Những vấn đề về tay chân thường gặp ở trẻ nhỏ


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Trẻ em có thể gặp phải vô số những vấn đề liên quan đến tay chân với nhiều cấp độ nguy hiểm khác nhau. Cách tốt nhất để bảo vệ toàn diện sức khỏe của bé chính là tham khảo ý kiến chuyên gia về vấn đề này.

Chỉnh hình dị tật bẩm sinh tay chân trẻ


Câu hỏi bởi: Hoàng Tiến

Thưa Bác sĩ, con em vừa được 4 ngày tuổi. Khi bé được sinh ra, gia đình vô cùng đau đớn khi biết bé bị dị tật bẩm sinh bàn tay trái và bàn chân trái. Đây là bé thứ ba của chúng em, hai bé đầu bình thường nhưng bất hạnh lại đến với bé. Chúng em muốn hỏi: thời điểm nào có thể đưa bé đi khám được? Và liên hệ ở đâu để khám cho bé là tốt nhất? Chúng em ở Biên Hòa, Đồng Nai. Rất mong nhận được hồi âm, xin chân thành cảm ơn các bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Quang Anh


Chào bạn.
Bạn cần đưa bé đến khám Phục hồi chức năng chuyên cho Nhi khoa. Ở đó các bác sĩ sẽ khám và có chỉ định điều trị cụ thể chó bé vì có một số dị tật bẩm sinh cần nắn chỉnh càng sớm càng tốt thông qua nẹp chỉnh hình.
Chúc bạn sức khỏe!

Cho trẻ bị tay chân miệng ăn gì?


Câu hỏi bởi: Lãng Du

Thưa bác sĩ.

Trường hợp trẻ bị tay chân miệng thì nên cho cháu ăn uống như thế nào ạ?

Em cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào em.

Bệnh tay chân miệng là căn bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh do siêu vi trùng đường ruột thuộc nhóm Coxasackieviruses và Enterovirus 71 gây ra. Khi mắc bệnh tay chân miệng, trẻ thường rất biếng ăn, thậm chí không chịu ăn do các vết loét trong niêm mạc miệng gây đau. Ngoài ra, khi mắc căn bệnh này, trẻ thường sốt, đau họng… nên rất mệt mỏi, rất hay quấy khóc, do đó thường sút cân.

Nếu trẻ mắc bệnh chân tay miệng, khi cho trẻ ăn uống, em cần lưu ý những điểm sau:

Rửa sạch tay trẻ trước khi cho trẻ ăn, không cho trẻ ngậm đồ chơi hay ngậm tay trong miệng. Cho trẻ ăn những món ăn trẻ thích. Không nên ép trẻ ăn khi trẻ đã từ chối ăn. Do có vết loét trong miệng nên trẻ thường đau và không muốn ăn. Vì vậy, em cần nấu thức ăn thật nhuyễn, mềm, đủ chất, làm lỏng thức ăn để trẻ dễ ăn hơn. Với rau củ quả, em cũng cần nấu nhuyễn cho trẻ. Phải làm nguội thức ăn rồi mới cho trẻ ăn. Cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ vì trẻ bị đau miệng nên mỗi bữa trẻ không ăn được nhiều. Khi cho trẻ ăn, tránh để thìa chạm vào vết loét trong miệng trẻ. Có thể cho trẻ ăn sữa chua, sữa bột, hoặc bột dinh dưỡng, cháo nấu thật nhuyễn, súp hầm kỹ, nước hoa quả tươi mát. Nếu trẻ còn bú mẹ, em cần cho trẻ bú như bình thường, có thể tăng số lần bú hàng ngày của trẻ. Sau khi trẻ ăn xong, cần cho trẻ súc miệng sạch sẽ hoặc lau sạch miệng trẻ.

Chúc sức khỏe!

Trẻ 5 tháng tuổi phát triển tay chân không đều nhau có phải do bị bệnh?


Câu hỏi bởi: linh – hd

Chào bác sĩ!

Cháu tôi đã được 5 tháng tuổi. Vì mùa đông nên lúc nào cháu cũng mặc quần áo dài, ấm áp, gia đình không để ý và cho đến nay thì mới phát hiện một bên cánh tay và chân trái của cháu nhỏ hơn bên kia với tỉ lệ là 7-10. Tuy nhiên khi sờ nắn thì cháu không đau. Gia đình tôi đã đưa đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Nhưng khi vào phòng khám các bác sĩ thử các thao tác thì cháu cũng không khóc vì đau mà còn cười nên bác sĩ không cho làm thủ tục xét nghiệm nào cả và cho về. Bảo 6 tháng sau cháu lớn nếu thấy có triệu chứng lạ thì cho quay lại khám. Theo mẹ cháu thì luôn áp một phía cơ thể cháu khi bế và khi cho bú nên mới phát triển không đều giữa 2 bên. Tuy nhiên gia đình tôi vẫn rất lo lắng vì chưa biết chính xác lí do của sự bất cân xứng đó. Mong các bác sĩ giải đáp giúp tôi.

Xin chân thành cảm ơn các bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Cơ thể con người hai bên là đối xứng nhau nhưng sự đối xứng chỉ mang tính chất tương đối chứ không thể đều chằn chặn. Dù là trẻ con hay người lớn thì cơ thể hai bên chi trên, chi dưới, mắt, lông mày… đều đối xứng nhau nhưng khi để ý kỹ thì bạn sẽ thấy là nó sẽ hơi lệch nhau một chút. Điều đó là bình thường.

Trường hợp của con bạn, đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi thăm khám trực tiếp không phát hiện gì bất thường thì gia đình không nên lo lắng và cần làm theo lời khuyên của bác sĩ là theo dõi 6 tháng sau khám lại. Các triệu chứng lạ mà các bác sĩ nói có thể là sự chênh lệch giữa chân tay 2 bên không giảm mà còn lớn hơn, kèm theo triệu chứng bé đau nhức, quấy khóc…

Việc mẹ cháu thường áp một phía cơ thể cháu khi bế và khi cho bú cũng có thể là lí do khiến sự chênh lệch vốn có giữa hai bên cơ thể cháu lớn hơn bình thường một chút. Điều này mẹ cháu có thể điều chỉnh. Đồng thời, gia đình cần thường xuyên xoa bóp chân tay cho cháu nhất là bên phát triển bé hơn để cải thiện tình trạng này.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Đau nhức lưng, tay, chân ở trẻ nhỏ là bệnh gì?


Câu hỏi bởi:

Con trai tôi đến nay được 3.6 tuổi. Nặng 12kg. Dạo này cháu thường kêu đau mỏi lưng, tay chân và cổ. Tôi có mang cháu đến cơ sở y tế khám bệnh, nhưng không tìm thấy bệnh gì. Cháu vẫn ăn ngủ bình thường. Mong Bác sĩ giải đáp cho cháu. Xin cảm ơn.



Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn!

Trẻ con 3 tuổi mô tả các dấu hiệu cảm giác chưa chính xác, các dấu hiệu cơ năng này chưa có sự bất thường. Mặt khác bạn đưa bé đi khám bệnh mà không phát hiện thấy dấu hiệu bệnh lý thì bạn nên an tâm. Bạn nên hạn chế giám hộ bé chặt hơn giảm hiện tượng chơi đùa của bé. Nếu bé kêu đau thì nên dùng đá lạnh chườm cho bé.

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe!

Trẻ bị bệnh tay chân miệng và biếng ăn phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Xin bác sĩ cho em biết cháu bé nhà em được 18 tháng mới được có 9,5 kg là có đạt tiêu chuẩn cân nặng so với tháng tuổi không ạ. Cháu bé nhà em rất biếng ăn và đang bị bệnh tay chân miệng. Xin bác sĩ cho em biết làm thế nào cho bé hết biếng ăn ạ.

Xin cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Cân nặng tiêu chuẩn của trẻ được 18 tháng tuổi là từ 8,5 kg đến 11,5 kg. Do đó, bé nhà bạn được 9,5 kg là đạt tiêu chuẩn về cân nặng.

Hiện tại cháu bé đang bị bệnh tay chân miệng, tình trạng bệnh làm cho trẻ khó chịu, sức khỏe sa sút nên trẻ thường bỏ bú, ăn uống kém hơn so với bình thường. Sau khi khỏi ốm trẻ sẽ ăn uống trở lại bình thường. Nếu trẻ thường xuyên biếng ăn, bạn nên chế biến đồ ăn cho trẻ sao cho thật bắt mắt chẳng hạn như món cháo của bé có màu xanh của rau, màu đỏ của thịt hoặc màu vàng của trứng,… để thu hút trẻ, làm cho trẻ cảm thấy thích thú hơn với việc ăn uống. Đồng thời với chế độ ăn mỗi bữa có đủ rau, thịt, cá, trứng,… sẽ cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Ngoài ra bạn cần cho trẻ ăn đủ bữa, ăn đúng giờ, không nên cho trẻ nghịch hay chơi trò chơi trong khi ăn vì nếu không sẽ tạo thói quen xấu cho trẻ mà mỗi lần bạn cho bé ăn cũng sẽ vất vả hơn.

Bệnh tay chân miệng là bệnh do virus gây nên. Bệnh thường tự khỏi sau 7 – 10 ngày, tuy nhiên có một tỉ lệ nhỏ có biến chứng nặng nề như: viêm phổi, viêm não,… Vì vậy, bạn càng phải chú ý cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, vì trẻ biếng ăn nên cần cho trẻ ăn nhiều bữa, cho trẻ uống thêm nước ép hoa quả để bổ sung vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng cho trẻ. Nếu bé có các triệu chứng sốt cao 39 – 40 độ C, li bì hay khó thở, tím tái bạn cần phải đưa cháu đến bệnh viện ngay.

Chúc bé mau khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl