Các câu hỏi hay gặp phải về vấn đề giảm stress, cải thiện tâm trạng


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Tình trạng stress do công việc có thể gây nên những tổn hại cho sức khỏe một cách nghiêm trọng, mời các bạn tham khảo một số câu hỏi hay gặp phải về vấn đề giảm stress, cải thiện tâm trạng.

Hay bị chảy máu cam, thấy mệt mỏi, căng thẳng, đau đầu


Câu hỏi bởi: cony

Thưa Bác sĩ!

Dạo gần đây cháu rất hay bị chảy máu cam, cháu chỉ bị chảy ở mũi bên trái. Và thường cảm thấy mệt mỏi căng thẳng, đau đầu muốn nổ tung ra. Cháu muốn hỏi như vậy có nguy hiểm không ? Và cháu phải làm gì để xử lý tình trạng này?

Cảm ơn Bác sĩ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào cháu!

Cháu cần đi khám chuyên khoa Tai – Mũi – Họng để chụp phim X quang

Xoang hàm trên

Xoang trán

Cháu có khả năng bị viêm xoang hàm trên bên trái. Nếu chụp phim xác định đúng là bị viêm xoang thì phải chữa trị tích cực bằng liều kháng sinh phù hợp và kháng viêm mạnh thì bệnh mới khỏi triệt để không trở thành viêm mãn tính.

Bệnh viêm xoang rất dễ trở thành mãn tính, thỉnh thoảng lại có đợt cấp xuất hiện trên nền viêm mãn tính, tác động rất nhiều đến sức khỏe.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Nổi mẩn đỏ li ti khắp người khi căng thẳng là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Nguyễn Thị Thư

Chào bác sĩ.

Em năm nay 22 tuổi, đang là sinh viên. Xin bác sĩ giúp em chẩn đoán bệnh này. Da em hay nổi mẩn đỏ li ti khắp người, mặt, tay, chân, bụng, nhất là vùng quanh miệng, không ngứa. Nếu ấn mạnh vào thì nhưng vết này sẽ biến mất. Mỗi lần ra khỏi phòng thi, bị căng thẳng, hoặc thời tiết nóng bức hay lạnh quá em đều nổi mẩn đỏ. Em không biết tại sao, nhờ bác sĩ giúp em ạ.

Em cảm ơn!

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào em.

Em bị chứng mề đay. Mề đay lí do rất nhiều và do cơ địa mẫn cảm từng người. Theo thông tin em cung cấp em có thể bị cơ địa dễ bị dị ứng và em bị mề đay vật lý (thay đổi nhiệt độ) và mề đay do yếu tố xúc cảm (stress). Chứng này thường có trong khoảng thời gian nào đó tới một tuổi nào đó tự khỏi. Điều trị chỉ cắt tạm thời các biểu hiện, không khỏi hẳn. Trước mắt em nên hạn chế stress, tránh thay đổi môi trường đột ngột như nhiệt độ. Ví dụ như đang ở phòng máy lạnh nên tắt máy một thời gian sau đó mới ra ngoài. Em hết sức bình tĩnh, môt vài năm hay dài hơn bệnh em sẽ tự khỏi. Muốn khỏi nhanh em phải rèn luyện độ thích nghi từ thấp đến cao.

Chúc em mạnh khỏe!

Mất ngủ, suy nhược thần kinh do stress công việc


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Năm nay em 28 tuổi, buổi tối thường hay rất khó ngủ, tầm 1, 2h sáng mới ngủ được. Em nghĩ mình bị stress do công việc nên em cũng có di tập thể dục vào buổi chiều tầm 18h, có hôm thì ngủ sớm được nhưng tầm 3h sáng hay bị giật mình, có những đêm cứ thao thức trằn trọc đến tận 2h sáng. Ban ngày thì mệt mỏi, lừ đừ, trí nhớ kém. Thỉnh thoảng em có đi du lịch đêt giải tỏa căng thẳng, thì thấy ngủ ngon giấc, nhưng khi trở lại làm việc thì vẫn mất ngủ như trước. Em có đi bắt mạch bên thầy thuốc đông y thì được biết là bị suy nhược thần kinh, dùng thuốc được 4 tháng vẫn không khỏi hẳn, em xin được bác sĩ giải đáp cách điều trị. Em xin cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào em.

Giấc ngủ là tình trạng nghỉ ngơi tự nhiên theo chu kỳ của thể xác và tâm thần. Giấc ngủ có vai trò rất quan trọng là giúp cơ thể nghỉ ngơi và phục hồi năng lượng. Giấc ngủ có chất lượng khi đáp ứng một số yêu cầu cơ bản sau: đủ giấc, đủ sâu, cảm thấy khỏe khắn khi thức dậy…

Theo các nghiên cứu cho thấy: Trẻ sơ sinh thường ngủ khoảng 20 giờ mỗi ngày, người trưởng thành ngủ 8 giờ mỗi ngày và người cao tuổi thường ngủ ít hơn khoảng 5-6 giờ mỗi ngày. Mất ngủ là khi có một trong số các triệu chứng sau: Khó vào hay khó duy trì giấc ngủ, dậy quá sớm, ngủ dậy vẫn cảm thấy mệt. Nếu mất ngủ thoáng qua sẽ gây trạng thái buồn ngủ, vẻ mặt kém linh hoạt. Mất ngủ kéo dài sẽ gây mệt mỏi, trầm cảm, dễ cáu gắt, giảm tập trung chú ý. Mất ngủ thoáng qua hay kéo dài cũng đều tác động đến cuộc sống và công việc.

Suy nhược thần kinh (SNTK) là một tên gọi chung cho các triệu chứng rối loạn thần kinh khi chưa đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán (có trong bảng phân loại bệnh tâm thần của tổ chức Sức khoẻ thế giới). Những trạng thái bệnh này nếu không điều trị sẽ dẫn đến sức khoẻ kém, thậm chí kiệt sức, bất an, lo lắng cho sinh hoạt và công việc. Các rối loạn khác dễ dẫn đến nghiện rượu và nghiện các thuốc an thần do tự chữa trị… Cuối cùng bệnh nhân có nguy cơ mất khả năng lao động và tình trạng này lại làm nặng thêm các diễn tiến trên.

Trường hợp của em, lí do có thể do sự căng thẳng trong công việc, vì thế đầu tiên em cần điều chỉnh lại công việc của mình cho hợp lý. Sắp xếp công việc một cách khoa học, bố trí thời gian nghỉ ngơi, thư giãn trong khi làm, tránh làm việc quá sức. Ngoài ra chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và tập luyện thể thao đóng vai trò hết sức quan trọng. Em cần chú ý ăn uống đầy đủ chất và đúng giờ giấc. Không sử dụng thuốc là hay các chất kích thích như: rượu bia, café, chè..đặc biệt là vào buổi tối, hay trước giờ đi ngủ. Có chế độ tập luyện thể thao và nghỉ ngơi hợp lý. Nên duy trì tập luyện một môn thể thao yêu thích và phù hợp với sức khỏe của bản thân ít nhất 3 lần một tuần, mỗi lần nên tập từ 30 phút đến 1 giờ. Thực hiện ngủ đủ 8 giờ mỗi ngày, em nên đi ngủ có giờ giấc cố định, đi ngủ sớm và dậy sớm tránh thức quá khuya. Phòng ngủ nên được vệ sinh sạch sẽ, tạo không gian thoáng mát trong phòng ngủ. Việc uống thuốc cần được thực hiện dưới sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa. Không tự ý mua thuốc về chữa trị.

Chúc em sớm khỏe!

Nam 21 tuổi bị nôn khan do stress phải làm gì?


Câu hỏi bởi: thành lôc

Chào bác sĩ.

Em là nam giới, năm nay 21 tuổi, hiện đang là sinh viên. Một năm trước em bị nôn khan. Đi khám bác sĩ bảo là bệnh f480 (do căng thẳng quá mức). Em dùng thuốc được thời gian thì hết. Bác sĩ cho ngưng thuốc. Nhưng sau do mỗi lần thức khuya hay làm gì mệt em lại bị nôn khan. Bác sĩ cho em hỏi có phải em bị stress không? Em muốn hỏi làm sao để hết hẳn nôn khan? Mỗi tối em ngủ từ 10 giờ 30 đến 5 giờ 30 liệu có đủ giấc không? Làm sao để em có thể làm việc mệt như mọi người mà không bị nôn khan?

Em cảm ơn!

Bác sĩ Cao Tiến Đức


Chào bạn.

Bạn bị nôn khan và đã được chữa trị có hiêu quả tốt, nhưng bây giờ mỗi lần thức khuya hay làm gì mệt bạn lại bị nôn khan. Như vậy bạn cần phải được tiếp tục chữa trị củng cố để duy trì kết quả. Rối loạn này có liên quan đến stress, tuy nhiên nó còn có nhiều yếu tố ảnh hưởng nữa. Mỗi tối bạn ngủ từ 10 giờ 30 đến 5 giờ 30 là tốt rồi. Ngoài việc dùng thuốc, bạn cần tập thể dục, ăn ngủ, sinh hoạt điều độ, không dùng các chất kích thích, tránh các căng thẳng tâm lý…

Chúc bạn khỏe mạnh!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.