơ đột ngột, gây đau dữ dội ở một bắp thịt, làm cho bệnh nhân không tiếp tục cử động được nữa. Tuy mọi bắp thịt đều có thể bị chuột rút, nhưng bệnh hay xảy ra ở cẳng chân, đùi, bàn tay, bàn chân và cơ bụng. Chuột rút sẽ gây nguy hiểm nếu cháu đang bơi dưới nước, ngồi gần bếp lửa, khi đang lái xe…

Bệnh thường xảy ra trong các tình huống: ngủ ban đêm, khi đang vận động cơ bắp trong thời gian dài liên tục, nhất là khi mệt mỏi, đói, khát nước. Chuột rút trong khi đang vận động thường gặp ở các bắp thịt lớn như cẳng chân và đùi. Khi đó cơ bắp bị mệt mỏi, vận động quá lâu, quá mạnh, vận động trong thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, cơ thể bị mất muối làm giảm nồng độ Kali, Magie, Natri, Canxi trong máu. Những người ngồi làm việc lâu, không thay đổi tư thế cũng thường bị chứng co cứng cơ. Vận động khi thời tiết nóng bức sẽ khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi gây mất nước và mất muối nên rất dễ gây nên chuột rút (khi vận động mạnh và kéo dài). Một số người sử dụng các loại thuốc chữa bệnh như Statin, Prednisolon, thuốc lợi tiểu làm giảm Kali và Magiê cũng dễ bị chuột rút. Bệnh nhân bị các bệnh: tiểu đường, Parkinson, đường huyết thấp, thiếu máu, bệnh tuyến giáp, bệnh thận đang lọc máu, rối loạn tuần hoàn, bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới đều dễ bị chuột rút. Thai phụ hay bị chuột rút từ tháng thứ 6 trở đi của thai kỳ do thiếu Canxi, Phospho, Magie, do sức nặng và độ lớn của tử cung chèn ép vào các mạch máu ở chi dưới hoặc do các cơ ở chi dưới phải mang sức nặng của cơ thể.

Cách xử trí khi bị chuột rút: Khi đang vận động bất ngờ bị chuột rút, cần thực hiện ngay các thao tác sau đây: dừng vận động, cố gắng thả lỏng chi bị bệnh để thư giãn bắp thịt đang bị co rút. Nhẹ nhàng xoa bóp bắp cơ, nếu có dầu nóng thì thoa dầu lên vùng da của bắp thịt đang bị co rút rồi xoa bóp nhẹ nhàng.

– Nếu chuột rút ở cẳng chân, cháu nên nhẹ nhàng vươn duỗi cơ theo chiều đối ngược: kéo đầu ngón chân và bàn chân lên cao hướng về đầu gối.

– Khi bị chuột rút ở bắp đùi, cần nhờ người khác kéo thẳng chân ra, một tay nâng cao gót chân, tay kia đồng thời ấn đầu gối xuống.

– Trường hợp chuột rút cơ xương sườn, cháu phải hít thở sâu để thư giãn cơ hoành đồng thời xoa bóp nhẹ các bắp thịt xung quanh lồng ngực. Uống nước trà đường nóng, cà phê pha ngọt, nước oresol, nước cam, nước chanh…

Sau khi đã qua cơn đau, về nhà cháu có thể tắm nước nóng để thư giãn bắp thịt. Cháu nên đi giày vừa chân, gót giày không quá cao.

Cháu có thể phòng tránh chuột rút bằng cách: uống nước đầy đủ, tốt nhất là các loại nước giàu chất khoáng như: nước oresol, nước chanh đường muối, nước dừa… trước, trong và sau khi luyện tập, lao động, đi bộ, leo núi. Khởi động thật tốt trước khi vận động cơ thể, trước mỗi buổi tập. Tập thư giãn cơ bắp trước và sau mỗi lần tập luyện. Tập vươn duỗi chân vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng khi thức dậy. Khi ngồi, co bàn chân về phía đầu gối càng cao càng tốt, để máu dễ dàng lưu thông ở bắp thịt cẳng chân. Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, đủ các chất: đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất. Hạn chế dùng các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia. Ðiều trị tích cực các bệnh là lí do gây chuột rút nói trên. Nếu thỉnh thoảng cháu mới bị chuột rút thì không đáng ngại. Nhưng nếu cháu rất hay bị chuột rút, thì cần đi khám bệnh, xét nghiệm để được chẩn đoán và chữa trị đúng bệnh gây ra chuột rút.

Chúc cháu luôn khỏe!

Bé hay bị chuột rút phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Manh Anh Nguyen

Chào bác sĩ.

Con em năm nay hơn 3 tuổi. Thỉnh thoảng cháu bị chuột rút, mỗi lần cháu đều đau và khóc, phải một lúc mới dám đứng lên được. Ra hiệu thuốc, họ bán cho em một lọ canxi và bảo cần phải bổ sung thêm. Bác sĩ cho em hỏi cháu bị bệnh? Cần bổ sung những chất gì?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Bạn có thể cho bé uống canxi D theo hướng dẫn của đơn thuốc, thời gian uống mỗi đợt không nên kéo dài quá 2 tháng. Nếu sau 2-3 đợt uống thấy hiện tượng chuột rút không được cải thiện thì bạn nên đưa bé đi khám bệnh.

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe!

Chuột rút và nhức cơ ở chân phải làm sao?


Câu hỏi bởi: camxucgame

Chào bác sĩ!

Mẹ tôi năm nay 58 tuổi, dạo gần đây thường bị chuột rút lúc ngủ và nhức bắp chuối ở chân. Xin bác sĩ giải đáp cách xử lý.

Tôi cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân


Chào bạn!

Chuột rút là cảm giác đau gây ra bởi sự co rút cơ, thường hay gặp ở chân dẫn đến đau bắp chân.

Có nhiều lí do gây ra chuột rút ban đêm: do tăng hoạt động điện trong các cơ bắp; do mất cân bằng nước và các chất điện giải như canxi, magiê, natri và kali, thường xảy ra sau khi tập thể dục, đổ mồ hôi quá nhiều mà không được bù đủ nước và muối, uống thuốc lợi tiểu, đang có thai, phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh… do mắc một số bệnh: bệnh lý tuyến giáp, thiếu máu, đái tháo đường, Parkinson, bệnh mạch máu hai chân, xơ gan, bệnh thần kinh,…; ngộ độc chì. Có thể gặp ở những người ăn chay.

Biểu hiện chuột rút về đêm thường là: co thắt dữ dội các cơ bắp chân, cơ ngực, bụng… thường kéo dài vài giây đến vài phút, nhưng sau đó biểu hiện đau có thể kéo dài cả ngày hay vài ngày sau.

Mẹ bạn có thể ở giai đoạn mãn kinh có nồng độ Estrogen giảm, làm giảm sự hấp thu canxi dẫn đến bị chuột rút vào ban đêm gây ra nhức mỏi bắp chân, nặng hơn có thể dẫn đến loãng xương. Mẹ bạn có thể áp dụng một số biện pháp để có thể hạn chế được chuột rút: tránh ngồi lâu, tư thế của chân lúc nghỉ ngơi phải luôn thoải mái. Hàng ngày, trước khi đi ngủ, nên tập một số động tác để làm giảm căng cơ bắp chân. Bổ sung các loại thực phẩm giàu kali như ăn chuối, mơ, chà là, nho, đậu, bông cải xanh, bắp cải, cam, bưởi, cà chua, thịt lợn, khoai tây, cá ngừ…

Khi bị chuột rút, cần giảm đau bằng cách: chườm nóng bắp thịt bị đau; xoa bóp nhẹ nhàng bắp thịt bị chuột rút, sau đó nâng cao chân lên. Luôn chú ý uống bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể để ngăn ngừa chuột rút vào ban đêm. Trường hợp mẹ bạn đã áp dụng các biện pháp trên mà tình hình không thay đổi thì mẹ bạn nên đi khám để được làm các xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm điện giải đồ, đo độ loãng xương,… và có phương pháp chữa trị kịp thời.

Chúc mẹ bạn mau khỏi bệnh!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl