Trật khớp vai và những cách điều trị


4,226
1
1
Xu
53
Bệnh nhân được dùng thuốc an thần sau đó xương cánh tay sẽ được nắn, đưa trở lại vào khớp vai. Sau khi nắn khớp, bệnh nhân sẽ được chỉ định đeo băng tay cố định. Tư vấn chỉnh hình 2-7 ngày sau phẫu thuật có thể cần để ổn định khớp vai.

Trật khớp vai 5 năm chữa thế nào?


Câu hỏi bởi: Lý Trấn Cơ

Xin chào bác sĩ,.

Năm nay em 18 tuổi, là nam giới. Khi 13 tuổi em có để đồ nặng nên vai và bị trật khớp vai trái. Khi hoạt động nhiều bằng tay, tay trái của em mau mỏi tay và có cảm giác nóng ở vai và rất khó chịu, dạo nay em có tự xoa bóp nhưng tình hình càng tệ thêm, vai em chạm vào có hơi đau nhức, bây giờ em có điều trị được nữa không.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Duyên


Chào em.

Trật khớp vai hay gặp kiểu ra trước, xuống dưới, vào trong vì giữa dây chằng giữa và dây chằng dưới là điểm yếu của khớp vai, có tới 95% là kiểu trật khớp như vậy. Đối với trật khớp vai, thường có biến chứng là hay bị trật lại, hay gặp nhất là trong 2 năm đầu tiên sau khi bị lần đầu tiên gọi là trật khớp tái diễn, chữa trị cần phải phẫu thuật. Tuy nhiên với tình huống của em, đã được 5 năm, hình như em không bị trật lại, do đó không cần phải phẫu thuật. Hiện tượng đau mỏi ở vai sau khi trật là hiện tượng thường gặp ở những người sau trật khớp vai vì bị tổn thương các phần mềm quanh khớp. Em có thể đi chụp cộng hưởng từ khớp vai để biết rõ, có thể chữa trị bằng can thiệp nội soi khớp vai. Ngoài ra hiện tượng đau nhức ở khớp vai còn do thoái hóa khớp vai, do bị sai khớp dẫn tới chấn thương vùng chỏm và ổ chảo, tạo điều kiện thuận lợi cho thoái hóa khớp. Cũng không loại trừ khả năng em bị viêm quanh khớp vai, thường với triệu chứng đau nhức, nóng đỏ và đau tăng về đêm. Em nên đi khám chuyên khoa Cơ Xương Khớp để chữa trị bệnh.

Chúc em mạnh khỏe.

Không giơ tay lên cao được sau trật khớp vai trái đã hơn 4 tháng


Câu hỏi bởi: Nguyễn Ngọc Hùng

Thưa Bác sỹ, tôi tên là Mr. Nguyễn Ngọc Hùng 55 tuổi, thường trú tại Chung cư Licogi 13, tổ 34 phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội. Ngày 13/5/2016 sau một cú ngã xe máy tôi đã bị trật khớp vai trái, BV Việt Đức nắn lại khớp và bó bột, sau đó đắp thuốc và điều trị tại thầy Lang Cường khoảng 1 tháng. Thấy không ổn nên đến BV thể thao Mỹ Đình điều trị: Chụp cộng hưởng từ BS kết luận: Một số ổ tổn thương phù nề chỏm xương cánh tay và điểm bám gân cơ trên gai; Tụ dịch trong túi cùng bao hoạt dịch khớp vai. Và đã dùng một số các loại thuốc xoa bóp, uống từ đó đến nay, tay và vai không còn đau nhức nữa nhưng việc giơ tay lên còn bị hạn chế và đau. Nếu có thể được, xin hỏi BS có thể tư vấn cho các cách thăm khám và điều trị tiếp theo? thuốc men hoặc vật lý trị liệu?…. Rất mong được sự chỉ giáo của BS, tôi xin chân thành cám ơn.

Bác sĩ Phạm Văn Tâm


Chào anh Hùng.

Bệnh của anh là di chứng sau trật khớp vai. Anh nên xem lại xem quá trình đắp thuốc có gây tổn thương trên vai không. Nếu không có tổn thương thì có thể là bị viêm quanh khớp gai, cứng khớp. Tốt nhất anh nên tăng cường tập luyện để cơ xương khớp hoạt động lại bình thường. Nếu bị viêm, anh nên điều trị kết hợp tây y, đi khám các bệnh viện chuyên khoa cơ xương khớp hoặc y học cổ truyền.

Chúc anh sức khỏe!

Vai phải đau nhức mỗi khi dơ thẳng cánh tay lên có phải trật khớp và có thuốc nào chữa trị không?


Câu hỏi bởi:

Thưa bác sĩ!

Cháu 17 tuổi. Cách đây vài ngày, sau khi ngủ dậy, cháu cảm thấy chỗ khớp vai bên tay phải đau nhức nhưng đau không nhiều. 2, 4 ngày sau, mỗi khi ngủ dậy thì chỗ khớp vai lại càng đau hơn, tập các động tác thể dục như xoay cánh tay từ trước ra sau hay xoay cánh tay từ ngoài vào trong đều rất khó, càng khó khăn hơn khi mặc áo hoặc chải tóc. Hiện cháu đang bước vào kì thi cuối học kì nên việc đau khớp vai ở phía tay phải tác động rất nhiều đến việc học của cháu. Theo cháu nghĩ thì mình bị trật khớp vai nhưng cánh tay cháu vẫn có thể áp sát vào thân mình, vậy có phải là trật vai khớp không bác sĩ? Nếu phải thì cháu phải làm gì? Và có thuốc nào chữa tạm thời trước khi đến bệnh viện bó bột không, vì bó bột thì cháu sẽ không thể làm bài thi được? Mong bác sĩ tư vấn.

Cháu cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Theo các biểu hiện bạn mô tả thì nhiều khả năng là bạn bị trật khớp vai. Nguyên nhân và cơ chế gây trật khớp thường thấy nhất do ngã chống bàn tay hoặc chống khuỷu trong tư thế tay dạng, đưa ra sau và xoay ngoài. Chấn thương trực tiếp vào khớp vai từ sau mỏm vai ít thấy (thường do tai nạn xe máy hoặc ô tô cán). Trong lao động gặp trật khớp vai ở công nhân khuân vác, đang vác trên một vai, một tay quàng ngược lên trên ôm lấy vật vác.

Trường hợp của bạn, lí do gây trật khớp có thể là do tư thế ngủ không đúng, có thể do bạn tì nhiều lên tay vai bên phải. Bạn cần đi khám bác sĩ, nếu đúng là trật khớp vai thì phải nắn chỉnh sớm. Cũng không loại trừ khả năng bạn bị các bệnh lý khác như viêm quanh khớp vai với các triệu chứng như đau ở vai, ở rảnh chữ V của cơ Delta, đôi khi lan xuống cánh tay thậm chí cả cẳng tay, mu tay. Đau kiểu cơ học, tăng khi làm một số động tác của vai, khó nằm nghiêng, nhất là lúc tỳ vào vai. Đau tăng khi nâng vai lên, có thể hạn chế vận động kín đáo do đau. Ở bệnh lý này khi làm động tác co cánh tay đối kháng thì đau tăng. Tốt nhất là bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để chẩn đoán và chữa trị kịp thời, tránh để bệnh diễn tiến nặng càng tác động tới học tập.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Bị trật khớp khi tập thể thao khắc phục thế nào?


Câu hỏi bởi: ngocanh

Thưa bác sĩ!

Tôi năm nay 25 tuổi bị trật khớp vai trái do tai nạn. Hiện giờ cứ chơi thể thao là tôi lại bị trật khớp. Tôi mong bác sĩ giúp tôi xử lý tình trạng này.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Mai Hương


Chào bạn.

Trật khớp thường dễ bị tái phát. Vì vậy bạn đã từng bị trật khớp thì càng phải đề phòng để tránh tái phát. Để phòng ngừa, bạn nên: Chọn lựa các môn thể thao phù hợp với sức khỏe để tránh tình trạng quá sức như đi bộ, đi xe đạp, bơi lội, những vận động nhẹ vì nó tốt cho các khớp xương của bạn hơn… Nếu bạn thích chơi các môn thể thao mạnh, có sự va chạm, nguy hiểm cho xương khớp, bạn nên trang bị bảo vệ cho các khớp xương dễ gặp nạn.

Chúc bạn sức khỏe.

Nam 29 tuổi bị đau khớp vai, đã uống thuốc nhưng không giảm, phải làm sao?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay mới 29 tuổi mà cháu đã bị đau khớp vai 5 năm rồi. Cháu đã uống rất nhiều loại thuốc nhưng vẫn không giảm. Cháu cũng đi khám nhưng bác sĩ nói là cháu bị thấp khớp. Trước đây cháu chỉ bị đau có một bên giờ nó lại chuyển sang bên kia. Vậy bác sĩ có thể giúp cháu cách chữa trị và dùng loại thuốc nào để có kết quả tốt ạ?

Cháu xin cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Bạn mới 29 tuổi mà đã bị đau khớp vai 5 năm. Đau khớp vai là một triệu chứng lâm sàng gặp trong nhiều bệnh. Đau khớp vai có thể do nhiều lí do gây ra, dưới đây là một số lí do cơ bản:

Thoái hóa khớp vai. Khớp vai là khớp vận động đa chiều, nếu hoạt động quá tải hoặc vận động sai lệch do nghề nghiệp đều có thể gây ra tình trạng thoái hóa, tình huống này đau nhức thường xuyên, đặc biệt khi vận động.

Viêm dây thần kinh thường thì khi bị nhiễm lạnh hay bị chấn tương, bị chèn ép vì tư thế ngủ sai lệnh, vận động cánh tay quá ngưỡng gây trật khớp vai, có nhiều tình huống do bị vôi hóa khớp vai, từ đó gây nên tình trạng chèn ép dây thần kinh và viêm dây thần kinh.

Vôi hóa khớp vai sai lệch trong vận động, rối loạn dinh dưỡng, suy chức năng gan và các bệnh về xương gây nên tình trạng khớp bị calci hóa tạo nên các khối hay gai vôi ở khớp, cản trở sự vận động và chèn ép dây thần kinh.

Thấp khớp đây là bệnh tự miễn, gây hủy hoại nhiều khớp một cách đối xứng khiến bệnh nhân đau đớn cùng cực khi vận động. Bệnh này gây đau, sưng và cứng khớp. Những người mắc bệnh này có thể cảm thấy ốm yếu, mệt mỏi và thỉnh thoảng bị sốt.

Một số lí do khác: Dây chằng yếu, không giữ nổi khớp vai, tổn thương xương đòn, viêm dây chằng.

Bạn bị bệnh, đi khám được chẩn đoán bị thấp khớp, đã uống nhiều thuốc nhưng vẫn không giảm, đau đã lan sang 2 bên. Bạn cần biết thấp khớp là một bệnh tăng tiến không ngừng có khả năng hủy hoại khớp xương và gây tàn tật. Nó là bệnh mãn tính kéo dài hàng chục năm, đòi hỏi quá trình chữa trị phải kiên trì, liên tục có khi đến hết cả đời.

Việc dùng thuốc nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Bác sĩ có thể sử dụng thuốc để giảm đau, chống viêm và giảm sưng nề và ngăn chặn bệnh trở nên tồi tệ hơn. Bác sĩ kê đơn phụ thuộc vào sức khỏe tổng quát của người bệnh, vào giai đoạn bệnh, mức độ nghiêm trọng của bệnh thấp khớp, mức độ nghiêm trọng có thể tiến triển của bệnh thấp khớp, người bệnh sẽ sử dụng thuốc trong bao lâu, thuốc có tác dụng như thế nào, các tác dụng phụ có thể có. Vì thế cho nên bạn không nên tự điều trị. Bạn nên theo một thầy thuốc chuyên khoa để việc theo dõi được tốt và liên tục.

Đồng thời, bạn nên kết hợp các phương pháp chữa trị khác như liệu pháp châm cứu để cắt cơn đau và nâng cao hiệu quả. Chăm sóc bản thân cũng rất quan trọng đối với người bị đau khớp vai. Bạn cần duy trì sự cân bằng tốt giữa nghỉ ngơi và tập thể dục, chăm sóc các khớp xương, giảm căng thẳng, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh.

Chế độ ăn uống đặc biệt, vitamin và các liệu pháp thay thế khác đôi khi được đề xuất để chữa trị bệnh thấp khớp. Bạn có thể tham khảo dùng thêm các thuốc thực phẩm chức năng như Boni Star.

Chúc bạn có một sức khỏe tốt!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl