Nhịp tim nhanh: Dấu hiệu của bệnh gì?


4,226
1
1
Xu
53
Nhịp tim nhanh bất thường dễ khiến người bệnh nhầm lẫn do hồi hộp, căng thẳng. Tuy nhiên đây là dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý nguy hiểm có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và có thể là tính mạng người bệnh.

Nhịp tim nhanh, bất thường, khó thở, mệt mỏi, ngủ không sâu giấc có phải dấu hiệu bệnh tim?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Cháu chào bác sĩ!

Cháu 18 tuổi nam giới. Cháu đi khám thì bị nhịp tim nhanh nhưng do lúc cháu lo lắng nên bị nhanh. Bác sĩ kê thuốc Cordarone cho cháu, cháu uống và thấy tim bị hồi hộp, tay chân đổ mồ hôi, tức ngực trái. 1 tuần nay cháu có biểu hiện khi nằm thì tim đập không được đều, thường có 1 nhịp nhồi hoặc sớm (chỉ xảy ra khi nằm), cháu không khó thở và mệt mỏi nhưng ngủ không được sâu giấc hay tỉnh dậy giữa chừng. Đo huyết áp thì 115/69 nhịp tim 80. Hỏi cháu có phải bị bệnh tim ko ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu!

Chỉ số huyết áp và nhịp tim của cháu đều nằm trong giới hạn bình thường. Khi lo lắng nhịp tim cháu đập nhanh hơn cũng là bình thường. Và với tình trạng này, có lẽ cháu chưa cần can thiệp thuốc.

Cordarone® (amiodarone HCL) là một thuốc chống loạn nhịp rất hiệu quả. Tuy nhiên, thuốc có những độc tính đáng kể có thể mang lại một số nguy cơ và tai biến cho bệnh nhân. Cordarone có thể gây những phản ứng phụ nguy hiểm đến tính mạng, nghiêm trọng nhất là độc tính ở phổi (viêm phổi quá mẫn hoặc viêm phổi kẽ, viêm phế nang). Độc tính ở phổi gây tử vong cho 10% các tình huống.

Khoảng 10 đến 17% bệnh nhân dùng Amiodarone với liều trung bình 400 mg/ngày có những rối loạn nhịp của tâm thất. Độc tính trên gan cũng thường gặp với Cordarone, nhưng đa số đều nhẹ, chủ yếu triệu chứng bằng sự bất thường men gan. Tuy nhiên, biến chứng trên gan nặng và rầm rộ vẫn có thể xảy ra và đã một số ít tình huống tử vong.

Tương tự các thuốc chống loạn nhịp khác, Cordarone có thể làm cho các rối loạn nhịp tim nặng hơn, làm bệnh nhân khó chịu hơn và làm cho việc điều chỉnh rối loạn nhịp sau này càng thêm khó khăn.

Với những triệu chứng như cháu mô tả, nhiều khả năng cháu bị tác dụng phụ của thuốc. Cháu nên ngừng sử dụng thuốc. Nếu các biểu hiện vẫn tiếp dẫn thì cần đi khám lại.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Khó thở, đau tim, làm việc nặng nhịp tim nhanh có phải là dấu hiệu của bệnh xơ vữa động mạch?


Câu hỏi bởi: Lê Văn Cường

Chào bác sĩ.

Cháu thường có triệu chứng khó thở, đau tim, làm việc nặng nhịp tim nhanh. Cháu có đi khám ở bệnh viện Đa khoa Bắc Giang nhưng không ra. Liệu cháu có bị bệnh xơ vữa động mạch không?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy


Chào cháu.

Xơ vữa động mạch là sự phối hợp các hiện tượng thay đổi lớp nội mạc của các động mạch lớn và vừa, bao gồm sự hình thành tại chỗ các chất lipid, các phức bộ glucid, máu và các sản phẩm của máu, mô xơ và cặn lắng acid. Tất cả các yếu tố này kèm theo sẽ làm thay đổi ở lớp trung mạc. Nguyên nhân chủ yếu là sự lắng đọng mỡ và các màng tế bào tại lớp bao trong thành động mạch gọi là mảng vữa. Bệnh xơ vữa động mạch thường không có biểu hiện cho đến khi mảng xơ vữa gây hẹp nặng hoặc tắc hoàn toàn một nhánh động mạch. Do vậy, nhiều bệnh nhân không biết mình có bệnh cho đến khi bị một tình trạng cấp cứu như nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não.

Vữa xơ động mạch thường chia làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn tiềm tàng: chưa có triệu chứng lâm sàng.

Giai đoạn lâm sàng: có các biểu hiện thiếu máu cơ quan điển hình.

Giai đoạn biến chứng các cơ quan do sự thiếu máu cục bộ gây ra.

Triệu chứng thường phụ thuộc vào các cơ quan bị tổn thương như:

Xơ vữa động mạch chủ: hay gặp theo thứ tự là gốc động mạch chủ, động mạch ngực, động mạch chủ bụng nhất là nơi phân chia động mạch chậu: triệu chứng là hở van động mạch chủ hay hẹp động mạch chủ hoặc phối hợp.

Xơ vữa động mạch não: triệu chứng sớm là tình trạng thiếu máu với ù tai, rối loạn trí nhớ, mau quên; về sau lú lẫn, không tập trung được, mất ngủ. Biến chứng nặng nề là tắc mạch máu não gây liệt nửa thân, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn ý thức hay xấu hơn là hôn mê.

Xơ vữa động mạch vành: động mạch vành là động mạch đưa máu giàu oxy đến nuôi tim. Triệu chứng của xơ vữa động mạch vành thường gặp là cơn đau thắt ngực, với tình trạng đau hoặc khó chịu vùng ngực do cơ tim không được máu cung cấp đủ oxy. Đau có thể lan bả vai, cánh tay, cổ, hàm hoặc sau lưng. Đau tăng lên khi hoạt động, giảm khi nghỉ ngơi. Căng thẳng tinh thần cũng có thể khởi phát cơn đau. Những biểu hiện khác bao gồm khó thở, tim đập không đều.

Xơ vữa động mạch thận: động mạch thận cung cấp máu giàu oxi cho hai thận. Khi có mảng xơ vữa ở động mạch sẽ gây bệnh thận mãn, lâu ngày làm chức năng thận suy giảm. Ở giai đoạn sớm của bệnh thận thường không có biểu hiện hay dấu hiệu gì. Khi bệnh nặng lên, có thể gây: tiểu ít hoặc tiểu nhiều (đặc biệt là tiểu nhiều về đêm), ăn không ngon, buồn nôn. phù mặt, tay, chân. xơ vữa động mạch chi dưới: tổn thương gặp hầu hết các động mạch trừ động mạch mu bàn chân ít gặp. Triệu chứng thiếu máu chi thường gặp với tê, lạnh hai chân, cơn đau cách hồi, không bắt mạch được bên tắc mạch. Biến chứng về sau có thể gây hoại tử.

Còn hiện tượng nặng ngực, khó thở, đau tim có thể do các lí do sau:

1. Khó thở do phổi:

Hẹp đường hô hấp: khó thở thì hít vào thường do hẹp phế quản, dị vật trong phế quản, chèn ép trung thất hoặc khó thở khi thở ra thì thường do hen phế quản, giãn phế nang.

Khó thở do tổn thương nhu mô phổi: loại này thường kèm theo tăng tần số thở, lúc nghỉ ngơi ít xuất hiện, nhưng khi gắng sức thường khó thở hơn đó là các bệnh như viêm phế quản co thắt, viêm phổi cấp, lao phổi, hoặc ứ huyết phổi trong các bệnh tim mạch như hẹp hở hai lá, suy tim…

2. Khó thở, nặng ngực do lí do thần kinh:

Yếu tố tâm lý: hay gặp ở một số người hay lo âu, hồi hộp có kèm với khó thở. Thường gặp ở phụ nữ có rối loạn thần kinh chức năng. Khám không tìm thấy tổn thương nào ở phổi cũng như không tìm thấy khó thở do lí do chuyển hoá.

Khó thở do lí do thực thể ở thần kinh như: bệnh bại liệt, bệnh nhược cơ. Lúc đầu là khó thở do gắng sức sau khó thở cả khi nghỉ ngơi và khó thở liên tục.

3. Khó thở do thiếu máu: khó thở thường nhẹ, ít khi dẫn đến khó thở khi nằm nhưng thường xuất hiện khi gắng sức do lượng hồng cầu giảm làm oxy không đủ cung cấp cho nhu cầu của cơ thể.

4. Khó thở, đau tim có thể là biểu hiện của suy tim do giảm khả năng giãn nở của cơ tim làm tăng áp lực máu quanh phổi.

Với triệu chứng bệnh của cháu như khó thở, đau tim, làm việc nặng nhịp tim nhanh thì có rất nhiều lí do. Do cháu đã khám ở Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang nhưng không tìm ra bệnh, cháu có thể xuống các bệnh viện Trung ương tại Hà Nội và làm các xét nghiệm cần thiết để tìm ra bệnh của cháu và được chữa trị kịp thời.

Chúc cháu mau khỏe!

Nhịp tim nhanh có phải là bị bệnh tim không ?


Câu hỏi bởi: thanhdung

Chào bác sĩ!

Chúng tôi mới lấy nhau, vợ tôi đang có thai 3 tháng, nhịp tim nhanh 100 lần trong một phút, như vậy có sao không?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào em!

Khi có thai, nhịp tim của người phụ nữ tăng dần từ tuần thai nghén thứ 10. Vào cuối thai kỳ, nhịp tim có thể tăng hơn trước mỗi phút 10 nhịp, lượng máu tim phải bơm để nuôi cơ thể mẹ và thai nhi cũng tăng lên. Ở tuần thai thứ 25 trở đi, lượng máu qua tim có thể tăng từ 30-50%, người ta ước tính mỗi ngày khối lượng “làm thêm” này của tim là từ 2.160-3.600 lít, tương đương với khoảng 2-4 tấn.

Quả tim phải làm việc nhiều hơn như vậy vì khi có thai ngoài việc nuôi dưỡng bản thân, cơ thể người mẹ còn phải cung cấp ôxy và các chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng thai nhi. Với những phụ nữ khỏe mạnh thì thai sản là vấn đề hoàn toàn tự nhiên, những thay đổi trong quá trình mang thai là bình thường, nhưng với những người mắc bệnh tim và chức năng tim không tốt thì sự thay đổi trong thời gian này sẽ trở nên rất nguy hiểm có thể xảy ra hiện tượng kiệt tim hoặc loạn nhịp tim.

Nhịp tim của vợ em trên 100 lần/phút là giới hạn cao. Điều này không thấy nghĩa vợ em bị bệnh tim. Em nên đưa vợ đi khám bác sĩ chuyên khoa Tim mạch để xác định xem vợ em có mắc bệnh tim hay không.

Chúc em mạnh khoẻ!

Bị nhịp tim nhanh nhưng không rõ nguyên nhân?


Câu hỏi bởi: hoangtrinhmcc

Thưa bác sĩ!

Tôi năm nay 35 tuổi. Khoảng 3 tháng trở lại đây cơ thể tôi xuất hiện hiện tượng tim đập nhanh (100110 nhịp/phút), trong cơn có khi huyết áp tăng cao (160/90), có khi lại không. Tôi đi khám nhưng không phát hiện được lí do (tim, gan, phổi, thận không thấy tổn thương gì), được chỉ định uống Magne và Vastarel, khi có cơn thì uống Nitromint và Concor. Tôi đã uống thuốc được 2 tháng nhưng đến nay vẫn thường xuất hiện cơn như trên. Bác sĩ có thể giải đáp giúp tôi xem lí do dẫn đến tình trạng trên là gì và hướng để chữa trị dứt điểm bệnh này.

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Rối loạn nhịp tim là một trong những vấn đề thường gặp nhất trong các triệu chứng bệnh tim mạch. Loạn nhịp tim có thể chỉ là một sự khó chịu nhẹ nhưng cũng có thể là một tình trạng bệnh lý nặng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Nhịp tim bị rối loạn có thể là không đều hoặc quá nhanh hoặc quá chậm không phù hợp với nhu cầu của cơ thể. Tần số tim bình thường dao động trong khoảng 60-80 nhịp/ phút khi cơ thể nghỉ ngơi. Con số này rất biến đổi tuỳ thuộc từng cá thể, nhiều người có nhịp tim nhanh hơn hoặc chậm hơn vẫn được coi là bình thường. Nhịp tim biến đổi trong ngày tuỳ thuộc vào mức độ hoạt động của cơ thể và là triệu chứng của sức khoẻ.

Bạn bị nhịp tim nhanh (100-110 nhịp/phút), trong cơn có khi huyết áp tăng cao (160/90), có khi lại không. Bạn đã đi khám và được chỉ định uống Magne và Vastarel, khi có cơn thì uống Nitromint và Concor nhưng không đỡ. Bạn không nói rõ xem bác sĩ chẩn đoán cho bạn bị rối loạn nhịp tim nhanh loại gì, nhịp nhanh xoang hay không? Tuy nhiên bạn đã dùng thuốc một tháng mà không đỡ, bạn cần xem mình có liên quan đến một trong các lí do sau không:

Stress, thiếu ngủ. Thuốc lá, rượu và các chất kích thích khác. Một số loại thuốc: thuốc tim mạch, thuốc chống dị ứng, thuốc giảm đau chống viêm, thuốc đông y… Tình trạng rối loạn điện giải: natri, kali, canxi… Bệnh lý thực tổn hệ tim mạch: tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh van tim, bệnh cơ tim… Bệnh nội tiết.

Để chữa trị bạn cần phải:

Thay đổi lối sống: tránh các yếu tố kích thích, giảm stress.. Chữa các bệnh có liên quan. Bạn nên đi khám lại, bác sĩ có thể kiểm tra lại cho bạn bằng các thiết bị như máy ghi điện tâm đồ liên tục (holter), máy ghi biến cố, thăm dò điện sinh lý học cơ tim. Bạn phải uống thuốc chống rối loạn nhịp tim đúng theo chỉ định của các bác sĩ. Không tự ý uống thuốc, ngừng thuốc hoặc thay đổi đơn thuốc của bác sĩ. Nếu dùng thuốc không đỡ, bạn có thể chữa trị bằng năng lượng sóng radio: Các bác sĩ sẽ dùng năng lượng điện để triệt đốt các ổ ngoại vị hoặc đường dẫn truyền bất thường gây rối loạn nhịp thông qua việc sử dụng các ống thông nhỏ luồn vào tim qua đường mạch máu. Nếu bạn bị rối loạn nhịp tim nhanh gây nguy hiểm tính mạng, các bác sĩ sẽ cấy một thiết bị có thể phát hiện rất nhanh và tự động chấm dứt các rối loạn nhịp bằng dòng điện (shock điện tự động).

Chúc bạn mạnh khỏe!

Nhịp tim nhanh mang thai có nguy hiểm


Câu hỏi bởi: Giấu tên

chào bác sỹ!

Vợ tôi bị nhịp tim nhanh bẩm sinh. nhịp tim bình thường dao động từ 150-160 nhịp/phút
Tuy nhiên từ trước giờ cũng chưa có biểu hiện gì tiêu cực. mọi hoạt động đều khá bình thường
bác sỹ cho tôi hỏi liệu với nhịp tim nhanh như vậy khi mang thai có ảnh hưởng quá xấu không , liệu khi mang thai có nguy hiểm đến mẹ và con không ?
tôi xin cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Việt Hùng


Tác hại của loạn nhịp tim đối với bà bầu
Chào bạn .
Bạn đẫ chia se với tôi những điều thầm kín của mình. Tôi rất đồng cảm và cũng phải nói với bạn rằng. Với trao đổi của bạn thì bình thường vợ bạn đã bị loạn nhip tim rồi đấy
Khi có thai, nhịp tim của bà bầu tăng dần từ tuần lễ thai nghén thứ 10. Vào cuối thai kỳ nhịp tim có thể tăng hơn trước mỗi phút 10 nhịp, lượng máu tim phải bơm để nuôi cơ thể mẹ và thai nhi cũng tăng lên, tuần hoàn máu lên đến 40%.
Mặt khác, khi thai phát triển, tử cung to chèn ép cơ hoành và làm thay đổi trục của tim so với lúc bình thường, quả tim như bị nằm ngang. Nhưng khi sổ thai, tử cung co nhỏ lại nhanh chóng làm cho tim cũng đột ngột thay đổi từ vị trí nằm ngang trở về bình thường. Sự thay đổi đột ngột này góp phần làm rối loạn chức năng của tim, làm rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến đột qụy. Chúng ta cần biết các loạn nhịp hư sau: Các loạn loạn nhịp tim
+Loạn nhịp đều
Chẩn đoán loạn nhịp đều dễ dàng bằng bắt mạch, đếm mạch/phút, hoặc đo trên điện tâm đồ có độ chính xác hơn, nhất là nhịp tim nhanh trên 140 lần/phút. Bao gồm các dạng:
+Loạn nhịp nhanh: Có thể chẩn đoán dựa vào nhịp đập, tần số mạch. Nhịp trung bình 70 lần/phút. Cơn nhịp nhanh là khi: Số lần đập 140 – 200 lần/phút (là cơn nhịp nhanh kịch phát) Số lần đập 120 – 140 lần/phút (cơn do rung nhĩ) Số lần đập 80-120 lần /phút, (nhịp nhanh từ nút Keith – Flack).
Loạn nhịp chậm: Khi số lần đập từ 60 xuống 40 lần/phút, chậm từ nút Keith – Flack
Loạn nhịp tim không đều (ngoại tâm thu)
Có luồng thần kinh xuất phát mạnh hơn bình thường, từ một trung tâm kích thích trên hay ngoài luồng dẫn truyền, làm tâm thất co bóp sớm hơn. Vì thất co bóp sớm (ngoại tâm thu), nên sau đó thời gian chỉ kéo dài hơn, được gọi là thời gian bù.
Triệu chứng cơ năng: Sản phụ cảm thấy trống ngực hay như ngừng đập và có bị cảm giác như hụt hẫng. Nếu ngoại tâm thu xảy ra lúc đang ngủ, bệnh nhân bị giật mình.
Triệu chứng thực thể: Nghe tiếng tim hay bắt mạch quay, thấy nhịp tim đập không đều có lúc bỏ đập. Khi đánh giá tỷ lệ % bỏ nhịp, từ trên 5% tỷ lệ bỏ nhịp coi như bệnh lý. Nếu có ngoại tâm thu hai lần liền (ngoại tâm thu kép) nhiều là nguy cơ cấp.Điện tâm đồ: ngoại tâm thu trên thất: QRS không biến dạng. Ngoại tâm thu thất QRS có biến dạng.
Loạn nhịp tim hoàn toàn
Nhip tim đập không đều cả về thời khoảng và biên độ do rung nhĩ. Rung nhĩ là hiện tượng phân ly nhĩ thất, nên nhịp thất chậm hơn, thất đập không đều. Máu xuống thất không đủ lưu lượng máu giảm từ 20 – 30% nhất là khi gắng sức. Tìm phì đại rồi suy, máu ứ lại nhĩ, nhất là ở trong hẹp van hai lá dẫn đến đông máu trong nhĩ rồi tiếp đó là bệnh huyết khối.
Bệnh nhân cảm thấy hồi hộp khó chịu, mạch quay nhanh không đều. Nếu có rung tâm trương nghe khó thấy. Ngoại tâm thu có lúc thưa, có lúc dồn dập. Vì vậy theo dõi và chẩn đoán ngoại tâm thu phải có thời gian.Điện tâm đồ: Mất sóng P ở các đạo trình. Có khi thấy một đạo trình có nhiều sóng P, khoảng R-R không đều, biên độ R không bằng nhau. Điều trị loạn nhịp tim ở bà bầu
Nói chung điều trị loạn nhịp khó, cần chẩn đoán chính xác bằng điện tâm đồ và có bằng cớ để theo dõi và đánh giá kết quả điều trị. Trước khi điều trị, nên có sư kết hợp hội chẩn và điều trị giữa bác sĩ sản khoa và với bác sỹ chuyên khoa tim mạch. Bạn chỉ thông báo cho tôi tình trạng của vợ bạn về bệnh tim nhưng chưa đầy đủ lắm. Vậy trước khi mang thai hai bạn hãy đi khám và nhận được sự tư vấn nhé. Chúc các bạn may mắn.
Chào bạn.

Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl