Làm gì khi trẻ mắc chứng đái dầm?


4,226
1
1
Xu
53
Đái dầm là căn bệnh rất thường gặp ở trẻ. Những thông tin hữu ích dưới đây sẽ giúp bố mẹ có cách xử lý tốt nhất với vấn đề này.

Làm sao để chữa đái dầm cho bé 4 tuổi?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Con gái em năm nay 4 tuổi nhưng bé thường xuyên đái dầm về đêm. Vậy em nên điều trị cho con gái em thế nào ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào em.

Đái dầm là chứng bệnh thông thường của trẻ em. Khoảng 15-20% trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh đái dầm. Trước 5 tuổi, hành vi tiểu tiện khi ngủ của trẻ là triệu chứng sinh lý. Nhưng khi trẻ trên 5 tuổi mà vẫn đái dầm thì đó là triệu chứng bệnh lý cần chữa trị.

Nguyên nhân hiện vẫn chưa biết được rõ ràng. Tuy nhiên, kiểm soát tiểu tiện tùy thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như:

Khả năng phát triển bàng quang không tốt, hay bàng quang nhỏ quá.

Không kiểm soát được cơ của ống dẫn tiểu.

Không kiểm soát được cơ bàng quang.

Chậm phát triển hệ thống thần kinh cũng có thể sinh ra đái dầm.

Các tiêu chuẩn để chẩn đoán đái dầm, bao gồm:

Đi tiểu trên giường hay tiểu vào quần lặp đi lặp lại nhiều lần (hoặc vô ý hoặc có chủ tâm) khi ngủ đêm.

Xảy ra thường xuyên 2 lần/tuần trong ít nhất 3 tháng liền.

Độ tuổi ít nhất là 5 tuổi (hay mức phát triển tương đương). Trẻ nhỏ hơn không được xem là đái dầm. Ðái dầm là sự bài tiết nước tiểu không kiểm soát vào lúc ngủ, xảy ra ở lứa tuổi đã có khả năng kiểm soát được việc tiểu tiện (khoảng 4 đến 5 tuổi).

Đái dầm không do hậu quả trực tiếp của một chất (như thuốc lợi tiểu) hay do bệnh lý toàn thân (như đái tháo đường, tật cột sống chẻ đôi, động kinh,…).

Trước hết, em hãy thử một số cách để hạn chế tình trạng trên bằng cách:

Giảm lượng nước uống sau 17 giờ.

Không cho trẻ uống nước nhiều vào buổi tối. Không uống sữa và uống ngọt trước khi đi ngủ 2 giờ.

Cho trẻ đi tiểu ngay trước khi lên giường. Nếu trẻ không còn tiểu dầm thì em nên hạn chế mặc tả giấy và tiến đến ngưng sử dụng tã.

Huấn luyện trẻ đi tiểu vào ban đêm bằng cách đánh thức trẻ với khoảng thời gian giảm dần trong vài đêm để trẻ tự đi tiểu. Nếu trẻ cố gắng thức giấc, tự đi tiểu, hay đêm nào không bị đái dầm, thì nên khen ngợi. Phương pháp này có thể giúp trẻ khỏi hẳn đái dầm, tỉ lệ lên đến 25%. Phương pháp này cũng giúp trẻ thêm tiến bộ tự kiểm soát được đái dầm, khoảng 75%.

Không mắng hoặc trừng phạt trẻ khi trẻ đái dầm.

Sau khi đã thực hiện các cách trên và khi con em 5 tuổi mà vẫn đái dầm mỗi ngày thì em hãy đưa cháu đi khám để thầy thuốc chuyên khoa tìm lí do và có phương pháp chữa trị thích hợp.

Chúc em khỏe mạnh.

Trẻ 5 tuổi đái dầm chữa thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Em chào bác sĩ!

Bác sĩ cho em hỏi con em 5 tuổi bị đái dầm từ nhỏ đến bây giờ. Trước khi ngủ em cho cháu đái vậy mà cháu vẫn đái dầm có khi ngủ trưa cũng đái dầm. Bác sĩ cho em hỏi cách chữa cho cháu, và bài thuốc chữa bệnh của cháu.

Em cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào em!

Hiện tượng đái dầm khá phổ biến ở trẻ em dưới dưới 5 tuổi (10%-20%) nhưng cũng có thể gặp ở trẻ lớn hơn, thậm chí là người lớn. Nguyên nhân gây đái dầm ở trẻ có thể bao gồm: yếu tố di truyền, rối loạn giấc ngủ, chậm phát triển thần kinh trung ương, thiếu hoóc môn nội tiết, nhiễm trùng tiết niệu, dị dạng đường tiết niệu, bất thường cột sống, yếu tố tâm lý, thói quen do không cho trẻ đi tiểu trước khi đi ngủ,… Điều đáng quan tâm là có tới 95% các tình huống đái dầm là do rối loạn chức năng, tức là không có tổn thương thực thể (dị dạng, nhiễm trùng, bệnh lý cơ thể,…).

Trường hợp bé nhà em, có đái dầm từ nhỏ tới 5 tuổi nhưng không rõ thể trạng của bé ra sao, bé có mắc bệnh gì không, tình trạng ăn uống và ngủ của bé như thế nào,… Rất có thể chỉ là rối loạn chức năng và khi trẻ lớn lên sẽ giảm dần và hết. Tuy nhiên, em vẫn nên đưa bé đi khám kiểm tra sức khỏe để loại trừ và chữa trị kịp thời nếu có các tình trạng rối loạn, bệnh lý.

Chúc bé sức khoẻ!

Thường xuyên đái dầm về ban đêm là bệnh gì?


Câu hỏi bởi:

Thưa bác sĩ!

Cháu 12 tuổi, từ bé đến 12 tuổi. 6 tháng nay cháu rất hay đái dầm, đi khám thì bác sĩ bảo rối loạn thần kinh thực vật, mua thuốc uống không chuyển biến, lại đi khám bác sĩ bảo rối loạn tiết niệu kê đơn bán thuốc, đều không thấy kết quả. Cuối cùng bác sĩ bảo về đổi chế độ sinh hoạt nhưng đến giờ vẫn đại dầm. Xin bác sĩ cho cháu lời khuyên để chữa bệnh ạ.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu!

Ðái dầm là sự bài tiết nước tiểu không kiểm soát vào lúc ngủ, xảy ra ở lứa tuổi đã có khả năng kiểm soát được việc tiểu tiện. Cháu 12 tuổi, đột nhiên bị đái dầm thì có thể do những lí do sau: nhiễm trùng đường tiểu, sỏi niệu đạo, các chứng rối loạn thần kinh, dị dạng cơ thể học, chứng ngừng thở khi ngủ…

Cháu đã đi khám và uống các thuốc chữa trị rối loạn thần kinh thực vật, thuốc chữa rối loạn tiết niệu, thay đổi chế độ sinh hoạt đều không giảm. Cháu cần xem ngoài triệu chứng đái dầm cháu có những triệu chứng bất thường nào khác không như sút cân, ăn nhiều, khát nước uống nhiều…Nếu có thêm những triệu chứng này, cháu cần đi khám sàng lọc bệnh tiểu đường. Ngoài ra trong một số tình huống, sự lo âu quá mức cũng có thể khiến cháu bị đái dầm.

Vì vậy, bên cạnh việc chữa trị cháu cũng cần ổn định tâm lý, tránh lo âu thái quá thì có thể bệnh tình sẽ đỡ hơn. Cháu có thể áp dụng các phương thuốc dân gian sau để trị chứng đái dầm:

Long nhãn hoặc vải khô, mỗi ngày ăn 5 đến 10 quả/ngày vào buổi sáng sớm. Hẹ tươi xào với tôm làm món ăn hằng ngày. – Rau ngót rửa sạch, vò nát ngâm vào nước sôi để nguội, gạn lấy nước uống ngày 2 lần.

Chúc cháu chóng khỏi bệnh!

Điều trị bệnh tiểu dầm cho trẻ?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ.

Con tôi được 4 tuổi, cháu đái dầm từ nhỏ, vừa rồi cháu bị đi tiểu nhiều. Tôi cho cháu đi khám thì bác sĩ chẩn đoán cháu bị hẹp quy đầu. Bác sĩ đã nong quy đầu và cho thuốc uống 6 ngày nhưng không khỏi. Sau đó tôi tái khám thêm 4 lần nữa tình hình bệnh có vẻ đỡ. Bác sĩ đã cho làm xét nghiệm định lượng máu, xét nghiệm u rê máu, cretinin trong máu, chụp X- quang, siêu âm, xét nghiệm nước tiểu 10 thông số. Bác sĩ nói con tôi không có bệnh gì nhưng có cho thuốc co cơ để giúp bàng quang co bóp tốt hơn. Nhưng về con tôi tối ngủ vẫn đái dầm nhiều, đêm 2 lần dù tôi đã hạn chế cho cháu uống nước và cho tiểu trước khi đi ngủ. Con tôi bị bệnh gì và phải chữa trị thế nào thưa bác sĩ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Bé nhà bạn được 4 tuổi và hiện tại vẫn còn đái dầm về đêm. Ở độ tuổi này đi tiểu nhiều về đêm vẫn là do sinh lý. Sau 5 tuổi các bé vẫn còn đái dầm về đêm thì được coi là bệnh lý. Trước hết, bạn hãy thử một số cách để hạn chế tình trạng trên bằng cách:

Giảm lượng nước uống sau 17 giờ.

Không cho trẻ uống nước nhiều vào buổi tối.

Không uống sữa và uống ngọt trước khi đi ngủ 2 giờ

Cho trẻ đi tiểu ngay trước khi lên giường. Nếu trẻ không còn tiểu dầm thì bạn nên hạn chế mặc tã giấy và tiến đến ngưng sử dụng tã.

Huấn luyện trẻ đi tiểu vào ban đêm bằng cách đánh thức trẻ với khoảng thời gian giảm dần trong vài đêm để trẻ tự đi tiểu. Nếu trẻ cố gắng thức giấc, tự đi tiểu, hay đêm nào không bị đái dầm, thì nên khen ngợi. Phương pháp này có thể giúp trẻ khỏi hẳn đái dầm, tỉ lệ lên đến 25%. Phương pháp này cũng giúp trẻ thêm tiến bộ tự kiểm soát được đái dầm, khoảng 75%

Không mắng mỏ hoặc trừng phạt trẻ khi trẻ đái dầm.

Sau khi đã thực hiện các cách trên và khi con bạn 5 tuổi mà vẫn đái dầm mỗi ngày thì bạn hãy đưa cháu đi khám để thầy thuốc chuyên khoa tìm lí do và có phương pháp chữa trị thích hợp.

Chúc bạn và cháu mạnh khỏe!

Bé 5 tuổi tiểu đêm nhiều lần chữa thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Con gái em năm nay gần 5 tuổi nhưng sao ban ngày cháu đi tiểu rất ít mặc dù cháu uống rất nhiều nước nhưng ban đêm lại đi tiểu 2 đến ba lần một đêm. Mặc dù bữa cơm tối là em không cho cháu uống nước và ăn canh nhưng cháu vẫn đái dầm. Cho em hỏi trường hợp như con em có đáng lo ngại không ạ và nên chữa bằng phương pháp nào?

Em cám ơn!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn!

Hiện tượng đái dầm không phải là có dấu hiệu tổn thương ở thận hay đường tiết niệu, mà là do yếu tố thần kinh. Khi trẻ ngủ các tế bào vỏ não không nghỉ hết hoàn toàn, vẫn còn nhiều tế bào không nghỉ, nên khi bàng quang căng kích thích mở cơ trơn tự động, gây phản xạ báo lên là cần đi tiểu và một số tế bào thức đó sẽ chỉ đạo trẻ đi tiểu dẫn đến trẻ đái dầm.

Thông thường trẻ em 3-4 tuổi là hết đái dầm, con bạn gần 4 tuổi chưa hết đái dầm, bạn cần rèn luyện cho bé: Cho trẻ đái trước khi đi ngủ, sắp sửa đến thời điểm trẻ hay đái dầm bạn đánh thức bé dậy để trẻ đái. Trẻ lớn dần lên thì số lần đánh thức trẻ dậy để đái dầm sẽ giảm dần và tiến tới không phải dậy đêm nữa. Trường hợp như con bạn cũng thường thấy ở trẻ em, khi lớn lên các triệu chứng trên sẽ hết dần.

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl