Rối loạn nhịp tim có phải 1 dấu hiệu bệnh lý?


4,226
1
1
Xu
53
Rối loạn nhịp tim có nhiều nguyên nhân: nó có thể là triệu chứng của bệnh tim, cũng có thể là kết quả của một quá trình chuyển biến tâm lý. Nhịp tim nhanh hay chậm hơn bình thường có thể chỉ là một hiện tượng đơn giản, tuy nhiên, bạn đọc cần đặc biệt chú ý và hợp tác với bác sĩ hoặc các trung tâm chăm sóc sức khỏe. 5 lời giải đáp dưới đây sẽ cho các bạn một cái nhìn bao quát về bệnh lý này.

Rối loạn nhịp tim phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Yuki Miyano

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 16 tuổi, cứ mỗi lần đi lên cầu thang là cháu thấy chóng mặt hoa mắt tai ù, đi khám bác sĩ nói bị rối loạn nhịp tim. Vậy cho cháu hỏi bệnh này có nguy hiểm không ạ và nên làm gì để hết tình trạng này?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân


Chào cháu!

Cháu chỉ kể các biểu hiện chóng mặt, hoa mắt, ù tai mỗi khi lên cầu thang, thực thể có rối loạn nhịp tim mà không nói trước đó có bị bệnh gì không như: viêm họng, đau khớp…, hoặc các biểu hiện khác kèm theo như hồi hộp đánh trống ngực, khó thở… Nên chúng tôi khó giải đáp được cho cháu. Nguyên nhân của rối loạn nhịp tim có thể do bệnh lý cơ tim, van tim, và một số lí do khác ảnh hưởng tới hệ thần kinh tim dẫn đến các hoạt động bất thường của hệ thần kinh tim. Một số rối loạn của nhịp tim hay gặp: rối loạn nhịp nhanh trên thất (nhịp nhanh nhĩ, nhịp xoang nhanh, rung nhĩ…), rối loạn nhịp chậm (suy yếu nút xoang, block nhĩ thất,…).

Trong những tình huống đột ngột nhịp tim đập nhanh có thể là báo hiệu của rung thất đe dọa tính mạng của người bệnh. Cháu nên đi khám chuyên khoa Tim mạch càng sớm càng tốt, để xác định lí do gây bệnh và có các phương pháp can thiệp cụ thể. Cháu nên lựa chọn một thói quen sống tốt, có thể tập ngồi thiền hoặc các động tác nhẹ nhàng của yoga. Ăn ít chất mỡ, ăn nhiều rau và các thực phẩm chứa nhiều vitamin. Hạn chế các chất kích thích với tim như: cà phê, đồ uống chứa cồn… Tránh các căng thẳng, bảo đảm đủ thời gian nghỉ ngơi, tránh thức quá khuya. Làm sạch mũi họng thường xuyên bằng cách nhỏ nước muối sinh lý 0,9%, tránh viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết β nhóm A (Streptococcus A) gây ra. Đây là một trong những lí do gây tác động đến tim ở lứa tuổi của cháu.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Bố cháu năm nay 78 tuổi, bị rối loạn nhịp tim. Bác sĩ đề xuất phương án đặt máy tạo nhịp tim. Xin hỏi bác sĩ xem còn phương pháp nào khác không? Và giá thành của đặt máy khoảng là bao nhiêu ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Về chữa trị rối loạn nhịp tim, hiện nay có các phương pháp sau:

Sử dụng thuốc: Thông thường lựa chọn chữa trị đầu tiên là dùng các loại thuốc chống loạn nhịp bao gồm: Digitalis, chẹn Beta, ức chế kênh canxi, kháng đông, và những loại thuốc khác. Trong nhiều tình huống, có thể cần phải uống thuốc chống loạn nhịp suốt đời. Thuốc phải được lựa chọn rất cẩn thận do chúng có thể gây ra những tác dụng phụ. Trong một số tình huống, thuốc có thể gây loạn nhịp hoặc làm chúng trầm trọng hơn. Do đó, các bác sĩ sẽ phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của việc sử dụng thuốc trước khi kê đơn. Bác sĩ sẽ kê đơn liều hoặc loại thuốc phù hợp nhất đối với từng bệnh nhân.

Khử rung: Khử rung là một thủ thuật tạo một dòng điện ngắn chạy qua để shock tim, giúp nó thay đổi từ nhịp bất thường trở về nhịp bình thường. Ở những tình huống không phải cấp cứu, khử rung được thực hiện để chữa trị những loạn nhịp có nguồn gốc từ tâm nhĩ (rung nhĩ hoặc cuồng nhĩ). Trong những tình huống cấp cứu, khử rung sẽ được dùng để chữa trị loạn nhịp gây choáng, hạ huyết áp, đau ngực, khó thở, hoặc mất ý thức. Khử rung là một cách chữa trị an toàn và hiệu quả để đưa nhịp tim trở về bình thường.

Sử dụng kỹ thuật “loại bỏ”: Một số loại loạn nhịp có thể được trị khỏi vĩnh viễn bằng kỹ thuật “loại bỏ”. Đây là kỹ thuật thay đổi những kết nối điện học hoặc xung điện bất thường trong tim để làm ngừng loạn nhịp vĩnh viễn. Tùy thuộc vào loại loạn nhịp và tình trạng của bệnh nhân mà thủ thuật này có thể thực hiện qua catheter hoặc qua phẫu thuật tim. Catheter là một ống rất nhỏ được đưa vào tĩnh mạch ở chân bệnh nhân rồi luồn lên đến tim, nơi nó sẽ phóng thích ra năng lượng để chữa trị loạn nhịp cho bệnh nhân. Nếu thực hiện qua phẫu thuật, một đầu dò dẻo được đặt trực tiếp vào tim để phóng thích năng lượng vào đó làm ngừng loạn nhịp vĩnh viễn.

Ghép thiết bị vào tim: Một thiết bị điện tử được ghép vào ngực bệnh nhân giúp chữa trị một số loại loạn nhịp. Những thiết bị này chạy bằng pin và phóng ra những xung điện đến tim để điều hòa nhịp đập của tim. Nếu tim đập quá chậm, máy tạo nhịp điện tử sẽ được cấy vào tim để làm tăng nhịp tim.

Đặt máy chuyển nhịp phá rung (ICD): Trong tình huống các tâm thất đập quá nhanh hoặc bị rung thay vì co bóp bình thường, các bác sĩ sẽ cấy máy ICD vào tim. Khi nhịp tim đạt đến hoặc vượt qua ngưỡng được cài đặt trước, máy sẽ phóng ra các tín hiệu điện để shock tim trở về nhịp bình thường, phục hồi chức năng bơm máu hiệu quả cho tim.

Chi phí để thực hiện một ca đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn tùy từng cơ sở y tế, dao động trong khoảng 50 triệu đồng.

Chúc bạn và gia đình sức khỏe!

Bị rối loạn nhịp tim nhẹ, hay mất ngủ, đầu óc cứ mơ hồ, khó tập trung


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Khoảng 1 năm trước tôi có đi khám tổng quát và bác sĩ nói là tôi bị rối loạn nhịp tim nhẹ. Nhưng sau khoảng gần 1 tháng nay tim tôi cứ đánh trống ngực liên hồi, lâu lâu lại đau ở giữa ngực và hay mất ngủ, đầu óc cứ mơ hồ, khó tập trung. Tôi đi phòng khám tư gần nhà khám thì bảo không sao và cho thuốc uống 1 ngày cũng thấy đỡ nhưng vài ngày sau cũng bị lại giống vậy. Đầu óc mơ hồ không tập trung được và tôi hay cảm thấy lo sợ. Vậy xin hỏi bác sĩ bệnh của tôi vậy có nặng không? Tôi nên làm gì và nên khám ở đâu để có kết quả chuẩn xác nhất ạ? Tôi ở An Giang.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn.

Với các biểu hiện bạn mô tả nghĩ nhiều đến bệnh rối loạn thần kinh thực vật. Rối loạn thần kinh thực vật là sự mất thăng bằng giữa hệ giao cảm và hệ phó giao cảm. Biểu hiện các biểu hiện của một tình trạng cường giao cảm trên các hệ cơ quan của cơ thể.

Tim đập nhanh, cảm giác hồi hộp

Thở nông, cảm giác hụt hơi, như có hòn gì chẹn ở cổ

Chân tay mỏi như mất trương lực cơ

Ra mồi hôi tay

Run tay

Mất tự tin

Lo lắng vô cớ

Khó tập trung chú ý

Mệt mỏi

Hay cáu gắt

Khó đi vào giấc ngủ.

Tuy nhiên chưa thể loại trừ hoàn toàn khả năng đó là bệnh lí về hệ tim mạch như: Rối loạn nhịp tim nhanh. Bạn nên đi khám chuyên khoa Tim mạch và chuyên khoa Thần kinh ở bệnh viện tuyến tỉnh để tìm nguyên nhân và chữa trị.

Chúc bạn mạnh khoẻ!

Bị rối loạn nhịp tim từ bé, hay bị tối sầm mặt mũi, đầu óc quay cuồng, khó giữ thăng bằng


Câu hỏi bởi: Hương Bống

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 16 tuổi, là nữ. Cháu bị rối loạn nhịp tim từ ngày bé (má cháu cũng bị như thế). Vào những ngày trời nắng nóng hay khi vận động mạnh hay vận động quá sức cháu thường bị tim đập rất nhanh, mạnh, ngực đau đớn vô cùng, đầu cũng đau đớn theo. Dạo gần đây, cháu còn hay bị tối sầm mặt mũi mặc dù đang đứng yên, đầu óc quay cuồng, khó giữ thăng bằng. Cháu đi điện tim và khám một số phương thức khác thì bác sĩ bảo hở van tim loại nhẹ, không nguy hiểm. Điều kiện của gia đình vẫn chưa đủ để cháu đi khám toàn diện và chuyên sâu. Mong bác sĩ giải đáp giúp cháu xem tình trạng của cháu như vậy là bệnh gì, nguyên do ở đâu và cách chữa trị ra sao.

Cháu xin chân thành cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào em!

Hiện tại em đang có biểu hiện hoa mắt chóng mặt kèm theo mất thăng bằng, đây có thể là những triệu chứng của bệnh rối loạn tiền đình nhé. Rối loạn tiền đình là biểu hiện thường xuyên tái phát, tác động đến công việc và chất lượng cuộc sống. Có hai loại rối loạn tiền đình.

Rối loạn tiền đình ngoại biên: Biểu hiện chóng mặt khi thay đổi tư thế, đây là dạng bệnh lành tính, chỉ làm cho người bệnh khó chịu trong sinh hoạt. Trường hợp bệnh nặng, người bệnh không thể đi đứng được, cơn chóng mặt thường kèm theo nôn ói rất nhiều và nôn kéo dài, ù tai, giảm thính lực, nặng đầu, khó tập trung…

Rối loạn tiền đình trung ương: Là bệnh lý thường gặp với những triệu chứng của tình trạng thiểu năng tuần hoàn não, người bệnh đi đứng khó khăn, khi thay đổi tư thế bị choáng váng, chóng mặt, thỉnh thoảng kèm theo nôn ói. Rối loạn tiền đình trung ương là do có sự tổn thương nhân tiền đình, tổn thương đường liên hệ của các nhân dây tiền đình ở thân não, tiểu não mà lí do có thể là do xơ mỡ động mạch mang máu đến nuôi não bộ.

Khi bệnh nhân đã mắc hội chứng rối loạn tiền đình thì phải cẩn trọng trong tư thế sinh hoạt, như không nên quay cổ một cách đột ngột hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh, tránh lái xe hoặc điều khiển máy móc có động cơ mạnh để tránh tiếng ồn. Bệnh nhân cũng cần giảm căng thẳng, lo âu, tránh đọc sách báo khi ngồi ôtô, nên ngồi hoặc nằm ngay xuống nếu cảm thấy chóng mặt…

Trường hợp chóng mặt kèm theo các biểu hiện như nhức đầu đột ngột, sốt từ 38 độ C trở lên, mờ mắt, không nhìn rõ sự vật hoặc nhìn đôi (thấy 1 thành 2), mất thị lực, giảm thính giác… thì nên đi khám ngay tại chuyên khoa Tai Mũi Họng, Thần kinh. Bệnh nhân tuyệt đối không tự mua thuốc uống theo mách bảo, theo đơn thuốc cũ vì ngoài rối loạn tiền đình, các dấu hiệu này có thể báo hiệu những bệnh lý nặng như tai biến mạch não, u não, bệnh Parkinson, bệnh tim mạch, bệnh đa xơ cứng. Vì vậy nếu có điều kiện em nên đi khám chuyên khoa Thần kinh sớm nhé.

Chúc em sống khỏe!

đối tượng bị loạn nhịp tim


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ tôi là nữ năm nay 48 tuổi , tôi đi khám nhiều nơi, nhưng cứ đến khám là nhịp tim tôi lại bình thường, khoảng tháng 9 năm ngoái tôi đi khám, khi điện tâm đồ tim tôi đập chậm, mạch chậm. bác sĩ bảo tôi bị loạn nhịp tim, ngoại tâm thu. bác sĩ kê đơn thuốc về uống, trong thời gian uống thuốc tôi thấy nhịp tim bình thường, nhưng khoảng từ tháng 4/2015 đến nay nhịp tim lên thường xuyên hơn, mỗi lần như thế tôi rất mệt, khó chịu ở vùng ngực trái. tôi mua thuốc theo như đơn của bác sĩ đã kê về uống, nhưng cũng vẫn khi được, khi không. đến thời điểm hiện tại tôi vẫn đang uống thuốc ngày 2 lần nhưng vẫn xuất hiện hiện tượng trên và thường là vào buổi từ 17 h đến 21 h buổi tối. tôi. tôi rất lo cho bệnh của mình,liệu nhịp tim nư thế có nguy hiểm không? và tôi đang phân vân tìm bệnh viện để khám và điều trị. Rất mong được sự tư vấn của bác sĩ.
Tôi xin chân thành cảm ơn.

Chăm sóc khách hàng ViCare


Chào chị,

Trước tiên, ViCare xin cảm ơn chị đã sử dụng tính năng đặt câu hỏi trên trang Hỏi bác sĩ của ViCare.

Về địa chỉ bệnh viện để khám và điều trị bệnh, chị có thể tham khảo theo liên kết sau: https://vicare.vn/danh-sach/?q=khoa+tim+mạch&page=2&specialities=tim-mach

Hi vọng thông tin trên có thể giúp ích cho chị.

Chúc chị sức khỏe.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl