Cách giảm triệu chứng khó thở do hen suyễn


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Dấu hiệu của một cơn hen nghiêm trọng là khó thở hoặc thở khò khè nặng, đặc biệt là vào ban đêm hoặc sáng sớm. Cách phòng ngừa những lúc khó thở của bệnh hen xuyễn bao gồm: hằng ngày nên giữ ấm cơ thể, vệ sinh mũi họng,…

Cách giảm triệu chứng khó thở do hen suyễn?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Em là nam, 26 tuổi. Em không hút thuốc, khoảng 4 tháng trước em đi đường bị mắc mưa và có cảm giác nặng ngực khó thở. Trước đó 2 năm em có hay bị viêm phế quản khạc đàm tái đi tái lại nhưng đã ổn định được khoảng 1 năm rưỡi.

Đi khám bác sĩ bảo em bị hen suyễn và chỉ định dùng Corticoid dạng hít, nhưng em đã điều trị gần 1 tháng mà vẫn còn khó thở, em không bị từng cơn khó thở mà lúc nào em cũng bị.

Không biết thể bệnh của em có phải hen suyễn không? Em rất mong bác sĩ tư vấn cho em, bệnh của em có còn cách nào để giảm sự khó thở đó không?

Em xin chân thành cảm ơn ạ.

Chào em.

Để chẩn đoán xác định hen ngoài các yếu tố gợi ý như tiền căn gia đình có hen phế quản, dị ứng hoặc bản thân có dị ứng (có thể dị ứng với thức ăn, mùi lạ, bụi, thời tiết…), viêm mũi dị ứng, kèm theo triệu chứng khò khè, khó thở.

Tiêu chuẩn vàng dùng để chẩn đoán hen phế quản là đo chức năng hô hấp, đo chức năng hô hấp được thực hiện khi bệnh nhân không có cơn khó thở và không nhiễm trùng hô hấp, lúc này kết quả sẽ chính xác hơn.

Trường hợp của em theo tôi tốt nhất nên điều trị dứt điểm tình trạng nhiễm trùng hô hấp, sau đó đo chức năng hô hấp để có chẩn đoán xác định, em nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Nội hô hấp để được thăm khám và có hướng xử trí thích hợp.

Thân ái!

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Lúc nhỏ bị hen phế quản, gần đây hay bị khó thở trở lại phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Lý Hữu

Chào bác sĩ.

Lúc bé cháu bị bệnh hen phế quản. Dạo này do thay đổi thời tiết cháu thấy khó thở và thở thấy khò khè ở họng. Cháu đi khám bác sĩ kê đơn thuốc cho cháu gồm […]. Cháu uống cũng thấy đỡ nhưng vẫn tái phát.

Kính mong bác sĩ cho cháu lời khuyên và nếu có loại thuốc khác bác sĩ cho cháu đơn thuốc để cháu uống.

Cháu xin chân thành cảm ơn!

Chào bạn Hữu.

Hen là bệnh có nguy cơ tái phát khi thay đổi thời tiết hoặc tiếp xúc dị nguyên, vấn đề là trong cơn hen có yếu tố nhiễm khuẩn không vì khi có cần phải điều trị kháng sinh. Trong cơn hen có yếu tố nhiễm khuẩn thường có các biểu hiện như: ho đàm đặc vàng hoặc xanh, khó thở nhiều, sốt…

Tùy theo mức độ nặng nhẹ của hen như thỉnh thoảng có cơn khó thở hay bị mỗi ngày để có chiến lược điều trị cho phù hợp. Thông thường để phòng ngừa và cắt cơn dạng phối hợp giữa thuốc chống co thắt phế quản và Corticoid được sử dụng dưới dạng hít được lựa chọn với một số nhãn hiệu như: Serratide, Sympicort…

Thân ái!

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Bị hen suyễn, dùng thuốc xịt nhưng hay bị khô mũi, khó thở, phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Phuong Thao

Thưa bác sĩ.

Tôi 43 tuổi, bị hen suyễn, hiện đang dùng thuốc xịt, nhưng tôi vẫn chưa thấy đỡ do mũi tôi hay bị khô mũi, khó thở. Tôi cũng đi khám bệnh và uống thuốc nhưng chưa đỡ.

Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên, tôi dùng thuốc xịt đó tốt không? Tôi có nên ăn kiêng không?

Cảm ơn bác sĩ.

Chào chị.

Hen phế quản là tình trạng viêm mãn tính của phế quản gây nên phù và hẹp đường thở gây nên khó thở. Điều trị hen phế quản có tác động chủ yếu là giảm sự co thắt phế quản (thuốc giãn phế quản) hoặc kháng viêm (thuốc Corticosteroids).

Thuốc xịt trong bệnh suyễn có 2 loại: thuốc xịt cắt cơn và thuốc xịt dự phòng, thuốc xịt mà chị đang sử dụng là thuốc xịt dự phòng có tác dụng khống chế cơn hen khởi phát. Có nhiều loại thuốc xịt dự phòng và mỗi loại, mỗi liều thuốc sẽ thích hợp với mỗi bệnh nhân khác nhau.

Do vậy, ở đây không có thuốc tốt xấu mà thuốc đó có khống chế và kiểm soát được cơn hen của chị không? Với những gì chị trình bày trong thư cho thấy cơn hen của chị chưa được kiểm soát tốt nên chị thấy “không đỡ, còn khó thở”. Nhưng chị cần kiểm tra lại xem triệu chứng khó thở này là do mũi bị khô hay do cơn hen.

Chị đang điều trị thuốc xịt dự phòng nhưng cảm thấy không đỡ, trước hết chị cần kiểm tra lại các khâu sau:

Mỗi tuần chị lên mấy cơn hen, một tháng có bao nhiêu cơn? Dùng thuốc xịt có đúng liều, đúng giờ theo chỉ định của bác sĩ chưa? Xịt thuốc có đúng không (xịt thuốc đúng là sau khi xịt người bệnh thở ra không có thuốc bay ra ngoài). Chị có tiền căn viêm mũi dị ứng không, có tránh các yếu tố gây dị ứng làm khởi phát cơn hen chưa (bụi bặm, nấm mốc, phấn hoa, khói thuốc lá, mùi sơn, lông thú,…).

Nếu sau khi loại trừ được các khâu trên, chị vẫn còn khó thở theo chúng tôi chị nên đi đến phòng khám hen của bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh hoặc bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để được điều trị. Tại đây bác sĩ sẽ điều trị bệnh hen đồng thời cũng dùng thuốc cho mũi chị được thông thoáng.

Tùy cơ địa dị ứng của mỗi người, có thể kiêng các thức ăn gây dị ứng: hải sản, thức ăn nhiều gia vị, nước uống lên men,… Nên ăn thức ăn có nhiều vitamin C, Magnie, Axit béo Omega 3.

Chúc bệnh hen của chị được ổn định!

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Bị hen suyễn, khó thở chữa trị mãi không khỏi phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Anh trai em năm nay 36 tuổi, làm nghề sơn xe. Thời gian này anh trai em có biểu hiện khó thở. Khám ở Bệnh viện Đại học Y Dược bảo là bị viêm phế quản đến hen suyễn (không ho, không khò khè). Nhưng điều trị hoài mà không có khỏe (uống Montelukast 10mg, Esomeprazole 40mg, hít Symbicort 160mcg/4.5mcg). Xin bác sĩ chỉ giúp anh trai em nên đi khám ở đâu và chữa trị như thế nào để có hiệu quả tốt? Mong bác sĩ chỉ giúp em.

Em xin cảm ơn!

Chào bạn.

Đường thở hay hệ hô hấp bắt dầu từ lỗ mũi ngoài, qua họng, thanh quản đến khí quản, các phế quản và tận cùng là phế nang như những cái túi chứa không khí, phồng lên khi hít vào, xẹp xuống khi thở ra. Khó thở là cảm giác của người bệnh cảm thấy khi hít vào và thở ra không được thoải mái như là có vật gì đó làm hẹp đường thở.

Hẹp ở mũi gọi là nghẹt mũi, hẹp thanh quản là khó thở thanh quản kèm tiếng rít, hẹp khí phế quản nhất là các phế quản nhỏ dễ gây co thắt hít vào thở ra khó khăn. Khi có khó thở thật sự, cần tìm chính xác vị trí hẹp để chữa mới triệt để. Khi khám bệnh, các bác sĩ Nội Hô hấp sẽ khám phổi với ống nghe để nghe tiếng luồng khí đi vào và ra khỏi phổi có thay đổi không. Cho thở hô hấp ký để tìm dung lượng không khí tối đa một lần thở ra. Cho đo độ bão hòa oxy máu xem có thiếu oxy máu do cung cấp không đủ (hít thở kém), chụp phim phổi, kiểm tra tim (hẹp hở val tim),… mới đủ kết luận có khó thở không? Khó thở do nguyên nhân gì? Vị trí tắc nghẽn đường thở?

Có khi, bệnh nhân cảm thấy ”khó thở” nhưng các bác sĩ không tìm thấy triệu chứng khó thở rõ ràng và không có nguyên nhân gì gây ra. Các thông số khí máu đều bình thường. Như thế có thể chỉ là “cảm giác” chứ không có bệnh. Đặc biệt, cảm giác như khó thở có thể xảy ra ở bệnh nhân trào ngược axit từ dạ dày qua thực quản vào họng và thanh quản (gây khàn tiếng buổi sáng) rồi đến phế quản gây ho kéo dài, khó thở. Cần nội soi dạ dày để chẩn đoán và chữa trị.

Anh trai bạn đã được cho uống thuốc chống hen suyễn kèm dạ dày nhưng không đỡ, như vậy cần xem lại chẩn đoán bệnh. Bạn nên đưa anh trai đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch khám lại phổi, đến Viện Tim thành phố Hồ Chí Minh khám tim mạch, đi nội soi dạ dày để được chẩn đoán lại bệnh nhé.

Chúc bạn vui vẻ.

Nguồn sưu tầm Nguồn: songkhoe.vn

Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl