5 câu hỏi về nguyên nhân gây chàm khô


4,226
1
1
Xu
53
Chàm khô có thể hiểu nôm na là viêm da và nứt nẻ trên bề mặt. Tuy nhiên, hiểu rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng đó trên cơ thể từng người là điều không phải ai cũng làm được.

Bệnh chàm da


Câu hỏi bởi: nguyễn thị thúy

Thưa bác sĩ con tôi hơn 3 tuổi cháu bị chàm hình đồng xu ở mu bàn chân, hay bị tái phát, tôi phải dùng thuốc gì cho cháu ạ

Bác sĩ Trần Quang Thuyên


Chào bạn.

Với những biểu hiện bạn miêu tả thì là u máu tuy nhiên ở vị trí không quá ảnh hưởng đến thẩm mỹ nên bạn không cần quá lo lắng. Sau này vết chàm có thể mờ đi. Nếu không thấy mờ bạn có thể đưa cháu đi chữa.

Hỏi cách chữa bệnh chàm?


Câu hỏi bởi: ma vuong

Chào bác sĩ

Bác sĩ cho tôi hỏi: bệnh chàm là như thế nào ạ? Tôi bị bệnh 1 năm nay và đã thử rất nhiều loại thuốc mà vẫn không khỏi. Mong bác sĩ chỉ cách chữa.

Tôi cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân


Chào bạn!

Chàm còn gọi là viêm da thể tạng hay viêm da cơ địa. Bệnh có thể xuất hiện ở các nhóm tuổi khác nhau, gây ngứa nhiều, hay tái phát, tác động đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Bệnh có thể khởi phát sớm lúc đứa bé mới 2-3 tháng tuổi. Bệnh chàm có thể gây ra các mảng ngứa, đỏ, khô trên da, đặc biệt là ở những chỗ da không thông thoáng như bẹn, khuỷu tay, chân….

Bệnh nhân thường phải chà xát lên giường, nệm hay các đồ vật khác vì ngứa, ngủ không ngon giấc. Da có thể nhiễm trùng do chà xát và cào gãi. Nếu bị chàm trong khoảng vài năm, thương tổn sẽ trở nên dày và sậm màu hơn các vùng da còn lại, gây ngứa liên tục. Nguyên nhân gây chàm là do sự tương tác giữa yếu tố di truyền và môi trường sống. Một số yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ mắc bệnh: gia đình có người thân bị hen, viêm mũi dị ứng; những vùng bị ô nhiễm môi trường; những xứ xở lạnh….

Bệnh chàm thường diễn biến qua ba giai đoạn chính:

Giai đoạn cấp tính: Triệu chứng chính là các mụn nước chi chít tập trung trên một nền da đỏ, phù nề do bị viêm, ngứa nhiều vùng tổn thương. Sau đó các mụn nước này vỡ ra rất nhanh và chảy nhiều nước màu vàng.

Giai đoạn bán cấp: Hiện tượng chảy nước vàng giảm dần, da bắt đầu hết viêm, bớt đỏ.

Giai đoạn mãn tính: Các giai đoạn cấp và bán cấp kéo dài khoảng vài tháng, nếu không được chữa trị đúng thuốc, bệnh không khỏi sẽ trở thành mãn tính.

Triệu chứng ngứa tăng lên, vì vậy bệnh nhân gãi nhiều làm cho da bị viêm, dày cộm, nếp da sâu xuống gọi là “giếng chàm”. Các giếng chàm gây ngứa rất nhiều, nhất là ở trẻ em làm cho các cháu quấy khóc nhiều về đêm. Nhiều trẻ gãi đến mức gây chảy máu.

Như vậy bạn bị chàm mãn tính. Chàm là một bệnh hay tái phát nên việc chữa trị và theo dõi rất quan trọng, đặc biệt là không được tự ý uống thuốc. Bạn nên đến các trung tâm Da liễu hoặc các bệnh viện Da liễu khám và chữa trị theo liệu trình của bác sĩ chuyên khoa và khám lại đúng lịch theo chỉ định của bác sĩ. Trong quá trình chữa trị, vai trò của chăm sóc da đúng cách và sử dụng các sản phẩm làm mềm, giữ ẩm là rất quan trọng vừa có tác dụng hỗ trợ chữa trị, vừa giúp duy trì da ở trạng thái tối ưu nhất.

Để ngừa bệnh chàm, bạn nên:

Tắm rửa hàng ngày, nên giới hạn thời gian tắm trong khoảng 5-10 phút (vì nhiều hơn sẽ làm cho da khô). Không nên tắm nước nóng vì sẽ làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên da; dùng nước hơi ấm thì tốt hơn.

Chỉ nên dùng xà phòng dịu nhẹ, không có hương liệu hoặc dùng các chất làm sạch thay thế xà phòng mà có tính giữ ẩm.

Ngay cả quần áo, bạn cũng cần dùng loại xà phòng có chất tẩy rửa không quá mạnh.

Bạn nên chọn quần áo vải sợi mềm. Tránh dùng len hoặc các loại vải sần sùi có thể gây kích ứng da.

Loại bỏ các chất dễ gây dị ứng trong nhà: không cắm các loại hoa thơm, không nuôi chó mèo…

Bạn nên uống nhiều nước, ít nhất 8 cốc/ngày để duy trì độ ẩm cho làn da.

Cần tránh ăn những loại thực phẩm dễ gây dị ứng như tôm, hải sản…

Bổ sung thêm vitamin C mỗi ngày, giúp tăng sức đề kháng cho bạn.

Nên giữ móng tay ngắn và không sắc nhọn. Điều này giúp bạn hạn chế gãi nhiều làm tổn thương da.

Giữ nhiệt độ và độ ẩm dễ chịu nhất cho bạn. Tránh trường hợp không khí quá khô, nóng làm bệnh nhân đổ mồ hôi và tỏa nhiệt nhiều. Đây là yếu tố khởi phát chu kỳ gãi hoặc ngứa. Bạn nhớ là phải chữa trị kiên trì và theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Da liễu, vì bệnh hay tái phát.

Chúc bạn mau khỏi bệnh!

Thuốc trị bệnh chàm khô


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Tôi bị da khô trầm trọng, đi khám thì bị bệnh chàm khô. Tôi phải dùng thuốc gì thưa bác sĩ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn.

Chàm khô là tình trạng viêm da do da quá khô và nứt nẻ, thường là do dị ứng và cơ địa, và đặc điểm của nó là viêm và nổi mụn nhỏ. Việc chữa trị chỉ giúp hồi phục tình trạng da, và tránh tái phát bằng cách không tiếp xúc với dị ứng nguyên chứ không chữa được tận gốc. Bệnh thường tái phát theo mùa, nhất là mùa đông. Thời tiết hanh khô và đổ mồ hôi là một trong những lí do gây da khô ngứa và viêm da. Nguyên tắc chữa trị là tích cực tìm phản ứng nguyên để tránh. Kết hợp thuốc uống và thuốc bôi ngoài da. Chế độ ăn là kiêng muối trong đợt cấp, tránh rượu, cà phê, thuốc lá, tôm cua, đồ hộp, thức ăn sống. Không cọ gãi, sát xà phòng. Không bôi đắp thuốc mà không có chỉ dẫn của bác sĩ. Bệnh thuờng tiến triển qua nhiều giai đoạn, tùy vào giai đoạn và tình trạng da mà có các chỉ định uống thuốc bôi khác nhau:

Ở giai đoạn cấp: da có tình trạng viêm cấp triệu chứng hồng ban, phù nề tiết dịch và đóng mài; bôi dung dịch sát trùng như Milian, Eosin 2%.

Giai đoạn bán cấp: khi da khô nứt, uống thuốc bôi dạng kem có corticoid nhẹ như Ellome, Eumovat nhưng không dùng kéo dài và ngưng sau khi sang thương khỏi (khoảng 2 tuần).

Giai đoạn khô da: dùng các thuốc bôi làm mềm và chống khô da như Ellgy, Softyna.

Để chữa trị có hiệu quả và tránh bệnh tái phát bạn nên đi khám chuyên khoa Da liễu để được giải đáp cụ thể.

Chúc bạn sớm khỏi bệnh!

Bệnh chàm có dễ tái phát không?


Câu hỏi bởi: Mayumiitsuwa

Chào bác sĩ!

Cháu tên Đạt, 13 tuổi, quê Bến Tre, giới tính nam. Hiện nay cháu đang bị bệnh chàm ở hai bàn chân, từ lúc học lớp 3 (tức 9 tuổi). Cháu chữa trị ở khắp nơi: đầu tiên cháu chữa trị ở huyện, sau đó ở tỉnh (chữa trị bằng thuốc tây). Gia đình còn đưa cháu đi hốt thuốc nam để uống nhưng không khỏi. Vào tháng 1/2015, gia đình đưa cháu đi khám ở bệnh viện Da liễu thành phố Hồ Chí Minh, bác sĩ chẩn đoán là bị nấm da, sau đó đi lấy da và máu để xét nghiệm thì không tìm thấy vi nấm. Bác sĩ kê toa thuốc cho cháu uống 2 tuần. Lúc đầu về uống thì thấy giảm rõ rệt. Nhưng sau đó thì bệnh lại tái phát. Nghe lời 1 người hàng xóm chỉ có một ông thầy phán bệnh này hay lắm. Gia đình liền đi nhờ ông thầy này phán bệnh dùm cháu. Mới mấy ngày đầu thì thấy giảm, nhưng sau khi trời trở lạnh mấy ngày nay thì chân phải bị nứt và rát. Vào ngày 15/2/2015, mẹ đưa cháu đi chữa trị thuốc bắc, thầy thuốc cho thuốc về thoa (thuốc này màu đỏ), mỗi ngày 5 đến 6 lần. Cháu cảm thấy giảm sau khi thoa thuốc. Nhưng không biết có tái lại không. Và nếu tái lại thì không biết còn cách nào để điều trị nữa không. Mong các bác sĩ giải đáp dùm cháu.

Cảm ơn các bác sĩ nhiều!

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào em!

Theo em mô tả và hình ảnh em gửi, em bị bệnh chàm. Tổn thương ở lòng bàn chân, tay còn gọi là tổ đỉa, theo hình ảnh em cung cấp có thể em bị tổ đỉa. Điều trị bệnh tổ đỉa là nhằm làm cho da lành như bình thường, nhưng bệnh có thể tái phát lại nếu hiện diện các yếu tố thúc đẩy bệnh như đã kể ở trên. Cũng như đối với chàm, chữa trị tổ đỉa thường khó khăn. Hai yếu tố nhiễm khuẩn, dị ứng thường kết hợp. Tùy từng tình huống, thầy thuốc sẽ phải dùng đến các thuốc chống nhiễm khuẩn, chống nấm, chống dị ứng toàn thân hoặc tại chỗ.

Phải điều tra các chất gây dị ứng để loại trừ.

Nếu do rối loạn hấp thụ vitamin, cần bổ sung vitamin thích hợp ( vitamin PP, C, B6 ). Tránh bóc vảy, chọc lễ mụn. Nên rửa tay chân nhẹ, không cào gãi, làm xây xước các mụn nước đề phòng nhiễm khuẩn phụ. Không nên ngâm tay nhiều làm ẩm ướt lớp sừng, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển mạnh hơn. Tránh tiếp xúc xăng dầu, mỡ, xà phòng, hóa chất, thuốc tẩy rửa. Khi cần phải đeo găng bảo vệ. Cắt ngắn móng tay và giữ khô, sạch da lòng bàn tay, lòng bàn chân.

Tại chỗ:

Dập tắt mụn nước và chống bội nhiễm Ngâm rửa tay chân với thuốc tím pha loãng 1/10.000có màu hồng. Chấm thuốc bác sĩI 1% – 3% khi chỉ có mụn nước đơn thuần. Khi tổ đỉa đã nhiễm khuẩn có mủ hoặc bóng nước to thì chích cho vỡ ra, sau đó bôi thuốc chống nhiễm khuẩn như Milian, Eosine. Mụn nước đơn thuần bôi đắp gạc dung dịch sát khuẩn như dung dịch bạc nitrat 0,5%, nếu có bội nhiễm có mụn mủ uống thuốc màu như dung dịch tím methyl 1%. Khi giảm mụn nước bôi kem, mỡ corticoid như mỡ Flucinar, kem tempovate, kem dermovate, mỡ kháng sinh Nếu là loại tổ đỉa căn nguyên do nấm thì uống thuốc bôi và uống chống nấm Chiếu tia tử ngoại (Ultra violet) tại chỗ.

Toàn thân:

Chống ngứa, giải cảm, kháng Histamine tổng hợp. Nếu cần cho một đợt corticoid uống từ 5-10 ngày. Uống thuốc chống dị ứng thông thường như: Chlopheniramine , Cetirizine, Loratadine… Dùng kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn. Dùng thuốc kháng nấm nếu bị nhiễm nấm.

Đông y: Xông khói thương truật ngày 5-10 phút, 1 đợt 10 -15 ngày.

Phòng bệnh: Không chọc gãi chà xát gây bội nhiễm, hạn chế rửa xà phòng, tránh tiếp xúc hoá chất.

Chúc em khỏe!

Có phải em bị bệnh chàm khô?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa Bác sĩ! Em đẻ con được 4 tháng thì bắt đầu làm việc nhà. Em có dùng găng tay khi giặt đồ hoặc lau chùi nhà. Tuy nhiên có 1 lần em sử dụng nước lau nhà mà không dùng găng tay. Hôm sau trên đầu ngón tay da bị bong ra, ngứa ở lòng bàn tay và mu bàn tay nữa. Em có thoa thuốc Betacylin nhưng không khỏi. Đó có phải là dấu hiệu của bệnh chàm khô không ạ? Xin Bác sĩ giải đáp giúp em. Em cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào em.

Tình trạng bong da đầu ngón tay, ngứa ở lòng bàn tay và mu tay do sử dụng nước lau nhà là những triệu chứng của bệnh viêm da do dị ứng với thành phần hóa chất có trong nước lau nhà. Trong thư em nói có thoa thuốc Betacylin nhưng không đỡ, không rõ có phải em viết nhầm tên thuốc Betacylic hay không. Nếu đúng là Betacylic thì đó không phải là loại thuốc thích hợp để chữa trị bệnh của em, thậm chí còn làm bệnh nặng thêm, vì Betacylic có thành phần gồm betamethason (thuốc chống viêm corticoid) và axít salicylic. Các thuốc corticoid nếu sử dụng dài ngày không đúng hướng dẫn có thể gây teo da, giãn mạch da, càng làm da yếu đi. Còn axít salicylic là thành phần có tác dụng bạt sừng, chỉ dùng cho những bệnh có hiện tượng dày sừng như bệnh vảy nến. Nếu bôi lên tổn thương viêm da dị ứng có thể khiến da càng bị mất lớp sừng bảo vệ, khiến da càng bong vảy nhiều, thậm chí nứt nẻ, chảy máu. Vì thế, việc cần làm bay giờ là em tuyệt đối không để tay trần tiếp xúc với hóa chất. Cần mang găng tay khi rửa chén bát, giặt quần áo hoặc lau nhà. Ngưng sử dụng thuốc Betacylic và đi khám chuyên khoa da liễu để được các bác sĩ cho thuốc chữa trị phù hợp.

Chúc em mau khỏi bệnh.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl