Phân biệt viêm tủy răng và răng bị ê buốt


4,226
1
1
Xu
53
Cả 2 bệnh lý này đều gây ra những triệu chứng giống nhau. Để tránh nhầm lẫn và điều trị sai hướng mọi người nên tìm hiểu kĩ hoặc tham khảo bài chia sẻ của bác sĩ sau đây

Bị sâu răng hàm, đau nhức răng khi ăn có phải bị viêm tủy chân răng?


Câu hỏi bởi: Ngô Lượng

Chào bác sĩ.

Bác sĩ ơi, cháu năm nay 20 tuổi. Cháu bị sâu 1 cái răng hàm (răng số 2 tính từ bên trong ra). Trước kia thì cháu có bị đau nhưng giờ thì không bị đau nữa. Lỗ sâu hiện nay đã khá to. Bác sĩ có thể giải đáp cho cháu biết là tình trạng răng cháu như vậy có thể nhổ được không và có tác động gì đến hệ thần kinh không ạ? Và một cái răng phía hàm bên kia của cháu mặc dù không bị sâu, nhưng mấy hôm qua lại hay bị đau nhức khi ăn. Bác sĩ cho cháu hỏi có phải cháu bị viêm tủy chân răng không và cách điều trị như thế nào ạ?

Cháu cảm ơn bác sĩ nhiều!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu!

Cháu có đau nhức răng hàm khi ăn, đau nhức răng do nhiều lí do như tổn thương men răng, viêm nướu răng, tổn thương ngà răng và tổn thương tủy răng. Khi có tổn thương viêm tủy răng thì rất đau nhức, khó chịu. Đối với chiếc răng hàm sâu có lỗ, cháu cần khám nha sĩ để xác định xem có thể hàn răng được không, nếu có viêm tủy thì cần diệt tủy để chữa trị. Việc chữa trị răng tốt nhất là hướng tới chữa trị bảo tồn, chỉ nhổ răng khi không thể bảo tồn được và sau nhổ răng cần phải làm răng giả. Khuyên cháu khám nha sĩ để có chỉ định chữa trị phù hợp.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Răng cửa bị ê, đau phải làm sao?


Câu hỏi bởi: annie

Chào bác sĩ!

Gần đây con bực bội lắm vì dãy răng cửa mặt tiền của con cứ có cảm giác ê suốt ngày, đặc biệt là khi cắn hay ăn, có khi con cảm giác nó ê đến tận chân răng. Con đã dùng gương soi cả trước và sau, răng không sâu, nướu cũng bình thường, có khi nó ê quá có cảm giác hơi đau nữa. Con đã đi nha sĩ nhưng họ đều bảo răng con bình thường rồi bảo về dùng Sensodyne, con vẫn dùng kem đánh răng đó trước giờ đó thôi nhưng không thấy tí tác dụng gì. Theo bác sĩ con nên làm gì đây? Có cách kiểm tra hay xét nghiệm gì để kiểm tra chân răng không ạ? Con đang nghĩ đến việc đi chụp X-quang hàm răng của mình để xem chân răng có bị gì không nhưng con không chắc có kết quả hay không, con hoang mang và bực mình lắm vì răng cứ ê mãi khiến con rất khó ngủ và hay bực tức.

Con cảm ơn ạ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy


Chào con!

Theo mô tả thì răng cửa của con bị ê buốt. Đây là biểu hiện thường gặp và tác động tới một số người. Triệu chứng này thường thấy được khi ăn uống những đồ nóng, lạnh, ngọt hoặc có tính axít. Trong điều kiện bình thường, ngà răng bên trong (lớp bao quanh dây thần kinh) được bao phủ bởi men răng. Theo thời gian, lớp men bao phủ trở nên mỏng hơn và do vậy có ít tác dụng bảo vệ hơn. Nướu cũng có thể tụt theo thời gian để lộ lớp ngà ở bề mặt bên ngoài dưới chân răng. Ngà răng chứa một số lượng lớn những ống nhỏ đi từ bên ngoài răng đến các dây thần kinh nằm ở trung tâm của răng. Khi ngà bị lộ, những ống này có thể bị kích thích bởi sự thay đổi nhiệt độ hoặc một số loại thực phẩm.

Nguyên nhân gây ê buốt răng:

Do lộ ngà răng: sự tụt nướu do tuổi tác hoặc chải răng không đúng cách, những thức uống có tính axít cao gây mòn men và lộ ngà răng.

Do nghiến răng: cảm giác ê buốt răng gặp phải khi nghiến răng có thể gặp phải ở hầu hết hoặc tất cả các răng.

Chải răng với kem đánh răng có độ mài mòn cao hoặc chải răng không đúng cách hay chải răng nhiều hơn ba lần một ngày có thể gây mất men răng.

Các bệnh nướu khi mắc phải có thể gây tụt nướu.

Răng mẻ hoặc gãy làm lộ ngà răng.

Ngoài ra, một số phương pháp chữa trị nha khoa có thể gây ra hiện tượng răng ê buốt như tẩy trắng răng, cạo vôi răng, đeo niềng răng hoặc trám răng đều được cho là lí do gây ra biểu hiện răng nhạy cảm trong suốt hoặc sau quá trình chữa trị.

Cách làm giảm răng ê buốt:

Nếu do bị lộ ngà thì sử dụng bàn chải có lông siêu mềm, chải răng đúng cách giúp làm giảm sự mòn men răng và tụt nướu.

Có thể sử dụng chỉ tơ nha khoa đúng cách. Dùng kem đánh răng đặc chế giúp giảm ê buốt.

Tại phòng khám Răng Hàm Mặt, bác sĩ nha khoa có thể chữa trị bằng cách thoa gel Fuor hoặc hướng dẫn dùng kem đánh răng có hàm lượng Fluor cao sử dụng hàng ngày, phục hình răng, tái tạo lại những chỗ bị mất men răng…

Chúc con vui vẻ!

Răng cửa bị ê buốt và đau phải làm sao?


Câu hỏi bởi: peipei262

Chào bác sĩ!

Hơn 2 tuần trước răng cửa hàm trên ngoài cùng bên trái của cháu bị đau khi dùng lưỡu đẩy răng, sang hôm sau thì đau bớt hẳn nhưng sang ngày thứ 3 thì chiếc răng đó trở nên rất ê, nhưng khi ăn uống đồ nóng hay lạnh vẫn bình thường, chỉ ê hơn khi cắn 2 hàm vào nhau. Từ hôm đó đến nay cảm giác ê đó đã lan hết tất cả răng cửa hàm trên của cháu, cháu đang dùng Sensodyne nhưng không hiệu nghiệm, khi nó ê nhiều còn cảm thấy hơi đau nữa, khi cố tình dùng đồ nóng hay lạnh áp vào răng thì cảm giác nóng hay lạnh nó tồn tại lâu hơn bình thường (có khi đến tận 15 phút), cháu lo lắm nhưng đi nha sĩ họ nhìn mặt ngoài và bảo răng bình thường không bị gì cả nhưng đến nay vẫn không đỡ mà còn nặng hơn, cháu rất lo. Trong hình răng bị ê là răng cửa, kế bên răng nanh hiện đang bị ê nhiều nhất, lúc trước ê nhiều và đau đầu tiên là răng cửa đối xứng bên kia. Mong bác sĩ giúp đỡ.

Cháu xin cám ơn!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Có một số lí do thường gặp gây ê buốt răng:

Sử dụng quá nhiều nước súc miệng: Bạn luôn muốn hơi thở thơm mát, nhưng nếu thường xuyên súc miệng bằng nước chuyên dụng hằng ngày, bạn có thể làm tăng sự nhạy cảm của răng. Đó là vì nước súc miệng có chứa axit và nó sẽ làm cho tình trạng ê buốt răng xuất hiện.

Ăn nhiều thực phẩm axit: Tình trạng ê buốt răng có thể buộc bạn phải hạn chế cà chua, quả họ cam quýt, nước quả và các thực phẩm axit ngon bổ khác. Thói quen ham thích quá nhiều thực phẩm và đồ uống giàu axit có thể làm mòn lớp men bảo vệ răng, từ đó hình thành các đốm đen (khởi đầu của sâu răng).

Chất làm trắng răng và 1 số kem đánh răng: Chất làm trắng răng và 1 số kem đánh răng có chất làm trắng Peroxide có thể gây ra cảm giác ê buốt răng. Sự nhạy cảm của răng thường là nhất thời và cách chấm dứt hiện tượng này là ngừng dùng sản phẩm làm trắng răng.

Tụt lợi: Chân răng chứa hàng ngàn ống nhỏ li ti dẫn đến tủy răng. Chân răng được bảo vệ bởi các mô lợi. Nhưng nếu bị bệnh nha chu, lợi bị tụt, chân răng lộ ra thì răng sẽ trở nên nhạy cảm.

Chải răng quá kỹ

Làm đẹp cho răng: Lấy cao răng, trang trí răng… đều có thể khiến răng trở nên nhạy cảm. Nếu cảm thấy băn khoăn về vấn đề này, hãy trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện các dịch vụ làm đẹp răng.

Vỡ răng

Nghiến răng: Quá trình này kéo dài nên men răng sẽ bị bào mòn dần dần.

Sâu răng.

Bạn đã đến khám nha sĩ, sơ bộ có thể loại trừ một số bệnh về răng lợi, vậy bạn hãy thử thay đổi một số thói quen không tốt về việc đánh răng và về chế độ ăn uống để tránh mọi lí do có thể gây ê buốt răng nhé.

Chúc bạn sống khỏe!

Răng đau từng cơn âm ỉ, ê buốt khi dùng đồ nóng lạnh có phải bị viêm tuỷ răng?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cách đây 5 năm, răng cửa của em bị mẻ và dẫn đến bị sâu. Em đã đi trám lại nhưng siêu âm khi trám đến bây giờ em cảm thấy răng mình lâu lâu đau từng cơn âm ỉ, có khi dùng đồ nóng lạnh ê buốt nguyên hàm. Em bị mọc một u hột gần chân răng. Những biểu hiện trên có phải em đã bị viêm tuỷ răng chưa ạ? Xin bác sĩ cho em lời khuyên.

Em chân thành cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn.

Răng bạn có biểu hiện lâu lâu đau từng cơn âm ỉ, khi dùng đồ nóng lạnh bị ê buốt nguyên hàm cho thấy tủy răng của bạn đã bị ảnh hưởng. Bạn nên đến chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt để bác sĩ thăm khám trực tiếp và chữa trị, tránh để lâu ngày làm cho tình trạng bệnh nặng thêm, gây đau đớn và khó chữa trị.

Chúc bạn sớm khỏi bệnh!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl