Đau xương đầu gối và những điều cần biết.


4,226
1
1
Xu
53
Đau xương đầu gối có thể liên quan đến nhiều căn bệnh, một số rất nhẹ và có thể tự hồi phục, nhưng một số thì gây ảnh hưởng lâu dài. Hãy cùng đọc những ý kiến đước đây để nắm bắt về hiện tượng.

Đau phần xương đầu gối


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ.

Cháu hiện 16 tuổi, cháu bị đau phần xương dưới đầu gối, cháu bị đau được vài năm rồi mà không khỏi, bình thường nó không đau nhưng khi nhấn vào hoặc gồng lên thì nó rất đau. Bác sĩ có thể cho cháu biết cháu bị bệnh gì và cách chữa như thế nào không ạ? Cháu cũng có tập thể dục và đi đá bóng.

Cháu cám ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Có rất nhiều lí do gây đau khớp gối:

– Giãn dây chằng khớp gối

– Rách dây chằng khớp gối

– Căng gân gối

– Rách gân gối

– Viêm gân bánh chè

– Tổn thương sụn

– Rách sụn chêm

– Bị nhuyễn sụn ở xương bánh chè

– Viêm khớp mãn tính

Để chẩn đoán chính xác lí do cần thăm khám trực tiếp, làm các xét nghiệm cần thiết, chụp Xquang khớp gối. Muốn chữa trị triệt để cần điêu trị lí do bạn nhé. Bạn nên đến bệnh viện sớm, khám chuyên khoa Cơ xương khớp, chữa trị sớm tránh những biến chứng có thể xảy ra.

Chúc bạn sống khỏe!

Lệch xương đầu gối có bình phục được không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Em bị bong dây chằng chéo trước gối trái, em đã mổ được hai tháng nhưng đến nay đầu gối vẫn sưng và đau đi lại không được bình thường, bị teo đùi. Em đi khám thì bác sĩ bảo không nên vận động nhiều để cho đầu gối nhanh bình thường và chỉ tập co giãn chân. Thưa bác sĩ vậy có đúng không ạ hay có phải chụp MRI để kiểm tra không vì em sợ có thể bị lệch xương đầu gối nên không bình phục được?

Xin bác sĩ cho em lời khuyên ạ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Bong dây chằng chéo trước là một hình thái tổn thương thường gặp trong chấn thương khớp gối, xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng tuổi thanh thiếu niên gặp nhiều hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do tai nạn xe máy, xe đạp hoặc chấn thương thể thao.

Biểu hiện sau một chấn thương, gối sưng đau, hạn chế vận động. Khi tình trạng sưng đau hết dần, cảm giác lỏng gối xuất hiện, bệnh nhân bước đi có thể tập tễnh, cảm giác ngượng ngịu ở gối khi chạy, đi xuống dốc hoặc bước xuống cầu thang. Có trường hợp không duỗi hết gối. Nghiệm pháp ngăn kéo trước có nhưng không rõ ràng như đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước.

Các phương pháp chữa trị:

Bong độ I: Bột ống đùi cẳng chân duỗi gối trong thời gian 4-6 tuần.

Bong độ II: Có hai trường phái, bó bột duỗi gối 4-6 tuần như độ I, và trường phái nội soi khâu lại chỗ bám.

Độ III, IV: Có chỉ định phẫu thuật khâu lại chỗ bám dây chằng chéo trước.

Chế độ vận động sau mổ: Sau mổ bó bột ống ( đùi-cẳng chân) trong 3 tuần, tập gồng cơ trong bột. Dùng hai nạng trợ đỡ khi đi lại, chân tỳ nhẹ.

Sau 3 tuần, thực hiện các bài tập khớp gối chủ động, tích cực, sớm lấy lại biên độ khớp, sức mạnh cho cơ. Sau 3 tháng, bệnh nhân có thể chạy trên mặt phẳng, bước lên xuống cầu thang. Sau 6 tháng, có thể chơi thể thao trở lại.

Trường hợp của bạn bị bong dây chằng chéo trước gối trái, đã mổ được hai tháng nhưng đến nay đầu gối vẫn sưng và đau đi lại không được bình thường, bị teo đùi. Chân bạn phải mổ tức là bạn bị ở độ 3 hoặc độ 4 trở lên. Bạn đã đi khám và được khuyên là không nên vận động nhiều để cho đầu gối nhanh bình thường và chỉ tập co giãn chân.

Áp dụng với các biện pháp vận động sau mổ trên thì lời khuyên như vậy của bác sĩ là chưa đúng lắm. Tuy nhiên vì chân bạn còn sưng đau, bạn nên đi diều trị tại các trung tâm vật lý trị liệu, hoặc bạn có thể tự làm bằng chườm nóng muối rang với ngải cứu,xoa bóp, bó nến, mát xoa khớp gối hằng ngày, uống thêm các thuốc bổ thần kinh như Neurobion ngày 2 viên, tập luyện tích cực theo hướng dẫn vận động ở trên.

Chúc bạn chóng bình phục!

Đau nhức đầu gối, đầu gối có xương nhỏ nhô ra chữa trị ra sao?


Câu hỏi bởi: Hồ Gia Huy

Thưa bác sĩ.

Cháu tên là Nguyễn Hồ Gia Huy, năm nay 13 tuổi. Cháu muốn hỏi bác sĩ một vấn đề về xương khớp. Chuyện là cách đây khoảng 3 năm cháu có bị đau nhức nhẹ ở đầu gối khi vận động, khi đó cháu chủ quan nên không đi khám nhưng càng về sau thì đầu gối cháu càng đau hơn khi vận động. Cháu có đi Bệnh viện Đa khoa khám và chụp nhưng bác sĩ ở đó chỉ nói là cháu bị viêm khớp gối và chỉ cần không vận động mạnh trong 2 tuần là sẽ khỏi. Sau 3 tuần cháu không vận động và chơi các môn thể thao chạy nhảy, căn bệnh này cũng đã đỡ được chút chút, nhưng không kéo dài được lâu và giờ cháu lại bị tái phát. Biểu hiện bây giờ của cháu là lâu lâu vận động mạnh sẽ bị đau nhức đầu gối, không thể quỳ gối vì rất đau khi chạm xuống đất, khi bị đụng hơi mạnh vào đầu gối thì cháu rất đau. Trên đầu gối cháu có một cục xương nhỏ nhô ra nhìn như ngọn núi, cháu không có biểu hiện gì trong cơ thể. Hiện tại cháu vẫn có thể đi xe đạp bình thường nhưng khi lên dốc cầu thì hơi đau, khi cong đầu gối lại thì hơi nhức. Ấn tay vào xoa nhẹ vào cục xương nhỏ nhô ra đó cháu thấy nhức nhẹ, đầu gối còn lại (bên phải) của cháu thì không sao. Xin bác sĩ tư vấn giúp cháu đây là bệnh gì? Có nặng không và điều trị ra sao?

Cháu chân thành cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Duyên


Chào cháu.

Biểu hiện bệnh của cháu là chỉ thấy rất đau khi vận động, đặc biệt là các tư thế co chân, quỳ gối, bình thường khi không đi lại thì không thấy đau. Đây là đặc trưng của kiểu đau cơ học, tức là chỉ đau khi vận động, nghỉ ngơi đỡ đau hoặc không đau. Nó khác với đau kiểu viêm là đau mọi lúc kể cả khi không vận động, ban đêm đau nhiều hơn. Như vậy có thể khẳng định cháu không bị viêm khớp gối.

Kiểu đau cơ học xuất hiện khi có các cản trở về mặt cơ học như xuất hiện các gai xương trong bệnh thoái hóa, nhưng dị dạng về sụn chêm làm cản trở khớp gối hoặc bị rách sụn chêm chẳng hạn, hay là một dị dạng của xương vùng khớp gối. Như cháu mô tả, cháu có thấy xuất hiện một cục xương nhỏ nhô ra nhìn như ngọn núi, đây có thể là nguyên nhân bệnh của cháu. Điều trị, có thể phẫu thuật nội soi hoặc vi phẫu để loại bỏ dễ dàng. Cháu nên đi khám chuyên khoa Cơ Xương Khớp chụp X-quang để kiểm tra các bất thường về xương, chụp cộng hưởng từ khớp gối để kiểm tra các bất thường về sụn chêm và dây chằng.

Chúc cháu mạnh khoẻ!

Đau sưng 2 đầu gối trở xuống là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: gadaubac

Thưa bác sĩ!

Bố của tôi thường đau và sưng từ 2 đầu gối trở xuống, đau nhất là buổi đêm dẫn đến mất ngủ. Xin hỏi bác sĩ lí do và cách điều trị.

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Bố bạn thường đau và sưng từ 2 đầu gối trở xuống, đau nhất là buổi đêm dẫn đến mất ngủ. Hiện tượng này thường gặp trong bệnh thoái hóa khớp gối. Khớp gối là khớp rất quan trọng, gánh toàn bộ trọng lượng cơ thể và là khớp vận động nhiều nhất, do đó rất dễ bị thoái hóa.

Triệu chứng của bệnh thoái hoá khớp gối:

Đau vùng khớp gối, lúc đầu đau nhẹ nhàng, đau chủ yếu về đêm, đau tăng hơn khi đi lên cầu thang hoặc khi ngồi xổm xuống.

Đôi khi cảm giác cứng khớp gối, nhất là sáng sớm lúc vừa ngủ dậy, sau một lúc đi lại nghỉ ngơi thấy đỡ đau hơn, thấy dễ chịu hơn.

Có khi khớp gối bị sưng lên, chứa nhiều dịch bên trong mà nhiều người gọi là tràn dịch khớp. Nếu chọc hút thì đau sẽ giảm xuống nhưng mấy ngày sau khớp sưng trở lại.

Nếu bị nặng khớp gối bị biến dạng vẹo vào trong, mà nhiều người gọi là chân vòng kiềng.

Tuy nhiên hiện tượng đau sưng và sưng từ 2 đầu gối trở xuống, đau nhất là buổi đêm còn có thể là triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc suy tĩnh mạch chi dưới.

Trong viêm khớp dạng thấp:

Khớp gối (thường bị sớm): sưng to, đau, hạn chế gấp duỗi, phù nề tổ chức cạnh khớp, có thể có tràn dịch ổ khớp (làm dấu hiệu bập bềnh xương bánh chè dương tính). Đôi khi có thoát vị bao hoạt dịch về phía khoeo tạo nên túi phình Baker, teo cơ đùi, cơ cẳng chân. Khớp gối dính ở tư thế nửa co.

Các khớp ngón chân: viêm khớp bàn – ngón và khớp ngón chân cái tạo tư thế ngón cái quặp vào ngón 2, các ngón khác sưng đau, đau gót chân, bàn chân mất lõm. Lâu dần các ngón chân như thu ngắn lại tạo ra hình ảnh ngón chân rụt. Khớp cổ chân: sưng, đau, phù nề cả bàn chân, đôi khi có tràn dịch, có thể dính ở tư thế duỗi “bàn chân ngựa. Nếu kèm theo khớp khuỷu sưng, đau, hạn chế vận động gấp duỗi thì càng chắc chắn là viêm khớp dạng thấp.

Trong suy tĩnh mạch: Bệnh nhân có cảm giác như bị bó chặt ở bắp chân, nặng chân, mỏi chân, mất ngủ. Có khi thấy tê, có cảm giác như kiến bò vùng bàn chân, đau chuột rút ở bắp chân, thường xảy ra về đêm, sưng phù xung quanh hai mắt cá, thấy rõ vào buổi tối.

Trong 3 lí do trên thì suy tĩnh mạch ít khả năng nhất. Vì không được khám cụ thể bệnh cho bố bạn nên khó có thể tư vấn chính xác được. Để chẩn đoán chính xác bác cần đi khám bác sĩ để có biện pháp điều trị kịp thời.

Để cải thiện biểu hiện, bố bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau đây:

Giảm đau, tăng tuần hoàn: chiếu đèn hồng ngoại, chườm nóng, chiếu thấu nhiệt vi sóng, chữa trị bằng các dòng điện giảm đau (dòng Ten, dòng giao thoa…), sóng siêu âm giảm đau, kháng viêm, làm mềm tổ chức tổn thương xơ sẹo trong sâu, hướng dẫn sử dụng băng thun hoặc bó gối để cố định khớp gối khi đi lại, lên xuống cầu thang.

Tăng cường tập luyện cơ, tập mạnh các nhóm cơ gập duỗi khớp gối, các nhóm cơ gập duỗi dang áp khớp hông để hỗ trợ khớp gối tùy vào lực cơ người bệnh, gia tăng tầm vận động khớp gối, độ di động xương bánh chè: kỹ thuật P.N.F, tập đề kháng bằng tay, bằng tạ, dây thun co giãn, tập di động xương bánh chè, tập chịu sức, lên xuống cầu thang.

Nếu thừa cân thì cần giảm cân, thay đổi lối sống như tránh ngồi xổm, tránh ngồi xếp bằng, hạn chế leo cầu thang hay leo dốc, hạn chế khiêng vác nặng. Có thể mang nẹp gối trong giai đoạn đang bị đau, nhưng sau đó cần phải tập cơ tứ đầu để có một khớp gối vững khi đi đứng.

Chúc bố bạn sức khỏe!

Đau nhức xương khớp vùng đầu gối chữa trị ra sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Tôi bị đau nhức xương khớp vùng đầu gối do đi lại nhiều. Có cách điều trị đơn giản nào không ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn.

Đau khớp gối là biểu hiện của nhiều bệnh khớp khác nhau như chấn thương khớp gối, viêm khớp gối (viêm màng hoạt dịch khớp, viêm tổ chức phần mềm quanh khớp, thoái hóa khớp gối). Trường hợp đau khớp của bạn do đi lại nhiều có thể là do thoái hóa khớp. Nếu khớp gối của bạn không bị sưng nề thì bạn chưa cần đi khám bác sĩ ngay.

Bạn có thể điều trị theo các cách đơn giản sau:

– Hạn chế đi lại và tránh đi giầy cao, bó mũi chân, nên đi giày thấp thoải mái. Nếu công việc của bạn bắt buộc phải đi lại nhiều thì khi đi bạn nên đeo đôi tất gối. Đôi tất này bạn có thể mua ở các cửa hàng bán dụng cụ thể dục thể thao. Tất có nhiều cỡ, bạn có thể chọn kích cỡ phù hợp với khớp gối của bạn

– Chườm nóng bằng muối rang với ngải cứu hoặc lá đu đủ xanh từ một đến hai lần mỗi ngày.

– Nghỉ ngơi, xoa bóp khớp gối hàng ngày và tập các động tác khớp gối không chịu tải (bạn có thể ngồi trên ghế, hai tay đan vào nhau vòng dưới đùi, sau đó căng tối đa sao cho bàn chân, cổ chân và khớp gối thẳng hàng nhất có thể).

– Dùng các thuốc dưỡng khớp như Glucosamin, Jex, Viatrils, sụn vi cá mập… Ngoài ra, bạn có thể mua týp thuốc Voltaren bôi, xoa hàng ngày.

– Nếu thời tiết lạnh, bạn nên giữ đầu gối ấm vì gân và dây chằng dễ bị tổn thương khi gặp lạnh.

– Nếu cân nặng của bạn vượt quá chỉ số bình thường, bạn cần giảm cân.

– Cần bổ sung đầy đủ các vi chất cần thiết. Nên ăn các loại thực phẩm giàu axit béo omega-3 (thường có trong các loại hạt, cá biển); các loại quả như cam, ớt đỏ, cà chua… chứa nhiều vitamin C cũng có thể giúp làm giảm, ngăn chặn sự mất sụn.

Thực hiện các cách trên một vài tháng mà không đỡ hoặc bệnh tiến triển nặng hơn thì bạn nên đi chụp khớp gối và khám giải đáp bác sĩ chuyên khoa.

Chúc bạn mau khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl