Ngủ mơ nhiều có phải dấu hiệu của stress?


4,226
1
1
Xu
53
Ngủ mơ là một hiện tượng bình thường và xảy ra khá phổ biến với mọi người. Tuy vậy, ngủ mơ quá nhiều cũng là triệu chứng của bệnh về tâm lý.

Mỏi chân, hay ngủ mơ, đau đầu là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Bác sĩ cho cháu hỏi cháu hay bị mỏi 2 chân, cảm giác rất khó chịu nhất là về ban đêm khi ngủ, đêm nào ngủ cháu cũng nằm mơ, sáng dậy mệt mỏi, cảm giác chưa ngủ. Mặc dù không phải cháu hoạt động nhiều hay lười hoạt động quá. Với lại cháu hay bị khó thở nữa, thỉnh thoảng trong đầu cháu lại đau khác thường. Vậy cháu có nguy cơ bệnh gì không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy


Chào cháu!

Cháu không nói rõ cháu năm nay bao nhiêu tuổi, cháu đã đi làm chưa hay đang đi học, tôi không thể giải đáp chi tiết cho cháu được. Theo tôi, cháu nên đi khám sức khỏe để tìm lí do. Các bác sĩ sẽ khám, làm 1 số xét nghiệm cần thiết để tìm lí do gây mỏi chân, đau đầu, khó thở, ngủ hay mơ. Nếu cơ thể cháu bị thiếu máu, hoặc bị thiếu canxi cũng có thể làm cho cháu mỏi chân, hay đau đầu, hoặc do huyết áp thấp và các lí do khác nữa.

Chúc sức khỏe cháu!

Trẻ lười ăn và quấy đêm, ban ngày ngủ mơ màng, không sâu giấc, là bị làm sao?


Câu hỏi bởi: thanhhang261991

Em chào bác sĩ ạ!

Con em đươc 6,5 tháng khi sinh được 3 kg hiện tại được 7,5 kg. Cháu rất lười ăn và uống sữa ngoài, mỗi lần ăn ngửa ra là lại khóc. Mấy hôm nay ngủ đêm cháu hay bị thức giấc rồi khóc mỗi đêm phải 3 hoặc 4 lần, ban ngày ngủ thì mơ màng không sâu giấc, bắp chân và đùi rất nhão. Bác sĩ cho em hỏi cháu bị làm sao và cách xử lý.

Em cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Bé nhà bạn được 6,5 tháng khi sinh được 3 kg hiện tại được 7,5 kg. Như vậy là bé chỉ hơi bị thiếu cân một chút so với mức cân nặng bình thường WHO đưa ra (khoảng 8 kg ở độ tuổi này). Bé lười ăn và uống sữa ngoài thì lúc nào bạn ở nhà nên tận dụng cho con bú mẹ. Chỉ cho bé uống sữa công thức lúc bạn đi vắng hoặc khi không đủ sữa. Ở độ tuổi này mỗi ngày bé cần khoảng 700 ml sữa và ăn 3 bữa bột hoặc cháo. Mỗi bát bột gồm 20 g bột gạo tẻ, 20 g thịt hoặc 1/2 lòng đỏ trứng gà, tập cho bé ăn bột nấu với tôm, cua, hải sản, một thìa cà phê rau lá, một thìa dầu, mỡ và không cần phải cho nước mắm nhé. Ngoài ra bạn có thể cho bé ăn thêm sữa chua từng ít một. Bạn có thể cho bé tập ăn các loại hoa quả tươi như nạo chuối, đu đủ, xoài, uống nước cam, quýt…

Bé nhà bạn mấy hôm nay ngủ đêm hay thức giấc rồi khóc, ban ngày bé cũng ngủ mơ màng, không sâu giấc. Bạn cần xem bé có mọc răng dẫn đến đau lợi, tác động đến việc ăn, ngủ của con không. Biểu hiện của bé cũng có thể là triệu chứng của thiếu canxi và vitamin D. Giai đoạn này bạn có thể bổ sung cho thêm canxi, vitamin D3, kẽm, vitamin nhóm B và men tiêu hóa để hỗ trợ bé nhưng cần theo chỉ định của bác sĩ. Tắm nắng cho bé mỗi ngày 15 – 20 phút vào buổi sáng trước 9h hoặc nắng yếu lúc 5 – 6h chiều.

Chúc bạn và bé mạnh khỏe!

Hay ngủ mơ và có biểu hiện tăng dần là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Cháu chào bác sĩ!

Cháu là hiện tại đã bị bệnh ngủ mơ được 3 năm, ban đầu là do ôn thi đại học nên cháu có chế độ ngủ không hợp lý, đêm học còn ngày thì ngủ. Sau khi thi đỗ đại học cháu vẫn tiếp tục ngủ như vậy một thời gian dài. Ban đầu cháu chỉ bị mơ ít, mà dần dần tình trạng mơ lúc ngủ tăng dần, và hiện tại thì cứ khi nào ngủ là lại mơ. Suy nghĩ linh tinh về mọi chuyện kể cả lúc không cần phải suy nghĩ gì. Cháu muốn hỏi là bệnh của cháu là bệnh gì ạ và khi nghe nói đến bệnh viện Tâm thần thì cháu cứ có cảm nhận không tốt, chỉ dành cho người điên. Liệu bệnh của cháu có phải đến bệnh viện Tâm thần khám không ạ?

Cháu xin chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào cháu!

Hiện tượng mơ khi ngủ gặp ở hầu hết mọi người, đây là triệu chứng hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu thường xuyên mơ ngủ và giấc ngủ không sâu, tác động tới sức khỏe thì cần quan tâm. Nguyên nhân thường gặp khiến ngủ hay bị mơ là rối loạn giấc ngủ, suy nghĩ căng thẳng và cơ thể mệt mỏi. Ngoài ra, còn rất nhiều lí do khác có thể gây mơ ngủ thường xuyên như các bệnh lý tại não, bệnh lý toàn thân.

Trường hợp của cháu, có tình trạng ngủ mơ 3 năm và tình trạng mơ ngủ kéo dài, tăng dần. Tuy nhiên, qua thông tin cháu mô tả cho thấy, lí do do cháu thay đổi lịch sinh hoạt, suy nghĩ căng thẳng, dẫn tới rối loạn giấc ngủ. Việc thường xuyên mơ ngủ, giấc ngủ không sâu, rối loạn giấc ngủ dẫn tới giảm khả năng tập trung. Do vậy, trước hết cháu không nên lo lắng quá mức, tránh suy nghĩ căng thẳng vì có thể tác động trực tiếp tới giấc ngủ.

Để có giấc ngủ sâu, không bị mơ thì cháu cần sắp xếp lịch học tập, sinh hoạt hợp lý, cần ngủ vào ban đêm và học tập vào ban ngày, tránh thức khuya và không suy nghĩ căng thẳng, sử dụng máy tính, điện thoại di động hoặc xem tivi,… trước lúc đi ngủ (cách ít nhất 1 giờ). Bên cạnh đó, cháu cần đảm bảo chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng, giàu chất xơ, tăng cường vitamin và khoáng chất, đồng thời sắp xếp thời gian tập luyện để tăng cường sức khỏe. Cháu nên tập các môn giúp thư giãn tinh thần như thiền, yoga, khí công dưỡng sinh,… Với việc thực hiện nghiêm túc lối sống khoa học, lành mạnh sẽ giúp cháu tăng cường sức khỏe, và có giấc ngủ sâu trở lại.

Trong tình huống vẫn mất ngủ kéo dài hoặc kèm theo bất thường khác (đau đầu, nhức mắt, mờ mắt,…) thì cháu nên tới cơ sở y tế chuyên khoa Thần kinh để khám.

Chúc cháu vui khỏe!

Hay ngủ mơ, mệt mỏi khi thức dậy, phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Trần Thị Lan

Thưa bác sĩ!

Năm nay tôi 26 tuổi, nghề nghiệp là giáo viên. Đã mấy năm nay tôi thường mắc chứng ngủ mơ. Đêm nào ngủ tôi cũng mơ ít nhất là 2 – 3 giấc mơ, dù chỉ là giấc mơ bình thường như chuyện xảy ra thường ngày. Nhưng mỗi lần thức dậy tôi luôn cảm thấy mệt mỏi, không thể dậy được ngay, nếu giật mình thức dậy ngay thì tim tôi đập nhanh và khó thở (tôi vẫn ngủ đúng giờ giấc, lên giường là có thể ngủ luôn một mạch tới sáng mới thức). Tôi đã đi khám ở bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, các bác sĩ chẩn đoán tôi bị rối loạn giấc ngủ, rối loạn tiền đình, rối loạn thần kinh thực vật và đã chữa trị trong khoảng 4 tháng. Thế nhưng tôi vẫn không hết mơ ngủ, cảm giác mệt mỏi mỗi khi thức dậy vẫn không thuyên giảm. Mong bác sĩ giải đáp giùm tôi cách chữa trị hiệu quả (hay chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện….).

Chân thành cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào bạn!

Ngủ mơ là một hiện tượng rất bình thường và phổ biến ở mọi người. Nhưng nếu mơ nhiều, đêm nào cũng ngủ mơ sẽ gây tác động đến sức khoẻ. Ngủ là nhu cầu sinh lý của con người, não chỉ được nghỉ ngơi khi ta ngủ. Ngủ giúp phục hồi sức khoẻ sau một ngày làm việc. Tuổi bạn thì thời gian ngủ 7 – 8h/24h là phù hợp.

Ngủ mơ là trong thời gian ngủ mơ thấy một hiện tương hay sự việc nào đó… Mỗi đêm có khoảng 4 – 5 chu kỳ của giấc ngủ, kết thúc mỗi chu kỳ là một giấc mơ, mỗi chu kỳ kéo dài khoảng 90-120 phút. Càng về sáng, pha nhanh kéo dài hơn, như vậy giấc mơ cũng kéo dài hơn. Như vậy mơ ngủ là một hiện tượng tâm lý bình thường. Tuy nhiên như tôi đã nói ở trên nếu mơ xảy ra quá nhiều và tối nào ngủ cũng mơ thì cũng không tốt và tác động đến sức khoẻ.

Nguyên nhân của ngủ mơ quá nhiều và kéo dài:

Do tâm lý căng thẳng như gặp phải: Stress, áp lực công việc, trầm cảm, sau trấn thương, nghiện rượu,…

Do rối loạn cảm xúc, tâm thần phân liệt,…

Mơ có thể là biểu hiện của một số bệnh như rối loạn giấc ngủ, tim mạch, tuần hoàn máu không tốt,….

Với tình huống của bạn, bạn vẫn ngủ đúng giờ, không mất ngủ. Như vậy không phải là bạn bị rối loạn giấc ngủ, bạn cũng không có biểu hiện của rối loạn tiền đình hay của rối loạn thần kinh thực vật. Theo tôi bạn có thể bị stress hay áp lực công việc cơ quan và gia đình, hoặc cũng có thể gặp những bất ổn về tâm lý do những sang chấn tâm lý trong cuộc sống, ví dụ có những bất đồng với đồng nghiệp hay với lãnh đạo, bất đồng với các thành viên trong gia đình,… làm tâm lý căng thẳng mà gây ra hiện tượng hay mơ khi ngủ.

Để cải thiện tình trạng mơ ngủ ở bạn thì vấn đề cơ bản là làm cho tâm lý hết căng thẳng, bằng cách tạo cho mình một môi trường làm việc vui vẻ và thoải mái, tạo không khí trong gia đình vui vẻ và hoà thuận. Ngoài thời gian làm việc nên giành thời gian vui chơi giải trí, giao lưu bạn bè, tham gia công tác đoàn thể và xã hội để tạo sự hoà nhập giúp tâm lý vui vẻ và thư giãn. Du lịch sinh thái cuối tuần là giải phát rất tốt để thư giãn tâm lý. Tập thể dục, thể thao đều hàng ngày giúp nâng cao sức khoẻ và làm tinh thần sảng khoái. Tập yoga, ngồi thiền trước khi ngủ tối làm tĩnh tâm và tâm lý thư giãn.

Chúc bạn quyết tâm và thành công.

Ngủ mơ hay nghĩ về quan hệ tình dục là xuất tinh sớm


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Tôi tên là Nam, 19 tuổi, sống tại Thanh Hóa. Tôi có biểu hiện khi ngủ mơ hay nghĩ về quan hệ tình dục là tôi lại xuất tinh tự nhiên mà không biết lý do. Xin bác sĩ giải đáp giúp tôi.

Xin cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn.

Biểu hiện của bạn còn gọi là mộng tinh. Mộng tinh là một hiện tượng bình thường của cơ thể, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường xảy ra ở tuổi dậy thì và giảm dần sau khi có quan hệ tình dục thực sự. Hiện tượng mộng tinh cũng thường gặp ở những người đàn ông xa vợ trong thời gian dài, người hay xem phim tươi mát hoặc tranh ảnh khiêu dâm.

Chúc sức khỏe.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl