Rửa mũi bằng nước muối có khỏi polip mũi hay không?


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Rửa mũi bằng nước muối sinh lý có thể điều trị polip mũi vì tác dụng sát khuẩn cũng như làm ấm khoang mũi. Dưới đây là những lời khuyên của bác sĩ về việc sử dụng nước muối để rửa mũi.

Rửa mũi bằng nước muối có khỏi polip mũi không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Tôi bị polip mũi hai bên kèm theo viêm tai giữa có thủng màng nhĩ hai bên. Vậy tôi thường xuyên bơm rửa mũi bằng nước muối có khỏi polip không ạ? Trước kia tôi đi phẫu thuật nhưng do bị giãn phế quản có ho ra máu nên không phẫu thuật được. Vậy xin bác sĩ giải đáp giúp tôi phương pháp chữa trị nào phù hợp ạ? Hiện tại tôi đang chữa trị thuốc nam chữa giãn phế quản.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Polyp mũi là do quá trình viêm nhiễm mãn tính của mũi xoang hình thành nên. Nếu chỉ bơm rửa mũi bằng nước muối thì không thể khỏi polyp được. Với polyp lớn, càng phẫu thuật sớm càng tốt.

Bệnh viêm tai giữa của bạn cũng cần phải được chữa trị triệt để, nếu để màng nhĩ bị rách lớn, không thấy khả năng phục hồi sẽ gây giảm hoặc mất thính lực của tai.

Bệnh giãn phế quản là bệnh lý mãn tính của đường hô hấp, nên không thể chữa trị khỏi hoàn toàn được mà các phương pháp chữa trị chủ yếu là để chữa trị biểu hiện (chữa trị ho máu, chữa trị bội nhiễm phế quản). Khi chữa trị ổn định có thể tiến hành phẫu thuật. Các phương pháp chữa trị đông y hay thuốc nam đều không thấy tác dụng đối với bệnh giãn phế quản. Vì vậy, bạn nên đến khám chuyên khoa Hô hấp để bác sĩ chuyên khoa khám và chữa trị sớm cho bạn để sau đó bạn còn tiến hành phẫu thuật polyp mũi.

Chúc bạn mau khỏe!

Bé bị viêm mũi trong, rửa nước muối sinh lý không đỡ phải làm thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Con em mới sinh được hơn 1 tháng, nhưng bé bị thở khò khè hay bị nôn trớ, đi khám bác sĩ thì người ta bảo viêm mũi trong, về rửa nước muối sinh lý là khỏi, nhưng em về làm theo cháu vẫn không tiến triển. Xin bác sĩ giải đáp giúp.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đặng Phương Liên


Chào bạn!

Ở trẻ sơ sinh, viêm mũi cấp thông thường là dạng viêm mũi do cảm lạnh, hay gặp khi chuyển mùa, lan truyền nhanh, thường do virus. Triệu chứng ban đầu của bệnh là trẻ bị ngứa mũi, hắt hơi từng tràng hoặc từng cái một, kèm theo sốt khoảng 39 độ C. Ban ngày trẻ nằm lịm, ban đêm quấy khóc, bắt mẹ phải bế luôn trên tay.

Ở độ tuổi này, mũi của trẻ dễ bị tắc do lỗ mũi rất nhỏ trong khi trẻ chưa có thói quen thở bằng miệng, nên rất dễ bị khó thở, quấy khóc, có hiện tượng co kéo ở hõm ức. Hai hốc mũi trẻ sung huyết đỏ và ứ đọng nhiều dịch. Trẻ khó bú vì mỗi lần ngậm vú là ngạt thở, tím tái; hoặc bỏ bú ra giãy giụa và khóc thét lên. Bệnh nhi hay bị đi ngoài, nôn trớ và gầy tọp đi. Thông thường, bệnh kéo dài độ 3-5 ngày thì giảm: mũi bớt chảy, thở thông, nhiệt độ trở lại bình thường; nhưng biểu hiện tiêu chảy và nôn còn kéo dài thêm độ 2 ngày nữa. Cách chữa trị đầu tiên là làm thông thoáng hai hốc mũi. Mũi có thông thì trẻ mới dễ thở và bú được. Bên cạnh đó, bạn cần cho trẻ ở phòng thoáng mát, tránh gió lùa, nếu cho trẻ ở phòng điều hòa mùa hè thì cần tránh để nhiệt độ quá thấp, không khí quá khô trong phòng.

Bạn đã cho cháu đi khám và được bác sĩ hướng dẫn cách chữa trị. Không rõ bạn đã chữa trị cho cháu được bao nhiêu ngày, song nếu cháu không đỡ hoặc có dấu hiệu nặng lên, việc khám lại là cần thiết để bác sĩ kiểm tra và có hướng chữa trị mới phù hợp, hiệu quả hơn.

Chúc cháu mau khỏe!

Xông nhiều nước muối có hại gì cho tai mũi họng?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ.

Cháu bị viêm mũi dị ứng lâu rồi, mới đây cháu lên phòng khám Tai mũi họng khám và khỏi được một thời gian nay lại bị, cháu mua một máy xông khí dung và một lọ nước muối sinh lý, mỗi buổi tối cháu cho một ít nước muối sinh lí vào cốc và bật máy lên xông khoảng 20 phút. Cho cháu hỏi là xông nhiều nước muối có hại gì cho tai mũi họng không?

Cảm ơn bác sĩ

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Viêm mũi dị ứng tuy không gây nguy hiểm cho người bệnh nhưng bệnh thường kéo dài và gây nhiều phiền toái, khó chịu cho người bệnh. Bạn bị viêm mũi dị ứng đã lâu, khỏi được một thời gian nay lại bị. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng máy khí dung xông nước muối sinh lý hàng ngày như cách bạn đang làm.

Máy xông khí dung hay máy xông mũi họng là thiết bị đưa thuốc vào cơ thể dưới dạng những hạt xương nhỏ li ti. Các hạt này sẽ theo hơi thở hít thẳng vào phổi và tác dụng tại đây. Xông mũi họng bằng máy khí dung có thể đưa thuốc trực tiếp đến vị trí cần gây tác dụng, đó là các phế quản và phế nang, nhờ đó, thuốc vào cơ thể nhanh chóng. Xông mũi họng giúp chữa trị hiệu quả các bệnh như: hen suyễn, viêm phế quản cấp và mãn tính, rối loạn hô hấp, viêm mũi dị ứng.

Không chỉ chữa trị bệnh hô hấp hiệu quả, sử dụng máy xông mũi họng hàng ngày với nước muối sinh lý có tác dụng phòng bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp rất tốt và không gây hại. Việc sử dụng máy xông khí dung xông nước muối hàng ngày rất tốt cho tình trạng viêm mũi dị ứng của bạn. Bạn có thể xông nước muối sinh lý hàng ngày với mục đích để loại bỏ các dị nguyên, làm sạch đường mũi họng. Trong giai đoạn cấp, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc xông thêm các loại thuốc khác để chữa trị nhanh hơn, tuyệt đối không được tự ý dùng bất cứ loại thuốc nào xông mũi để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Khi sử dụng máy xông mũi họng, bạn nên lưu ý những điều sau:

– Mỗi lần xông chỉ nên kéo dài hoảng 15-20 phút

– Bên cạnh đó, bạn nên vệ sinh máy và các dụng cụ xông trước và sau mỗi lần sử dụng sẽ tránh việc thuốc còn lại bị khô trong cốc thuốc, các phụ kiện xông và cũng tránh được việc lây nhiễm.

– Nếu thấy có hơi nước đọng lại trong ống dẫn khí, bạn nên bất công tắc để dồn hết hơi ẩm ra khỏi ống dẫn khí, tránh nhiễm khuẩn. Nếu phía ngoài ống dẫn khí bị bẩn, bạn có thể lau bằng vải ẩm.

Chúc bạn chóng khỏi bệnh!

Đau trán do viêm xoang có nguy hiểm không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Dạ cháu chào bác sĩ.

Cháu tên Giang hiện đang sinh sống tại Quảng Nam. Cháu xin bác sĩ giải đáp cho cháu vấn đề này ạ. Cháu bị viêm xoang mãn tính. Dạo này cháu thường xuyên bị đau đầu (đau trước trán) thường cơn đau diễn ra liên tục từ ngày này sang ngày khác. Vậy bác sĩ cho cháu hỏi đau đầu này có phải do viêm xoang tác động không ạ? Nếu muốn kiểm tra tình trạng viêm xoang của mình nặng hay nhẹ cháu phải kiểm tra gì nữa ạ? Những cơn đau đầu này có nguy hiểm không ạ? Xin bác sĩ cho cháu đơn thuốc để trị đau đầu này ạ?

Cháu xin cảm ơn bác ạ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy


Chào cháu!

Qua các mô tả cháu bị viêm xoang mãn, dạo này cháu thường xuyên bị đau đầu (đau trước trán) cơn đau diễn ra liên tục từ ngày này sang ngày khác, cháu không nói rõ cơn đau có tăng dần không, đau có liên quan đến thời tiết, áp lực công việc không? Theo tôi cháu nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để tìm lí do gây đau đầu, các bác sĩ sẽ khám và nếu cần thiết sẽ cho cháu làm thêm 1 số xét nghiệm để chẩn đoán bệnh chính xác, sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp để cháu khỏi bệnh.

Đau đầu có rất nhiều lí do, do viêm nhiễm vùng răng hàm mặt, cảm cúm, stress, thời tiết, thiếu ngủ… trong đó cũng có lí do do viêm xoang gây ra. Cháu có thể tham khảo biểu hiện của đau đầu do viêm xoang gây ra dưới đây: Nhức đầu xoang kèm theo viêm xoang, là tình trạng mà các màng lót xoang trở nên sưng và viêm. Viêm xoang do nhiều lí do như cảm lạnh, nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm, hệ thống miễn dịch bị suy giảm hoặc có vấn đề cấu tạo trong khoang mũi. Những thay đổi áp lực dẫn đến các xoang có thể gây ra đau đầu.

Cháu muốn kiểm tra tình trạng viêm xoang của mình nặng hay nhẹ cháu nêm đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng, ngoài khám và hỏi bệnh của cháu ra, các bác sĩ có thể thực hiện một trong các xét nghiệm để xác định xem có viêm xoang không, tình trạng viêm nặng hay nhẹ các bác sĩ cho cháu phác đồ điều tri. Cháu nên nhớ điều trị viêm xoang dứt điểm phải kiên trì, hợp tác, tuân theo hướng dẫn của các bác sĩ bệnh mới ổn định, hạn chế tái phát.

Nội soi mũi: ống mỏng linh hoạt (nội soi) với một ánh sáng quang đưa vào bằng mũi cho phép bác sĩ để kiểm tra trực quan bên trong xoang kiểm tra chất nhầy. Bác sĩ cũng có lấy các mẫu chất nhầy từ bên trong mũi để tìm lí do do nhiễm nấm hoặc nhiễm vi khuẩn. Các xét nghiệm khác: chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRIs). CT sử dụng máy tính để tạo ngang qua hình ảnh của não và đầu (bao gồm các xoang) bằng cách kết hợp hình ảnh từ một đơn vị X-ray xoay quanh cơ thể. Với MRIs, một từ trường và sóng vô tuyến điện được sử dụng để tạo ngang qua hình ảnh của cấu trúc bên trong bộ não.

Phương pháp chữa trị và thuốc: Nếu được chẩn đoán bị viêm xoang, bác sĩ có thể sử dụng:

Thuốc kháng sinh. Đây là cách duy nhất để tiêu diệt các vi trùng gây bệnh. Thuốc xịt mũi Corticosteroid hoặc thuốc viên. Bác sĩ có thể kê toa thuốc này nếu viêm xoang có liên quan đến viêm nhiễm hoặc dị ứng. Các thuốc điều trị khác: khi bị nhiễm trùng xoang, bệnh nhân thường bị những cơn đau đầu xoang. Sử dụng thuốc giảm đau, thuốc thông mũi và xịt mũi nước muối có thể giúp cảm thấy tốt hơn. Chỉ sử dụng các thuốc này theo hướng dẫn của bác sĩ. Nên uống nhiều nước. Phẫu thuật chỉnh sửa. Nếu một vấn đề cơ cấu trong khoang mũi góp phần hoặc viêm xoang đau đầu, phẫu thuật chỉnh có thể được khuyến khích.

Để giảm nguy cơ viêm xoang, giữ cho các xoang khỏe mạnh. Cháu nên sử dụng các biện pháp sau: Rửa tay thường xuyên. Xà phòng và nước có thể giúp tránh các bệnh nhiễm trùng hô hấp trên có thể dẫn đến viêm xoang. Nên tiêm vắcxin phòng ngừa cúm hàng năm. Tránh các chất kích thích. Tránh thuốc lá, khói. Những ô nhiễm không khí khác có thể gây ra các màng xoang sưng lên. Hy vọng các thông tin trên đây giúp ích cho cháu.

Chúc sức khỏe cháu!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl