Viêm gan siêu vi B khi đang mang thai: Cần lưu ý những gì?


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Viêm gan B khi đang mang thai là một vấn đề nan giải và cần có sự giải đáp. Sau đây là những lý giải của bác sĩ về căn bệnh này trong thời kỳ mang thai.

Bị viêm gan B khi mang thai có ảnh hưởng không?


Câu hỏi bởi: thi trang

Chào bác sĩ.

Em năm nay 24 tuổi. Em đang có bầu được 32 tuần nhưng em bị nhiễm viêm gan B. Em biết mình bị nhiễm viêm gan B khoảng 1 năm nay rồi. Bây giờ em rất hoang mang lo lắng liệu bệnh này có lây hoặc tác động gì đến em bé không? Em nên làm gì hiện giờ? Xin bác sĩ giải đáp giúp em.

Em chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân


Chào em!

Nếu không may em bị nhiễm virus viêm gan B có thai có thể truyền sang bào thai. Trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ thì tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 1%, nếu mẹ bị bệnh ở 3 tháng giữa của thai kỳ thì tỷ lệ lây nhiễm sang con là 10% và sẽ tăng cao tỷ lệ lây nhiễm sang con tới 60-70% nếu mẹ bị mắc bệnh ở 3 tháng cuối của thai kỳ. Nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi có thể lên tới 90% nếu không có biện pháp bảo vệ ngay sau khi sinh, 50% số trẻ này sẽ bị viêm gan mãn tính.

Vì vậy em cần đi khám chuyên khoa Gan mật xác định em đang bị viêm gan B ở giai đoạn nào. Tùy vào giai đoạn bệnh và nồng độ virus mà sẽ có hướng cụ thể để bảo vệ cho bé tiêm huyết thanh đặc hiệu chống bệnh viêm gan B ngay trong phòng sinh. Và tiêm vacxin phòng viêm gan B cho trẻ theo đúng lịch tiêm chủng. Đây là cách phòng viêm gan B tốt nhất cho bé. Mẹ bị nhiễm virus viêm gan B vẫn có thể cho con bú nếu như mẹ mang virus không hoạt động. Trường hợp mang bệnh, bé sẽ được chữa trị ngay sau khi chào đời.

Chúc em sức khỏe!

Mẹ bị viêm gan B liệu con sinh ra có bị lây không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Vợ chồng em cưới được 1 năm rồi mà vẫn chưa có em bé. Đi khám phụ sản thì vợ em kinh nguyện không đều chậm kinh 3 tháng. Em thì bị sinh lý yếu. Mà vợ em lại bị nhiễm viêm gan B thì sau này sinh em bé có bị lây không ạ? Bác sĩ giải đáp giúp em với ạ.

Em cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào bạn!

Mẹ nhiễm vi rút viêm gan B có thể lây truyền cho con trong thời kỳ mang thai hay trong khi sinh. Tuy nhiên, lây nhiễm trong thời kỳ mang thai là hiếm khi xảy ra, thường trẻ sơ sinh bị lây nhiễm vi rút viêm gan B trong cuộc chuyển dạ và khi sinh của người mẹ do thai nhi tiếp xúc với máu và dịch tiết sinh dục. Để làm giảm nguy cơ lây nhiễm cho em bé, khoảng tuần 28-30 của thai kỳ, người mẹ nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa, làm các xét nghiệm kiểm tra, để cân nhắc chữa trị dự phòng làm giảm nguy cơ lây nhiễm vi rút viêm gan B cho bé.

Ngoài ra, ngay sau khi sinh, tốt nhất là trong vòng 12 giờ đầu sau sinh bé được tiêm ngừa viêm gan B và tiêm huyết thanh kháng vi rút viêm gan B (HBIG). Với những điều nêu trên có thể giảm nguy cơ lây nhiễm vi rút viêm gan B cho bé một cách hiệu quả tới 96%. Khuyên vợ chồng bạn nên khám bác sĩ để có thể đánh giá và giải đáp cụ thể hơn.

Chúc gia đình bạn mạnh khỏe!

Hỏi về khả năng lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em bị viêm gan B, kết quả xét nghiệm HBsAG 2524 HBeAg 837.3. Em có cho bé bú sữa mẹ được không? Bé được chích ngừa viêm gan B trong 24 giờ sau khi được sinh ra. Có khả năng lây nhiễm cho bé không? Xin bác sĩ cho em lời khuyên.

Em cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Viêm gan siêu vi B chủ yếu lây truyền qua đường từ mẹ sang con. Ngoài ra còn lây qua đường quan hệ tình dục, truyền máu. Tỉ lệ truyền bệnh từ mẹ sang con tùy thời điểm người mẹ bị mắc bệnh. Cụ thể:

Mẹ mắc bệnh trong ba tháng đầu thai kỳ thì tỉ lệ truyền bệnh từ mẹ sang con là 1% Nếu mắc trong ba tháng giữa thai kỳ là 10% Còn mắc ở ba tháng cuối thai kỳ là 60-70%.

Về đường lây bệnh viêm gan B mặc dù trên lý thuyết, khi sinh thường thì bé có thể hít hay nuốt phải siêu vi viêm gan B trong đường sinh dục mẹ dẫn đến lây bệnh, nhưng sinh mổ thì bé cũng có thể bị lây nhiễm do tiếp xúc với máu mẹ.

Bạn bị nhiễm viêm gan B có cả HBsAg dương tính và HBeAg dương tính thì bé cần được tiêm hai liều immunoglobulin (thay vì một liều nếu mẹ bị nhiễm viêm gan B có HBsAg dương tính và HBeAg âm tính) và một mũi văcxin ngừa viêm gan B thông thường trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Các mũi văcxin tiếp theo sẽ tiêm ở tháng thứ hai và tháng thứ tư. Văcxin này tiêm theo lịch tiêm chủng mở rộng quốc gia cho tất cả trẻ em sau sinh. Khi đó bé sẽ có hơn 95% cơ hội không bị mắc viêm gan B sau này. Nếu không tiêm phòng đúng cách (hoặc tiêm phòng quá muộn), bé có nguy cơ viêm gan B rất cao.

Bạn vẫn nên cho con bú vì hiện nay khoa học vẫn chưa chứng minh được sự lây nhiễm viêm gan B qua đường sữa khi các bà mẹ nhiễm siêu vi B cho con bú. Tuy nhiên cần lưu ý, cân nhắc cho trẻ bú sữa bình nếu bạn có nứt hay chảy máu đầu vú. Ngoài ra, nếu bạn có dùng thuốc phòng lây siêu vi B cho thai (thuốc tenofovir) thì nên ngưng thuốc ngay khi sinh mới được cho bé bú.

Chúc bạn và bé mạnh khỏe!

Sản phụ bị viêm gan B, phòng tránh cho bé sau khi sinh như thế nào?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ.

Hiện tại em đang ở Gia Lai. Em đang có thai sang tuần thứ 27 là con đầu. Em có làm các xét nghiệm và bị viêm gan B (dương tính) Bác sĩ phụ khoa khám có chỉ định đến tuần 28 – 29 của thai kỳ thì lấy thuốc uống cho đến khi sinh em bé (và khuyên em xuống Bệnh viện Nhiệt Đới lấy thuốc. Em được biết loại thuốc này rất tốn chi phí và ngày 1 viên). Em cũng không biết loại thuốc này ở Gia Lai có không? (bác sĩ chưa kê toa cho em). Kết quả xét nghiệm 8,93 Log10, chỉ số bình thường là =2,4 Log10. Vậy xin bác sĩ giải đáp giúp em về tình trạng bệnh cũng như cách phòng tránh cho bé sau khi sinh phải trích những mũi kháng sinh nào. Nếu uống trễ hơn thì tình hình sức khỏe em bé sau sinh thế nào ạ. Hiện tại em cũng đang hoang mang vì em chưa có điều kiện lại rất lo.

Em xin chân thành cám ơn ạ.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Hiện tại em đang nhiễm vi rút viêm gan B và mang thai ở tuần 27. Không thấy em cho biết tình trạng men gan, tiền sử bệnh, đã phát hện nhiễm viêm gan B khi nào, xét nghiệm HbeAg âm tính hay dương tính. Qua thông tin em cho biết thì chỉ biết rằng số lượng vi rút của em là cao, và em có chỉ định chữa trị.

Bác sĩ chữa trị căn cứ vào kết quả xét nghiệm của em để chỉ định em uống thuốc ức chế vi rút viêm gan B, việc chữa trị này được tiến hành vào tuần thứ 28 – 30 của thai kỳ. Đây là biện pháp chữa trị để làm giảm nguy cơ lây nhiễm HBV cho bé. Ngay sau khi sinh trong vòng 24 giờ đầu, bé cần được tiêm Globuline miễn dịch với vi rút viêm gan B (HBIG), và vắc xin ngừa viêm gan B, tốt nhất là tiêm sớm HBIG trong vòng 12 giờ đầu sau sinh. Sau đó lịch tiêm chủng của bé được tiến hành như bình thường. Em nên thực hiện theo ý kiến của bác sĩ chữa trị để giảm nguy cơ lây nhiễm vi rút viêm gan B cho bé.

Chúc em mạnh khỏe.

Bị viêm gan B nên làm thế nào để khi sinh con không bị lây nhiễm?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Xin chào bác sĩ ạ.

Em năm nay 23 tuổi. Và em mới phát hiện mình mắc bệnh viêm gan B được 2 năm nay ạ. Em có điều thắc mắc với bác sĩ là nhà em có 6 thành viên . Trong khi đó bố mẹ và anh trai và chị gái em thì âm tính với virus viêm gan B ạ. Em có một người anh trai sinh đôi với em và đặc biệt là 2 anh em em lại dương tính vơi virus ạ. Và em muốn bác sĩ giúp em tìm ra các trường hợp có khả năng nhiễm bệnh của em và anh sinh đôi của em ạ. Liệu bệnh có chữa khỏi hẳn được không ạ?

Tiện thể em có một chút thắc mắc là vợ em đã quan hệ với em được 2 năm rồi nhưng xét nghiệm thì âm tính ạ. Sau này em muốn đẻ con thì phải như thế nào để con em tránh khỏi căn bệnh này ạ? Em nghe nói người mắc bệnh viêm gan B thì không được vào viện làm đúng không ạ? Vì em sợ một ngày nào đó vợ em mắc phải và mất hết tương lai ạ!

Em cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thanh


Chào bạn!

Viêm gan B là một bệnh lý về gan nghiêm trọng được gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Bệnh viêm gan B có thể lây nhiễm rồi trở thành mãn tính, dẫn đến các bệnh nặng hơn như suy gan, xơ gan hoặc ung thư gan. Để có cách chữa trị viêm gan B tốt nhất, người bệnh trước tiên cần phải tìm hiểu lí do bệnh lý, sau đó mới có thể bàn đến phương pháp chữa trị. Bất cứ ai ở bất cứ độ tuổi nào cũng có thể bị nhiễm viêm gan B. Người lớn có khả năng hồi phục lại hoàn toàn nếu được chữa trị kịp thời, ngay cả khi có các dấu hiệu và biểu hiện được cho là nghiêm trọng. Trẻ sơ sinh và trẻ em có nhiều khả năng để phát triển thành một bệnh viêm gan B mãn tính. Mặc dù không có bất cứ một loại thuốc nào chữa dứt điểm bệnh viêm gan B hay một loại vắc-xin có thể ngăn ngừa được bệnh. Khi biết mình đã bị nhiễm bệnh, hãy cố gắng ngăn ngừa khả năng lây lan virus HBV cho người khác. Virus viêm gan B có trong máu, nước bọt, tinh dịch, dịch mật, sữa mẹ và một số các dịch tiết của cơ thể. Tuy nhiên, virus viêm gan B lây truyền chủ yếu theo đường máu thông qua tiêm truyền, quan hệ vợ chồng và đặc biệt là mẹ truyền cho con khi sinh, bị viêm gan virus B thì chức năng gan sẽ bị suy giảm thêm khiến cho sức khỏe của cơ thể càng giảm sút.

Mục tiêu chữa trị viêm gan B là giảm tăng sinh virus, cải thiện biểu hiện lâm sàng, giảm quá trình viêm, hoại tử của gan để hạn chế nguy cơ xơ gan và ung thư gan. Hiện nhiều loại tân dược có hiệu quả cao trong chữa trị bệnh này như Interferon, thuốc tương đồng Nucleotide và Adefovir dipivoxil… Trong đó, Interferon có nhược điểm là nhiều tác dụng phụ (sốt, chán ăn, giảm cân, rụng tóc), giá rất đắt, bệnh nhân lại phải đến cơ sở y tế để tiêm. Thuốc cũng không có hiệu quả trong một số dạng bệnh. Còn loại thuốc tương đồng Nucleotide (như Lamivudine) tuy có chỉ định rộng hơn nhưng tỷ lệ đề kháng và tái phát cao. Lời khuyên cho người viêm gan B:

Chế độ ăn: Nếu người lành mang mầm bệnh, nên hạn chế uống rượu. Người nghiện rượu mắc bệnh viêm gan B thường hay bị xơ gan hơn. Chế độ ăn bình thường là thích hợp với hầu hết tình huống viêm gan siêu vi B. Khi bị xơ gan, nên giảm muối trong chế độ ăn. Lối sống: Người bị nhiễm viêm gan siêu vi B thường lo lắng về nguy cơ truyền bệnh sang những người xung quanh. Mối lo này hoàn toàn hợp lý bởi vì siêu vi B lây nhiễm qua tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết của bệnh nhân, cũng như do quan hệ tình dục. Hiện nay, đã có vắc-xin chủng ngừa cho những người tiếp xúc với người mang mầm bệnh (bạn tình, trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc.).

Dù sao, người mang mầm bệnh cần có biện pháp đề phòng thích hợp, sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục. Có lẽ bất kỳ ai rơi vào hoàn cảnh như bạn cũng khó tránh khỏi băn khoăn về sức khỏe của vợ và những đứa con tương lai của mình. Như bạn nói, kết quả xét nghiệm của vợ bạn là âm tính với virus viêm gan B thì vợ bạn cần đi tiêm phòng ngay để cơ thể được bảo vệ một cách an toàn nhất khỏi sự lây nhiễm của virus viêm gan B. Nếu bạn là người lành mang mầm bệnh, vợ bạn không bị nhiễm virus HBV thì việc đẻ con không bị tác động, khi đẻ con các bác sĩ Sản khoa sẽ tiêm phòng viêm gan B ngay trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Bạn có thể nhờ bác sĩ sản giải đáp thêm. Trường hợp anh sinh đôi với bạn cũng bị nhiễm virus HBV, có thể sinh đôi nên hai anh em có cùng sở thích, việc dùng chung đồ, hay dao cạo râu chung, nếu không để ý sẽ dẫn đến việc nhiễm bệnh lúc nào không biết.

Chúc bạn sức khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl