Khi muốn lên men tạo sữa chua và bảo quản, các nông dân Nga thường thả vào thùng sữa một con ếch, điều kỳ cục này dẫn đến việc phát hiện một số kháng sinh mới. Theo đó, chuyên gia hóa hữu cơ Lebedev cùng các đồng nghiệp từ Trường đại học Moscow đã xác định được tiềm năng kháng sinh trong da ếch.
Trong tự nhiên, môi trường sống của các loài lưỡng cư như ếch, cóc, kỳ giông… khá ẩm ướt, dễ trở thành nơi sinh sôi nảy nở các vi sinh vật, cho nên ếch đã tiết ra một loại peptide như là một kháng sinh để phòng vệ.
Các nghiên cứu trước đó cho biết trong da ếch có 21 chất hoạt động như kháng sinh có tiềm năng khai thác để ứng dụng trong y khoa. Lebedev cùng đồng nghiệp sử dụng kỹ thuật xét nghiệm đã phát hiện thêm 76 hợp chất khác. Các thử nghiệm cho thấy hợp chất trên da ếch hoạt động như kháng sinh chống lại vi khuẩn salmonella và tụ cầu.
Thanhnien.