Bệnh sởi và trường hợp nổi mẩn trên da: Những điều cần lưu ý!


4,226
1
1
Xu
53
Nổi mẩn trên da là hiện tượng rất dễ gặp và có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó. Trong nhiều trường hợp, rất có thể nó là triệu chứng của căn bệnh sởi nguy hiểm.

Trẻ bị nổi mẩn khắp người, liệu có mắc sởi?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Hôm qua bé nhà em bị nổi mẩn khắp người. Bé đã tiêm phòng sởi, liệu bé có bị mắc không? Bé không bỏ bú cũng không có bị sốt.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đinh Thị Thu Hương


Chào bạn!

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm, lây qua đường hô hấp, và có thể gây thành dịch. Tiêm vắc xin sởi là biện pháp chủ động để phòng bệnh. Thực hiện tiêm chủng 2 mũi vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo quy định của Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia (mũi đầu tiên bắt buộc tiêm lúc 9 tháng tuổi). Tiêm vắc xin phòng sởi cho đối tượng khác theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Khi trẻ tiêm mũi thứ 1 vắc xin sởi thì trẻ có đáp ứng miễn dịch chống lại bệnh sởi đến 85% (tình huống không có đáp ứng thường do sức khỏe lúc tiêm, chất lượng vắc xin, bảo quản vắc xin…). Vì vậy, tiêm phòng vắc xin sởi lần 2 là cơ hội thứ hai tạo miễn dịch cho những tình huống chưa có đáp ứng miễn dịch sau tiêm mũi thứ nhất, từ đó làm tăng tỷ lệ trẻ có miễn dịch cộng đồng lên trên 95%. Mặt khác bệnh sởi là bệnh có sốt và phát ban. Một số loại vi rút khác cũng gây sốt và phát ban dễ chẩn đoán nhầm với bệnh sởi. Chính vì vậy bạn nên cho trẻ đi khám tại cơ sở y tế để có thể khám và chẩn đoán thêm.

Chúc bạn và cháu luôn khỏe!

Sau khi bị sởi, nổi mẩn ngứa khắp người là bị gì?


Câu hỏi bởi: thuyngankt2008

Thưa bác sĩ!

Con trai tôi năm nay 8 tuổi, cháu bị sởi ngày 14/5 và sau 3 tuần thì các nốt sởi cũng bay gần hết. Khi ở giai đoạn bong tróc da thì lại xuất hiện nổi các mẩn nhỏ màu trắng, không nước, không mủ và rất ngứa, nổi khắp người. Xin hỏi bác sĩ đó là bệnh gì ạ? Có phải cháu bị sởi chưa khỏi hẳn không? Đó có phải là một dạng biến chứng sau sởi không? Má đã đưa bé đến trạm Da liễu của thành phố để khám 2 lần, bác sĩ da liễu kết luận bị sởi ngứa. Vậy sởi ngứa có nguy hiểm không và cách chữa trị bệnh này như thế nào?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào bạn!

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Dịch sởi ở nước ta năm nay có diễn biến bất thường,có thể nói là diễn biến dịch nặng nhất trong vòng 40 năm qua. Triệu chứng của bệnh sởi triệu chứng là viêm long đường hô hấp trên, kết hợp với các tổn thương ban rát sẩn trên da. Thông thường ban do bệnh sởi ít khi có ngứa, chỉ một số ít các tình huống ban sởi có ngứa. Trường hợp của con trai bạn bị sởi từ 14/5, sau 3 tuần các nốt sởi bay gần hết, ở giai đoạn bong tróc da, xuất hiện các nốt mẩn nhỏ màu trắng, không nước, không mủ và rất ngứa, nổi khắp người.

Các biểu hiện bạn nêu rất hiếm gặp ở người bị sởi, vì thông thường khi ban sởi bay đi chỉ để lại trên da những vết thâm giống như bỏng nắng. Vì thông thường ban sởi ít khi ngứa, nên khi bạn đưa cháu bé đi khám bác sĩ chẩn đoán là “sởi ngứa” để phân biệt với ban sởi không gây ngứa. Về chữa trị thì với những ban sởi có biểu hiện ngứa thì các bác sĩ sẽ cho thêm thuốc kháng histamin có thể kết hợp với thuốc bôi chống ngứa ngoài da. Bạn không nên quá lo lắng vì khi da bong đi là biểu hiện đánh dấu giai đoạn lui bệnh, báo hiệu bệnh đang trong giai đoạn hồi phục. Tổn thương trên da như bạn mô tả ở người mắc bệnh sởi rất hiếm gặp, trong y văn cũng không có đề cập đến. Vì vậy bạn nên theo dõi cháu, tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, thông báo cho bác sĩ và cho cháu tái khám khi thấy có biểu hiện hay dấu hiệu bất thường.

Chúc cháu sớm khỏi bệnh!

Bé sốt cao xong hạ sốt nhưng da mẩn đỏ có phải bị sởi?


Câu hỏi bởi: Lê Ba

Chào bác sĩ!

Bé gái nhà cháu được 6,5 tháng được 7,3 kg bị sốt khoảng 3 ngày (chỉ sốt thôi), ban đầu là sốt nhẹ dùng thuốc thì hạ nhưng nhanh chóng sốt trở lại và sốt cao nhất là ngày thứ 2. Đến ngày thứ 4 thì bé hạ sốt mà khắp người bé nổi lên những nốt đỏ gồ trên da. Bé hay quấy khóc, bé bú ít, 6 tháng đầu bú mẹ hoàn toàn, từ tháng thứ 6 do phải đi làm nên có cho bé bú bình (sữa Enfamil 2). Xin hỏi bác sĩ đó có phải là bị bị sởi không và chữa trị như thế nào?

Cháu cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sáng


Chào bạn!

Tuy không được khám bệnh trực tiếp cho cháu nhưng chúng tôi có thể dự đoán cháu bị sốt phát ban nhưng không phải bị sởi. Có nhiều người nhầm lẫn sởi với sốt phát ban, do vậy chưa có cách chăm sóc kịp thời khi trẻ mắc bệnh. Chúng tôi xin giải đáp cho bạn về một số đặc điểm đẻ bạn phân biệt 2 loại bệnh này.

Về biểu hiện bệnh sởi và sốt phát ban, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên. Virus này có tính lây truyền cao nên dễ gây thành dịch. Sởi truyền từ trẻ này sang trẻ khác qua đường hô hấp trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua những giọt nước bọt do người bệnh thải ra khi ho hoặc hắt hơi. Bệnh rất dễ lây truyền ở những nơi tập trung nhiều trẻ em. Ví dụ ở các cơ sở y tế và trường học. Những trẻ không được tiêm phòng vắc xin hoặc tiêm phòng không đầy đủ là những đối tượng rất dễ mắc bệnh. Giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn khởi phát của sốt phát ban và bệnh sởi (trung bình khoảng 1 tuần) thường có triệu chứng khá giống nhau, thể hiện qua các biểu hiện như sốt nhẹ hoặc sốt cao 39-40 độ C, sốt liên tục. Xuất hiện cảm giác mệt mỏi, lừ đừ vì sốt cao, nhức mỏi cơ bắp, trẻ biếng ăn, nôn, tiêu chảy.

Sốt phát ban thông thường (Bệnh Rubella hay còn gọi là bệnh sởi Đức, do vi rút Rubella gây ra). Đây là bệnh sốt phát ban lành tính. Sau khi giảm sốt, trẻ sẽ bị phát ban, nhức đầu, sưng hạch kéo dài từ 1-7 ngày. Những nốt ban màu hồng mịn, bắt đầu từ mặt và nhanh chóng lan xuống thân, sau đó xuống cánh tay và chân trước trước khi biến mất. Ban tồn tại từ 1-5 ngày, nhưng thường gặp nhất là 3 ngày. Sau khi ban bay đi thường không để lại dấu tích trên bề mặt da.

Phát ban do sởi: Lúc đầu ban xuất hiện ở sau tai, sau đó lan ra mặt, xuống ngực bụng và toàn thân. Khi ban sởi biến mất cũng mất dần theo thứ tự đã nổi trên da. Đặc điểm ban sởi là dạng ban dạng sẩn, nổi lên bề mặt da, khi bay sẽ để lại những vết thâm tại nốt ban. Ngoài ra, trẻ bị sởi còn có biểu hiện đi kèm là chảy nước mũi, ho, viêm kết mạc mắt. Về biến chứng của sởi và sốt phát ban: Sốt phát ban do nhóm siêu vi khuẩn thông thường hầu hết là bệnh lành tính. Trẻ bị sốt phát ban nếu được chăm sóc đúng cách, hợp lý thì bệnh sẽ tự khỏi sau 5-7 ngày mà không gây nên bất kỳ biến chứng nguy hiểm nào cho trẻ.

Sởi có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ nếu trẻ bệnh không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, đặc biệt là những trẻ có sức đề kháng yếu như sinh non, suy dinh dưỡng… Biến chứng thường gặp ở bệnh nhân mắc sởi là do sự nhân lên của vi rút hoặc do bội nhiễm vi khuẩn gây ra các bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm thanh quản, phế quản, khí quản và viêm não.

Cách phòng bệnh sốt phát ban: tiêm chủng cho trẻ em vắc xin ngừa 3 bệnh Rubella, sởi, quai bị được áp dụng: Mũi thứ 1 tiêm khi trẻ 12 tháng tuổi; mũi thứ 2 tiêm trong độ tuổi từ 4-6 tuổi. Cách phòng bệnh sởi: phòng bệnh cách cho trẻ tiêm phòng vắc xin sởi khi đủ 9 tháng tuổi. Và tiêm mũi thứ 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi để đảm bảo đủ liều lượng, nồng độ kháng thể giúp trẻ miễn dịch tốt với loại virus sởi.

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe!

Sổ mũi, ho có đờm, nổi mẩn đỏ, có phải bị sởi?


Câu hỏi bởi: Thảo

Chào bác sĩ!

Bé nhà tôi được 29 tháng bị sổ mũi, ho có đờm 4 ngày. Hôm nay nước mũi chuyển sang màu vàng đặc. Tôi cho uống Autusin và Sero Tiffy nhưng đến sáng nay cháu nổi mẩn đỏ ở lưng đến tối nay thấy xuất hiện thêm mẩn ở trán, sau tai và má. Cháu không sốt. Bác sĩ cho tôi hỏi liệu cháu có bị sởi không? Cần phải làm gì? Cháu mới tiêm một mũi phòng sởi thôi ạ.

Tôi cảm ơn bác sĩ rất nhiều!

Bác sĩ Đinh Thị Thu Hương


Chào bạn!

Việc tiêm vắc xin sởi là biện pháp chủ động phòng bệnh sởi. Các nghiên cứu cho thấy nếu tiêm vắc xin mũi thứ nhất vào lúc 9 tháng tuổi, chỉ có khoảng 85% trẻ được tiêm vắc xin có đáp ứng miễn dịch, 15% trẻ không có đáp ứng miễn dịch do chất lượng vắc xin, tình trạng sức khỏe lúc tiêm… Chính vì thế một phần nhỏ trẻ măc dù đã tiêm phòng vẫn có thể mắc sởi.

Biểu hiện của bệnh sởi: Sốt, đau họng, chảy nước mũi, có thể xuất hiện những đốm đỏ nhân trắng bên trong vòm miệng ở phía 2 bên má, gọi là đốm Koplik. Qua ngày thứ xuất hiện các ban dạng sẩn, mịn như nhung, không ngứa mọc sau tai, mặt, sau lan xuống thân mình và các chi… Bạn nên đưa cháu đến khám tại cơ sở y tế để có thể khám và chẩn đoán kịp thời.

Chúc cháu mau khỏe!

Bé 14 tháng tuổi bị viêm họng, nổi mẩn đỏ có phải bị sởi?


Câu hỏi bởi: thu

Chào bác sĩ!

Con em nổi mẩn đỏ từ tai xuống đến các chi. Cháu đang bị viêm họng, đã dùng thuốc cả tuần nay nhưng chưa khỏi. Hiện tại cháu nhà em được 14 tháng tuổi, đã tiêm 1 mũi phòng sởi nhưng em rất lo lắng. Xin bác sĩ giải đáp giúp em!

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đinh Thị Thu Hương


Chào bạn.

Tình trạng bệnh sởi bùng phát trong những ngày qua khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Bệnh có triệu chứng đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Bệnh có các triệu chứng gồm có:

1. Thể điển hình.

Giai đoạn ủ bệnh: từ khi tiếp xúc với nguồn bệnh đến khi có triệu chứng bệnh kéo dài từ 7-21 ngày.

Giai đoạn khởi phát : 2-4 ngày. Người bệnh sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và niêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp, có thể thấy hát Koplik là các hạt nhỏ có kích thước 0,5-1 mm màu trắng/xám có quầng ban đỏ nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má ( phía trong miệng, ngang răng hàm trên).

Giai đoạn toàn phát: kéo dài 2-5 ngày. Thường sau khi sốt cao 3-4 ngày người bệnh bắt đầu phát ban, ban hồng dát sẩn, khi căng da thì ban biến mất, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng ban tay và gan bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.

Giai đoạn hồi phục: ban nhạt màu dần rồi sang màu xám, bong vẩy phấn sẫm màu, để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự như khi xuất hiện. Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Có thể có ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết ban.

2. Thể không điển hình.

Biểu hiện lâm sàng có thể sốt nhẹ, thoáng qua, viêm long nhẹ và phát ban ít, toàn trạng tốt. Thể này có thể bị bỏ qua, dẫn đến lây lan bệnh mà không biết.

Người bệnh cũng có thể sốt cao liên tục, phát ban không điển hình, phù nề tứ chi, đau mỏi toàn thân, thường có viêm phổi nặng kèm theo.

3. Các xét nghiệm phát hiện virus sởi:

Xét nghiệm huyết thanh học: lấy máu kể từ ngày thứ 3 sau khi phát ban tìm kháng thể IgM.

Phản ứng khuếch đại gen ( RT-PCR), phân lập virus từ máu, dịch mũi họng giai đoạn sớm nếu có điều kiện.

Việc tiêm phòng vắc xin sởi là biện pháp chủ động để phòng bệnh. Tiêm phòng vắc xin sởi vào lúc 9 tháng tuổi, chỉ có khoảng 85% bé được tiêm vắc xin có đáp ứng miễn dich. Còn lại khoảng 15% số bé không đáp ứng miễn dịch do các yếu tố còn tồn lưu miễn dịch do mẹ truyền, tình trạng sức khỏe, chất lượng bảo quản vắc xin. Qua mô tả của bạn: bé có các triệu chứng nổi mẩn đỏ, viêm họng, và có uống thuốc. Để chẩn đoán bé có bị sởi không, bạn có thể tham khảo các thông tin đã cung cấp ở trên và bạn nên đưa cháu đến cơ sở y tế để có thể khám, làm xét nghiệm và chữa trị kịp thời.

Chúc bạn và gia đình luôn khỏe.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl