Dùng thuốc khi bị viêm mũi dị ứng


Bác sỹ trực tuyến

Super Moderator
1,025
41
48
Xu
0
Viêm mũi dị ứng có thể xảy ra theo mùa (do thời tiết, do bụi của phấn hoa cây cỏ) hay quanh năm (do bụi bặm, lông súc vật...) trên cơ địa dễ mẫn cảm. Bệnh này không có thuốc đặc trị, nhưng nếu chọn và dùng đúng cách một số thuốc thì bệnh cũng sẽ ổn định trong thời gian dài.


Nhóm kháng histamin H1


Không trực tiếp ngăn sự tạo thành histamin nhưng hủy từng triệu chứng do histamin gây ra, làm giảm các triệu chứng VMDƯ. Loại thuốc cũ thường dùng là chlopheniramin, alimemazin, promethazin, diphenylhydramin, dimenhydrinat, cinarizin; có nhược điểm gây buồn ngủ, rất bất tiện khi dùng ban ngày. Loại thế hệ mới thường dùng là loratidin, acrivastin, fexofenadin có ưu điểm là không gây buồn ngủ nên thuận tiện hơn. Cũng có dạng xịt như biocidan (phối hợp giữa kháng histamin phenyltolaxamin với centoxonium) chủ yếu xịt cho trẻ em.



Nhóm gây co mạch


* Loại thuốc uống: các thuốc cường giao cảm dùng riêng lẻ (ephedrin) hay phối hợp trong thuốc cảm (pseudoepherein, phenylephrin, phenylpropanolamin) sẽ gây co mạch, giảm sung huyết, phù nề, ngạt mũi. Tuy nhiên, cũng do tính cường giao cảm mà chúng có thể gây ra các tác dụng phụ tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, đau thắt ngực, nhức dầu, choáng váng, khó ngủ, chán ăn, run chân tay; không nên dùng cho người có những bệnh này như cao huyết áp, đau thắt ngực do bệnh mạch vành, cường tuyến giáp, tiểu đường. Riêng phenylpropanolamin gây chảy máu não, màng não, dẫn tới tử vong. Một số nước cấm dùng làm thuốc chống béo, có nước bắt buộc mọi biệt dược có thành phần này đều phải theo đơn (Pháp), có nước cấm hoàn toàn mọi biệt dược có thành phần này (Trung Quốc). Nước ta cấm dùng chống béo nhưng cho dùng không cần đơn các biệt dược có hàm lượng dưới 30 mg.


* Loại thuốc nhỏ, xịt mũi: thường dùng là naphazolin, xylomethazolin. Lúc đầu, do cơ chế cường giao cảm nên có tác dụng co mạch tại chỗ, chống phù nề, đỡ nghẹt mũi ngay, dễ chịu. Về sau, hiệu quả kém dần hay không còn, trái lại còn gây nghẹt mũi gọi là phản ứng dội ngược. Khi dùng liều cao hoặc lâu dài, một phần thuốc qua mạch máu niêm mạc mũi thấm vào bên trong, gây các tác dụng phụ toàn thân giống khi uống, vì vậy chỉ nên dùng liều vừa đủ, một đợt chỉ dùng nhiều nhất là 7 ngày.


Trẻ em rất nhạy cảm với naphazolin, xylomethazolin, khi nhỏ vào mũi dễ bị co thắt mạch máu gây hoại tử niêm mạc mũi và còn gây co thắt mạch máu ở tim, não, da, đầu chi (trước đây đã có trẻ em chết vì điều này). Do đó tuyệt đối không được dùng 2 loại thuốc nhỏ mũi này cho trẻ em.


* Thuốc làm săn niêm mạc mũi: dung dịch natrichlorid 0,9% (biệt dược effticol) làm săn niêm mạc, gây co mạch, chống phù nề, đỡ nghẹt mũi, không độc, dùng cho người lớn và trẻ em bất cứ tuổi nào, kể cả sơ sinh.
Nhóm corticoid


Thường dùng fluticason, beclomethason, budesonid. Bào chế thành dạng thuốc hít. Khi hít thuốc tạo thành màn sương gồm những hạt nhỏ li ti bám vào niêm mạc mũi, chỉ với một liều không lớn (so với liều uống) vẫn có hiệu lực chữa bệnh tại chỗ. Một phần thuốc có thể theo niêm mạc mũi vào bên trong nhưng vì số lượng ít, lại bị gan hóa giải nên không gây độc toàn thân như khi uống hay khi tiêm. Nếu 1 năm dùng 1 tháng thì hầu như bệnh ổn định trong cả năm... Cũng có trường hợp dùng corticoid hít không hiệu quả vì không dùng đủ thời gian hay vì nghẹt mũi mà thuốc không đến nơi cần thiết. Nếu bị nghẹt mũi có thể tiêm hay uống corticoid cho hết nghẹt, rồi dùng lại thuốc hít, sẽ tốt hơn. Phải 3 tháng mới được dùng corticoid uống một đợt, mỗi đợt không quá 2 tuần... Thuốc uống thường dùng là prednisolon 5 - 25 mg chỉ dùng một lần vào buổi sáng sẽ ít tác dụng phụ hơn dùng nhiều lần. Nếu bị VMDƯ quanh năm, có thể dùng methylprednisolon 40 - 80 mg có tác dụng kéo dài. Không dùng thuốc uống hay tiêm thay hoàn toàn thuốc hít. Không dùng corticoid cho người bị glaucoma (vì làm tăng nhãn áp), tiểu đường (vì làm tăng đường huyết), loãng xương nặng (vì gây mất xương), viêm giác mạc do virus (vì làm mỏng loét, thủng giác mạc), các bệnh nhiễm khuẩn nặng (vì làm giảm sức đề kháng, giảm hiệu lực kháng sinh).


Corticoid hít có tác dụng trong vòng 24 giờ dùng, song hiệu lực chỉ đầy đủ sau một thời gian (chẳng hạn với fluticason cần 2 - 4 ngày). Cần dùng đều đặn theo khoảng cách nhất định giữa các lần (với fluticason có thể mỗi ngày 2 lần, vào lúc 8 giờ sáng và 8 giờ tối, về sau có thể duy trì mỗi ngày 1 lần). Để sớm có hiệu quả, khởi đầu có thể dùng corticoid hít phối hợp với các thuốc kháng histamin, giãn phế quản, corticoid uống, sau đó ngừng các thuốc phối hợp này; chỉ duy trì bằng corticoid hít. Không dùng corticoid hít trị VMDƯ cho trẻ dưới 12 tuổi; riêng với beclomethason không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi.


Người bị VMDƯ không nên có thói quen dùng thuốc liên tục (nhiều lần trong ngày, quá số ngày chỉ định của thầy thuốc) vì khi dùng liều cao hoặc kéo dài đều gây độc, thậm chí còn gây tác dụng dội ngược (như thuốc co mạch) làm cho viêm mũi nặng hơn, về sau rất khó điều trị. Trong số các thuốc trên, nên chọn corticoid hít dùng dự phòng, nếu bị bệnh thì dùng sớm khi còn nhẹ và dùng đủ thời gian cần thiết thì bệnh ổn định.

(Khoa học phổ thông)
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl