Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính


blue

Active Member
796
39
28
Xu
0
Tính cho đến nay, chưa có bất cứ phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tuy nhiên với việc thực hiện nghiêm ngặt các chỉ dẫn của bác sĩ, bệnh của bệnh nhân có thể được kiểm soát, bên cạnh đó còn giảm các đợt cấp cần nhập viện.



Thuốc lá là thủ phạm gây tắc nghẽn phổi mạn tính.

Cơ chế bệnh sinh của bệnh phổi

Sự kích thích bởi các chất khói, khí độc như khói thuốc lá, bụi ô nhiễm môi trường, hơi khí độc công nghiệp…làm cho các phế quản co thắt và dẫn đến các dấu hiệu khó chịu về hô hấp như ho, thậm chí đôi khi bệnh nhân có cảm giác khó thở hoặc lên cơn khó thở rõ rệt với tiếng cò cử. Không khí lạnh cũng là một yếu tố kích thích và làm cho phản xạ ho nặng lên.

Sự kích thích này sẽ tương ứng với quá trình viêm mà khởi đầu của phản ứng viêm là sự tập trung của các tế bào bảo vệ cơ thể ở thành phế quản. Những tế bào này đã tạo nên những phản ứng hóa học tại chỗ bởi các chất ôxy hóa (các dẫn xuất của ôxy trong không khí). Các phản ứng hóa học này sẽ làm quá trình viêm nặng lên và làm cho thành phế quản dày lên. Đường kính trong của các phế quản có xu hướng giảm đi, giảm sự lưu thông của không khí. Các phản ứng này cũng làm phá hủy thành các phế nang, đó chính là dãn phế nang.

Sự kích thích phế quản cũng dẫn đến tình trạng tăng sản xuất các chất nhầy. Các chất nhầy này không được đẩy ra khỏi phế quản theo con đường tự nhiên như bình thường, do các tế bào lông chuyển đã bị biến đổi bởi quá trình viêm. Dịch nhầy tích tụ trong các phế quản đã bị hẹp và càng làm tăng cản trở sự lưu thông không khí. Sự lấp đầy phế quản này là nguyên nhân gây phản xạ ho (dấu hiệu đầu tiên của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở những người hút thuốc) để đẩy dịch nhầy ra trước khi nuốt xuống dạ dày hoặc khạc ra.

Lúc đầu thì các dịch nhầy khạc ra có màu trắng trong, theo thời gian sẽ chuyển thành màu vàng hoặc màu xanh mà không cần phải bị nhiễm khuẩn.

Tóm lại, sự tăng tiết và tích tụ chất nhầy trong lòng phế quản và sự dày thành phế quản mà nguyên nhân là do phản ứng viêm, phản xạ co thắt cơ phế quản làm tắc nghẽn đường dẫn khí, điều đó giải thích tại sao bạn bị khó thở khi hoạt động gắng sức và thể hiện bằng cách thở nhanh hơn và mạnh hơn, không khí lưu thông càng ngày càng khó khăn hơn.

Ho, khạc đờm và khó thở sẽ được cải thiện một phần nếu bạn ngừng sớm việc tiếp xúc với các yếu tố kích thích phế quản, mà cụ thể là bỏ hút thuốc lá.

Vai trò của một số thăm dò trong chẩn đoán bệnh

Đo chức năng hô hấp là kỹ thuật đo các thể tích khí đi vào và đi ra khỏi phổi, trong một số bệnh có tổn thương đường dẫn khí, nhu mô phổi, thành ngực, các thể tích khí đi vào và ra khỏi phổi bị ảnh hưởng. Việc đo lường các thể tích khí này góp phần chẩn đoán xác định bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; bên cạnh đó, đo chức năng hô hấp còn giúp xác định mức độ tắc nghẽn đường dẫn khí, từ đó giúp đánh giá mức độ nặng của bệnh.

Thử nghiệm dãn phế quản được thực hiện sau khi bệnh nhân đo chức năng hô hấp và phát hiện có tắc nghẽn đường thở. Các bệnh nhân sẽ được hít thuốc dãn phế quản, sau đó đo lại chức năng hô hấp sau 20 phút. Thử nghiệm này nhằm đánh giá mức độ đáp ứng của phế quản với thuốc dãn phế quản; trong một số trường hợp có thể giúp phân biệt hen phế quản với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Đo khí máu động mạch cho biết nồng độ ôxy và khí CO 2 trong máu của bạn. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính càng nặng thì ôxy càng giảm và khí CO 2 càng tăng.

X- quang phổi không cho phép chẩn đoán xác định bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, mà chỉ giúp ích trong trường hợp có khí thũng phổi. X- quang phổi cần được chụp một cách thường quy để loại trừ các bệnh lý phổi khác có thể có biểu hiện tương tự như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính như: Dãn phế quản, ung thư phổi…

Các trường hợp có thể gây chẩn đoán nhầm hoặc bỏ sót chẩn đoán

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh thường gặp, việc chẩn đoán bệnh thường được đặt ra trong những trường hợp người bệnh có triệu chứng mạn tính (ho, khạc đờm kéo dài, khó thở gắng sức), hoặc trên những đối tượng có tiếp xúc kéo dài với các yếu tố nguy cơ (hút thuốc, tiếp xúc khói, bụi …). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, do có triệu chứng tương tự như một số bệnh khác, do vậy, nhiều bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bị chẩn đoán nhầm. Những trường hợp dễ gây chẩn đoán nhầm với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bao gồm:

Hen phế quản: Đây là chẩn đoán nhầm thường gặp nhất. Cần quan tâm tới chẩn đoán hen phế quản khi người bệnh xuất hiện khó thở cò cử từ khi còn trẻ, xen lẫn với những thời gian có bệnh, là những khoảng thời gian người bệnh có cảm giác hoàn toàn khỏe mạnh. Để có thể phân biệt rõ hơn, nên tiến hành đo chức năng hô hấp với thử nghiệm dãn phế quản, sẽ thấy hình ảnh chức năng hô hấp của bệnh nhân biến đổi về bình thường (trong khi chức năng hô hấp của người có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính luôn có biểu hiện tắc nghẽn).

Dãn phế quản: Đây cũng là bệnh hay gây nhầm lẫn trong chẩn đoán, nhiều trường hợp bệnh nhân dãn phế quản có biểu hiện rối loạn thông khí tắc nghẽn. Thường dễ dàng phân biệt được bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính với dãn phế quản khi chụp X- quang phổi, một số trường hợp cần dựa vào phim chụp cắt lớp vi tính ngực lớp mỏng, độ phân giải cao.

Ung thư phổi: Nhiều trường hợp hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm, có biểu hiện ho, khạc đờm kéo dài, đôi khi làm thầy thuốc hướng tới chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tuy nhiên, không khó phân biệt những trường hợp này khi người bệnh được chỉ định chụp X- quang phổi và đo chức năng hô hấp. Trên X-quang phổi sẽ thấy hình ảnh u phổi, đo chức năng hô hấp sẽ thấy hình ảnh rối loạn thông khí tắc nghẽn. Một số trường hợp có thể có kèm cả hai căn bệnh này.

Lao phổi: Một số bệnh nhân lao phổi có biểu hiện ho kéo dài, do đó làm nhiều thầy thuốc có thể nhầm lẫn chẩn đoán lao phổi với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Để chẩn đoán xác định, các bệnh nhân thường sẽ được yêu cầu chụp X- quang phổi, đo chức năng hô hấp và xét nghiệm đờm,

Những nguyên tắc chính trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Tính cho đến nay, chưa có bất cứ phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tuy nhiên với việc thực hiện nghiêm ngặt các chỉ dẫn của bác sĩ như: (1) Bỏ hút thuốc, tránh tiếp xúc với khói thuốc; (2) Dùng thuốc dãn phế quản và corticoid phù hợp, đầy đủ; (3) Tiêm phòng vaccine cúm và phế cầu; (4) Có kiến thức đầy đủ về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ( hiểu về bệnh và các dấu hiệu cần thay đổi điều trị, khám bác sĩ hoặc nhập viện cấp cứu). Khi đó, bệnh của bệnh nhân có thể được kiểm soát, bên cạnh đó còn giảm các đợt cấp cần nhập viện.

Ngừng hút thuốc là một biện pháp điều trị quan trọng nhất trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Việc bỏ thuốc lá sẽ giúp bệnh nhân tránh tiếp xúc với khói thuốc, các khí độc của thuốc lá kích thích, tăng chất nhầy và gây tổn thương các tế bào của niêm mạc phế quản của họ. Ngoài ra, thuốc lá không chỉ gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mà còn gây bệnh trên tất cả các cơ quan, bộ phận của con người. Do vậy, bệnh nhân cần ngừng hút thuốc càng sớm càng tốt.

Các thuốc giúp giảm triệu chứng của bệnh bao gồm các thuốc dãn phế quản, nhìn chung các thuốc đường phun hít, thuốc dãn phế quản tác dụng kéo dài thường được ưu tiên sử dụng hơn các thuốc đường uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch

Corticoid: Thường được chỉ định trong những trường hợp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mức độ nặng, hoặc khi có đợt cấp. Thuốc được dùng chủ yếu dưới dạng phun, hít, dạng toàn thân (uống, tiêm tĩnh mạch) thường chỉ được dùng khi bệnh nhân có đợt cấp cần điều trị tại bệnh viện.

Tiêm vaccine phòng cúm hằng năm, phòng phế cầu cứ 3 đến 5 năm một lần để tránh các đợt bội nhiễm, từ đó ngăn ngừa được đợt cấp của bệnh.

Lý liệu pháp là một cách điều trị nhằm giúp cho bạn giải phóng sự tắc nghẽn phế quản bởi dịch tiết đường thở. Mặt khác, đây cũng là điều trị phục hồi chức năng phổi. Sự luyện tập để thích nghi với gắng sức đặc biệt được chỉ định khi mà bệnh ở giai đoạn có khó thở đối với các gắng sức nhẹ.

Điều trị ôxy (ôxy liệu pháp) chỉ được chỉ định khi mà bệnh nhân bị thiếu ôxy trong máu kéo dài. Bác sĩ sẽ là người quyết định có điều trị ôxy cho bệnh nhân tại nhà hay không và quyết định chính xác liều ôxy thở mỗi phút cho bệnh nhân. Khi đã có chỉ định thở ôxy dài hạn tại nhà, bệnh nhân sẽ được yêu cầu thở ôxy ít nhất 15 tiếng mỗi ngày.

Phẫu thuật được đặt ra trong các trường hợp đặc biệt để điều trị các trường hợp dãn phế nang nặng. Các tổn thương dãn phế nang không phải chỉ tập trung một chỗ trong phổi, vì vậy phẫu thuật chỉ có thể cắt bỏ được một số, mục tiêu để giảm áp lực của những bóng khí này lên vùng phổi vẫn còn hoạt động.

TS-BS Nguyễn Thanh Hồi
Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai
 

  • Like
Cảm xúc: thuan pham

bs thu

Member
88
1
8
64
Xu
13
Bệnh tắt nghẽn phổi mạn tính là do biến chứng của viêm phế quản mạn tính.
Để chữa trị dứt bệnh này, Bạn dùng bài : THẤT KIM THANG nhé.
Liệu trình: 40-60 ngày.
Thành phần bài dân gian THẤT KIM THANG - Bạn seach google sẽ rõ nhé.
 


Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl