Ung thư dạ dày và những yếu tố nguy cơ


4,226
1
1
Xu
53
Bệnh nhân ung thư dạ dày thường là những người có nhóm máu A với tỉ lệ bệnh cao hơn những nhóm máu khác, di truyền cũng là một yếu tố nguy cơ, điều này thể hiện, nếu trong nhà có người bị ung thư dạ dày thì tỷ lệ con, cháu bị cao hơn gấp 4 lần so với những người khác. Những lý giải sâu hơn từ chuyên gia sẽ giúp bạn hiểu hơn về những yếu tố nguy cơ này.

Hỏi về ung thư dạ dày?


Câu hỏi bởi: Dang The An

Thưa bác sĩ, người thân của con năm nay 70 tuổi, thời gian gần đây thì bệnh nhân có triệu chứng đầy hơi chứng bụng mỗi khi ăn no và nằm, sau đó thì gia đình con có đưa bệnh nhân đến bệnh viện tỉnh và được chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy, theo chuẩn đoán của bệnh viện thì con được một số hình ảnh như sau đây:
Con muốn hỏi bác sĩ về tình trạng bệnh của ông con có phải là ung thư dạ dày hay không? Nếu là ung thư dạ dày thì đang ở giai đoạn thế nào? Vì chưa có kết luận bệnh án cùa bệnh viện nên hiện tại gia đình con rất lo lắng, mong bác sĩ có thể giải đáp và cho biết cách điều trị thích hợp. Con xin cảm ơn!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Theo như các tài liệu mà bạn cung cấp thì tình trạng của bệnh nhân là rất nặng nề: Bệnh Ung thư dạ dày, đã di căn lên gan và phổi. Vì chưa có kết quả sinh thiết chẩn đoán tế bào học nên bệnh viện chưa đưa ra chẩn đoán quyết định.

Chúc bạn và gia đình mạnh khỏe

Bị ung thư dạ dày giai đoạn 1 và đã cắt bỏ 2/3 dạ dày


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Mẹ cháu 55 tuổi bị ung thư dạ dày giai đoạn 1 và đã cắt bỏ 2/3 dạ dày cách đây 3 năm mà không phải dùng tới biện pháp hóa trị. Vừa rồi đi khám định kỳ, khi nội soi thấy mối nối vết mổ bị viêm phù nề xung huyết mạnh nhưng bác sĩ bảo không sao và không phải sử dụng thuốc. Nhưng cháu mang kết quả đó nhờ 1 bác sĩ chuyên khoa ung bướu bệnh viện khác hỏi thì lại khuyên phải dùng thuốc ức chế tiết axit dạ dày. Hiện nay cháu rất hoang mang vì nếu cứ để tình trạng viêm thế này lâu ngày sợ bệnh nặng thêm rất nguy hiểm. Vậy bác sĩ giải đáp giúp cháu xem như kết quả của mẹ cháu thì có cần phải uống thuốc không ạ, và nếu uống thuốc thì có loại thuốc nào chữa viêm mà tốt cho bệnh nhân ung thư dạ dày không ạ. Cháu cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào cháu.

Trường hợp của mẹ cháu bị viêm xung huyết ở miệng nối dạ dày. Mặc dù tình trạng này có thể tự hết, nhưng cũng có thể dẫn đến những biến chứng như viêm loét ở miệng nối. Mẹ cháu đã cắt 2/3 dạ dày, nghĩa là phần lớn phần dạ dày có các tế bào tiết axít đều đã được cắt bỏ nên việc sử dụng các thuốc chống tiết axít ít có vai trò trong bệnh cảnh này. Tuy nhiên sau khoảng 15 ngày mẹ cháu nên đi khám lại để bác sĩ đánh giá lại mức độ viêm ở chỗ miệng nối để có hướng chữa trị cụ thể.

Chúc mẹ cháu và gia đình luôn khỏe mạnh!

Nên dùng thuốc gì để kéo dài tuổi thọ cho người ung thư dạ dày?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Xin hỏi bác sĩ bố tôi bị bệnh ung thư dạ dày thì nên dùng thuốc gì để kéo dài tuổi thọ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đặng Phương Liên


Chào bạn!

Trong thư bạn không cho biết rõ bố bạn được chẩn đoán ung thư dạ dày ở giai đoạn nào, đã có di căn hay chưa, đã chữa trị gì và đáp ứng chữa trị ra sao… nên rất khó giải đáp cụ thể. Khi bị ung thư, cũng như các bệnh nặng khác, muốn kéo dài tuổi thọ, cần chữa trị chính căn bệnh đó.

Về chữa trị ung thư dạ dày, có các phương pháp phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Việc lựa chọn phương pháp chữa trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố: giai đoạn bệnh, sức khỏe bệnh nhân nói chung và các bệnh kèm theo, khả năng của thầy thuốc cũng như trang thiết bị của bệnh viện. Tuy nhiên, phẫu thuật là vũ khí chính trong chữa trị ung thư dạ dày, kể cả ở giai đoạn sớm cũng như giai đoạn muộn. Phương pháp hóa trị và xạ trị được cân nhắc phối hợp cho từng tình huống cụ thể. Ung thư dạ dày đứng hàng thứ 2 về nguyên nhân gây tử vong do ung thư trên toàn thế giới. Tỷ lệ mắc ở Việt Nam cũng cao (đứng hàng thứ 2 và 3), tỷ lệ sống 5 năm còn rất thấp. Song nếu bệnh nhân được phát hiện sớm, chữa trị phẫu thuật và phối hợp hóa trị bổ trợ hợp lý sẽ nâng cao kết quả chữa trị, kéo dài thời gian sống thêm cho bệnh nhân.

Bạn nên đưa bố đi khám chuyên khoa Ung bướu tại bệnh viện Đa Khoa tỉnh/thành phố nơi gia đình sinh sống, để được bác sĩ khám, đánh giá thực thể và có kế hoạch chữa trị cụ thể. Không nên tự ý uống thuốc bổ, thuốc Nam… khi chưa có ý kiến của bác sĩ, tránh gây biến chứng làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Chúc bạn và gia đình sức khỏe!

Ung thư dạ dày và u đầu tuyến tụy có khả năng điều trị khỏi không?


Câu hỏi bởi:

Thưa bác sĩ!

Ba cháu bị ung thư dạ dày đã được phẫu thuật cắt 2/3 dạ dày được 3 tháng. Hiện nay sức khỏe ba cháu rất yếu, không ăn uống được và bị ói liên tục. Ba cháu bị ứ nước thận và cao huyết áp phát hiện cùng lúc với ung thư dạ dày. Hôm nay bác sĩ chẩn đoán ba cháu bị tắc ruột có nguy cơ giãn ruột, bị u đầu tuyến tụy di căn do ung thư dạ dày. Bác sĩ cho cháu hỏi: Với tình trạng sức khỏe ba cháu như hiện nay thì có khả năng chữa trị khỏi không? Nếu không thì ba cháu có thể sống được bao lâu nữa?

Cháu xin cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Trường hợp của bố bạn bị ung thư dạ dày di căn đầu tụy. Bố bạn bị cao huyết áp và ứ nước tại thận. Với tình trạng sức khỏe của bố bạn như vậy thật sự là khó có thể chữa được. Hiện nay khối u đầu tụy đã chèn ép gây nên tình trạng tắc ruột nên chắc cũng không được bao lâu nữa. Bạn nên cho bố chữa trị nâng đỡ cơ thể và chữa trị biểu hiện thôi. Nếu đau quá thì bạn phải cho uống thuốc giảm đau, nếu thuốc giảm đau thông thường không hiệu quả thì bạn phải cho bố bạn dùng thêm Morphine.

Chúc bạn có sức khỏe tốt để chăm sóc cho bố!

Bệnh ung thư dạ dày nên ăn uống thế nào cho tốt?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ.

Bạn tôi năm nay 26 tuổi. Anh ấy có đi nội soi cách đây hơn 1 năm, bác sĩ chẩn đoán bị ung thư dạ dày và cho thuốc uống. Nhưng giờ anh ấy không uống nữa, anh ấy hay bị ợ hơi và thỉnh thoảng đau bụng mỗi khi uống rượu. Tôi muốn hỏi có phải bệnh anh ấy đang nặng hơn không? Người bị ung thư dạ dày nếu không điều trị thì sống được bao lâu nữa ạ và nếu chữa khỏi thì sống được bao lâu ạ? Tôi nên khuyên anh ấy chế độ ăn uống như thế nào cho tốt ạ?

Tôi cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn.

Ung thư dạ dày là một bệnh ác tính của tổn thương dạ dày, lí do chưa rõ ràng, tiến triển nhanh, chẩn đoán sớm khó khăn, tiên lượng nặng, chưa có phương pháp chữa trị đặc hiệu. Bạn của bạn được chẩn đoán bị ung thư dạ dày và cho thuốc uống. Bạn cần khuyên anh ấy chữa trị tích cực và kiêng tuyệt đối mọi tác nhân làm cho tình trạng bệnh nặng thêm như uống rượu, bia, hút thuốc. Ung thư dạ dày cũng là bệnh có tiên lượng xấu, tỉ lệ sống trên 5 năm dưới 40%. Ngoài việc tích cực chữa trị, ăn uống lành mạnh, tiên lượng bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

Thể bệnh: K thể loét tiên lượng nhẹ hơn loại xâm nhiễm, sùi.

Vị trí K ở trên 1/3 dạ dày nặng hơn K ở đoạn giữa và dưới dạ dày.

Xâm nhập theo chiều sâu: Càng ăn sâu càng nặng. Nếu hạch không bị xâm nhiễm tỷ lệ sống còn 80%. Nếu thanh mạc bị thì tỷ lệ hạ xuống còn 40%, khi tổn thương qua lớp thanh mạc thì chỉ còn 18%.

Về mô bệnh học: Tiên lượng càng kém nếu u kém biệt hoá. Nếu nhiều Lympho xâm nhiễm mạnh tiên lượng tốt hơn.

Sự xâm nhập vào hạch là một yếu tố tiên lượng chủ yếu sau mổ.

Nếu mọi cái đều giống nhau mà không có tổn thương hạch thì tỷ lệ sống 45%. Nếu hạch bị xâm chiếm tỷ lệ sống 12%.

Nếu hạch xa bị tổn thương tiên lượng càng xấu. Hạch càng dễ bị tổn thương khi tế bào K ít biệt hoá.

Khi đại thể là ít thâm nhiễm, khi tổn thương K càng ăn sâu vào thành dạ dày (<10% đối với K thuần tuý ở niêm mạc, >80% nếu thanh mạc đã bị K xâm nhiễm) hoặc khi K ở vị trí trên cao của dạ dày. K ở phần trên dạ dày hay có tổn thương vào hạch rất cao, đặc biệt 2/3 số ca đã có tổn thương ở các hạch tuỵ, lách và thường là tiềm tàng.

Để kéo dài thời gian sống, bạn của bạn cần tích cực chữa trị và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Chế độ dinh dưỡng của người bệnh ung thư dạ dày cần có đủ các dưỡng chất: Chất đạm (thịt gia cầm, thịt nạc, cá, tôm…), chất béo không bão hòa (từ dầu hạt cải, dầu oliu, hạt oliu, quả bơ), tinh bột (gạo, ngô, lúa mì, hạt lúa mạch, khoai tây, khoai lang, khoai sọ, sắn…) và rau quả. Thức ăn dành cho người ung thư dạ dày phải là thức ăn mềm cần được nấu mềm nấu chín nhừ như cháo, súp, các món hầm để người bệnh dễ hấp thu, nên cho ăn thành 6-7 bữa/ngày.

Bên cạnh đó, người bệnh ung thư dạ dày cần tránh ăn các loại thực phẩm như: Các thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh, các loại quả chua (chanh, cam bưởi chua, dấm..), các loại thực phẩm tạo hơi trong dạ dày (các loại đậu đỗ, các loại dưa cà muối, hành…), các loại thực phẩm làm hư hại niêm mạc dạ dày (rượu, bia, ớt, tỏi, cà phê, chè…), các loại thức ăn tăng tiết axit (các loại nước sốt thịt, cá đậm đặc…).

Chúc các bạn mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.