Viêm gan B: Nỗi lo của nhiều cặp vợ chồng


4,226
1
1
Xu
53
Viêm gan B có thể lây nhiễm qua đường tình dục. Vì vậy, nó cũng là nỗi lo của rất nhiều cặp vợ chồng khi có một trong hai người mắc bệnh.

Chồng bị viêm gan B, vợ có bị lây không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Chồng sắp cưới của em bị viêm gan B, vậy em có nguy cơ bị lây nhiễm không?

Xin cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào em.

Bệnh viêm gan B có thể lây qua hoạt động tình dục cùng giới hoặc khác giới, cho nên em sẽ có nguy cơ lây nhiễm. Ngoài ra, virus viêm gan B có thể lây qua đường máu và các sản phẩm từ máu bị nhiễm virus, hoặc lây truyền từ mẹ sang con. Để phòng lây nhiễm viêm gan B từ chồng, em cần phải đi tiêm phòng viêm gan B (nếu em chưa có miễn dịch với virus viêm gan B) trước khi hai vợ chồng có quan hệ tình dục.

Chúc em mạnh khỏe.

Chồng bị viêm gan B có lây sang vợ đã tiêm vắc-xin và con không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Cháu 22 tuổi, bạn trai cháu bị viêm gan B. Chúng cháu sắp kết hôn. Theo như cháu được biết, nếu cháu được tiêm vắc xin viêm gan B thì cháu sẽ không bị viêm gan B và chúng cháu vẫn có thể đẻ con khỏe mạnh. Như vậy có đúng không ạ? Và nếu tiêm vắc xin thì cháu phải tiêm trước khi chúng cháu muốn có con bao nhiêu lâu ạ? Xin bác sĩ tư vấn giúp cháu!

Cháu cảm ơn ạ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy


Chào cháu!

Bạn trai cháu bị viêm gan B, trước khi đi tiêm phòng, cháu nên đi xét nghiệm xem mình có bị viêm gan B không. Nếu cháu âm tính, cháu hoàn toàn có thể tiêm phòng trước khi cưới và trước khi mang thai. Hiện nay tiêm phòng viêm gan B, tiêm 3 mũi, các mũi cách nhau 1 tháng. Sau 1 tháng kể từ khi cháu tiêm đủ mũi 3 viêm gan B, cơ thể cháu đã có kháng thể, cháu có thể có thai và cháu bé sinh ra khỏe mạnh không sợ bị nhiễm viêm gan B do cháu truyền cho con khi mang thai, với điều kiện cơ thể cháu đáp ứng tốt với vắc-xin viêm gan B (sau 1 tháng tiêm phòng viêm gan B đủ 3 mũi, cơ thể cháu có kháng thể).

Chúc sức khỏe!

Vợ bị nhiễm viêm gan B, chồng phải tránh thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Vợ tôi bị nhiễm viêm gan B có HbsAg (+). Tôi có quan hệ không biện pháp bảo vệ nhưng không bị nhiễm. Giờ tôi cần làm gì để quan hệ bình thường để không bị nhiễm, có cần tiêm vắc xin không?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào bạn!

Vợ bạn có HbsAg dương tính, may mắn là bạn không thấy nhiễm vi rút viêm gan B. Bạn cần đi tiêm phòng viêm gan B để tạo miễn dịch chủ động, và phòng tránh lây nhiễm. Để phòng lây nhiễm có hiệu quả, không có biện pháp nào khác là bạn cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với vợ và đồng thời đi tiêm phòng HBV; tránh để vết xước/vết thương trên da tiếp xúc với máu của người bệnh.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Chồng bị viêm gan B nhưng vợ không bị thì con có bị nhiễm không?


Câu hỏi bởi: chu dũng

Chào bác sĩ!

Cho em hỏi em bị viêm gan B nhưng vợ em không bị. Vậy khi sinh em bé có nguy cơ bị viêm gan B không?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Vi rút Viêm gan B là mầm bệnh truyền nhiễm và có thể lây truyền từ mẹ sang con nếu mẹ nhiễm vi rút viêm gan khi mang thai chứ không phải là là tác nhân di truyền. Do đó em nhiễm vi rút viêm gan B nhưng vợ em không nhiễm vi rút, do đó con em sinh ra sẽ không bị lây nhiễm vi rút viêm gan B.

Chúc gia đình em mạnh khỏe!

Bệnh viêm gan siêu vi B có thể lây sang chồng và con không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Em chào bác sĩ!

Em tên là Nguyễn Thị Hiếu, là nữ, năm nay 26 tuổi, đã có gia đình và bé 19 tháng. Cách đây 4 năm, em có đi đến viện Paster thành phố Hồ Chí Minh để xét nghiệm viêm gan siêu vi B, kết quả dương tính nên bác sĩ không cho tiêm phòng. Tháng 2/2014, em sinh em bé, vì biết bệnh này truyền từ má sang con nên em có nhờ bác sĩ thai sản giải đáp, lúc đó, bác sĩ có tiêm cho con em 1 liều thuốc gì đó em đã quên tên (thuốc này giá 1.5 triệu/mũi) và nói rằng nếu người mẹ bị bệnh mà con sinh ra không tiêm liều thuốc này trong vòng 24 giờ sau sinh thì đến 16 tuổi, bé sẽ có nguy cơ các bệnh về gan rất cao. Từ đó đến nay, em vẫn tuân thủ theo lịch tiêm phòng trên sổ của bé, trong đó có viêm gan siêu vi B.

Ngày 25/7/2015 vừa rồi, em có đến Paster để xét nghiệm để xem tình trạng bệnh mình như thế nào. Kết quả là: Hbasc HbAg: Dương tính 7.19 (COI 1.0). Em muốn bác sĩ giải đáp là:

1. Kết quả ở trên cho thấy tình trạng bệnh của em ở mức như thế nào ạ? Liệu bệnh này có tự hết được không và nếu điều trị thì em nên đến bệnh viện nào để chữa ạ? Em cố gắng chữa cho hết rồi đi chích ngừa được không? Sau khi tiêm phòng thì cơ thể có miễn dịch với virut này không ạ? Hay mỗi năm phải đi tiêm một lần?

2. Em cần ăn uống và sinh hoạt như thế nào để chữa bệnh này được dứt điểm ạ

3. Con em như mô tả ở trên thì khả năng miễn nhiễm với loại virus này như thế nào ạ? Em đã tuân thủ tiêm phòng đầy đủ cho bé theo chương trình của nhà nước (có trong quyển sổ tiêm phòng bệnh viện phát lúc mới sinh).

4. Em bị bệnh như vậy thì chồng em có bị lây bệnh không ạ? Nếu trước kia chồng em đã tiêm phòng bệnh này rồi thì bây giờ có cần tiêm lại không?

Em cảm ơn bác sĩ nhiều! Chúc bác sĩ ngày mới làm việc vui vẻ và an lành!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Cách đây 4 năm em đã xét nghiệm được biết có nhiễm vi rút viêm gan B, và ngày 25/7 vừa rồi em có đi xét nghiệm cho kết quả Hbasc HbaAg dương tính, với kết quả xét nghiệm này thì chỉ nói lên em có nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính. Không cho biết được tình trạng tổn thương gan như thế nào (có tổn thương gan hay không cũng không biết rõ) và không cho biết vi rút có nhân lên hay không?

Khi nhiễm vi rút viêm gan B, phần lớn mọi người có thể tự phục hồi trong vòng 6 tháng (xét nghiệm Hbasc HbAg trở về âm tính sau 6 tháng). Sau 6 tháng mà xét nghiệm vẫn dương tính thì được gọi là nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính. Em có thể đến khoa Truyền nhiễm của bệnh viện Đa khoa tỉnh hoặc bệnh viện Nhiệt đới để được hỗ trợ, khám và giải đáp, chữa trị.

Em cần làm thêm các xét nghiệm như HbeAg, HBV DNA, các xét nghiệm đánh giá chức năng gan để biết rõ hơn, thông qua đó bác sĩ mới xem xét và giải đáp chữa trị cho em được.

Khi em chữa trị khỏi tức là Hbasc HbsAg trở thành âm tính, và Anti Hbasc HbsAg dương tính, cơ thể em đã có miễn dịch bảo vệ em và em không cần phải tiêm phòng nữa.

Em bị nhiễm vi rút viêm gan B trước khi mang thai. Bé sinh ra đã được tiêm kháng huyết thanh với vi rút viêm gan B (HBIG) và đồng thời được tiêm phòng vắc xin đầy đủ, bé sẽ ít có nguy cơ lây nhiễm HBV từ mẹ. Nếu việc tiêm HBIG và vắc xin được thực hiện sớm trong vòng 12 giờ sau sinh, có thể làm giảm khả năng lây nhiễm HBV từ mẹ sang con từ 85-95%.

Em nhiễm vi rút viêm gan B, chồng em đã được tiêm phòng viêm gan B rồi thì khả năng chồng em bị lây nhiễm là rất thấp. Để biết hiệu quả bảo vệ của việc tiêm phòng thì chồng em cần xét nghiệm Anti Hbasc (kháng thể kháng vi rút viêm gan B) để kiểm tra. Nếu kết quả xét nghiệm Anti Hbasc HbasAg dưới 10 IU/l , chồng em nên tiêm nhắc lại một mũi vắc xin ngừa viêm gan B.

Chúc gia đình em mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl