Tiêu chảy có phải một biểu hiện của tay-chân-miệng?


4,226
1
1
Xu
53
Đây là thắc mắc của nhiều bệnh nhân khi gặp triệu chứng này và lo sợ có khả năng nhiễm tay – chân – miệng. Những thông tin sau đây chúng tôi đưa ra sẽ cho bạn biết thêm về triệu chứng của tay-chân-miệng.

Bệnh chân tay miệng có bị tiêu chảy không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Bác sĩ cho em hỏi bệnh tay chân miệng có bị đi tiêu chảy không ạ? Và khi hết sốt rồi thì những nốt mụn đó khi nào thì hết ạ?

Em cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Bệnh tay, chân, miệng do Enterovirus (EV) gây nên trong đó chủ yếu là do chủng EV71 và Coxakies 16. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn cũng có thể mắc bệnh. Bên cạnh các biểu hiện như sốt, đau họng, loét miệng, nổi ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông… thì tiêu chảy là một biểu hiện của bệnh tay, chân, miệng.

Trẻ bị bệnh tay, chân, miệng bị tiêu chảy và nôn nhiều dễ gây biến chứng trụy tim mạch ở trẻ nếu trẻ không được bù nước kịp thời. Bệnh tay, chân, miệng thông thường sẽ khỏi sau thời gian từ 7 – 10 ngày kể từ khi bắt đầu xuất hiện biểu hiện.

Chúc em và gia đình mạnh khỏe!

Dấu hiệu bệnh tay chân miệng


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Tôi là nam giới, năm nay 18 tuổi. Ngón tay tôi gần đây thường mọc mụn nước. Vậy có phải là mắc bệnh tay chân miệng không?

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy


Chào cháu.

Cháu chỉ nói là ngón tay cháu gần đây thường mọc mụn nước, cháu không nói rõ mụn nước có lan không, có kèm ngứa không, mụn có mọc nhiều hơn khi cháu tiếp xúc nhiều với nước có xà phòng không, tôi không thể giải đáp chính xác cho cháu được, để xác định chính xác bệnh, cháu lên đi khám bác sĩ chuyên khoa Da liễu.

Tôi không nghĩ cháu bị mắc bệnh chân tay miệng, mà có khả năng những mụn nước ở ngón tay cháu có thể là sang thương của bệnh tổ đỉa. Nguyên nhân gây bệnh tổ đỉa vẫn chưa được xác định chính xác, nhưng thường xuất hiện trên cơ địa người dễ mẫn cảm hoặc dị ứng. Bệnh rất dễ tái phát khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như chất tẩy rửa, xà phòng, một số thức ăn… và có thể tự khỏi.

Biểu hiện là các mụn nước ở sâu dưới da của ngón tay, chân, lòng bàn tay, chân, gây ngứa nhiều, sau đó da bong tróc thành những mảng nhỏ dính. Nếu bị tổ đỉa, cháu nên:

– Tránh tiếp xúc xà phòng, chất tẩy rửa. Dùng xà phòng dùng cho trẻ sơ sinh để rửa tay.

– Tránh các thức ăn gây dị ứng.

– Bôi các thuốc tiêu sừng hoặc làm dịu da khi đang có tổn thương.

– Bôi chất giữ ẩm da khi da không thấy tổn thương.

– Hạn chế tiếp xúc vùng da dễ bị tổn thương với các vật dụng bằng chất liệu dễ gây dị ứng như cao su, da, nhựa có màu…

Tốt nhất không nên tự ý dùng các loại thuốc bôi và uống khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Nên tái khám sau mỗi đợt chữa trị để đảm bảo bệnh không tái phát.

Còn về các triệu chứng của bệnh tay chân miệng cháu có thể tham khảo dưới đây:

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do virus, thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ em do virus thuộc nhóm enteroviruses gây nên. Biểu hiện của bệnh là sốt, phát ban dưới dạng các vết loét, gây đau đớn ở niêm mạc miệng và các nốt phỏng nước trên nền ban đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân và ở vùng mông.

Bệnh tay chân miệng thường gặp chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi. Người lớn cũng có thể mắc bệnh nhưng hiếm gặp. Bệnh tay chân miệng thường ở dạng nhẹ và hầu hết bệnh nhân tự phục hồi trong khoảng 7-10 ngày mà không cần chữa trị y tế. Bệnh cũng có thể gây biến chứng nặng ở trẻ em và có thể gây viêm màng não, viêm não và đôi khi gây tử vong.

Virus gây bệnh tay chân miệng lây sang người lành qua tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết mũi họng, nước bọt, dịch của bọng nước, phân của người bệnh. Một số người nhiễm bệnh là người lớn có thể đào thải virus ra ngoài cơ thể song không thấy triệu chứng biểu hiện (người lành mang trùng). Bệnh tay chân miệng cũng có thể lây lan khi người khỏe tiếp xúc với các dụng cụ hoặc bề mặt đã bị nhiễm virus gây bệnh tay chân miệng do người bệnh chạm vào.

Bệnh do virus nên hiện nay chưa có thuốc hay vắc-xin đặc hiệu chống virus gây bệnh tay chân miệng. Phòng bệnh bằng vệ sinh tốt và chăm sóc y tế kịp thời cho người bệnh có biểu hiện bệnh nặng.

Các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng:

– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, cọ rửa các bề mặt và vật dụng đã bị nhiễm virus, tránh tiếp xúc gần với người bệnh.

– Cách ly người bị bệnh ở nhà cho đến khi hết sốt và các nốt phỏng nước trong miệng hoặc trên da biến mất để giảm lây truyền bệnh.

Chúc cháu sức khỏe!

Bị tái phát lại bệnh tay chân miệng, dấu hiệu của bệnh là gì?


Câu hỏi bởi: Huyen tran

Chào bác sĩ.

Con trai em bị bệnh tay chân miệng hồi 19 tháng tuổi. Xin hỏi Bác sĩ nếu mà bị lại một lần nữa thì dấu hiệu của bệnh có giống như lần đầu tiên không? Nay bé đã được 22 tháng ạ

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào em.

Bệnh tay chân miệng là bệnh do vi rút (siêu vi) gây ra. Bệnh không thấy miễn dịch vĩnh viễn và có nhiều chủng vi rút khác nhau có thể gây bệnh. Do đó bé đã mắc bệnh rồi vẫn có thể mắc lại, và biểu hiện bệnh lần sau có thể giống hoặc khác với lần trước.

Chúc bạn và bé mạnh khỏe.



Bệnh chân tay miệng và cách chữa?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Xin bác sĩ cho tôi biết biểu hiện bệnh tay chân miệng và cách chữa trị ạ?

Xin cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy


Chào bạn,

Bệnh tay chân miệng là một bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn.

Thời gian ủ bệnh thông thường từ khi nhiễm bệnh tới khi khởi phát biểu hiện là 3-7 ngày:

Sốt là biểu hiện đầu tiên của bệnh tay chân miệng, sốt thường kéo dài 24-48 giờ. Bệnh nhân chán ăn, mệt mỏi và thường xuyên bị đau họng.

Một hoặc 2 ngày sau khi khởi phát sốt, xuất hiện đau miệng, có vết đỏ như phỏng rộp và sau đó trở thành vết loét. Vết loét thường nằm trên lưỡi, lợi, niêm mạc má.

Phát ban trên da, không ngứa trong 1-2 ngày với những đốm màu đỏ không nổi hoặc nổi lên, có khi có rộp da. Ban thường nằm trong lòng bàn tay và lòng bàn chân; cũng có thể xuất hiện trên mông, có thể ở cơ quan sinh dục.

Người bị bệnh tay chân miệng có thể không triệu chứng biểu hiện, hoặc có thể chỉ có phát ban hoặc chỉ loét miệng.

Trong một số ít tình huống, bệnh có thể diễn biến nhanh với các biểu hiện về thần kinh, hô hấp và nhanh chóng dẫn đến tử vong.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Virus gây bệnh tay chân miệng có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Người bị bệnh có thể làm lây lan bệnh nhiều nhất trong tuần đầu tiên của bệnh, nhưng thời gian gian lây nhiễm có thể kéo dài trong vài tuần (do virus vẫn tồn tại trong phân). Tất cả những người chưa từng bị bệnh tay chân miệng đều có nguy cơ nhiễm bệnh, nhưng không phải ai bị nhiễm bệnh cũng xuất hiện bệnh. Bệnh tay chân miệng xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Các trẻ nhỏ thường dễ bị biến chứng nặng hơn.

Bệnh tay chân miệng thường là một bệnh nhẹ, hầu hết tất cả bệnh nhân hồi phục trong vòng 7-10 ngày mà không cần chữa trị và thường không bị biến chứng. Bệnh cũng có thể diễn biến nặng như: viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong, thường do virus EV71 gây ra.

Bệnh do virus gây ra. Nên hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng. Bệnh nhân nên uống nhiều nước và được chữa trị biểu hiện để giảm sốt và giảm đau từ những vết loét và phòng các biến chứng. Nguy cơ lây nhiễm bệnh có thể được giảm thiểu bằng việc thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và chăm sóc y tế kịp thời cho những trẻ em bị mắc bệnh.

Các biện pháp phòng ngừa gồm:

Rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn và ăn uống, trước khi cho trẻ nhỏ ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh và sau khi thay tã cho trẻ, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các bọng nước.

Làm sạch môi trường bị ô nhiễm và các vật dụng bẩn (bao gồm cả đồ chơi) với xà phòng và nước, sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường.

Tránh tiếp xúc gần (ôm, hôn, dùng chung đồ dùng…) với trẻ em bị bệnh tay chân miệng cũng có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh.

Không cho trẻ sơ sinh và trẻ em bị bệnh đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc nơi đông người cho tới khi khỏe hẳn.

Theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và chăm sóc y tế kịp thời nếu trẻ sốt cao, li bì, mất tỉnh táo.

Che miệng và mũi khi hắt hơi và ho.

Xử lý khăn giấy và tã lót đã dùng bằng cách bỏ vào thùng rác và thải bỏ rác đúng cách.

Luôn lau dọn nhà cửa, nhà trẻ, trường học sạch sẽ. Hy vọng các thông tin trên đây giúp ích cho bạn.

Chúc sức khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl