Những câu hỏi thường gặp ở người bị sâu răng


4,226
1
1
Xu
53
Sâu răng là bệnh răng miệng gây ra rất nhiều phiền toái cho người mắc phải. Dưới đây là tổng hợp những câu hỏi và thắc mắc về căn bệnh này.

Cách chữa hôi miệng và sâu răng?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Thưa bác sĩ! Em bị sâu răng cách đây 3 năm và em bị hôi miệng. Em có thể trị được hôi miệng không? Và xin bác sĩ chỉ cho em cách trị sâu răng hiệu quả.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền


Chào em!

Hôi miệng hoặc hơi thở có mùi hôi là chuyện thường thấy ở nhiều người mạnh khỏe, nhất là khi thức giấc vào buổi sáng sau một đêm ngủ. Hôi miệng gây tác hại không nhỏ đến cuộc sống con người, gây bất lợi trong giao tiếp, trong nghề nghiệp, trong tình cảm. Có rất nhiều lý do gây hôi miệng: sâu răng, viêm lợi, cao răng, miệng khô, viêm niêm mạc miệng… Ngoài ra, các bệnh lý đường hô hấp như viêm xoang mũi, viêm họng… cũng có thể là lý do gây hôi miệng.

Như em mô tả em bị sâu răng, đây là một trong những lý do gây hôi miệng. Vì vậy, em nên đi khám bác sĩ Răng – Hàm – Mặt để chữa trị kịp thời. Tùy theo vị trí của lỗ sâu, mức độ sâu và điều kiện kinh tế của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ chọn chất hàn phù hợp. Để phòng sâu răng và hôi miệng, em không nên ăn vặt, nhất là thức ăn có đường, tăng cường thức ăn có nhiều chất xơ như rau, táo, cam… Em cần vệ sinh răng miệng, cần chải răng đúng cách với kem chứa fluor, tốt nhất là sau bữa ăn dùng chỉ tơ nha khoa. Chải răng 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ. Lấy cao răng định kỳ 6 tháng 1 lần. Vệ sinh lưỡi hàng ngày bằng dụng cụ cạo lưỡi. Tăng cường lưu lượng nước bọt bằng cách uống nhiều nước, kiêng rượu, thuốc lá, tránh sự căng thẳng …

Chúc em vui, khỏe!

Sâu răng điều trị thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 14 tuổi không biết làm thế nào để chữa trị bệnh râu răng, bác sĩ có thể giúp cháu không ạ?

Cháu xin cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân


Chào cháu!

Sâu răng là bệnh rất phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi (từ những trẻ răng sữa cho đến người già). Thông thường sâu răng phát triển liên tục từ lớp nông đến lớp sâu của răng. Triệu chứng ban đầu là răng có chấm sâu đen nhỏ, lúc này người bệnh chưa cảm thấy gì, lỗ sâu răng chưa có và kích thích do thức ăn nóng, lạnh chưa xảy ra. Sau một thời gian răng biến đổi sang màu nâu hoặc màu đen. Lỗ sâu ở răng xuất hiện, người bệnh cảm thấy khó chịu khi thức ăn dắt vào lỗ sâu, cảm thấy buốt khi ăn thức ăn nóng, lạnh, đau do thức ăn nóng rắt vào. Nếu lỗ sâu tiếp tục bị sâu thì phần đáy lỗ bị bong can-xi và mềm hóa, làm cho bệnh nặng hơn. Khi răng đau kéo dài, hoặc mức độ đau, nhức gia tăng thì rất có thể tủy răng đã bị viêm.

Cháu nên đi khám bác sĩ Răng Hàm Mặt để được chẩn đoán xác định và tùy từng mức độ mà có biện pháp khắc phục kịp thời. Nếu răng sâu nông ở lớp ngà chưa đến tủy răng, bác sĩ nạo bỏ phần ngà răng bị sâu, nhằm ngăn chặn sâu tái phát, hàn theo dõi 7-10 ngày, sau đó không đau nhức mới hàn vĩnh viễn. Song cháu vẫn phải theo dõi định kỳ vì răng vẫn có khả năng sâu tái phát. Nếu đau nhức nhiều cháu có thể đã bị viêm tủy, bác sĩ sẽ chữa tủy răng (chữa trị Nội khoa) sau đó phục hình răng giúp cháu.

Để đề phòng sâu răng, trước hết cháu phải vệ sinh răng miệng sau khi ăn, trước khi đi ngủ. Hạn chế ăn thức ăn chứa nhiều đường. Dùng kem đánh răng có chứa Fluor, có thể dùng thêm nước súc miệng, diệt khuẩn sau bữa ăn. Cháu cần khám răng định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện những biến đổi của răng, có các biện pháp chữa trị phù hợp.

Chúc cháu vui, khỏe!

Sâu răng đau nhức không ngủ được


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ ạ!

Thưa bác sĩ, năm nay cháu 19 tuổi, cháu bị sâu răng hàm bên phải lâu rồi nhưng cả tuần nay tự dưng cháu bị đau răng quá, ngày thì đỡ đau nhưng khi ban đêm thì cơn đau dữ dội kéo theo tình trạng đau đầu và đau phần trước tai. Cháu đang dùng thuốc nhưng bệnh vẫn không suy giảm gây tác động đến tình trạng sức khỏe. Bác sĩ, có thể giải đáp cho cháu cách để bớt đau đi được không? Mỗi lần như vậy thực sự cháu rất mệt mỏi. Vì những cơn đau kéo dài về đêm, đau đớn. Nếu bây giờ cháu đi nhổ thì răng có mọc lại được không vậy bác sĩ. Cháu đau nhức phát khóc luôn, cứ lăn lộn mãi. Bác sĩ giúp cháu với, cấp cứu khẩn cấp ạ.

Cháu xin cám ơn!

Chào cháu!

Sao cháu cứ để các cơn đau nghi do răng hành hạ mà không đến khám các bác sĩ răng hàm mặt để chữa. Cháu đang dùng thuốc của ai cho đơn hay tự mua ở nhà thuốc về tự chữa? Nếu đúng là do răng sâu gây đau nhức vùng mặt, đau cả đầu thì người ta sẽ khắc phục răng sâu bằng nhiều cách.

Ưu tiên chữa răng: làm răng hết đau nhưng không phải nhổ. Nếu không còn cách nào khác thì đành phải nhổ bỏ răng và trồng lại răng giả sau đó. Răng vĩnh viễn đã nhổ thì không thể mọc lại được đâu. Ngoài lí do đau đầu mặt do răng, còn nhiều lí do gây đau đầu đau vùng mặt khác như đau thần kinh tam thoa, đau nữa đầu, đau do lí do tâm thần kinh, đau do chu kỳ kinh nguyệt, đau do viêm động mạch thái dương,…Mỗi loại đau có một đặc trưng riêng càn phải khám mới biết được. Các bệnh đau này nên đến gặp bác sĩ Nội thần kinh. Nếu cháu bị sâu răng hàm trên thì cũng phải chú ý lí do viêm xoang hàm do răng. Bệnh này cũng gây đau đầu, đau mặt và cần khám chữa ở bác sĩ Tai – Mũi – Họng.

Chúc cháu nhanh chóng kiểm soát được cơn đau đầu của mình!

Nguồn sưu tầm Nguồn: songkhoe.vn

Nữ 18 tuổi bị sâu răng


Câu hỏi bởi:

Thưa Bác sĩ! Em năm nay 19 tuổi, là nữ giới. Giờ em đang bị sâu răng rất là nhức vậy em có thể nhổ nó đi được không? Hay chữa trị bằng cách nào khác được không ạ?

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào em.

Theo như em kể trong thư thì răng của em đã bị sâu từ lâu, dẫn đến hậu quả là tủy chết khiến răng đau nhức. Với tình trạng này các Bác sĩ nha khoa có thể đặt thuốc diệt tủy để hết răng hết đau nhức, sau đó căn cứ vào tình trạng của lỗ sâu để có cách khắc phục phù hợp. Lỗ sâu có thể được làm sạch hết ngà mủn và trám bằng vật liệu amalgam, composite, xi măng glassionomer. Những lỗ sâu lớn có thể được hồi phục bằng inlay hoặc onlay kim loại hoặc sứ, răng vỡ lớn có thể được bọc bằng chụp kim loại hoặc chụp sứ. Nếu tình huống không thể bảo tồn được thì Bác sĩ có thể nhổ chiếc răng đó và làm răng giả thay thế. Do đó em cần sớm đi khám chuyên khoa răng hàm mặt để có hướng chữa trị phù hợp. Nếu được chữa trị kịp thời thì vẫn có cơ hội để bảo tồn và sử dụng chiếc răng đó như các răng bình thường khác.

Chúc em mau khỏi bệnh!

Sâu răng nhẹ có cần trám răng không?


Câu hỏi bởi: phoenix

Chào bác sĩ!

Cháu bị sâu răng, bác sĩ khám bảo còn nhẹ, chưa ảnh hưởng tới tủy, vậy giữ vệ sinh răng tốt hơn và không trám răng có được không ạ? Cháu sợ làm lỗ sâu to hơn và có nhiều trường hợp trám bị bong ra.

Cảm ơn bác sĩ ạ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân


Chào cháu!

Sâu răng là bệnh thường gặp ở tất cả mọi người, không phân biệt bất kì ai, trẻ em là lứa tuổi dễ mắc nhất. Trám răng là một biện pháp chữa trị trong Nha khoa rất phổ biến trong chữa trị sâu răng. Tùy vào đặc điểm của lỗ sâu là không có khả năng tự tái tạo và phục hồi mà bác sĩ có các biện pháp chữa trị cụ thể:

Đối với sâu men và sâu ngà nông: chữa trị trám răng vĩnh viễn bằng chất hàn Cement, Amalgan, Composite, tùy theo từng loại răng (răng hàm hay răng cửa).

Đối với sâu ngà sâu gồm 2 bước:

Hàn theo dõi (Euzenat): sau 3-6 tháng mà không có phản ứng gì thì hàn vĩnh viễn, còn nếu bệnh nhân thấy đau thì cần phải tiến hành chữa trị tủy.

Hàn vĩnh viễn: bằng chất hàn Cement, Amalgan, Composite, tùy theo từng loại răng. Song việc trám răng chỉ giúp khôi phục lại hình dáng và chức năng của răng bằng chất liệu nhân tạo, chứ không phải là chấm dứt sâu răng, có những tình huống lỗ sâu răng bị tái phát.

Vì vậy cháu nên đi khám răng định kì 6 tháng/lần, để có thể kịp thời phát hiện các bệnh răng miệng hoặc lỗ sâu răng tái phát. Phòng ngừa luôn là biện pháp tốt nhất. Để có hàm răng khỏe mạnh cháu nên hạn chế ăn nhiều chất bột đường gây phá hủy men răng, nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như trái cây tươi rau củ,… Khi đánh răng nên ép mặt bàn chải vào mặt răng với lực vừa đủ chải lên xuống, giúp làm sạch các kẽ răng. Không hút thuốc lá, uống nhiều cà phê gây ố răng và giảm tuổi thọ miếng trám.

Chúc cháu sức khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl