Trong cuộc sống, đôi khi xảy ra nhiều tai nạn nghiêm trọng do các công cụ lao động (máy cắt ), vết thương do hung khí (dao kiếm), vết thương do các vụ nổ, tai nạn ô tô xe máy… khiến bộ phận cơ thể con người bị tổn thương nghiêm trọng, thậm chí đứt rời. Nếu không được xử lí kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Vết thương đứt rời được chia làm 2 loại: một là đứt rời hoàn toàn - tức là không có bất cứ cấu trúc giải phẫu nào nối phần cơ thể bị tổn thương và phần cơ thể bị đứt rời; hai là đứt rời không hoàn toàn - nghĩa là vẫn còn một số cấu trúc giải phẫu nhất định (cơ, gân, dây chằng…) nối phần cơ thể bị tổn thương và phần cơ thể bị đứt rời. Với mỗi loại tổn thương, chúng ta có các biện pháp sơ cấp cứu khác nhau. Trong tai nạn có thể có nhiều thương tổn khác đi kèm vết thương đứt rời nhưng nguyên tắc là xử trí ưu tiên theo mức độ nặng: yếu tố nào đe dọa tính mạng nạn nhân cần xử lý trước, đồng thời không vì vết thương đứt rời mà bỏ qua các tổn thương khác có thể quan trọng hơn, ví dụ chấn thương sọ não, chấn thương ngực, bụng kín, vỡ tạng đặc chảy máu trong… Vết thương bị đứt rời cần được xử lý kịp thời và đúng cách Xử trí tại chỗ Cần nhận biết tình trạng ý thức của nạn nhân tỉnh hay hôn mê; Bất động cột sống cổ; Phát hiện các dấu hiệu suy tuần hoàn: bắt mạch cảnh, nếu bệnh nhân ngừng tim: tiến hành hồi sinh tim phổi. Nếu bệnh nhân có chảy máu phải tiến hành cầm máu ngay: băng ép mỏm cụt, tiến hành garô nếu băng ép không cầm được máu. Khi đã tiến hành garô ghi lại thời gian bắt đầu garô và không tháo garô cho đến khi tới bệnh viện. Bảo đảm đường thở thông thoáng, không bị bít tắc bởi các dị vật như lưỡi, đờm dãi. Nếu có suy hô hấp, tiến hành hỗ trợ hô hấp bằng thổi ngạt miệng - mặt nạ hoặc bóp bóng qua mặt nạ. Xử trí phần cơ thể bị đứt rời Tìm, xử trí và vận chuyển đúng cách phần cơ thể bị đứt rời đến bệnh viện cùng với bệnh nhân càng nhanh càng tốt. Trong trường hợp chưa tìm được phần cơ thể bị đứt rời thì phải đưa nạn nhân đến bệnh viện trước Xử trí phần cơ thể bị đứt rời không hoàn toàn: Rửa sạch nhẹ nhàng bằng nước muối sinh lý vô khuẩn (natriclorid 0,9%); đặt lại tư thế sinh lý; băng ép bằng băng, gạc vô khuẩn, làm ẩm bằng nước muối sinh lý. Nếu vết thương đứt rời ở chi cần bất động bằng nẹp trước khi vận chuyển. Xử trí phần cơ thể bị đứt rời hoàn toàn: Rửa sạch phần cơ thể bị đứt rời bằng nước muối sinh lý vô khuẩn (natriclorid 0,9%), lưu ý không rửa bằng nước sạch thường vì dung dịch nhược trương có thể gây tổn thương tế bào; quấn kín phần cơ thể bị đứt rời bằng gạc vô khuẩn, được làm ẩm bằng nước muối sinh lý vô khuẩn. Đặt phần cơ thể bị đứt rời đã được quấn gạc vô khuẩn trong một túi nilon sạch, buộc kín; đặt toàn bộ túi nilon trong một chậu nước đá. Mục đích của việc giữ lạnh phần cơ thể bị đứt rời là làm giảm quá trình chuyển hóa mô và làm chậm quá trình hoại tử nhưng nếu bảo quản ở nhiệt độ quá lạnh làm chết mô không thể phục hồi, vì vậy không để phần cơ thể bị đứt rời tiếp xúc trực tiếp với đá. Vận chuyển phần cơ thể bị đứt rời đến bệnh viện cùng với bệnh nhân càng nhanh càng tốt. Tại cơ sở y tế các bác sĩ sẽ xử lý nối bộ phận đứt rời, nếu bảo quản tốt sẽ phục hồi nhanh. Bác sĩ Huy An www.suckhoedoisong.vn |
Bài viết cùng chủ đề
- Điều Trị Sau khi bị bỏng
- 2
- 2,672
- [Hỏi] về bệnh uốn ván
- 6
- 6,857