Khả năng phục hồi của bệnh nhân gãy xương


4,226
1
1
Xu
53
Gãy xương có nhiều loại: Vỡ xương bánh chè, gãy xương đùi, … Vậy làm thế nào để biết được khả năng phục hồi của những chấn thương này? Tuyển tập dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc.

Mới gãy xương lại bị ngã có ảnh hưởng đến khả năng phục hồi không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Cháu bị gãy xương phía trên bả chân bên phải, đã được mổ và đóng nẹp được 6 tuần. Cháu đã tập chống nạng để hỗ trợ đi lại nhưng vô tình trượt nạng và chống chân xuống đất. Bác sĩ cho cháu hỏi như thế có bị tác động tới việc phục hồi và phát triển của xương không ạ? Và có những cách nào hồi phục xương nhanh không ạ?

Cháu cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn!

Không có cách nào làm phục hồi cho xương liền nhanh, mà chủ yếu là cố định xương tốt. Bạn bị ngã nhưng không có chân bị cong vẹo hoặc cử động nhẹ chân cũng đã bị đau thì sự cố ngã này không tác động đến mối nẹp kết hợp xương.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Gãy kín trên 2 lồi cầu xương cánh tay, hồi phục như tế nào?


Câu hỏi bởi: trí giang

Thưa bác sĩ.

Em bị gãy kín trên 2 lồi cầu xương cánh tay. Điều trị bằng nắn bó bột, giờ bác sĩ cho tháo bột được khoảng 3 tuần nhưng không cử động được thì có sao không? Khi nào mới khỏi, nếu không khỏi thì trị liệu bằng cách nào vậy bác sĩ?

Em cảm ơn.

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào em.

Gãy lồi cầu ngoài là dạng gãy xương thường gặp ở trẻ em, đường gãy thuộc về đầu dưới xương cánh tay và nằm từ mõm trên lồi cầu đến ròng rọc xương cánh tay. Đây là loại gãy ngoại khớp thường chữa trị không mổ.

Tuy nhiên, trong một số tình huống buộc phải tiến hành mổ, đó là gãy di lệch ở diện khớp, nắn không đạt phải mổ, gãy có biến chứng gãy hở, tổn thương mạch thần kinh. Nếu mổ, bệnh nhân nên được tiến hành mổ sớm vì mổ muộn sẽ khó đạt, thậm chí lại bị co rút phần mềm, viêm cơ cốt hóa.

Trường hợp của em là hoàn toàn không cử động được hay cử động hạn chế. Nếu là cử động hạn chế, em có thể kiên trì chờ thêm một thời gian nữa sẽ phục hồi dần. Trong thời gian đó, em cần tập luyện nhẹ nhàng, Nếu em hoàn toàn không cử động được thì cần phải đi khám lại vì khi đó có thể là phương pháp chữa trị bằng nắn bó bột cho em đã thất bại và có thể phải mổ. Tùy thuộc tình trạng của em lúc này, các bác sĩ sẽ có chỉ định chữa trị phù hợp.

Chúc em mạnh khỏe.

Bị liệt mác từ cổ chân xuống có phục hồi được không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Em bị đứt động mạch máu nên hoại tử thịt, phải cắt rất nhiều thịt vào sâu trong xương và em đã được vá ra. Hiện giờ em bị liệt mác từ cổ chân xuống, không có cảm giác gì. Bác sĩ cho em hỏi sau này em có thể đi lại bình thường và phần thịt bị cắt có mọc được nữa không? Và chân em sau này có cảm giác lại được không?

Em xin cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Duyên


Chào em.

Nếu các bác sĩ đã hội chẩn khâu nối mạch máu cho em được, tức là chi dưới của em có thể bảo tồn, do đó đảm bảo được chức năng đi lại. Trường hợp chấn thương dập nát hoại tử chi thể nhiều, không có khả năng hồi phục hồi sau khâu nối thì mới cắt cụt. Do vậy hiện giờ sau phẫu thuật, toàn trạng em vẫn ổn định nên em có thể yên tâm. Sau này phần thịt bị cắt đó sẽ thành sẹo. Hiện tại chân em bị mất cảm gác từ cổ chân xuống, em có thể tập vật lý trị liệu hoặc châm cứu giúp hồi phục tốt.

Chúc em mạnh khỏe.

Tổn thương dây thần kinh số 3 sụp mí bên trái và bị nứt xương chậu bao lâu thì phục hồi?


Câu hỏi bởi: Ngoc Nguyen

Chào bác sĩ.

Em bị té xe tổn thương dây thần kinh số 3 sụp mí bên trái và bị nứt xương chậu, giờ em tê nửa người bên trái. Mí mắt thì thấy mở từ từ, nhưng sao chân vẫn tê, em đi được nhưng yếu. Cho em hỏi có sao không, bao lâu phục hồi?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Thứ nhất, khi tổn thương dây thần kinh số III có thể gây ra các triệu chứng sau:

Sụp mi do liệt cơ nâng mi trên.

Mắt chỉ có thể đưa ra ngoài và đưa nhẹ xuống thấp

Mắt lác ngoài

Đồng tử giãn.

Mất khả năng điều tiết Liệt dây III do chấn thương thường do xương chèn ép, tùy mức độ tổn thương mà khả năng hồi phục sẽ khác nhau, nếu cần thiết phải phẫu thuật xếp lại xương thì rất khó hồi phục và nhiều nguy cơ.

Thứ hai, nguyên nhân gây tê nửa người trái trong chấn thương thường do tổn thương não bộ. Thời gian phục hồi hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ tổn thương.

Nếu bạn đã được làm đầy đủ các xét nghiệm cần thiết như X-quang khung chậu, CTScan sọ não và các bác sĩ đã loại trừ các chấn thương nguy hiểm thì bạn có thể yên tâm tập luyện, các tổn thương sẽ dần hồi phục.

Chúc bạn sớm lành bệnh!

Quan hệ tình dục có ảnh hưởng đến việc hồi phục xương gãy không?


Câu hỏi bởi: trương đat

Thưa bác sĩ!

Vợ tôi năm nay 25 tuổi. Cách đây 3 ngày vợ tôi bị gãy xương đốt thứ 2 của ngón 3. Có người nói bị gãy xương phải kiêng quan hệ vợ chồng 2 tháng hoặc tới khi khỏi hẳn. Vậy tôi muốn hỏi có đúng như thế không. Việc quan hệ có ảnh hưởng đến việc hồi phục xương gãy không?

Tôi cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Quan hệ tình dục và việc liền xương không thấy liên hệ với nhau về mặt sinh lý. Tuy nhiên, khi quan hệ tình dục bạn cần vận động toàn thân, trong khi để xương liền thì cần phải bất động. Do vậy, tùy theo vị trí xương bị gãy mà bác sĩ sẽ khuyến nghị có nên quan hệ tình dục hay không. Nếu xương gãy là cột sống hay vùng chậu thì người bệnh không nên quan hệ tình dục vì sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp vào khu vực xương bị gãy. Trường hợp vợ bạn bị gãy xương đốt thứ 2 của ngón 3 nên việc quan hệ vợ chồng sẽ không tác động đến việc hồi phục xương gãy. Tuy nhiên, bạn nên chọn những tư thế quan hệ phù hợp, giảm tối đã những ảnh hưởng trực tiếp vào tay bị gãy. Do đó, vợ chồng bạn có thể lựa chọn tư thế quan hệ cho phù hợp, giảm tối đa những ảnh hưởng trực tiếp vào chân bị gãy.

Ngoài ra, vợ bạn cũng nên có chế độ ăn đủ chất giúp nhanh liền xương:

Các loại thực phẩm cung cấp các vi chất như: canxi, magiê, kẽm, phốt- pho, axit folic, vitamin B6, vitamin B12… có trong sữa, cá hồi, chuối, rau xanh, ngũ cốc, thịt bò, trứng… Bạn cũng cần chú ý những loại thực phẩm gây cản trở cho quá trình tái tạo tổ chức xương mới, tránh sử dụng khi bị gãy xương như: Rượu (làm rối loạn hoạt động tế bào xương, khiến xương thoái hóa nhanh hơn) Cafein (làm giảm thiểu lượng canxi trong cơ thể. Sự có mặt cafein trong khẩu phần ăn sẽ làm ngăn trở khả năng hấp thu canxi ở ruột). Trà đặc, sô-cô-la, nước ngọt có gas là những thứ không nên sử dụng trong thời gian xương gãy chưa hồi phục. Mặt khác, thức ăn nhiều mỡ cũng làm giảm hấp thụ canxi cho cơ thể vì chất béo sẽ kết hợp với canxi tạo nên một dạng chất bọt không hấp thụ và bị thải ra ngoài.

Sau khi xương gãy đã cố định, phải luyện tập phục hồi chức năng càng sớm càng tốt. Các xương bàn tay, ngón tay nếu bị gãy sẽ tác động nhiều đến khả năng vận động, cầm nắm trong lao động, sinh hoạt.

Chúc vợ bạn chóng khỏi!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl