Những điều cần biết về đau bụng kinh của chị em trên 20 tuổi


4,226
1
1
Xu
53
Phụ nữ trên 20 thường ổn định về nội tiết tố. Tuy nhiên, một số trường hợp rối loạn hormone khiến cơ thể phản ứng lại và gây ra đau bụng bất thường ở một hoặc nhiều lần trong các chu kỳ kinh nguyệt.

Đau bụng kinh, ra máu nhiều và lâu có ảnh hưởng đến sinh sản không?


Câu hỏi bởi: ngoclam

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 21 tuổi. Mỗi khi đến tháng cháu rất đau bụng và phải dùng thuốc giảm đau. Mỗi lần có kinh cháu rất đau, ra nhiều và lâu. Có cục máu đen và có mùi hôi. Cháu muốn hỏi dùng thuốc giảm đau như thế có tác động đến đẻ con sau này hay không? Bác sĩ giải đáp giúp cháu với ạ.

Cháu cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Đau bụng kinh là một biểu hiện thường xuyên gặp ở phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản hoặc các bạn gái mới bắt đầu có kinh. Đau bụng kinh có thể là trạng thái sinh lý bình thường do sự co thắt của cơ tử cung để đẩy máu kinh từ buồng tử cung ra ngoài âm đạo tuy nhiên cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh lý như bệnh lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, cổ tử cung chít hẹp, dính khoang tử cung…

Bạn vừa bị đau bụng kinh vừa có dấu hiệu của cường kinh (kinh ra nhiều, lâu). Nguyên nhân gây cường kinh thường do u xơ tử cung, polyp trong buồng tử cung, lạc nội mạc tử cung tại cơ tử cung làm tử cung không co bóp được tốt và chậm cầm máu. Cũng có thể do tử cung đổ sau khiến ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch nên gây chảy máu nhiều. Hoặc một số bệnh khác như tăng huyết áp, rối loạn đông máu cũng có thể là lí do của chứng này.

Trường hợp của bạn tốt nhất là nên khám và chữa trị các bệnh lý gây đau bụng và cường kinh kể trên (nếu có). Bạn không nên sử dụng thuốc giảm đau nhiều. Các loại thuốc này có tác dụng giảm đau tạm thời nhưng không thấy tác dụng chữa trị với đau bụng kinh do bệnh lý. Việc lạm dụng thuốc giảm đau sẽ gây tác dụng phụ lên các cơ quan khác như dạ dày, gan, thận có thể gây viêm loét dạ dày, độc gan, thận… Ngoài ra nếu bạn dùng thuốc giảm đau quá nhiều sẽ làm mỏng nội mạc tử cung theo thời gian, tuy giảm đau bụng kinh rõ rệt nhưng lại tác động đến khả năng sinh sản, đồng thời còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tắc tim mạch, mỡ máu…

Nếu bạn đi khám và loại trừ được các lí do bệnh lý thì có thể giảm biểu hiện đau bụng kinh mà không uống thuốc bằng cách:

Chườm nước nóng hoặc đắp khăn ấm vào phần bụng dưới để máu kinh lưu thông tốt. Lấy gừng tươi giã nhỏ hoặc cắt lát mỏng đắp vào phần bụng dưới khoảng 5 phút. Mát-xa vùng bụng dưới để máu được lưu thông tốt. Tránh các loại thực phẩm lạnh, nhiều gia vị, tươi sống.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Thường xuyên dùng thuốc giảm đau bụng kinh có hại không?


Câu hỏi bởi: dzanto11

Chào bác sĩ!

Con năm nay 27 tuổi chưa lập gia đình, vòng kinh của con đều đặn, và đặc biệt là bị đúng ngày vào tháng tiếp theo (mùng 4 tháng này bị là đúng mùng 4 của tháng tiếp theo lại bị, có khi lệch 1-3 ngày thôi ạ). Nhưng có điều là con rất hay bị đau bụng kinh mỗi khi đến tháng. Mỗi lần đau như vậy con đều dùng đến thuốc giảm đau như Cataflam, Spasmaverine, Panadol uống ít nhất 2 viên, có lúc vẫn không khỏi đau con uống thêm nữa. Những lúc đau thì có kèm các cơn co thắt từ bụng dưới, và máu có màu đen không hôi. Rồi khi bước sang ngày thứ 2 và 3 có xuất hiện máu kinh dạng cục không to cũng không nhỏ, khi thì như cục máu đông, có khi lại có màu như nhau thai, (không hôi) làm con rất hoang mang. Con đã đi siêu âm vùng bụng ở 1 phòng khám quân đội thì bác sĩ bảo con không bị vấn đề gì hết nhưng con vẫn thấy lo, con muốn hỏi bác sĩ trường hợp của con là bị gì a!, và việc uống thuốc giảm đau trong thời gian dài như vậy có tác động gì đến sinh sản về sau không? Con xin cảm ơn bác sĩ đã lắng nge!

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào cháu.

Kinh nguyệt là hiện tượng chảy máu có tính chất chu kỳ hàng tháng từ tử cung ra ngoài do bong niêm mạc tử cung. Máu kinh là một hỗn dịch máu không đông trong chứa cả chất nhầy của tử cung, của cổ tử cung, của vòi trứng, những mảnh niêm mạc tử cung, những tế bào bong của âm đạo, cổ tử cung. Máu thực sự chỉ chiếm 40%. Máu kinh có thể đông trong âm đạo và bài tiết ra ngoài. Vì vậy cháu có thể thấy máu kinh có dạng cục máu đông hoặc có cả chất nhầy, niêm mạc kèm theo là hoàn toàn bình thường.

Ở mỗi chu kỳ kinh nguyệt, tử cung sẽ co bóp để tống máu kinh ra ngoài, gây nên co thắt ở vùng bụng dưới. Đây là hiện tượng bình thường. Ở mỗi người sự co thắt sẽ khác nhau, nên mức độ đau bụng cũng khác nhau, thông thường sẽ chỉ đau bụng trong 1-2 ngày đầu của kỳ kinh và giảm dần. Các thuốc giảm đau mà cháu sử dụng, đều có tác dụng giảm co bóp ở tử cung, làm giảm đau, tuy nhiên sử dụng các thuốc này rất hay không tốt cho cơ thể, vì cơ tử cung rất nhạy cảm với thuốc. Do đó nếu tình trạng đau bụng kinh của cháu không quá nặng, vẫn có thể chịu đựng được cháu không nên sử dụng thuốc giảm đau.

Cháu có thể áp dụng một số biện pháp sau để giảm đau bụng trong những ngày có kinh nguyệt:

Hạn chế vận động, lao động nặng khi có kinh nguyệt, nếu có thể cháu nên nằm nghỉ yên tĩnh, nhất là lúc bị đau bụng. Khi đau bụng cháu có thể: uống một cốc nước đường đỏ ấm, chườm ấm lên vùng bụng dưới, xoa nhẹ nhàng lên vùng bụng dưới. Tắm rửa sạch sẽ, nhất là vùng sinh dục, nên tắm bằng nước ấm trong những ngày có kinh nguyệt.

Chúc cháu luôn khỏe!

Bị đau bụng kinh kéo dài sau đặt vòng phải làm sao?


Câu hỏi bởi: khánh huyền

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 27 tuổi. Cháu mổ đẻ được 8 tháng thì thấy kinh nguyệt, sau khi hết kì kinh cháu đi đặt vòng tới tháng sau tới kì kinh cháu bị đau bụng và kéo dài nhiều ngày. Như vậy là cháu bị làm sao thưa bác sĩ?

Xin cám ơn!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Sử dụng vòng tránh thai là một trong những biện pháp tránh thai khá phổ biến, đang được áp dụng hiện nay. Đặt vòng tránh thai bằng cách đưa vào buồng tử cung một chiếc vòng chữ T hoặc vòng số 8 làm bằng nhựa hoặc có gắn đồng như một dị vật trong buồng tử cung có tác dụng làm ngăn cản sự làm tổ của trứng sau khi thụ tinh hay ngăn cản sự phát triển của túi thai nên có tác dụng tránh thai.

Vì là dị vật trong buồng tử cung nên sau khi đặt vòng tránh thai sẽ gây kích thích cơ tử cung có thể gây đau bụng dưới, thường đau âm ỉ sau đó cơ thể tự thích nghi được với vòng tránh thai trong tử cung. Nếu đau bụng nhiều, kéo dài, có thể do viêm nhiễm nếu trong quá trình đặt không đảm bảo yếu tố vô khuẩn hoặc có thể do vòng tránh thai chọc vào tử cung làm tổn thương niêm mạc và cơ tử cung, thậm chí có trường hợp vòng tránh thai gây thủng cơ tử cung và chui vào trong ổ bụng, tuy nhiên trường hợp này là vô cùng hiếm gặp. Vì vậy, bạn nên đi khám lại để các bác sĩ kiểm tra trạng thái của vòng tránh thai trong buồng tử cung của bạn.

Chúc bạn khỏe!

Bị đau bụng kinh vào ngày đầu của kì kinh, có phải khó có bầu không?


Câu hỏi bởi: 978922415

Chào bác sĩ!

Em năm nay 23 tuổi, thưa bác sĩ cho em hỏi là lí do tại sao mà mỗi tháng đến kì kinh nguyệt thì em đều bị đau bụng vào ngày đầu tiên của kì kinh, đau khoảng 3 tiếng, đau qúa em không chịu được phải mua thuốc giảm đau. Bác sĩ cho em hỏi là có phải vì em đang bị viêm âm đạo nên bị đau bụng không? Và đến tháng có kinh mà bị đau bụng thì có phải là rất khó có bầu không?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Mai Hương


Chào em.

Cũng giống như em, nhiều bạn nữ thường xuất hiện hiện tượng đau bụng dưới, thắt lưng vào thời điểm trước và sau kì kinh nguyệt. Người bị nặng có thể thấy đau bụng dữ dội, sắc mặt tái đi, chân tay lạnh, thậm chí có thể dẫn đến hôn mê, tình trạng này được gọi là đau bụng kinh. Đau bụng kinh rất thường gặp ở nữ giới từ còn khá trẻ. Đau có thể đau kéo dài đến 1-2 tiếng hoặc 1-2 ngày. Sau khi máu kinh thải ra ngoài thì cơn đau giảm dần.

Có rất nhiều lí do gây đau bụng kinh như yếu tố nội tiết, di truyền, mắc các bệnh phụ khoa, yếu tố ngoại cảnh như không khí bị ô nhiễm, vận động mạnh… Các lí do thường gặp như:

1. Các bệnh phụ khoa như: vị trí nội mạc tử cung bất thường, viêm vùng chậu, u xơ tử cung, u nang cơ tử cung…, đặt vòng tránh thai trong tử cung cũng có thể dẫn đến đau bụng.

2. Do tử cung không bình thường:

Tử cung kém phát triển kết hợp với sự cung ứng máu bất thường gây thiếu máu, thiếu oxi cho tử cung gây đau bụng. Vị trí của tử cung không bình thường: nếu tử cung của phụ nữ quá lùi về phía sau hoặc quá ngả về phía trước cũng sẽ tác động đến máu kinh lưu thông gây đau bụng.

Tử cung co thắt không bình thường dẫn đến các cơ tử cung thiếu máu. Hiện tượng thiếu máu này lại dẫn đến sự co thắt các cơ gây đau bụng.

Ống cổ tử cung quá hẹp, kinh nguyệt lưu thông bị trở ngại gây đau bụng

Yếu tinh thần và thần kinh: một số phụ nữ quá mẫn cảm với tình trạng đau bụng kinh.

3. Do gen di truyền: Con gái bị đau bụng kinh có mối liên quan nhất định đến người mẹ.

4. Yếu tố nội tiết: Đau bụng trong kì kinh nguyệt có liên quan đến sự gia tăng của progesterone. Nội mạc tử cung và hàm lượng prostaglandin trong máu kinh tăng lên, prostaglandin ảnh hưởng đến các cơ tử cung, làm chúng co lại gây đau bụng. Những người mắc chứng này có hàm lượng prostaglandin trong các mô nội mạc tử cung tăng cao rõ rệt hơn đối với những phụ nữ bình thường.

5. Vận động quá mạnh, trúng gió hoặc bị cảm lạnh trong kì kinh nguyệt đều gây đau bụng kinh.

6. Không khí không tốt, chịu những kích thích từ không khí của những chất hóa học hoặc công nghiệp như: xăng, dầu, hương nến…cũng gây nên đau bụng kinh.

7. Những người có kinh nguyệt lần đầu tiên, áp lực tâm lý quá lớn, ngồi lâu gây tuần hoàn máu kém, máu kinh không lưu thông, thích ăn đồ lạnh… cũng có thể gây đau bụng kinh.

Trên đây là rất nhiều lí do gây ra đau bụng kinh. Có những lí do do sinh lý và do bệnh lý. Nếu đau bụng kinh do các lí do sinh lý, không thấy bất thường gì liên quan đến tử cung, buồng trứng và kinh nguyệt vẫn đều thì không tác động gì đến khả năng sinh sản, người phụ nữ vẫn có thai như bình thường. Ngược lại đau bụng kinh do các lí do bệnh lý của hệ thống sinh sản kèm theo hoặc không kèm theo kinh nguyệt không đều thì có thể dẫn đến khó có thai.

Trường hợp của em, cũng không loại trừ bệnh viêm nhiễm phụ khoa có thể là lí do làm em đau bụng kinh. Tuy nhiên như đã nói, em không nên lo lắng vì nếu em chữa trị triệt để viêm nhiễm phụ khoa thì không tác động gì đến khả năng có thai. Vì vậy em nên đi khám Phụ khoa định kỳ trước khi có thai để được phát hiện và chữa trị kịp thời.

Chúc em mạnh khỏe.

Thuốc giảm đau bụng kinh Ibu-Acetlvic dùng có an toàn không?


Câu hỏi bởi: Syrpham

Chào bác sĩ.

Năm nay cháu 26 tuổi, chưa lập gia đình. Mỗi lần tới ngày hành kinh cháu đau bụng dữ dội, biểu hiện đổ mồ hôi, chân tay lạnh, có khi tụt huyết áp dẫn đến buồn nôn. Vì đau không chịu được nên đến tháng cháu đều dùng thuốc giảm đau. Hôm nay ra hiệu thuốc thì người ta đưa cho thuốc giảm đau Ibu-Acetlvic của Công ty cổ phần Vidipha. Cho cháu hỏi thuốc Ibu-Acetlvic dùng có an toàn không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Lê Huy Tuấn


Chào bạn.

Thuốc Ibu-Acetlvic thành phần là Paracetamol uống nhiều có thể tác động đến gan. Nếu bạn đau bụng kinh nhiều thì bạn hãy uống Ibuprophen (Moophen 400mg/viên) trước khi hành kinh 6 đến 8 tiếng, mỗi lần 1 hoặc 2 viên, uống cách nhau 6 đến 8 tiếng một lần, hết đau thì không uống (thông thường uống 2 hoặc 3 lần là hết đau).

Chúc bạn mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl