Đau thần kinh tọa và những điều cần biết


4,226
1
1
Xu
53
Dây thần kinh tọa là dây thần kinh dài nhất cơ thể, trải dài từ phần dưới thắt lưng đến tận ngón chân. Dây thần kinh tọa chi phối các động tác của chân, góp phần làm nên các động tác đi lại, đứng ngồi của hai chân. Đau dây thần kinh tọa biểu hiện đặc trưng bằng cảm giác đau lan dọc xuống phía đùi theo rễ thần kinh lưng 5 và rễ thần kinh sống 1.

Đau thần kinh tọa


Câu hỏi bởi: Giấu tên

thưa bác sĩ người thân của tôi năm nay 42 tuổi đau thần kinh tọa , có cần tránh những thức ăn gì không bác sĩ ? Bàn chân hay bị tê dẫn đến cảm giác nặng bàn chân . Uống thuốc tây vẫn không khỏi , làm cách nào để người thân tôi khỏi bệnh thưa bác sĩ ?

Bác sĩ Lê Thị Thanh Xuân


Chào bạn,

Người thân của bạn bị đau thần kinh tọa không cần tránh thức ăn gì đặc biệt.

Bác uống thuốc tây không khỏi thì phải tập các bài tập chữa thần kinh tọa , bơi hoặc tập yoga.

Chúc bạn sức khỏe!

Triệu chứng bệnh đau thần kinh toạ như thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 22 tuổi. Cách đây 3 năm cháu bị đau vùng cùng cụt, chỉ khi nằm xuống cháu mới đau thôi, khoảng 2 tuần thì hết. Bây giờ cháu lại bị lại, khoảng được 1 tháng rồi ạ. Thời gian này cháu thấy đau nhiều hơn, mỗi khi cháu nằm xuống rất khó khăn và phải nằm từ mới nằm thẳng xuống được, cháu đi đứng hay ngồi đều bình thường cả ạ. Xin bác sĩ tư vấn cho cháu biết cháu có phải đau dây thần kinh tọa không ạ, cháu chưa đi khám ở đâu cả ạ.

Cháu xin cảm ơn ạ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Xương cụt là phần cuối cùng của xương sống, được cấu tạo bởi 5 đốt sống tạo thành hình tam giác nối với xương hông. Đau xương cụt là đau xuất hiện ở xương cụt hoặc ở vùng cơ sát với xương cụt. Đau xương cụt không phải là bệnh quá nghiêm trọng, nhưng tác động đến chất lượng cuộc sống. Đây là căn bệnh đặc trưng của nữ giới vì xương cùng của nữ ngắn và rộng hơn so với nam giới. Khả năng giãn nở của các cơ, gân, đốt sống ở lưng của phụ nữ mạnh hơn ở nam giới, kém thích nghi với các hoạt động mạnh dẫn tới dễ bị đau buốt vùng lưng và xương cụt.

Triệu chứng của đau xương cụt:

Đau nhức hoặc nhói ở mông hoặc hông.

Đau xuống háng, hai chân, đầu gối và có thể đau mắt cá.

Cảm giác đau ở một chỗ sau đó lan rộng ra xung quanh.

Nguyên nhân gây đau xương cụt:

Nguyên nhân thông thường: Đặc điểm của bệnh là khi ngồi lâu hay khi đang ngồi mà đứng lên hoặc khi nén ép vào đầu nhọn của xương cùng cụt thì đau nặng thêm.

Nguyên nhân bệnh lý: Đa số phụ nữ bị đau xương cụt là do các bệnh phụ khoa gây nên.

Ngoài ra, có thể là do các bệnh nội khoa, bệnh xương khớp (viêm khớp dạng thấp hoặc thoái hóa khớp) hoặc những tổn thương từ bên ngoài như: bị ngã đập mông xuống đất hoặc va đập vào thành, góc các đồ vật, dụng cụ…

Viêm cơ quan sinh dục: Người bệnh có cảm giác đau buốt vùng thắt lưng, đau lưng, bụng dưới khó chịu hoặc bị chướng, sốt nhẹ, mệt, chán ăn… Cảm giác đau xương cụt nặng thêm khi làm việc quá nhiều, sau khi quan hệ tình dục hoặc trước kỳ kinh nguyệt.

Vị trí tử cung bất thường: Bình thường, tử cung của người phụ nữ thường hơi ngả về phía trước. Khi tử cung quá ngả về trước hoặc ngả về sau do tử cung và các tổ chức xung quanh bị viêm dính vào nhau sẽ khiến xương cụt bị đau. Trường hợp này thường xảy ra ở những người quá bận rộn, sinh đẻ nhiều hoặc đã từng làm phẫu thuật tử cung. Tử cung bị sệ xuống, thoát ra ngoài hoặc dính chặt bên trên có thể kéo dãn dây chằng, gây ra đau thắt lưng.

Vòng tránh thai bất thường: Một số phụ nữ đau xương cụt là do vòng tránh thai bất thường gây ra, như: kích cỡ vòng tránh thai không phù hợp với buồng tử cung, độ đàn hồi của vòng tránh thai quá lớn hoặc vị trí của vòng tránh thai bị lệch… Do đó, vòng tránh thai sẽ kích thích tới vách tử cung, gây ra đau xương cụt.

Khối u ở khoang chậu: Các khối u do u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung, khối u buồng trứng… trong giai đoạn đầu thường nằm sâu trong khoang chậu, không dễ bị phát hiện. Khi khối u chèn lên dây thần kinh hoặc tế bào ung thư xâm nhập vào tổ chức liên kết của khoang chậu sẽ dẫn tới đau xương cụt.

Các bệnh của hệ tiết niệu: Do đặc điểm sinh lý, phụ nữ rất dễ mắc các bệnh viêm nhiễm hệ tiết niệu như: viêm thận mãn, viêm thận cấp, viêm đường tiết niệu…

Ngoài ra, bị sỏi kết hạch hay có khối u trong hệ tiết niệu cũng có thể gây ra đau ở xương cụt.

Nguyên nhân sinh lý: Các yếu tố sinh lý dẫn đến đau xương cụt như chu kỳ kinh nguyệt, do khoang chậu sung huyết, tử cung xuất huyết… khiến thần kinh khoang chậu bị phù hoặc gây ra phản xạ dẫn đến xương vùng lưng đau mỏi. Phụ nữ cao tuổi do dây chằng nối với tử cung bị giãn ra, tử cung hạ thấp xuống cũng khiến xương cụt và vùng thắt lưng bị đau. Khả năng giãn nở của các cơ, màng gân và đốt sống lưng ở phụ nữ mạnh hơn ở nam giới rất nhiều, khả năng thích nghi với các vận động mạnh kém, dễ bị tổn thương dẫn tới đau buốt vùng thắt lưng.

Phụ nữ khi mang thai, trọng tâm cơ thể dồn về phía sau làm thay đổi kết cấu của các khớp nhỏ ở đốt sống lưng khiến các cơ, màng gân và dây chằng ở phần thắt lưng ở vào trạng thái căng thẳng trong một thời gian dài, hình thành nên những tổn thương mãn tính. Đồng thời khi mang thai, các cơ quan nội tạng trong cơ thể bị dịch lên phía trên, sau khi đẻ con, chúng đột nhiên hạ xuống, đây cũng là một trong những lí do quan trọng gây ra đau xương cụt và vùng thắt lưng cho phụ nữ.

Điều trị đau xương cụt: Để giảm đau nhức, người bệnh nên nằm nghỉ ngơi, kết hợp với một chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là bổ sung canxi cho cơ thể. Không chơi thể thao, vận động mạnh trong thời gian bị đau. Có thể kết hợp với các phương pháp xoa bóp, bấm huyệt hoặc uống thuốc giảm đau đặt vào hậu môn. Nếu chữa trị lâu ngày không khỏi, bác sĩ có thể khuyên người bệnh phẫu thuật cắt bỏ xương cùng.

Bạn nên đến bệnh viện khám chuyên khoa Cơ Xương Khớp hoặc để được chẩn đoán xác định bệnh, chữa trị kịp thời và dứt điểm nhé.

Chúc bạn sống khỏe!

Đau thần kinh tọa nên uống thuốc gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em 34 tuổi bị đau thần kinh tọa. 2 năm uống thuốc bác sĩ cho em không có giảm. Xin hỏi bác sĩ dùng thuốc nào cho khỏi nhanh ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Văn Hoạt


Chào bạn!

Như bạn nói bạn bị bệnh: “đau thần kinh tọa” rất có thể là bạn đã bị thoát vị đĩa đệm. Thoát vị đĩa đệm là một bệnh khá phổ biến. Tùy từng mức độ tổn thương mà Bác sĩ sẽ khuyên bạn nên chữa trị như thế nào (phẫu thuật hay chữa trị nội). Thông thường thoát vị đĩa đệm ở giai đoạn sớm chỉ cần chữa trị nội khoa và phục hồi chức năng là khỏi. Tuy nhiên cần phải chữa trị đúng phương pháp. Bạn đã chữa trị bằng dùng thuốc 2 năm không khỏi, rất có thể bạn chữa trị chưa đúng cách. Bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Cột sống để bác sĩ khám, cho chụp cộng hưởng từ xác định mức độ bệnh và cho bạn lời khuyên phù hợp.

Chúc bạn khỏe!

Có cách nào chữa bệnh đau thần kinh tọa không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ, ba cháu năm nay 55 tuổi, ba bị đau thần kinh toạ, dạo này ba bị đau ở mông sau đó ở bắp chân. Ba cháu uống rất nhiều thuốc tây với thuốc nam cũng chưa khỏi, đi đứng cũng khó khăn. Bác sĩ cho cháu hỏi mình dùng nhiều loại thuốc có tốt không và có cách luyện tập gì để mau khỏi không ạ?

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào cháu.

Đau dây thần kinh tọa là bệnh rất phổ biến và thường gặp ở lứa tuổi trung niên và người cao tuổi. Nguyên nhân dẫn đến đau thần kinh tọa có rất nhiều như:

Viêm dây thần kinh tọa do các bệnh giang mai, sốt rét cúm…

Các bệnh lý tại vùng cột sống như: thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống thắt lưng cùng, viêm cột sống dính khớp, nhiếm trùng cột sống…

Xuất hiện sau chấn thương vào vùng cột sống thắt lưng…

Tùy theo lí do gây bệnh mà có các biện pháp chữa trị cho phù hợp. Trường hợp của ba cháu không rõ có đi khám chưa và được chẩn đoán lí do gây đau thần kinh tọa là gì? Nên rất khó có thể giải đáp cụ thể cho cháu, tuy vậy trong giai đoạn của ba cháu hiện nay có thể áp dụng một số biện pháp sau:

1. Nghỉ ngơi tuyệt đối khi đau, nên nằm giường cứng, tránh nằm võng hay ngồi ghế xích đu. Tránh vận động mạnh như xoay người đột ngột, cúi gập người, không mang vác đồ vật quá nặng…

2. Dùng thuốc: Trong tình huống đau nhiều có thể sử dụng thuốc giảm đau như Aspirin, thuốc kháng viêm không steroid, hoặc phong bế dây thần kinh bằng Novocain kết hợp với Vitamin B12. Dùng các thuốc giãn cơ, an thần. Kháng sinh trong tình huống có nhiễm khuẩn…

3. Tập vật lý trị liệu: Tác động cơ học bằng cách kéo dãn cột sống, nắn cột sống, sử dụng các bước sóng ngắn, đắp nến…Đây là biện pháp đóng vai trò rất quan trọng trong chữa trị phục hồi. Tuy nhiên, người bệnh nên tới các trung tâm phục hồi chức năng để được hướng dẫn tập luyện đúng cách.

4. Ngoài ra, can thiệp phẫu thuật có thể cần thiết trong nhiều tình huống. Không tự ý mua thuốc về nhà sử dụng, không những không khỏi bệnh mà có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, vì các thuốc giảm đau thường có tác dụng phụ có hại cho hệ tiêu hóa, có thể dẫn tới viêm loét dạ dày.

Cháu nên đưa ba tới bác sĩ chuyên khoa Cơ Xương Khớp để được khám và chữa trị kịp thời, tránh bệnh ngày càng nặng thêm gây tác động tới cuộc sống.

Chúc cháu và gia đình luôn mạnh khỏe!

Đau dây thần kinh tọa trị thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Mẹ tôi bị đau lưng, đau nhức tay chân. Người ta bảo là bị đau dây thần kinh toạ. Mẹ tôi đã đi lễ (giác) tại nhà một ông thầy. Mấy ngày đầu cảm thấy đỡ nhưng sau này chỗ lễ ngay sau bắp chân của má tôi bỗng nhiên đau nhức và giờ không đi được nữa. Xin bác sĩ cho tôi biết lí do và thuốc điều trị.

Tôi cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Đau thần kinh tọa là một bệnh rất phổ biến, thường gặp ở những người lao động chân tay nặng nhọc. Các nghề nghiệp có tư thế làm việc gò bó như công nhân bốc vác, nghệ sĩ xiếc, ba-lê, cử tạ… làm tăng nguy cơ xuất hiện và tái bệnh. Nguyên nhân chính của bệnh là do thoát vị đĩa đệm vùng cột sống thắt lưng. Đĩa đệm nằm ở khe giữa hai đốt sống, có lớp vỏ sợi bọc nhân nhày ở trung tâm. Nhờ tính đàn hồi, đĩa đệm làm nhiệm vụ như 1 giảm sóc, bảo vệ cột sống khỏi bị chấn thương (ngã dồn cột sống, khiêng vác nặng…). Ở những người trên 30 tuổi, đĩa đệm thường không còn mềm mại, nhân nhày có thể bị khô, vòng sụn bên ngoài xơ hóa, rạn nứt và có thể rách. Trên cơ sở đó nếu có một lực ảnh hưởng mạnh vào cột sống (chấn thương, gắng sức…), nhất là sau động tác cúi xuống nâng vật nặng, nhân nhày có thể qua chỗ rách của đĩa đệm thoát vị ra ngoài chui vào ống sống gây chèn ép rễ thần kinh vùng cột sống thắt lưng gây đau thần kinh tọa hoặc do các dị dạng bẩm sinh (quá phát mỏm ngang, gai đôi hay quá phát mỏm ngang các đốt sống thắt lưng cuối hay đốt sống cùng đầu tiên) hay thứ phát vùng cột sống thắt lưng (thoái hóa cột sống thắt lưng, u, viêm cột sống dính khớp, … viêm đốt sống do nhiễm khuẩn…).

Ngoài ra yếu tố tâm lý hay làm việc trong tư thế xấu, gò bó, rung sóc, chấn thương, mang vác nặng ở tư thế sai là yếu tố thuận lợi thúc đẩy xuất hiện và tái phát của bệnh. Một số nghề nghiệp có tư thế làm việc gò bó, phải mang vác và lao động nặng hoặc vượt quá ngưỡng sinh lý như: công nhân bốc vác, công nhân mỏ, nghệ sĩ xiếc, bale, cử tạ… Nói chung, với các BN làm nghề chân tay nặng nhọc hoặc hoạt động thể thao sẽ dễ xuất hiện và tái phát bệnh hơn.

Biểu hiện bệnh đau thần kinh tọa triệu chứng đặc trưng bằng cảm giác đau lan dọc xuống phía đùi theo rễ thần kinh lưng 5 (L5) và rễ thần kinh sống 1 (S1). Nếu rễ thần kinh L5 bị tổn thương thì có hiện tượng đau dọc từ lưng eo phía ngoài xuống ngoài động mạch cẳng chân tới tận ngón chân út. Nếu rễ thần kinh S1 bị tổn thương thì đau dọc ra phía sau mông, thẳng xuống sau đùi, sau bắp cẳng chân tới phía ngoài bàn chân. Nếu bị bệnh thần kinh tọa trên (thần kinh hông) thì đau thường tới phía trên đầu gối; nếu bị thần kinh tọa dưới thì đau tới mắt cá ngoài bàn chân. Trong tình huống đau nhẹ, người bệnh vẫn đi lại, làm việc bình thường. Nếu đi lại nhiều, đứng nhiều, ngồi nhiều trong một ngày, đau có thể tái phát. Nếu đau nhiều thì khi chân giẫm mạnh xuống đất, ho mạnh, hắt hơi, đi đại tiện rặn cũng đau. Khi bệnh nặng người bệnh thấy chân tê bì, mất cảm giác không kiểm soát được tiểu tiện. Có tình huống đau dữ dội khiến người bệnh phải nằm về phía đỡ đau và không thể động đậy.

Việc chữa trị tốt nhất đối với bệnh đau thần kinh tọa là kết hợp các biện pháp nội khoa, đông y, ngoại khoa, tâm lý, vật lý trị liệu và phục hồi chức nǎng. – Một số phương pháp vật lý trị liệu phổ biến: Có thể dùng các biện pháp chiếu tia hồng ngoại, sóng ngắn, từ trường, điện dẫn thuốc lên vùng cột sống thắt lưng nhằm giảm đau và giảm co cứng cơ. Khi có điều kiện có thể sử dụng liệu pháp tắm cát, tằm bùn và đắp bùn, tắm nhiệt, tắm suối khoáng, liệu pháp biển (chữa trị bằng nước biển, bùn biển, rêu và khí hậu biển).

Phương pháp đông y có thể sử dụng. Phương pháp thứ nhất là châm cứu, đây là phương pháp được sử dụng tương đối nhiều và cũng khá hiệu quả, tập trung vào các huyệt vùng thắt lưng tương ứng với các rễ thần kinh, các huyệt nằm dọc theo đường đi của dây thần kinh. Ngoài ra, còn có thể sử dụng các huyệt tại chỗ hoặc xa nơi vùng đau với các thủ pháp khác nhau, tùy theo tính chất hàn nhiệt, trạng thái hư thực, tính chất nông sâu của từng người bệnh. Thời gian kéo dài liệu trình phụ thuộc vào mức độ tiến triển của bệnh. Phương pháp thứ hai, một phương pháp tương đối đơn giản đó là đắp chườm vùng lưng hoặc chân đau bằng nước ấm nóng, muối rang, lá ngải cứu hay lá cúc tần sao nóng, thêm ít dấm hoặc dán cao giảm đau. Thông thường, phẫu thuật được chỉ định khi: chữa trị nội khoa không đỡ sau 6 tháng; hoặc có biến chứng liệt, teo cơ, rối loạn cơ tròn; bệnh nhân đau dữ dội, đau tái phát nhiều lần, tác động nghiêm trọng đến sinh hoạt và lao động. Mẹ bạn hiện nay không thể đi lại được nữa chứng tỏ bệnh đã tiến triển nặng. Trường hợp của mẹ bạn nên đi chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng xem mức độ chèn ép rễ thần kinh đến đâu và giải đáp bác sĩ về phương pháp chữa trị tối ưu nhất.

Chúc mẹ con bạn khỏe mạnh!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl