Phương pháp điều trị gai cột sống hiệu quả


4,226
1
1
Xu
53
Gai cột sống khiến người bệnh di chuyển chậm chạp, khó khăn. Vậy đâu là phương pháp hiệu quả để điều trị? Cùng tham khảo những lời khuyên từ bác sĩ qua tuyển tập bên dưới để có thêm kiến thức về vấn đề này.

Phương pháp điều trị gai cột sống


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Năm nay, mẹ cháu 40 tuổi và mắc bệnh đau gai cột sống. Lâu lâu nếu đau quá thì mẹ cháu cũng đi chích một lần từ 2 -3 mũi. Vậy bác sĩ cho cháu hỏi áp dụng phương pháp trị liệu nào để có thể hết được căn bệnh này? Ngoài ra chế độ ăn uống, luyện tập như thế nào cho hợp lí?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào cháu.

Bệnh ở cột sống có nhiều loại bệnh như thoái hóa, thoái vị đĩa đệm, trượt đốt sống, viêm đốt sống, các loại bệnh ở tủy sống. Với bệnh gai đôi cột sống thường gặp ở L5, S1 do sự cốt hóa không hoàn toàn ở gai sau, nhưng thực ra bệnh này khi phát hiện được ở người trưởng thành thì không phải là lí do gây đau. Với bệnh thoái hóa cột sống lâu ngày có thể dẫn tới gai cột sống gây đau nhiều cho bệnh nhân, chữa trị chủ yếu sử dụng các thuốc giảm đau chống viêm và vật lý trị liệu. Mẹ cháu có thể đến các khoa Nội thần kinh của bệnh viện để được khám bệnh chính xác và chữa trị. Mẹ cháu cần chữa trị theo đúng chỉ định của bác sĩ chứ không được tiêm các thuốc không đúng. Về chế độ ăn uống cần hạn chế ăn chất béo, nhất là mỡ động vật; cần ăn tăng cường rau quả uống sữa, bổ sung thêm canxi. Cần tránh lao động nặng, nhất là các động tác cúi, vặn, xoay người.

Chúc sức khỏe.

Chữa trị bệnh gai đôi cột sống


Câu hỏi bởi: ngo quang truong

Chào bác sĩ!

Năm nay em 27 tuổi em bị gai đôi cột sống, em muốn hỏi bệnh này có thể chữa trị được không và bằng cách nào thưa bác sĩ?

Em cám ơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Huệ


Chào em!

Bệnh gai đôi cột sống (hay gọi là chứng nứt đốt sống) là một dị tật bẩm sinh do sự phát triển bất thường của cột sống và thường hay gặp ở vùng cột sống thắt lưng-cùng (do ống thần kinh và phần xương sống nằm phía trên của phần dây sống không đóng hoàn toàn). Bệnh có thể gặp ở trẻ nhỏ (có thể triệu chứng kèm theo thoát vị các tổ chức trong ống sống: thoát vị tủy, màng não tủy) hoặc tới khi trưởng thành mới triệu chứng biểu hiện.

Người ta chia gai đôi cột sống làm 3 thể: gai đôi cột sống ẩn, gai đôi có nang và thoát vị màng não. Triệu chứng bệnh gai đôi cột sống có người không có triệu chứng gì nhưng thông thường triệu chứng là biểu hiện đau cột sống mãn tính như thỉnh thoảng có những đợt đau lưng cấp, dị cảm ở chân khi cúi, hạn chế vận động vùng cột sống thắt lưng và nặng thì có thể bị liệt, mất cảm giác…

Điều trị bệnh gai đôi cột sống nếu không có biểu hiện chèn ép thần kinh thì chủ yếu là chữa trị bảo tồn, dùng các thuốc giảm đau, kháng viêm không Steroid, giãn cơ cùng với các phương pháp y học cổ truyền như xoa bóp, bấm huyệt cũng như vật lý trị liệu. Ngoài ra, em nên luyện tập thể dục thể thao đều đặn (bơi lội, aerobic, yoga). Nếu có các triệu chứng của chèn ép thần kinh hoặc các tổn thương khác trong ống tủy thì có thể phẫu thuật chữa trị.

Tóm lại, em nên xác định chung sống với bệnh, tăng cường tập luyện thể thao và chế độ ăn hợp lý giúp cho trọng lượng cơ thể không bị thừa quá nhiều (thừa cân, béo phì) làm tăng sức nặng của cơ thể lên đốt sống bị bệnh.

Chúc em mạnh khỏe!

chữa thoái hóa và gai cột sống


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Tôi năm nay 34 tuổi bị thoái hóa và gai cột sống. Xin hỏi bác sĩ cách chữa trị như thế nào?

Cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn!

Thoái hóa cột sống là một bệnh khá phổ biến, thường gặp ở tuổi 40 trở lên. Biểu hiện của bệnh là những cơn đau lưng xuất hiện thường xuyên, ê ẩm. Để chữa trị thoái hóa cột sống, trong tình huống đau nhiều, có thể sử dụng các thuốc chống viêm không Steroid như Diclofenac, Ibuprophen, Indometacine dạng tiêm hoặc uống. Tuy nhiên các loại thuốc này có nhiều tác dụng phụ và nhất thiết phải được sử dụng theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Ngoài ra, thuỷ châm hoặc châm cứu cũng có thể giúp cải thiện tình trạng đau đớn. Các giải pháp vật lý trị liệu như chiếu đèn hồng ngoại, điện xung, chườm nóng, đắp Parafin nóng có thể giúp giảm đau và làm chậm quá trình thoái hóa; kéo giãn cột sống có thể làm giảm chèn ép các rễ thần kinh. Tất cả các phương pháp này đều phải được thực hiện theo sự hướng dẫn của người có chuyên môn. Chế độ ăn giàu canxi là rất quan trọng, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai, nuôi con bú và phụ nữ tuổi mãn kinh.

Ở tuổi của bạn, bị thoái hóa cột sống là hơi sớm. Rất tiếc bạn không nói rõ bạn là nam hay nữ, công việc của bạn là gì nên tôi không thể giải đáp cho bạn một cách cụ thể hơn. Theo tôi, nếu chưa có biến chứng nghiêm trọng như thoát vị đĩa đệm, chèn ép rễ thần kinh, bạn nên học cách chung sống hòa bình, giảm quá trình thoái hóa và cải thiện dần dần bằng cách điều chỉnh chế độ ăn, không hút thuốc, uống rượu bia, nên vận động ngoài trời, tập thể dục thường xuyên, nhẹ nhàng vừa sức.

Bạn cần tránh bị lạnh, lạnh sẽ làm co rút các cơ khiến cột sống phải chịu áp lực nhiều hơn. Nếu bị co cơ, bạn cần chườm nóng hoặc chiếu đèn hồng ngoại để giúp giãn cơ, giảm chèn ép cột sống. Bạn cũng không nên chơi các môn thể thao vận động mạnh hoặc lao động quá sức, mang vác vật nặng. Trong các môn thể thao, bơi lội rất tốt cho cột sống. Bạn cũng có thể tập yoga nhưng lưu ý tập dần dần, nhất là các động tác khó, có ảnh hưởng nhiều đến cột sống. Khi bạn có những biến chứng như đau vai gáy, đau thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm, giảm vận động hoặc liệt các chi, bạn cần đến khám bác sĩ chuyên khoa Cơ Xương Khớp càng sớm càng tôt và chữa trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Chúc bạn sớm khỏi bệnh!

Điều trị gai cột sống như thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em bị đau gai cột sống. Vậy phải chữa trị như thế nào?

Em cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn!

Rất có thể bạn bị thoái hóa cột sống. Thoái hóa cột sống cũng là một thoái hóa khớp. Thoái hóa khớp là một bệnh tự miễn gây nên viêm các khớp, các mô của cơ thể bị lỗi và bị tấn công bởi chính hệ thống miễn dịch. Thoái hóa khớp là một bệnh mãn tính, có nghĩa rằng có thể có những chu kỳ có hoặc không có biểu hiện, bệnh kéo dài ngày một nặng và có thể xuất hiện các gai xương, bệnh không bao giờ khỏi hoàn toàn. Điều trị sớm là chìa khóa để giải quyết vấn đề về bệnh. Bạn nên đi khám bác sĩ sẽ khuyên bạn cách chữa trị phù hợp.

Chúc bạn khỏe!

Nam 25 tuổi bị gai cột sống


Câu hỏi bởi: quanglich

Chào Bác sĩ! Cháu tên là Lịch, năm nay cháu 26 tuổi. Cháu đi chụp X-quang người ta nói cháu bị gai cột sống và đã được phẫu thuật nhưng giờ vẫn không khỏi. Vậy cháu phải làm thế nào ạ?

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào cháu.

Trong thư cháu không nói rõ đã mổ được bao lâu và tình trạng hiện tại thế nào. Nếu cháu mới mổ thì cần có thời gian để chỗ mổ phục hồi. Còn nếu cháu phẫu thuật đã lâu mà hiện giờ vẫn tiếp tục đau thì cháu nên đi khám lại để được làm các xét nghiệm chiếu chụp cần thiết, từ đó có hướng chữa trị phù hợp.

Gai cột sống là bệnh do thoái hóa cột sống, việc chữa trị bệnh tương đối khó và phức tạp. Sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của Bác sĩ, cùng với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục với cường độ vừa phải rất hay, nhất là những bài tập để củng cố nhóm cơ lưng (như bơi, đi bộ, tập thể dục nhịp điệu, tập yoga), lối sống lạc quan yêu đời sẽ giúp bệnh được cải thiện nhiều.

Chúc cháu luôn khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl