Rối loạn tiền đình: Nguy hiểm hay không nguy hiểm?


4,226
1
1
Xu
53
Rối loạn tiền đình là một trong những hội chứng phổ biến nhất mà mọi người thường gặp phải. Đây không phải là một hội chứng gây nguy hiểm đến tính mạng, song có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác. 5 thắc mắc và lí giải dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn bao quát nhất về hội chứng này.

Bệnh rối loạn tiền đình


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sỹ, cháu năm nay 32 tuổi, cách đây 10 năm đã hay bị chóng mặt, buồn nôn, đi bộ hay leo cầu thang thấy khó thở, trong thời gian 10 năm đó tới nay, cháu chưa hề đi khám tại 1 bệnh viện cụ thể nào, mà chỉ kể bệnh ở phòng khám tư, hoặc hiệu thuốc rồi mua thuốc uống. Hiện nay, cháu bị đau đầu nhiều hơn, chóng mặt, buồn nôn và hay bị choáng, khó thở, phải thở dốc, mắt nhìn mờ, và tay chân bị tê. Bác sỹ cho cháu hỏi cụ thể đó là dấu hiệu của bệnh gì ? có chữa khỏi được không và cháu phải thăm khám, chụp chiếu như thế nào? và ra bệnh viện nào để khám? hay phương pháp điều trị… là như thế nào, để cháu mau ổn định sức khỏe được ah? Mong sớm nhận được câu trả lời của bác sỹ. cháu cảm ơn bác sỹ ah.

Bác sĩ Vũ Việt Hùng


Chào bạn.

Phải nói là bạn có vẻ ít quan tâm tới bản thân mình. Bệnh tình diễn biến đã lâu mà bạn không khám xét gì cả . Bởi lẽ tôi không biết giới tính của bạn, bạn làm nghề gì, có gia đình hay chưa, môi trường sống của bạn ra sao mà khi không có đầy đủ các dữ kiện nên rất khó có thể tư vấn chính xác cho bạn.

Các triệu chứng mà bạn liệt kê ra có vẻ như bạn đã mắc một bệnh gì đó từ lâu nhưng không được tư vấn hay điều trị thì phải. Tốt nhất bạn nên tới một cơ sở y tế nào đó để được tư vấn sớm, đừng để lâu hơn nữa. Và bạn nên lưu ý là cố gắng sử dụng thẻ bảo hiểm y tế sẽ rất hữu ích với bạn.

Chúc bạn sức khỏe


Bị rối loạn tiền đình phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Cách đây 2 năm, bạn trai cháu thường đau đầu, khi đi khám thì được chẩn đoán là rối loạn tiền đình và có cho thuốc về uống, nhưng vẩn không có đỡ, lâu lâu lại thấy đau. Triệu chứng ban đầu là hoa mắt, chóng mặt, đau đầu và sau đó nữa tiếng lại thấy buồn nôn, đôi khi lại nôn… Dạo gần đây khi làm về cảm thấy rất mệt. Cháu rất lo lắng về tình trạng sức khỏe của anh, sắp tới anh lại đi nhập ngũ nữa. Liệu bệnh có nặng hơn không ạ?

Cháu cám ơn ạ!

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào em!

Qua thông tin em cung cấp, bạn trai em bị rối loạn tiền đình và đã đi khám có chẩn đoán, được chữa trị. Rối loạn tiền đình triệu chứng bằng những cơn chóng mặt, do rối loạn hệ thần kinh của các vùng tai, tim mạch, mắt, tâm thần. Rối loạn tiền đình gồm 2 thể: rối loạn tiền đình ngoại biên (thường lành tính, chỉ gây khó chịu, tác động tới sinh hoạt); rối loạn tiền đình trung ương (do tổn thương nhân tiền đình, tổn thương các đường dẫn truyền thần kinh,…).

Trường hợp bạn trai của em, có rối loạn tiền đình nhưng không rõ thể nào vì tùy theo thể bệnh mà có biện pháp chữa trị thích hợp. Việc đi khám nghĩa vụ quân sự, nhập ngũ là trách nhiệm, nhiệm vụ vẻ vang của mỗi công dân. Tuy nhiên, nếu tình trạng sức khỏe không đảm bảo thì sẽ không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ. Bên cạnh đó, nếu tình huống bạn trai của em đã khám đủ điều kiện sức khỏe thì khi nhập ngũ, điều kiện môi trường trong quân đội cũng có thể giúp tăng cường sức khỏe về thể lực, độ dẻo dai và có thể tình trạng rối loạn tiền đình lại giảm. Do vậy, em không nên lo lắng quá mức và nên khuyên bạn trai giữ gìn sức khỏe, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và khám lại theo hẹn. Thông thường, rối loạn tiền đình có thể khám và chữa trị hiệu quả tại cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng hoặc thần kinh.

Chúc sức khỏe!

Câu hỏi về rối loạn tiền đình


Câu hỏi bởi: Lê thị hồng diêp

Thưa bác sĩ chồng cháu năm nay 38 tuổi, 1 năm trở lại đây thi thoảng( 2 lần / tháng) đang điều khiển xe máy lại bị choáng, nôn và xỉu luôn mặc dù có đi khám ở viện 108, viện Đh Y. Đã làm 1 số xét nghiệm máy, lưu huyết não, chụp citi não, X-quang và đều có kết luận rối loạn tiền đình, thoái hoá đốt sống cổ. Tiêm và uống thuốc theo đơn của Bv khám lại theo yêu cầu nhưng vẫn ko cải thiên. Nay cháu gửi câu hỏi xin bác sĩ tư vấn, cháu cảm ơn!

Bác sĩ Cao Tiến Đức


Chào cháu!

Thật là khó khăn khi được cháu ting tưởng nhờ tư vấn cho chồng cháu, bởi vì đã đi khám và điều trị rồi mà chưa kết quả. Thôi đành như thế này thử xem sao, cháu hãy đưa chồng cháu cùng với các kết quả, film… đã có đến chỗ chúng tôi để tôi cùng các đồng nghiệp ở đây hội chẩn lại để có thể tư vấn cho chồng cháu.

Chúc chồng cháu mau khỏi bệnh.

Điều trị bệnh rồi loạn tiền đình


Câu hỏi bởi: Mai Xuân Cần

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 21 tuổi, là nam. Cháu bị đau đầu đã nhiều năm nay và thường có cảm giác buồn nôn. Đi khám bác sĩ thì được chuẩn đoán là bị rối loạn tiền đình và có cho thuốc để uống. Nhưng khi uống hết thuốc thì không có bệnh thuyên giảm. Mong bác sĩ giải thích và cho cháu cách điều trị hiệu quả.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào em!

Em bị đau đầu nhiều năm và thường có cảm giác buồn nôn, có kèm theo biểu hiện chóng mặt và mất thăng bằng không? Nếu có chóng mặt và mất thăng bằng kèm theo thì rất có thể em bị rối loạn tiền đình.

Có khá nhiều lí do gây rối loạn tiền đình: môi trường, thời tiết (chuyển mùa), nhiễm độc (hóa chất, thuốc, ăn uống…), tuần hoàn kém và các vấn đề thần kinh, tâm lý, tạo máu.

Việc khống chế những cơn chóng mặt là rất cần thiết và phải kịp thời.

Người bệnh cần nằm nơi yên tĩnh, tránh ánh sáng mạnh.

Chọn tư thế nằm thích hợp như: nghiêng trái hoặc phải, hoặc nằm ngửa.

Nếu buồn nôn thì cho nôn hết ra, nhưng sau đó phải uống bù nước và điện giải; orezol là dung dịch được lựa chọn.

Xen kẽ cho người bệnh uống một cốc sữa nhỏ có đường đặc thật nóng.

Việc uống thuốc nhất thiết phải theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, thuốc chỉ giúp giải quyết tức thời những cơn chóng mặt cấp.

Về lâu dài, bệnh nhân cần chủ động phòng ngừa bằng cách luyện tập thường xuyên các động tác sau:

Tập đầu và cổ: Ngửa đầu ra sau, cúi đầu xuống, nghiêng đầu sang phải và sang trái hết cỡ. Quay đầu tròn chữ O bên phải rồi bên trái (khoảng 10-15 lần). Nằm ngửa trên giường, để một tay ở đỉnh đầu, một tay dưới cằm, thật mềm cổ, nhẹ nhàng vặn mạnh cằm về bên trái, rồi về bên phải, có tiếng kêu răng rắc là tốt. Sau đó, lồng các ngón tay với nhau để vào sau gáy, kéo mạnh gập cằm về phía ngực (khoảng 10 lần).

Xoa mặt, mắt, tay: Hai bàn tay xiết mạnh vào nhau cho nóng, xoa đều vào mặt, hốc mắt và tai để ảnh hưởng vào các nút thần kinh tai, mắt, mặt (khoảng 10 lần).

Tập thể dục như bình thường nhưng phải làm được 3 động tác cơ bản sau đây: Chạy đi chạy lại nhẹ nhàng 8-10 phút. Đứng hơi dạng hai chân, cúi người xuống, đầu ngón tay chạm vào ngón chân cái, vung hai tay và quay mặt về bên trái rồi về bên phải hết cỡ (nhớ là quay cả mặt). Làm 10 lần.

Nếu không thấy triệu chứng chóng mặt hay mất thăng bằng kem theo có thể em bị chứng đau nửa đầu, một bệnh lí thường xuyên gặp ở người trẻ. Để yên tâm em có thể đến chuyên khoa Thần kinh bệnh viện Bạch Mai để khám và chữa trị, đây là cơ sở hàng đầu chữa trị các bệnh về thần kinh.

Chúc em sức khỏe!

Cách hiệu quả trị dứt điểm rối loạn tiền đình?


Câu hỏi bởi: thanhhieu.tag

Chào bác sĩ.

Mình tên là Hiếu. Mình xin hỏi bác sĩ làm thế nào để trị dứt điểm rối loạn tiền đình? Mình thường xuyên đau đầu, đau bất chợt không có giờ cố định, rất khó khi tập trung làm việc hay vui chơi. Mình mới phát hiện bệnh cách đây 1 tháng do tình cờ khám tổng quát. Mình năm nay 27 tuổi, là nam.

Xin cảm ơn.

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào bạn.

Rối loạn tiền đình có hai loại:

Rối loạn tiền đình ngoại biên: Chóng mặt khi thay đổi tư thế, đây là dạng bệnh lành tính. Nếu bệnh nặng, bệnh nhân không thể đứng và đi lại được, cơn chóng mặt thường kèm theo nôn, ù tai, đau đầu, khó tập trung. Nguyên nhân thường xảy ra sau trấn thương vùng đầu, ngoài ra do tắc mạch máu ở vùng sau cổ như thoái hoá đốt sống cổ…

Rối loạn tiền đình trung ương: Thường gặp hơn loại trên, triệu chứng người bệnh đi đứng khó khăn, khi thay đổi tư thế bị choáng váng, chóng mặt, thỉnh thoảng kèm theo nôn, đôi khi khó tập trung, mau quên. Nguyên nhân có sự tổn thương nhân tiền đình, tổn thương đường liên hệ của các dây tiền đình ở thân não, tiểu não mà thủ phạm là do sơ vữa động mạch mang máu đến nuôi dưỡng não bộ.

Muốn chữa trị hiệu quả rối loạn tiền đình, trước hết bạn phải đến khoa Thần kinh để khám và xác định xem bạn bị rối loạn tiền đình ngoại biên hay trung ương. Hai loại rối loạn tiền đình có lí do khác nhau. Đi khám bệnh, các bác sĩ sẽ cho bạn chụp não, chụp động mạch não, làm Dopler động mạch máu não, chụp đốt sống cổ để xác định rõ lí do gây rối loạn tiền đình ở bạn. Khi đó mới chữa trị để giải quyết lí do giúp bạn khỏi dứt điểm được. Chuyên khoa Thần kinh chịu trách nhiệm khám và chữa trị bệnh này, bạn hãy tới đó để khám và có hướng chữa trị tốt nhất cho bạn.

Chúc bạn sớm khỏi bệnh.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl