Vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính gây bệnh lạ ở Quảng Ngãi


Bác sỹ trực tuyến

Super Moderator
1,025
41
48
Xu
0
Ngày 14-5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN Takeshi Kasai và giám đốc quốc gia của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại VN Bruce Baird Struminger đã tham dự cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi xuất hiện bệnh “lạ” ở Quảng Ngãi (19-4-2011).


Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long

Có hai vấn đề được thông báo khi mở đầu cuộc họp báo. Thứ nhất, đại diện WHO và CDC tham dự chỉ để nghe thông tin, đề nghị các báo không đặt câu hỏi cho hai vị này. Thứ hai, khó giảm nhanh số mắc bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân (còn gọi là bệnh “lạ”) tại Quảng Ngãi do phần lớn cộng đồng đã nhiễm tác nhân gây bệnh, người dân ở đây đã bị ngộ độc lâu năm, trên 28% có men gan tăng sẽ dần bột phát thành bệnh.

Theo ông Nguyễn Thanh Long, các hội đồng khoa học đã xác định bệnh “lạ” ở Quảng Ngãi có nhiều khả năng do nhiễm độc trên cơ địa người bệnh có tình trạng dinh dưỡng kém, thiếu vi chất, hầu hết bệnh nhân có men gan cao. Nhóm nghiên cứu không thấy các yếu tố chứng tỏ đây là bệnh truyền nhiễm do không có hội chứng nhiễm trùng. Xét nghiệm xác định mẫu máu tại ĐH Nagasaki, Nhật Bản và so sánh với ngân hàng gen trên 240 loài virút, vi khuẩn cho thấy không có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

Ông Long cho hay chưa tìm thấy bằng chứng về mối nguy cơ từ ve, mò mạt, bọ chét... tại nơi ở và vật nuôi khu vực diễn ra bệnh “lạ”, mặc dù đã tìm thấy trên 200 loài ve, mò mạt, bọ chét tại đây. Các kim loại nặng như arsen, đồng, chì, thủy ngân, cadimi đều ở mức cho phép trong lương thực, đất, nước, móng tay, tóc, vảy da đã xét nghiệm. Không tìm thấy hóa chất bảo vệ thực vật họ carbamate, clo hữu cơ, phốt pho hữu cơ, họ cúc tổng hợp tại các mẫu đất, nước, gạo đã xét nghiệm.

Tuy nhiên, có nhiều loại nấm mốc, đặc biệt là Aflatoxin (y văn thế giới cho là tác nhân gây tổn thương gan, ung thư gan), trong các mẫu lúa ủ và gạo ủ ở khu vực có bệnh “lạ”. Trong đó, Aflatoxin trong gạo ủ cao gấp năm lần mức cho phép, trong lúa ủ gấp chín lần. Ông Long cho biết gần đây thế giới có ba vụ nhiễm độc gây tử vong liên quan đến Aflatoxin. Gần nhất là vụ việc ở Kenya làm 26% người nhiễm tử vong do Aflatoxin từ ngô.

Tuy nhiên, báo giới tỏ ra chưa thỏa mãn với giải thích của Bộ Y tế và hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra:

* Bộ Y tế đang tổ chức chiến dịch ngăn bệnh “lạ”, vì sao chiến dịch này không bắt đầu sớm hơn? Bộ nói có hợp tác với các tổ chức quốc tế trong vụ bệnh “lạ”, vậy những kết quả hợp tác ban đầu là gì?

- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Từ tháng 4-2011, khi mới xuất hiện bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại Quảng Ngãi, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế Quảng Ngãi đến khử khuẩn khử trùng tại khu vực có bệnh nhân, nhưng lúc đó chưa định hướng được căn nguyên nên chưa tổ chức biện pháp tổng hợp. Về hợp tác quốc tế, các mẫu sinh thiết da, gan bệnh nhân đã được gửi đi nước ngoài, trong đó có ĐH Nagasaki.


Lấy mẫu máu để xét nghiệm

* Một số thầy thuốc xem y văn, hướng dẫn của WHO và biểu hiện bệnh “lạ” ở Quảng Ngãi đã gợi ý đây là bệnh Pellagra do thiếu vitamin B3. Bộ Y tế vừa công bố trên 94% người mắc bệnh “lạ” thiếu vitamin B3 trong máu. Vì sao vừa qua tới trên 100 lượt chuyên gia y tế vào Quảng Ngãi không phát hiện căn nguyên này?

- Chúng tôi không kết luận đây là bệnh do thiếu vitamin B3, mà thiếu vitamin B3 có thể là một trong những yếu tố tác động đến quá trình dẫn đến bệnh. Bộ Y tế đã triển khai chương trình cấp thuốc, vitamin, khoáng chất cho cộng đồng. Ngoài yếu tố này, gạo và thóc ủ ở khu vực bệnh “lạ” nhiễm Aflatoxin cao hơn 5-9 lần so với mức cho phép, trong khi nhiễm độc Aflatoxin có thể dẫn đến suy giảm hệ thống miễn dịch và dẫn đến tử vong, hoặc gây hiện tượng gan nhiễm mỡ, hoại tử như mô gan, nếu ngộ độc trường diễn sẽ tổn thương tế bào gan.

* Ngộ độc Aflatoxin gây tử vong theo y văn thế giới có giống với bệnh “lạ” ở Quảng Ngãi hay không?

- Trên thế giới chưa tìm thấy bệnh nào giống hoàn toàn bệnh ở Quảng Ngãi. Có bệnh giống tổn thương da lại không giống tổn thương gan, nên chúng tôi đang tiếp tục tìm nguyên nhân.

* Mới đây Bộ Y tế cho biết người nhiễm bệnh “lạ” được điều trị miễn phí, vậy họ được miễn phí từ khi nào bởi gần đây vẫn có người tử vong tại nhà?

- Giám đốc Trung tâm Y tế Ba Tơ Đặng Thị Phượng: Bệnh nhân mắc bệnh “lạ” phải điều trị dài ngày, phải cùng chi trả 5% nhưng bệnh nhân không có. Gần đây chúng tôi đã đề nghị miễn giảm cả 5% này. Tỉnh ủy, ủy ban đều đã vào cuộc, cấp gạo, cấp thuốc, đưa bệnh nhân chuyển lên tuyến trên.

* Bộ Y tế có nói sẽ hợp tác với các tổ chức quốc tế, vậy tới đây sẽ hợp tác ở phần việc nào? Sau khi có phác đồ điều trị bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân mới lại có hai bệnh nhân tử vong, vậy có phải phác đồ chưa hiệu quả không?

- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long: Quan điểm của chúng tôi là hợp tác chặt chẽ với WHO, không che giấu thông tin. Ngay trong thiết kế nghiên cứu này, chúng tôi cũng tham khảo ý kiến từ WHO. Trong số hai bệnh nhân mới tử vong, có một người bệnh quá nặng mà gia đình không cho đi bệnh viện, khi bộ trưởng Bộ Y tế đến thuyết phục gia đình mới cho đi bệnh viện. Một trường hợp mắc bệnh trên nền ung thư gan, tử vong là khó tránh khỏi.

(Tuổi trẻ)
 

Bác sỹ trực tuyến

Super Moderator
1,025
41
48
Xu
0
Toàn bộ diễn biến bệnh lạ ở Quảng Ngãi

- Ngày 19-4-2011: Bệnh “lạ” được phát hiện tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.




- Tháng 4 đến 6-2011: Bộ Y tế cử hai đoàn chuyên gia thuộc Bệnh viện Da liễu T.Ư, Bệnh viện Phong và da liễu Quy Hòa phối hợp với Sở Y tế Quảng Ngãi xác minh tình hình bệnh.


- Từ tháng 6-2011 đến đầu tháng 4-2012: không có thêm thông tin về căn nguyên bệnh, do điều tra từ tháng 4 đến 6-2011 không đem lại kết quả. Trong khi đó số người mắc và tử vong do bệnh “lạ” tăng trở lại từ tháng 3-2012, trong khoảng một tháng từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4-2012 có bốn người bệnh tử vong, hàng chục người mắc bệnh, trong đó có bảy bệnh nhân tái phát.


- Ngày 20-4-2012: hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế với sự tham gia của các chuyên gia da liễu, chống độc, bệnh nhiệt đới... đã họp và quyết định gọi bệnh này là “viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân”, thay cho tên cũ là “viêm da bàn tay, bàn chân có rối loạn chức năng gan”. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông báo sau cuộc họp này sẽ mời WHO và CDC tham gia nghiên cứu xác định bệnh.


- Ngày 25 đến 28-4: 35 chuyên gia của Bộ Y tế dưới sự dẫn đầu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tổ chức khảo sát thực địa, lấy mẫu lương thực, nước, đất, bệnh phẩm của bệnh nhân và cho biết đang nghĩ nhiều đến khả năng bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân do nhiễm độc thông qua tiếp xúc hoặc thực phẩm.


- Ngày 6-5: Tiếp tục có 70 chuyên gia về độc học, môi trường, dịch tễ, bệnh học, côn trùng học... trở lại Quảng Ngãi.


- Ngày 13-5: Bộ Y tế cấp vitamin, khoáng chất cho 1.498 người dân ở khu vực xuất hiện bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân và thông báo hoàn tất chiến dịch khử khuẩn, khử trùng, cấp chiếu và màn mới cho người dân khu vực xuất hiện bệnh.


- Ngày 14-5: thông qua Bộ Y tế, một ngân hàng đã cấp một xe cứu thương cho Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ. Bộ Y tế tổ chức họp báo lần đầu tiên về bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân và cho biết có nhiều khả năng bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân là do nhiễm độc trên cơ địa người bệnh có tình trạng dinh dưỡng kém và thiếu vi chất. Đến nay đã có 205 bệnh nhân, 10 người đã tử vong, tại bệnh viện còn 33 người đang tiếp tục được điều trị (số tử vong giảm so với thông báo của cơ quan y tế địa phương trước đây là 21 người).

(Tuổi trẻ)
 

Bác sỹ trực tuyến

Super Moderator
1,025
41
48
Xu
0
Trông chờ vào chuyên gia y tế thế giới

Sau hơn một năm bệnh “lạ” xuất hiện và bùng phát tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, chiều ngày 14.5, bộ Y tế mới tổ chức họp báo để “thông tin chính thức”, tuy nhiên, những “thông tin chính thức” đó không giải thích được bệnh “lạ” vì đâu, xử lý như thế nào… Và như thế, bệnh “lạ” vẫn cứ lạ.




Nhiều lần đến rồi đi, nhiều lần lấy máu, lấy mẫu xét nghiệm, nhưng đến nay bệnh “lạ” tại Quảng Ngãi vẫn còn lạ. Ảnh: Phạm Anh


Chiều ngày 15.5, phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hàn Phong, chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.


Với vẻ thất vọng, ông Phong nói: “Thôi, mình không nói chuyện này nữa. Bây giờ, điều chúng tôi mong đợi là bộ Y tế cần sớm mời các chuyên gia của tổ chức Y tế thế giới vào cuộc để giúp dân”.


Bộ Y tế nói người dân bị ngộ độc lâu năm, 28% có men gan cao?


Nếu vậy thì lâu nay họ bị ngộ độc nhiều rồi chứ sao giờ mới bị? Có điều, dù bộ Y tế loại trừ, không cho nguồn nước là đối tượng gây bệnh, còn theo người dân nói, tôi vẫn rất nghi nguồn nước. Bởi có thể trước đây, những gì trong lòng đất chưa vỡ ra, nhưng giờ nó đã vỡ ra rồi.


Đặc biệt là làng Rêu, Gò Nghênh và Hi Long uống cùng nguồn nước lấy từ núi Gò Khế thì bệnh tăng liên tục. Còn làng Tương không dùng chung nguồn, năm 2011 chỉ có hai trường hợp mắc bệnh, sau đó chữa khỏi và đến nay không có trường hợp nào nữa. Người dân xã Ba Điền còn cho biết trâu, bò khi uống nguồn nước từ núi Gò Khế khi bị chết, dân làng mổ thịt thấy gan con nào cũng thối.


Diễn biến dịch bệnh đến nay như thế nào, thưa ông?


Hiện có bốn người mắc bệnh lạ trong diện nguy kịch (đang được điều trị ở bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện đa khoa Bình Định và bệnh viện phong – da liễu Trung ương Quy Hoà, TP Quy Nhơn). Thế nhưng, để đưa được bệnh nhân diện này đi bệnh viện không phải là dễ. Điển hình là trường hợp của chị Phạm Thị Ân (26 tuổi), ở làng Rêu, xã Ba Điền. Đây là trường hợp đã nhập viện mười lần, điều trị tốn khoảng 130 triệu đồng ở các bệnh viện ở Quảng Ngãi và bệnh viện phong – da liễu Quy Hoà nhưng không bớt, gia đình đã bỏ bệnh viện đưa về nhà nằm chờ chết. Buổi sáng cách đây hai ngày, khi phát gạo cho dân ở xã Ba Điền, huyện Ba Tơ đã đưa xe đến tận làng và thật vất vả vận động, gia đình mới chịu đưa chị Ân đi bệnh viện Trung ương Huế. Sở dĩ đưa thẳng ra bệnh viện Trung ương Huế là vì, bệnh nhân này đã đi nhiều bệnh viện, nhưng không khỏi. Nếu bớt thì xem như cứu được một mạng người, còn hơn nằm ở nhà khi sức khoẻ đang yếu dần.


Vậy, tình trạng sức khoẻ của chị Ân ra sao?


Chắc khó qua khỏi. Chị Ân đã bỏ ăn từ sáng 15.5. Ân mà chết, mình không biết ăn nói làm sao với dân nữa, vì bệnh nhân này đã hơn mười lần đi bệnh viện rồi. Con đường đi vào xã Ba Điền rất xấu, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đưa người bệnh khám chữa bệnh. Hôm 13.5 đưa Ân ra huyện để làm thủ tục chuyển đi Huế, chỉ 15km mà đi hơn một giờ đồng hồ, trong khi bụng của Ân đã trương phình ra, mà đường quá xấu, suýt vỡ bụng.


Sắp đến, địa phương có kế hoạch giúp gì cho dân vùng bệnh không?


Có chứ, dân mình thì mình lo. Sắp tới, huyện sẽ xây dựng hệ thống nước sinh hoạt cho trạm y tế Ba Điền và cho người dân ở đây. Huyện Ba Tơ sẽ hỗ trợ cho người bị bệnh 2 triệu đồng/người. Ngoài ra, huyện sẽ mua dầu ăn, nước mắm, bột ngọt và loại thực phẩm khô hỗ trợ cho bà con.

(Sài Gòn tiếp thị)
 


Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl