Những điều cần lưu ý trước khi nhổ răng khểnh


4,226
1
1
Xu
53
Với nhiều người răng khểnh là một nét duyên dáng, tuy nhiên một số khác lại muốn nhổ nó đi để hàm răng của bản thân được đều và đẹp hơn. Cần đọc kĩ những điều sau đây trước khi ra quyết định nhổ nó nhé!

Nhổ răng khểnh có hại không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Cháu năm nay 19 tuổi, cháu có 2 chiếc răng khểnh ở hàm trên, vị trí thứ 4 tính từ răng cửa nên cháu cảm thấy mất tự tin khi giao tiếp. Vậy cháu có nên nhổ nó được không ạ? Nếu nhổ có tác động gì đến hệ thần kinh không? Mong bác sĩ giải đáp cho cháu.

Cháu cảm ơn.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào cháu.

Người ta thường gọi răng khểnh là răng nanh hay răng số 3, tuy nhiên theo như cháu mô tả thì có thể là răng số 4 (răng hàm nhỏ). Việc quyết định khắc phục ra sao sẽ khác nhau giữa răng số 3 và răng số 4. Do đó, cháu nên đi khám chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt để được bác sĩ khám trực tiếp và giải đáp cụ thể.

Nếu là răng số 3 sẽ không có chỉ định nhổ. Nếu là răng số 4 có thể nhổ, sau đó sử dụng phương pháp nắn chỉnh răng cố định để sắp xếp lại hàm răng lệch lạc.

Chúc cháu có nụ cười đẹp như mong muốn.

Có thể nhổ răng khểnh không?


Câu hỏi bởi: thu

Chào bác sĩ!

Năm nay cháu 19 tuổi, cháu bị mọc hai cái răng khểnh to, nằm ở răng thứ 4 kể từ răng cửa. Cháu có thể nhổ răng được không? Có tác động gì không ạ?

Cháu cảm ơn ạ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền


Chào cháu!

Theo cháu kể “cháu bị mọc hai cái răng khểnh to, nằm ở răng thứ 4 kể từ răng cửa”, có nghĩa là răng số 4 của cháu mọc lệch lạc khỏi cung hàm (cháu chưa nói rõ hàm trên hay hàm dưới). Răng lệch lạc như vậy có thể do một trong những lí do sau:

Do di truyền, bẩm sinh: xương hàm nhỏ trong khi răng có kích thước lớn, không đủ chỗ mọc, khiến cho răng mọc chen chúc nhau không ngay hàng thẳng lối.

Răng sữa ở trẻ em lúc nhỏ bị sâu không điều trị phải nhổ sớm, chưa đến tuổi mọc răng. Đến khi răng vĩnh viễn mọc bị mất phương hướng nên mọc sai vị trí trên cung hàm và gây lệch lạc răng.

Có thói quen xấu: bú núm vú, mút ngón tay, ngậm kẹp tóc, thở miệng, đẩy lưỡi, mím môi trên, cắn môi dưới… Tất cả các thói quen đó đều có thể làm răng bị lệch lạc, hô răng và cắn hở.

Răng lệch lạc chắc chắn là có gây tác động. Hãy tưởng tượng có hai lưỡi cưa ăn khớp vào nhau. Đó là cách mà 2 hàm răng trên và dưới sẽ ăn khớp nhau. Nếu răng của cháu không ăn khớp như vậy có nghĩa là răng cháu bị lệch lạc (từ chuyên môn gọi là sai khớp cắn). Răng lệch lạc sẽ tác động nhiều đến sự hài hòa của khuôn mặt, đến sức khỏe toàn thân và sự tự tin trong giao tiếp xã hội.

Răng lệch lạc không chỉ tác động đến ngoại hình mà còn gây khó khăn cho việc phát âm, động tác nhai, nuốt,… Răng lệch lạc gây khó khăn trong vệ sinh răng miệng, tạo điều kiện cho việc phát triển sâu răng, bệnh về nướu và tình trạng hôi miệng. Cháu nên đến bác sĩ Nha khoa khám để được giải đáp cụ thể về việc có nên nhổ răng, chỉnh răng hay không và có kế hoạch chữa trị tốt nhất mang lại cho cháu hàm răng thẩm mỹ và khỏe!

Chúc cháu có hàm răng như ý!

Có nên nhổ răng khểnh không? Có một lớp phủ trắng ở lông mu là bị làm sao?


Câu hỏi bởi: Thùy Dung

Con chào bác sĩ!

Con 13 tuổi, mọc 2 cái răng khểnh ở hàm trên, là răng số 3. Nhưng nó mọc cao hơn 1 tí so với hàm răng, con muốn nó bằng nhau phải làm sao ạ? Có nên nhổ không ạ? Nhưng thực sự con không muốn con vậy, con nói ra thì ngại lắm ạ, con có 1 má núm đồng tiền, 2 hạt gạo, 2 răng khểnh. Vậy mà có duyên là sao ạ? Thế cho con hỏi có duyên chỗ nào? Con đã xuất hiện lông mu, nhưng có 1 lớp phủ trắng ở đó. Thế có phải là bệnh không ạ?

Con cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Huệ


Chào con!

Năm nay con 13 tuổi, là độ tuổi dậy thì nên có một số thay đổi trong cơ thể (vì con không cho biết giới tính). Ở nữ thì lớp mỡ dưới da phát triển làm cho cơ thể trở nên mềm mại, nữ tính, vú phát triển, mọc lông vùng sinh dục (mu, nách), phát triển cơ quan sinh sản (bộ phận sinh dục), tiếng nói trong trẻo, phát triển tuyến bã… Ở nam giới thì triệu chứng là sự phát triển vóc dáng cơ thể (tăng chiều cao, vai nở, cơ bắp phát triển…), phát triển cơ quan sinh dục, mọc râu và lông vùng sinh dục, nổi cục yết hầu và vỡ giọng… Hiện tượng mọc lông mu cũng là bình thường thôi. Ban đầu, lông mu chỉ mọc có vài sợi sau đó mới phát triển nhiều và quăn hơn. Số lượng và cách phân bố lông mu của mỗi người khác nhau thì khác nhau. Lông mu chịu tác động của hormone của tuyến thượng thận tiết ra (androgene). Tuy nhiên, con nói có một lớp phủ trắng ở lông mu có thể đó là do màu lông của con? Con có bị những biểu hiện gì khác kèm theo không (ví dụ như ngứa?). Nếu không có biểu hiện gì kèm theo thì không có gì phải đáng ngại đâu.

Về răng khểnh của con: răng khểnh là răng số 3 (răng nanh), mọc chếch lên trên nướu răng và hướng ra ngoài. Răng khểnh vốn được xem là có duyên cho những ai sở hữu nó nhưng nó có thể làm tác động đến sức khoẻ răng miệng đó con ạ. Bình thường mỗi loại răng đều có chức năng riêng của nó. Răng cửa dùng để cắn thức ăn, răng nanh dùng để xé thức ăn, răng hàm dùng để nhai thức ăn. Khi răng bị mọc lệch thì các chức năng của răng sẽ không được đảm bảo và có thể dễ bị chấn thương hoặc gãy do va chạm hoặc bị mòn do thói quen cắn, nghiến răng.

Răng khểnh có thể gây tác động xấu tới quá trình vệ sinh răng miệng vì khi răng bị mọc khểnh sẽ tạo nên kẽ của 3 răng thay cho kẽ của 2 răng nếu mọc bình thường và đây là điều kiện thuận lợi để thức ăn nhét vào đó và rất khó lấy ra. Vì vậy những người bị răng khểnh dễ bị viêm, chảy máu chân răng và lâu dần có thể bị bệnh nha chu, tiêu xương ổ răng… Người có răng khểnh cần thực hiện vệ sinh răng miệng đúng cách (chải răng lâu hơn bình thường) và có thể sử dụng các phương tiện hỗ trợ như bàn chải kẽ răng, thuốc xúc miệng tạo bọt để đẩy thức ăn ra ngoài và giảm sưng lợi…Có một số người muốn có răng khểnh cho duyên đã tìm cách để trồng răng khểnh.

Vì con không muốn có răng khểnh (muốn cho răng bằng nhau) thì tốt nhất con nên đi khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt để bác sĩ giải đáp xem có nên nhổ hay nắn chỉnh hàm hay không? Hiện nay, con đã có nhiều nét duyên mà nhiều người không có như: răng khểnh, lúm đồng tiền và hạt gạo – con nên tự hào về điều này và không nên lo lắng gì cả.

Chúc con vui, khoẻ!

Nhổ răng khểnh có ảnh hưởng gì không?


Câu hỏi bởi: mai lee

Cháu chào bác sĩ.

Năm nay cháu 15 tuổi, cháu có 1 cái răng khểnh mọc gần vị trí gần răng cửa (hàm trên). Hiện giờ cháu muốn nhổ thì có tác động gì không ạ?

Cháu cám ơn bác sĩ.

Chào cháu!

Răng khểnh là khi răng không xếp vào hàng mà “đứng riêng” một mình tựa lưng vào 2 răng bên cạnh. Răng khểnh gần như không có chức năng nhai vì không có răng đối diện. Về thẩm mỹ, răng khểnh thường làm cho người đối diện thấy nụ cười của cháu ít thân thiện. Do đó, nhổ bỏ răng khểnh và gia cố lại 2 răng bên cạnh là điều nên làm và cũng ít có tác động gì nhiều đến sức khỏe. Ca sỹ nổi tiếng Việt Nam Hồng Nhung cũng từng nhổ 2 chiếc răng khểnh hàm trên đấy cháu ạ. Cháu nên đến gặp các bác sĩ Răng Hàm Mặt để được giải đáp và khám kỹ răng trước khi nhổ răng khểnh nhé.

Chúc cháu tự tin với hàm răng mới sau khi không còn răng khểnh nhé.

Nguồn sưu tầm Nguồn: songkhoe.vn

Răng khểnh cho nhỏ lại có được không?


Câu hỏi bởi: thu

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 19 tuổi. Cháu có 2 chiếc răng khểnh ở hàm trên. Nó ở vị trí răng số 4. Mỗi lần cháu đánh răng thì chạm trúng nó nên cảm thấy đau. Mỗi khi cười thì cháu rất mất tự tin. Cháu muốn hỏi nữa là cháu muốn răng khểnh nhỏ lại có được không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Các tình trạng bất thường của răng miệng như: răng khểnh, răng thưa, răng mọc lệch, sai khớp cắn,… đều có thể chữa trị và chỉnh sửa được, gọi là chỉnh nha. Bạn có thể đến khám và chữa trị tại chuyên khoa Răng Hàm Mặt của các bệnh viện hoặc các phòng khám nha khoa.

Chúc bạn khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl