Dấu hiệu của bệnh thoát vị đĩa đệm


4,226
1
1
Xu
53
Khi thoát vị đĩa đệm trở thành một căn bệnh phổ biến, nhiều người dễ nhầm lẫn các triệu chứng của bệnh dẫn đến tự chẩn đoán sai. Dưới đây là tổng hợp những câu hỏi thường gặp về dấu hiệu của bệnh thoát vị đĩa đệm.

Đau từ vùng xương chậu xuống chi phải có phải là dấu hiệu của bệnh thoát vị đĩa đệm không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Em cháu năm nay 16 tuổi, giới tính nam. Có triệu chứng đau từ vùng xương chậu xuống chi phải, đi cảm giác đau, đôi lúc bị tê. Cháu đọc trên mạng thấy các triệu chứng đó rất giống với bệnh thoát vị đĩa đệm. Bác sĩ cho cháu hỏi em cháu còn nhỏ tuổi vậy có thể mắc bệnh này hay không? Nên tới bệnh viện nào để kiểm tra ạ?

Cháu xin cảm ơn!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào cháu.

Dấu hiệu như cháu mô tả thường là bệnh đau dây thần kinh tọa. Tuy nhiên cũng có thể là do thoát vị đĩa đệm, nhưng em cháu mới 16 tuổi nên ít có khả năng là bệnh này. Cháu có thể cho em đi khám ở bất cứ bệnh viện nào có điều kiện chụp MRI cột sống là được.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Triệu chứng bệnh thoát vị đĩa đệm là gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Xin bác sĩ cho tôi biết biểu hiện của bệnh thoát vị đĩa đệm là gì ạ.

Tôi xin cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân


Chào bạn!

Bình thường chúng ta có 24 đốt sống có thể cử động (từ cổ đến thắt lưng), giữa các khoang đốt sống là đĩa đệm. Đĩa đệm có cấu trúc dạng thớ sợi chắc xếp theo hình vòng tâm và chứa nhân keo (gelatin). Nó có tác dụng làm cho cột sống cơ thể cử động uyển chuyển và làm giảm sóc của cơ thể. Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng đĩa đệm bị dịch chuyển ra khỏi vị trí bên trong đốt sống, thường xảy ra sau các tác nhân sang chấn hoặc trên nền đĩa đệm bị thoái hóa, nứt rách, và trên lâm sàng thường triệu chứng chứng đau về thần kinh. Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ đoạn nào của cột sống, Đau kịch phát khi kích thích nhóm cơ: khi cúi, khi ho hắt hơi hoặc gắng sức. Đau tăng lên khi ngồi lâu, hoặc tư thế đứng hoặc nằm sấp. Tùy theo vị trí thoát vị mà có những triệu chứng khác nhau. Hay gặp thoát vị đĩa đệm ở vị trí thấp của lưng, trong tình huống này sẽ gây ra chứng đau thắt lưng. Và khi thoát vị đĩa đệm có đè ép vào rễ dây thần kinh tọa sẽ gây chứng đau thắt lưng và đau lan xuống chân. Nếu thoát vị đĩa đệm vùng cổ: sẽ có biểu hiện cứng và đau cổ. Đau lan ra 2 vai và cánh tay (thường là một bên), kèm theo có cảm giác tê kiến bò và nặng tay hoặc yếu cẳng hoặc cánh tay. Thoát vị cũng có thể không nhận biết được khi không thấy biểu hiện vì nó không gây đè ép vào rễ dây thần kinh. Hiện nay nhờ có chẩn đoán hình ảnh nên chúng ta phát hiện được cả thoát vị có biểu hiện (đau) và không thấy biểu hiện.

Chúc bạn sức khỏe!

thoát vị đĩa đệm cổ


Câu hỏi bởi: Trung Hiếu

Thưa bác sĩ, tôi bị thoát vị đĩa đệm hai đốt sống cổ cách đây 1 năm, tôi đã chụp cộng hưởng từ và bác si khám cho thuốc uống nhưng hiện nay tôi thường xuyên bị đau, mỏi ở vùng cổ vai gáy. Tôi thấy ở phòng khám đông y An Thái có diều trị bằng phương pháp sóng radio cao tần . vậy tôi muốn hỏi dùng phương pháp này có an toàn không? và có chữa khỏi được thoát vị hoàn toàn không? và phòng khám thì có tốt không hay phải điều trị ở bênh viện? cảm ơn BS

Bác sĩ Phạm Văn Tâm


Chào bạn,

Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý nhiều người mắc phải. Thông thường thì bác sĩ sẽ chỉ định cho tập vật lý trị liệu và dùng thuốc. Hiện tại phương pháp tốt nhất để điều trị thoát vị đĩa đệm là tác động cột sống. Bạn có thể liên hệ các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể.
Phương pháp sóng radio cao tần chỉ điều trị triệu chứng chứ không thể điều trị dứt điểm thoát vị đĩa điểm được nhé.

Chúc bạn sức khỏe!

Thoát vị đĩa đệm, đau dây thần kinh toạ


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ, cháu là nam, năm nay 20 tuổi, sau 1 buổi tập gym cụ thể là tập bài về lưng thì cháu thấy phần lưng dưới bị đau, sau vài ngày xuất hiện triệu chứng đau như bị kim châm phần hông sau, rồi sau đó nhức phần đùi và hông, trước đây cháu có đi chụp x-quang thì chuẩn đoán các phần đệm giữa cột sống phình to, có thể do thể hình cháu to cao, vậy có phải sau khi tập bài tập nặng về lưng nên cháu đã bị thoát vị hay thần kinh toạ không ạ, cháu cảm ơn bác sĩ

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Bạn nên đi khám bệnh và chụp MRI cột sống để phát hiện phình hoặc thoát vị đĩa đệm (chụp X quang thông thường có thể bỏ sót nhiều tổn thương ở cột sống).

Nếu bạn bị phồng hoặc thoát vị đĩa đệm thì phải điều trị và ngừng tập GYM mà tập các bài tập vật lý liệu pháp dành cho bệnh nhân phình đĩa đệm hoặc thoát vị đĩa đệm.

Tập GYM đối với những bài tập nặng có thể những ngày đầu gây đau mông và đùi. Nếu chưa có thể đi khám bệnh được thì trước mắt bạn phải ngừng hoặc giảm cường độ tập GYM hoặc tập các động tác khác không có tác động nhiều đến vùng lưng.

Chúc bạn mạnh khỏe.

Bị thoái hoá cột sống thắt lưng có thoát vị đĩa đệm L4/L5


Câu hỏi bởi: Hương

Chào bác sĩ.

Tôi năm nay 21 tuổi bị đau chân, lưng khi đi chụp MRI kết quả cho thấy bị thoái hoá cột sống thắt lưng có thoát vị đĩa đệm L4/L5 và L5/S1 gây chèn ép mạnh các rễ thần kinh trong ống sống, nhất là các rễ L5 và S1. Vậy bây giờ tôi cần làm gì để cho sức khoẻ được cải thiện.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Duyên


Chào em.

Với bệnh lý thoát vị đĩa đệm thì việc đầu tiên là cân nhắc chữa trị nội khoa. Về việc chữa trị nội khoa thường kết hợp các biện pháp sau:

– Uống thuốc giảm đau chống viêm nhóm Non-steroid như Meloxicam, Tenoxicam, Proxicam, Voltarel…thuốc giãn cơ như Myonal, Mydocaml, các thuốc tăng dẫn truyền thần kinh.

– Dùng vật lý trị liệu như điện xung, đắp nến, điện di, kéo giãn cột sống. Trong đó kéo giãn cột sống là một chữa trị căn bản và bắt buộc với bệnh nhân ở giai đoạn sớm, nếu không có các chống chỉ định như loãng xương, trượt đốt sống, hoặc u cột sống.

– Nếu bệnh nhân đau nhiều mà chữa trị bằng các thuốc mục trên không đỡ có thể áp dụng tiêm Steroid ngoài màng cứng. Nhưng chỉ bác sĩ chuyên khoa sâu về thần kinh mới được thực hiện.

– Dùng thuốc đông y, là một chữa trị căn bản giúp làm tăng tính đàn hồi của đĩa đệm, từ đó có thể làm đĩa đệm thoát vị co dần lại. Nếu sau 3 tháng chữa trị bằng nội khoa mà bệnh nhân không có tiến triển, hoặc bị nặng hơn thì có chỉ định chữa trị ngoại khoa bằng cách dùng tia laser hoặc phẫu thuật lấy bỏ nhân nhày thoát vị, giải phóng chèn ép rễ thần kinh.

Em cần chú ý, không lao động nặng trong giai đoạn này. Em nên sớm đến bệnh viện để chữa trị.

Chúc em mạnh khỏe.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl