Người bị các bệnh khác có bị lây nhiễm Zika không?


4,226
1
1
Xu
53
Bản chất của việc mắc bệnh do Zika phụ thuộc vào việc muỗi đốt và độ phơi nhiễm với muỗi. Việc người bị các bệnh khác có bị lây Zika không sẽ được chuyên gia, bác sĩ giải đáp chính xác.

Chạy thận nhân tạo có tăng nguy cơ mắc Zika không?


Câu hỏi bởi: Nu Hoang

Thưa bác sĩ,

Người chạy thận nhân tạo có tăng nguy cơ mắc bệnh không ạ? Nếu bị thì triệu chứng sẽ thế nào?

Thân ái.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái


Chào bạn,

Cho đến nay chưa có nghiên cứu nào về nguy cơ mắc bệnh của người chạy thận nhân tạo. Bản chất của việc mắc bệnh do Zika phụ thuộc vào việc muỗi đốt và độ phơi nhiễm với muỗi. Nếu yếu tố môi trường ở nơi chạy thận nhân tạo không được kiểm soát (ví dụ dưới gầm giường), thì những người chạy thận nhân tạo cũng có nguy cơ nhiễm. Ví dụ như người chạy thận nhân tạo phải nằm 1 chỗ, và thường không mắc màn, thì sẽ tăng độ phơi nhiễm với muỗi. Loại muỗi truyền Zika chỉ đốt vào ban ngày, vì vậy càng tăng khả năng tiếp cận người. Một số nơi khác muỗi có thể trú ngụ là rèm cửa, các đồ vải. Vậy thì người bệnh nên chú ý về vệ sinh nơi tiếp xúc hoặc nằm.

Thân ái.

Xử lý, phòng tránh và đẩy lùi sự lây lan, bùng phát của virus Zika tại Việt Nam


Câu hỏi bởi: Dave Bui

Thưa bác sĩ,

Bác sĩ đánh giá thế nào về phản ứng của bộ Y tế và các cơ quan y tế tại Việt Nam về việc xử lý, phòng tránh và đẩy lùi sự lây lan, bùng phát của virus Zika cho đến nay?

Cảm ơn bác sĩ

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái


Chào bạn,

Chúng ta không nên lo lắng nhưng không được mất cảnh giác. Với tính chất lan tràn mạnh của Zika ở khu Nam Mỹ và kể cả Bắc Mỹ, nhiều khả năng nó có thể lan tràn đến các khu vực khác. Với yếu tố nặng nề về khả năng gây chứng sọ nhỏ, đây thực sự là vấn đề y tế công cộng cần quan tâm. WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng với virus này, đó là thái độ đúng đắn để tất cả các nước cùng chú ý và tham gia vào việc giám sát, nâng cao các biện pháp ngăn chặn (kiểm soát muỗi, phòng tránh muỗi đốt). Sau khi bộ y tế có các thông tin khoa học, đã có 1 cuộc họp để nêu rõ vấn đề cần quan tâm và nhìn nhận, để thông tin cho người dân về chẩn đoán, điều trị, truyền thông để cung cấp cho các tuyến y tế để xử lý các trường hợp nhiễm bệnh phù hợp. Dừng ở đó là phù hợp. Một số bác sĩ cho rằng bệnh do virus Zika là hết sức nghiêm trọng, nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh đó là vấn đề nghiêm trọng ở những nơi có dịch. Chúng ta cần cảnh giác và phòng tránh, chứ ko nên có phản ứng thái quá hay hoang mang trước virus này.

Thân ái.

Cách ngăn chặn sự lây lan của Zika


Câu hỏi bởi: Dam Tien Thang

Thưa bác sĩ,

Theo bác sĩ thì Việt Nam ta cần phải làm gì ngay để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh Zika này?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái


Chào bạn,

Nhiều người nói rằng ta cần đóng cửa biên giới để ngăn người nhập cảnh từ khu vực nhiễm bệnh như Nam Mỹ. Đó là không đúng; chúng ta không có cách nào ngăn con muỗi hay con người mang Zika vào Việt Nam. Chúng ta không thể đóng cửa không tiếp xúc với thế giới chỉ vì một căn bệnh virus này. Trước đây chúng ta cũng không làm những biện pháp đó khi có các dịch với tỉ lệ tử vong cao như SARS . Hiện nay chúng ta cần tăng cường thông tin và các công tác về phòng chống muỗi đốt, sẽ có ảnh hưởng tích cực về lâu dài. Một phương án khác là cách ly người nhiễm virus Zika. Điều này cũng không thực tiễn trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta có thể khuyến cáo để người mắc bệnh do Zika gây ra khộng bị muỗi đốt nữa. Có những trường hợp nhiệt độ cơ thể khi nhập cảnh bình thường và ủ bệnh vào lúc nhập cảnh, chỉ phát bệnh sau đó, thì chúng ta cũng không thể đảm bảo là chúng ta chặn được từ xa. Vậy cách làm hiệu quả nhất là tăng cường giám sát phát hiện về việc du nhập của Zika vào trong nước để người dân có thể tăng cường việc phòng chống muỗi đốt và phòng chống bệnh do Zika gây ra.

Thân ái.

Sự khác biệt giữa muỗi gáy bệnh sốt xuất huyết và muỗi gây bệnh Zika


Câu hỏi bởi: Kim Dung

Thưa bác sĩ,

Virus Zika cũng chính là muỗi gây sốt xuất huyết gây lên,ở Hà nội bị sốt xuất huyết rất nhiều,nhưng chưa có trường hợp nào mắc Zika,vậy muỗi sốt xuất huyết ở mình khác muỗi gây bệnh Zika ở điểm nào ạ?

Xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái


Chào bạn,

Bản thân muỗi aedes aegypti truyền bệnh sốt xuất huyết chính là loài muỗi truyền Zika, tức là không có sự khác biệt về loại muỗi truyền. Ngoài ra thì muỗi eades albopictus, cũng là nguồn truyền sốt xuất huyết, cũng có thể truyền virus Zika. Sự khác biệt nằm ở nguồn virus. Ví dụ nguồn sốt xuất huyết rất phổ biến ở VN, tuy nhiên hiện nay chưa có trường hợp Zika nào được thông báo ở Việt Nam, vì thế chưa có nguồn virus Zika ở Việt Nam. Zika có nguồn từ Uganda, sau đó phát hiện dịch ở khu vực Trung Nam Mỹ, về mặt địa lý khá xa với Việt Nam. Tuy vậy, hiện nay giao thương thuận lợi khiến việc muỗi mang virus cũng có thể du nhập vào Việt Nam. Người mang virus Zika cũng có thể vào Việt Nam theo nhiều con đường khác nhau. Đó có thể là nguyên nhân khiến virus ZIka phát tán ở Việt Nam.

Thân ái.

Bệnh nhân nên làm gì khi có các biểu hiện nhiễm Zika


Câu hỏi bởi: Dũng Trung

Thưa bác sĩ,

Nếu có các biểu hiện, thì bệnh nhân nên làm gì ở gia đình trước khi đến các cơ sở y tế?

Thân ái

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái


Chào bạn,

Cách lây truyền của Zika là qua muỗi đốt. Vậy thì người bị bệnh nên tránh bị muỗi đốt, để tránh muỗi đem virus Zika lây truyền cho người khác. Bệnh cũng lây qua quan hệ tình dục, nên khi chưa loại trừ được vấn đề virus Zika qua đường tình dục, việc quan hệ tình dục cần phải được kiểm soát và có quan hệ tình dục an toàn. Nếu người đàn ông nhiễm Zika quan hệ tình dục và làm người phụ nữ mang thai, thì có thể ảnh hưởng đến việc thai nghén và chứng teo não ở trẻ được sinh ra.

Thân ái.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl