Thường xuyên nổi giận vô cớ là biểu hiện của bệnh gì?


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Nổi giận vô cớ với tần suất cao được nhiều người nghi ngại là biểu hiện của tâm thần phân liệt. Những giải đáp của bác sĩ sẽ được liệt kê sau đây.

Hay nổi giận vô cớ khi nói chuyện với mẹ hay người thân


Câu hỏi bởi: Hằng Hóm Hỉnh

Em chào bác sĩ ạ.

Thưa bác sĩ em năm nay 14 tuổi. Khoảng 2 tháng nay em hay nổi giận vô cớ khi nói chuyện với má hay người thân trong gia đình em hay lớn tiếng nạt nộ mặc dù má đang nói chuyện đàng hoàng với em. Lúc nào cũng cảm thấy khó chịu không muốn nói chuyện với ai. Cái gì không đúng em nạt lại liền. Tính tình kì lắm bản thân em cũng thấy như vậy không biết cách gì hết bác sĩ xem coi em bị gì và cho lời khuyên nha.

Em cảm ơn bác sĩ ạ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào em!

Em năm nay 14 tuổi thường xuyên nổi giận vô cơ với mọi người, lúc nào cũng cảm thấy khó chịu và không muốn nòi chuyện với ai, đây có thể là triệu chứng thay đổi tâm sinh lí trong lứa tuổi dậy thì, tuy nhiên nếu tình trạng này ngày càng trầm trọng thêm đó có thể là biểu hiện của bệnh trầm cảm.

Biểu hiện thường gặp nhất là dễ nóng nảy, bực tức một cách vô cớ, không cảm thấy hứng thú với bất cứ chuyện gì, ngay cả những việc mình yêu thích trước đây (như chơi thể thao, nghe nhạc…); thỉnh thoảng lại rơi vào trạng thái vô thức trong thời gian ngắn. Ngoài ra, còn có các dấu hiệu khác như thường xuyên có cảm giác buồn rầu hoặc mệt mỏi, chỉ muốn ngồi yên một chỗ, không thích hoạt động thể chất hay tiếp xúc với bất cứ ai. Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm thường do áp lực học hành, hoàn cảnh gia đình, nghiện game, lạm dụng chất kích thích hoặc những áp lực do chính bản thân em tạo ra. Trước hết nếu còn tồn tại các vấn đề trên thì em cần xử lý, thường xuyên gặp gỡ bạn bè giúp cho tình thần thoải mái, tránh ở một mình, không thức khuya, mỗi ngày dành ra 20-30 phút để tập thể dục. Nếu tình trạng không đỡ và ngày càng trầm trọng thêm em nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Tâm thần học để khám và chữa trị.

Chúc em sức khỏe!

Mẹ thay đổi, ít nói, thường cáu giận vô cớ phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Nhà cháu cũng đầy đủ điều kiện. Má cháu là nội trợ. Ba cháu khá vô tâm, chỉ có cháu là hay chia sẻ với má. Nhưng gần đây tính tình má thay đổi, má ít nói hơn, hay cáu giận vô cớ dù cháu không làm gì. Má hay than trách phận đời rồi khóc một mình. Cho cháu hỏi má cháu có bị vấn đề gì về tâm lí hay không và cháu có thể làm gì để má không còn cáu giận như thế nữa ạ.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Nếu như mẹ bạn đang ở độ tuổi tiền mãn kinh thì những bất ổn tâm lý này có thể hiểu được. Bạn cần an ủi động viên mẹ nhiều hơn, không vì vậy mà khó chịu và xa lánh mẹ bạn, như vậy tình hình sẽ càng căng thẳng hơn. Bạn chỉ lo lắng mẹ bạn cần đến bệnh viện khám khi mẹ bạn có những dấu hiệu hoang tưởng tự tưởng tượng những chuyện hoang đường hoặc tự nói chuyện một mình, làm những việc kỳ lạ… thôi nhé.

Chúc gia đình bạn sức khỏe!

Buồn bã, mệt mỏi, suy nghĩ tiêu cực, ngại chia sẻ, hay bực bội phải làm sao?


Câu hỏi bởi: mai an

Chào bác sĩ!

Cháu là nữ năm nay 18 tuổi. Cháu thường xuyên cảm thấy buồn bã và mệt mỏi. Cháu hay suy nghĩ và lo sợ về những việc xảy ra thường ngày. Cháu thường xuyên thấy cả người mệt mỏi rã rời, đau nhức xương khớp, không muốn làm bất cứ việc gì. Cháu hay cảm thấy bực bội và nổi giận vô cớ. Cháu nghĩ mình là một đứa vô dụng, chỉ là gánh nặng cho gia đình. Những suy nghĩ, nỗi buồn của cháu, cháu không dám chia sẻ với bất kì ai, chỉ tự gặm nhấm một mình. Nhiều khi cháu cảm thấy sợ bản thân mình, mọi người ai cũng nói cháu ngoan hiền, nhưng cháu biết bản thân mình xấu xa thế nào. Cháu hay bị mọi người hiểu lầm lắm, nhưng những lúc đó, cháu cũng chỉ im lặng không giải thích bất cứ điều gì. Cháu bất lực, chán nản với cuộc sống này, trong đầu luôn có suy nghĩ muốn chết đi. Bây giờ cháu thực sự cảm thấy rất mệt mỏi, không biết có thể chịu đựng bao lâu nữa. Xin bác sĩ giúp cháu thoát khỏi tình cảnh này.

Cảm ơn Bác sĩ!

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Theo lời kể của cháu thì hiện tại cháu có các biểu hiện sau đây:

Thường xuyên buồn bã.

Mệt mỏi rã rời không muốn làm việc gì.

Hay lo lắng.

Đau nhức xương khớp.

Hay bực bội và nổi giận vô cớ.

Nghĩ mình là người vô dụng, là gánh năng cho gia đình.

Cho mình là người xấu xa.

Bất lực và chán nản với cuộc sống.

Luôn có ý nghĩ muốn chết.

Những biểu hiện triệu chứng ở cháu đã lâu chưa, cháu đang đi học hay nghỉ học ở nhà đi làm rồi? Bây giờ bác trao đổi với cháu về bệnh lý mà cháu đang mắc phải nhé. Tất cả các biểu hiện triệu chứng ở cháu là triệu chứng bất thường của bệnh lý trầm cảm. Rối loạn trầm cảm là bệnh lý rối loạn về cảm xúc nặng. Người bệnh thường xuyên cảm thấy buồn bã không có lý do, nét mặt buồn giầu, không tươi tỉnh và không bao giờ cười nói vui vẻ. Thường có cảm giác lo lắng một cách vô cớ, người bệnh luôn lo lắng bồn trồn trong người không có lý do. Đồng thời người bệnh lúc nào cũng thấy mệt mỏi như không còn sinh lực sống, không muốn làm việc, chỉ muốn nằm hay ngồi một chỗ, vận động giảm một cách rõ rệt. người bệnh cũng có hiện tượng đau mỏi xương khớp, lúc đau mỏi khớp này lúc đau mỏi khớp kia, khi khám hoặc chụp phim thì hoàn toàn bình thường không có viêm hoặc tổn thương thực thể. Tính tình thay đổi hay cáu gắt một cách vô cớ, luôn có ý nghĩ tự ti cho mình là thấp kém, là vô tích sự, là gánh nặng cho gia đình, không đáng sống. Người bệnh cảm thấy cuộc sống bế tắc do vậy luôn có ý tưởng tự sát và hành vi tự sát. Đại đa số bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ như ít ngủ, mất ngủ, thậm chí là ngủ rất nhiều. Người bệnh ăn uống không ngon miệng, kém ăn, sút cân. Như vậy các biểu hiện triệu chứng ở cháu rất điển hình của bệnh trầm cảm.

Để cháu thoát khỏi tình trạng tình trạng tâm lý nặng nề u uất và khó chịu với những biểu hiện đang triệu chứng ở cháu, cách duy nhất là cháu hãy nói rõ những triệu chứng bệnh lý ở cháu với bố mẹ và gia đình. Từ đó mọi người giúp cháu đưa đi khám bệnh và chữa trị. Cháu hãy tích cực chữa trị là bệnh sẽ ổn định, lúc đó cháu sẽ cảm thấy dễ chịu, thoải mái và khoẻ mạnh như xưa mà thôi. Bệnh của cháu đã rất nặng, cháu hãy đi khám và chữa trị ngay nhé, nếu để lâu thêm rất nguy hiểm. Bệnh trầm cảm do chuyên khoa Tâm thần khám và chữa trị. Cháu hãy đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh hoặc Bệnh viện Tâm thần Trung ương để khám và chữa trị ngay nhé.

Chúc cháu nhanh ổn định bệnh!

Tâm trạng bất ổn và hay lo âu, cáu gắt phải làm gì để cảm thấy thoái mái hơn?


Câu hỏi bởi: Phạm Vy

Chào bác sĩ!

Con 14 tuổi, là nữ. Tâm trạng của con không được ổn định lắm, không biết vì sao dạo này con rất dễ xúc động và thường xuyên không nhớ, khó ngủ, đôi lúc lại chán nản và chẳng muốn nói chuyện với ai, có khi còn tức giận vô cớ và không kìm chế được cảm xúc của mình. Vậy thưa bác sĩ là có phải con đang bị stress vì việc học gần đây quá bận rộn hay có vấn đề gì về thần kinh không ạ? Mong bác sĩ giải đáp cho con phải làm sao để hồi phục lại tình trạng này?

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Tuổi cháu bắt đầu bước vào tuổi dậy thì, giai đoạn này có sự thay đổi rất lớn về nội tiết của cơ thể, từ đó tâm sinh lý cũng thay đổi.Ở tuổi này các cháu rất muốn khẳng định mình là người lớn, muốn tự lập để quyết định các việc của bản thân và rất nhậy cảm với những ảnh hưởng cũng như những thay đổi bên ngoài, do vậy rất rễ bị căng thẳng tâm lý và bị stress. Cháu nói là dạo này tâm trạng của cháu không được ổn, rất rễ xúc động, hay không nhớ, khó ngủ, đôi lúc chán nản, không muốn nói chuyện với ai, tức giận vô cớ không kìm chế được cảm xúc của mình.

Cháu nói là gần đây cháu quá bận rộn trong học tập. Như vậy theo bác trong việc học tập của cháu đã tạo ra một áp lực quá lớn đối với cháu. Áp lực này đã ảnh hưởng vào hệ thần kinh ở giai đoạn lứa tuổi rất nhậy cảm, có nhiều biết động về tâm sinh lý và đó là điều kiện rất thuận lợi để phát sinh stress ở cháu. Stress có các biểu hiện sau đây:

– Kém ngủ hoặc khó ngủ

– Hay không nhớ, khả năng tập trung kém

– Hay lo lắng, căng thẳng không thể thư giãn

– Cảm giác buồn chán

– Dễ nổi cáu vô cớ

– Cảm giác cô đơn

– Thích ở một mình, không muốn tiếp xúc nói chuyện với ai

– Ngoài ra có thể có một chứng rối loạn chức năng tự trị về mặt cơ thể …

Như vậy cháu có một số biểu hiện biể hiện của stress. Bệnh này thuộc chuyên khoa Tâm – Thần kinh khám và chữa trị. Nếu bị mức độ nhẹ như cháu chỉ cần tâm lý trị liệu mà không cần dùng thuốc. Cháu hãy tới bệnh viện tâm thần xin khám và nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý. Bác tin là chỉ một thời gian ngắn là cháu sẽ bình ổn.

Chúc cháu sớm khoẻ mạnh.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.