Hãy cẩn thận với những cơn đau đầu bất chợt


4,226
1
1
Xu
53
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những cơn đau nhức đầu, và một trong số đó có thể là nguy cơ tiềm ẩn về bệnh tâm lý. Những câu hỏi dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn cụ thể hơn về vấn đề này.

Nhức đầu, chóng mặt


Câu hỏi bởi: phan thị nhựt hà

thưa bs e năm nay 27t.gần 2 tháng nay e hay có triệu chứng nhức đầu , chóng mặt và moi lần như vậy thì em đều bị ói và bi mất ngủ.bs cho vì sao e bị như vậy và đó là bệnh gì không ạ?và e có thể đi khám ở đâu đươc? e cảm ơn.

Bác sĩ Lê Thị Thanh Xuân


Chào em.

Có khả năng em bị stress do căng thẳng quá . Em nên đi khám khoa thần kinh hoặc nội khoa để điều chỉnh. Để phục hồi cơ thể cần kết hợp với chế độ ăn uống ngủ nghỉ phù hợp nữa em nhé.

Chúc em sức khỏe!

mệt mỏi, cảm giác nặng đầu khu vực sau gáy


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ.

Cháu năm nay 25 tuổi. 3 tuần nay cháu thường có hiện tượng người mệt mỏi, cảm giác nặng đầu khu vực sau gáy, 2 bên thái dương và trước trán, thinh thoảng xuất hiện những cơn đau nhói, không tập trung nhưng đau nhiều hơn bên phía phải, ngươi có cảm giác nôn nao khó chịu, choáng váng như say nắng, chân tay run rẩy. Cháu có đi khám bác sĩ được kết luận rối loạn tuần hoàn máu não. Vậy cho cháu hỏi nhưng bịểu hiện trên có nguy hiểm và khi nào thì lên nghĩ tới những khối u não. Trước thời gian co những biểu hiện trên cháu thường bị căng thẲng trong cuộc sống cũng như công viện. Mong bác sĩ giải đáp giúp cháu.

Cháu cám ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Có rất nhiều lí do gây đau đầu. Dù vậy, có khoảng 2/3 các bệnh nhân đau đầu nhận thấy stress là lí do gây ra các cơn đau. Tuy nhiên, các cơn đau đầu có thể xuất hiện sau giai đoạn stress. Điều này là do lượng hormone đang lưu chuyển trong cơ thể giúp đối phó với tình trạng stress đột ngột giảm xuống, làm cho các mạch máu giãn ra và co lại, từ đó gây ra đau đầu. Stress cũng có thể gây ra sự căng cơ ở vùng cổ hoặc vùng vai, hoặc các cơ ở vùng da đầu. Điều này có thể tác động đến tư thế của bạn và làm cho sự căng cơ càng trở nên nghiêm trọng hơn nếu như bạn phải ngồi trước máy vi tính trong một thời gian dài, hoặc phải làm những công việc cần sự tinh tế của bàn tay. Nếu bạn phải nheo mắt để đọc, bạn cũng có thể làm căng các cơ ở vùng da đầu. Bất cứ yếu tố nào trên đây đều có thể khởi phát một cơn đau đầu căng cơ do stress.

Để có thể ngăn ngừa những vấn đề này, hãy luyện tập những cách để bạn có thể kiểm soát được stress – như các phương pháp thư giãn, chẳng hạn như các bài tập thở hoặc yoga. Hãy làm cho cuộc sống của bạn dễ thở trước khi nghĩ đến u não. Tuy nhiên, nếu bạn xuất hiện các biểu hiện khác ngoài đau đầu như nôn, giảm thị lực, yếu nửa người, co giật…thì bạn cần khám chuyên khoa Thần kinh ngay nhé.

Chúc bạn sống khỏe!

Đau đầu sau khi khóc là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: taylor

Chào bác sĩ.

Bác cho cháu hỏi, cháu bị đau đầu cũng khá lâu rồi khoảng chừng 5 năm rồi. Lúc đầu thì chỉ đau nhẹ 2 bên đầu, nhưng 3 năm lại gần đây, cháu thường xuyên bị đau bên phải đầu và kéo theo mắt cháu đau như đầu đau. Đôi khi đầu cháu đau bên nào là mắt bên đó cũng rất là đau. Dạo này, chỉ cần cháu khóc là 2 bên đầu cháu cũng rất là đau. Cháu đã đi khám, chụp CT, Xray, kiểm tra máu thì bình thường. Bác sĩ cho cháu hỏi cháu có biểu hiện như vậy là bệnh gì? Và phải làm sao không?

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu!

Cháu bị đau đầu đã 5 năm nay, cháu cũng đi khám và chụp X-Quang, xét nghiệm máu nhưng chưa phát hiện bất thường. Không rõ cháu đã kiểm tra và chụp các xoang hay chưa? Theo tôi được biết thì đau đầu sau khi khóc do một số lí do sau đây:

Khóc nhiều có thể làm cháu bị mất nước, mất nước cũng có thể dẫn đến đau đầu, do đó cháu cần uống nước đầy đủ.

Có thể cháu có bệnh lý của viêm xoang, khi khóc nước mắt chảy xuống có thể làm kích thích xoang viêm và gây nên đau đầu. Nếu chưa chụp xoang thì nên đi kiểm tra.

Nếu không phải hai lí do nêu trên thì có thể cháu có stress tâm lý, bản thân stress cũng là yếu tố khiến cháu đau đầu, stress khiến cháu khóc nhưng cũng khiến cháu đau đầu, bởi vậy trong tình huống này nó là sự trùng hợp.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Mờ mắt và đau đầu có nguy hiểm không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em muốn hỏi về tình hình bệnh của mẹ em. Mẹ em năm nay 43 tuổi. Trong vòng 3 tháng gần đây, mẹ em bị mờ mắt và rồi lại đau đầu. Em có đưa mẹ em đi khám thì bác sĩ kết luận là bị viêm kết mạc. Có được bác sĩ kê đơn thuốc, nhưng uống hết 2 đơn thuốc rồi mà không có đỡ. Cho em hỏi đây là 2 bệnh độc lập với nhau hay là vì đau mắt nên liên quan tới đau đầu ạ?

Em xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Có một số lí do đau đầu thường gặp và cách xử trí như sau:

Thời tiết: Thời tiết thực sự là lí do phổ biến nhất gây ra đau đầu. Tuy nhiên, không phải mọi dạng thời tiết đều gây ra đau đầu. Khi thời tiết trở nên nóng hơn, có sự thay đổi về độ ẩm hoặc áp suất đột ngột có thể dẫn đến những sự thay đổi quá trình sản xuất các yếu tố hóa học ở não bộ, và từ đó gây ra đau đầu. Vì chúng ta không thể thay đổi được thời tiết, cho nên tốt nhất là chúng ta nên dự đoán trước cơn đau đầu và có sẵn thuốc giảm đau trong tay.

Stress: Có khoảng 2/3 các bệnh nhân đau đầu nhận thấy stress là lí do gây ra các cơn đau. Tuy nhiên, các cơn đau đầu có thể xuất hiện sau giai đoạn stress. Điều này là do lượng hormone đang lưu chuyển trong cơ thể giúp đối phó với tình trạng stress đột ngột giảm xuống, làm cho các mạch máu giãn ra và co lại, từ đó gây ra đau đầu. Stress cũng có thể gây ra sự căng cơ ở vùng cổ hoặc vùng vai, hoặc các cơ ở vùng da đầu. Điều này có thể tác động đến tư thế của bạn và làm cho sự căng cơ càng trở nên nghiêm trọng hơn nếu như bạn phải ngồi trước máy vi tính trong một thời gian dài, hoặc phải làm những công việc cần sự tinh tế của bàn tay. Nếu bạn phải nheo mắt để đọc, bạn cũng có thể làm căng các cơ ở vùng da đầu. Bất cứ yếu tố nào trên đây đều có thể khởi phát một cơn đau đầu căng cơ do stress. Để có thể ngăn ngừa những vấn đề này, hãy luyện tập những cách để có thể kiểm soát được stress – như các phương pháp thư giãn, chẳng hạn như các bài tập thở hoặc Yoga.

Hormone: Nếu bạn là một phụ nữ, chắc bạn không xa lạ gì với thông tin hormone cũng là một lí do chủ yếu gây ra đau đầu, đặc biệt là những hormone trong giai đoạn kinh nguyệt. Bạn cũng có thể thấy rằng các cơn đau đầu xuất hiện thường xuyên và ở mức độ nặng hơn trong những ngày kinh nguyệt. Điều này là do lượng hormone Estrogen, một trong những hormone chính ở phụ nữ, giảm xuống vào những ngày kinh nguyệt, và từ đó gây ra cơn đau đầu. Bạn sẽ không thể nào thay đổi chu kỳ kinh nguyệt bình thường của mình nếu không có sự can thiệp của bác sĩ, nhưng nếu như các cơn đau đầu trở nên trầm trọng, thì bác sĩ có thể can thiệp bằng một số thuốc.

Chế độ ăn: Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng với sức khỏe của bạn – và nó cũng lí do lớn khởi phát cơn đau đầu của bạn. Những loại thức ăn thường gây ra cơn đau đầu bao gồm pho mát (đặt biệt là loại pho mát lâu năm), sô cô la, các loại trái cây thuộc họ cam chanh, thịt ướp muối, các loại hạt, hành, các loại thức ăn chứa nhiều muối hoặc mì chính. Thậm chí kem lạnh cũng có thể gây ra đau đầu ở một số người, nhưng may mắn là nó chỉ kéo dài trong một vài phút. Hãy thử ngưng hoặc giảm bớt việc ăn các loại thức ăn gây ra đau đầu và nhờ đó sẽ làm giảm hoặc thậm chí làm cắt đứt một số cơn đau đầu.

Các loại thức uống: Việc uống quá nhiều một số loại thức uống nào đó, như là trà, cà phê, hoặc các thức uống có cồn có thể gây ra đau đầu. Hãy thử giảm bớt việc uống rượu hoặc các thức uống chứa caffeine trong ngày, và thay vào đó uống thật nhiều nước. Tình trạng mất nước cũng là một nhân tố quan trọng gây ra rất nhiều các cơn đau đầu.

Việc bỏ bữa ăn: Bỏ bữa ăn cũng là một lí do. Vì bỏ bữa ăn có thể dẫn đến hạ đường huyết, có thể gây ra cơn đau đầu. Ngược lại ăn nhiều đường cũng có thể khởi phát cơn đau đầu, vì điều này làm tăng nhanh lượng đường trong máu, từ đó gây ra đau đầu. Thực ra, nếu như bạn ăn đầy đủ lành mạnh và đúng giờ, thì bạn có thể tránh được các lí do.

Thiếu ngủ: Thiếu ngủ cũng có thể khởi phát cơn đau đầu. Hãy thử việc tập một thói quen ngủ tốt: đi ngủ và thức dậy cùng một thời điểm trong tất cả các ngày, kể cả cuối tuần.

Tập thể dục quá sức: Việc tập thể dục là rất tốt cho sức khỏe của bạn, nhưng nếu tập quá mức thì có thể gây ra cơn đau đầu. Việc tập thể dục làm tăng lượng máu tuần hoàn ở đầu và cổ, làm cho các mạch máu giãn ra – khởi phát cơn đau đầu. Hãy tập thể dục ở mức độ vừa phải – khoảng 3 đến 5 lần một tuần – nó thậm chí có thể giúp giảm bớt các cơn đau đầu gây ra bởi stress.

Khom người: Uốn cong người quá mức sẽ làm tăng sự căng cơ ở vùng lưng trên, và vùng cổ và cũng là một lí do chính gây ra đau đầu căng cơ. Nên tránh việc duy trì ở một tư thế trong một khoảng thời gian dài và luyện tập tư thế ngồi thẳng và có tựa lưng.

Nghiến răng: Một số người nhận thấy việc nghiến răng vào ban đêm cũng có thể gây ra những cơn đau đầu khó chịu. Thật may là các nha sĩ đã sáng tạo ra dụng cụ bảo vệ để ngăn ngừa hiện tượng nghiến răng vào buổi tối.

Một số bệnh lý gây đau đầu.

Bạn hãy tìm hiểu xem lí do đau đầu của mẹ mình nằm trong nhóm lí do nào để xử lý. Ngoài ra, nếu đã làm mọi cách nhưng cơn đau đầu không thuyên giảm bạn nên đưa mẹ đến khám chuyên khoa Thần kinh và làm một số xét nghiệm, chụp X-quang nếu cần (CT Scan hoặc MRI sọ não) để chẩn đoán chính xác lí do và chữa trị.

Chúc gia đình bạn sức khỏe!

Bị đau đầu vùng sau gáy lên đỉnh đầu là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Cháu chào bác sĩ.

Khoảng nửa tháng trở lại đây cháu bị đau đầu vùng sau gáy lên đỉnh đầu. Cơn đau cứ giật giật mạnh. Cháu ra hiệu thuốc tây thì người bán cho cháu thuốc tuần hoàn máu não. Nhưng cháu uống 2 tuần rồi mà không đỡ và cháu bị đau mạnh về buổi tối. Vậy bác sĩ cho cháu hỏi cháu bị bệnh gì và nên khám ở đâu? Cháu ở Lào Cai.

Cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào cháu.

Cháu bị đau đầu phía sau gáy lan lên đỉnh đầu, cơn đau thường giật giật mạnh, cháu năm nay bao nhiêu tuổi, tính chất công việc có phải chịu nhiều áp lực không. Nguyên nhân hay gặp gây đau phía sau đầu ở người trẻ thường là đau đầu stress, đau đầu do rối loạn vận mạch, ngoài ra có thể gặp đau đầu do thiểu năng tuần hoàn máu não. Để chẩn đoán chính xác cần phải thăm khám trực tiếp và làm thêm một số xét nghiệm. Cháu nên đến chuyên khoa Thần kinh ở Bệnh viện tỉnh để thăm khám, tìm lí do và chữa trị.

Chúc cháu sớm khỏi bệnh!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl