Viện y khoa Hoa kỳ đề nghị lượng canxi cần thiết hàng ngày cho độ tuổi 9–18 tuổi là 1300mg, 19–50 tuổi là 1000mg, trên 50 tuổi là 1200mg. Lượng canxi bổ sung tối đa an toàn hàng ngày ngày là 2500mg. Trong khẩu phần thức ăn hàng ngày của người Việt Nam cung cấp từ 500 đến 600 mg canxi. 1 ly sữa đậu nành chứa khoảng 175mg caxi, 1 ly sữa tươi cung cấp từ 200–240mg canxi, 1 ly sữa Ensure cung cấp 128mg canxi, 1 ly sữa Anlene đậm đạc 110 ml cung cấp 572 mg canxi. Ngoài ra, các loại thực phẩm như pho mát, sữa chua, bông cải, rau muống, cải xoăn, cải bẹ, cá hồi, cá mòi, tôm, cua, các thức uống như nước cam, nước táo, nước yến, nước thơm… là nguồn cung cấp giàu canxi. Bên cạnh các thức ăn thông thường chúng ta có thể uống thêm mỗi ngày 2 ly sữa, ăn 1 hũ sữa chua sau bữa ăn và ăn 250mg trái cây mỗi tuần có thể cung cấp đủ canxi cho nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Trong trường hợp không uống được sữa, có thể bổ sung canxi dạng viên. Canxi carbonat là dạng dễ hấp thu ở ruột và ít tạo sỏi thận nhất. Các tên chế phẩm thường gặp trên thị trường là Calci D, Oscal, Caltrat, Briozcal.. nên dùng với thức ăn để thuận tiện cho hấp thu. Nếu có sỏi thận có nên bổ sung canxi không? Có lẽ chúng ta cần biết sỏi của chúng ta hình thành do nguyên nhân nào thì mới có thể có câu trả lời chính xác được. Thận đưa các chất thải từ máu vào trong nước tiểu để thải ra ngoài, đồng thời đưa citrat, magne và piro phosphat vào nước tiểu để hoà tan các chất cặn bã giúp chống lắng đọng và hình thành tinh thể từ các chất căn bã. Khi các chất thải như canxi, oxalat và axit uric tăng cao trong nước tiểu mà lượng nước tiểu lại ít, hay thiếu citrat, magne, piro phosphat để hoà tan các chất thải này, thì chính là điều kiện tốt nhất để hình thành sỏi. Trong các chất làm nhiệm vụ hoà tan thì citrat có vai trò quan trọng nhất. Nồng độ canxi trong nước tiểu < 50mg/24 giờ được coi là canxi niệu thấp. >300 mg/24 giờ là canxi niệu cao. Nếu chúng ta kiểm soát tốt lượng canxi nhập vào và định lượng canxi niệu 24 giờ trong giới hạn bình thường thì nguyên nhân tạo sỏi có thể do chúng ta uống quá ít nước đồng thời ít vận động nên tạo điều kiện tốt cho sỏi hình thành. Nếu lượng canxi máu và canxi niệu cao chúng ta cần tìm nguyên nhân để điều trị thích hợp thì mới tránh được sỏi thận cũng như loãng xương. Một số bệnh làm ảnh hưởng tới chuyển hoá canxi của cơ thể như: cường tuyến cận giáp, cường tuyến giáp, cushing… hay do chứng tăng canxi niệu. Cần điều trị bệnh lý gây tăng canxi thì mới giải quyết được vấn đề phòng và chống sỏi thận. Sỏi thận gồm 4 loại chính là sỏi canxi, sỏi axit uric, sỏi sitruvit và sỏi cystin.
|