Những vấn đề thường gặp liên quan đến gai cột sống


4,226
1
1
Xu
53
Gai cột sống ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt của bênh nhân. Cùng bổ sung kiến thức về căn bệnh này qua tuyển tập câu hỏi sau đây.

Bị gai đôi cột sống điều trị như thế nào là tích cực nhất?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Năm nay tôi 28 tuổi. Cách đây chừng 4 tháng tôi có chơi thể thao – hít xà đơn và bị đau lưng. Lúc đầu tôi nghĩ mình bị đau cơ nên không để ý. Nhưng sau 1 tuần không khỏi nên tôi đã đi khám. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị gai đôi cột sống lưng. Tuy nhiên tôi lại không bị đau vùng thắt lưng nhiều mà chủ yếu đau vùng ngang lưng (đối diện vùng ngực dưới). Tôi đã dùng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, chống viêm, thuốc giãn dây chằng, thậm chí là tiêm giảm đau nhưng không khỏi. Vậy xin hỏi bác sĩ liệu tôi có phải bị gai không? Cách chữa trị tích cực nhất là như thế nào? Hiện tại tôi vẫn đi lại vận động nhẹ nhàng và không có triệu chứng gì. Nhưng hơi cúi xuống và gồng lưng thì lại bị đau. Rất mong được sự giải đáp của các bác sĩ.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Bạn chụp X-quang xác định là gai đôi cột sống thì chẩn đoán này là chính xác. Gai đôi cột sống không phải là cột sống mọc gai, mọc những hai gai. Mà là, hiện tượng gai sau cột sống khép không kín (trên hình ảnh phim X-quang cột sống không thấy gai sau bị chẻ làm hai). Hiện tượng này gây ống sống chứa thần kinh tủy bị hở chỗ đốt sống có gai, đôi dây thần kinh trong ống sống chui vào chỗ này và bị chèn ép gây đau.

Bạn đã uống thuốc giảm đau, chống viêm nhưng không có thuyên giảm thì có thể nghĩ đến đau ngang lưng là do gai đôi cột sống. Giải pháp tích cực nhất là phẫu thuật bịt lỗ hở này lại. Biện pháp vận động nhẹ nhàng, hạn chế cúi, nhất là khom lưng mang vật nặng có tác dụng hạn chế đau do gai đôi cột sống.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Cháu bị gai đôi cột sống S1 và hở eo L5


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Năm nay chau 25 tuổi, cháu chuẩn bị lập gia đình và mới đây cháu bị đau lưng đi khám bác sĩ và được chuẩn đoán là cháu bị gai đôi cột sống S1 và hở eo L5. Vậy bác sĩ giải đáp giúp cháu xem rằng gai đôi cột sống S1 và hở eo L5 có tác động tới hạnh phúc gia đình cháu trong tương lai không? Và cụ thể có anh hưởng tới khả năng sinh sản của cháu không? Cháu là nam ạ. Xin bác sĩ giải đáp giúp cháu.

Cháu xin cam ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào em.

Gai đôi và hở eo đều là những dị tật bẩm sinh nguyên do của quá trình cốt hoá của cột sống thiếu hoàn thiện.

Gai đôi hay gặp ở L4, L5 và S1 là hiện tượng thiếu hổng của mỏm gai hoặc mỏm gai tách làm hai. Trên phim chụp X-quang cột sống tư thế thẳng có thể nhìn rõ gai sau bị tách làm hai hoặc thiếu hổng hoàn toàn.

Hở eo: Nguyên nhân là sự cốt hoá không đầy đủ ở phần cuống sống, thường gặp ở đốt sống L4, L5, hình ảnh hở eo đốt sống thấy được trên phim chụp X-quang cột sống chếch 3/4. Hở eo đốt sống thường gây nên bệnh trượt đốt sống ra trước. Trượt do hở eo thân đốt hoàn toàn tự phát, đôi khi sau một cơ hội có chấn thương nhẹ ở cột sống. Như vậy bệnh của em không hề tác động tới khả năng sinh sản. Em nên lao động nhẹ nhàng, tránh mang vác vật nặng, nhất là tư thế cúi người. Khi nào xuất hiện đau lưng em nên đến bệnh viện để kiểm tra.

Chúc em mạnh khỏe.

Vôi hoá cột sống đốt l4, 5 và đốt cùng, gai cột sống, mỏi lưng và run tay chữa trị ra sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cháu đi khám ở bệnh viện 108 thì bị vôi hoá cột sống đốt l4, 5 và đốt cùng, ngoài ra còn bị gai cột sống, giờ cháu thấy hay mỏi lưng và run tay, xin bác sĩ cho cháu biết cách chữa trị.

Cháu xin cảm ơn.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào em.

Bệnh vôi hóa cột sống thường gặp ở những người trên 40 tuổi và có liên quan tới lao động nặng. Vôi hóa cột sống là tình trạng thoái hóa các dây chằng liên đốt sống dẫn đến bị sơ cứng và canxi hóa. Gai đốt sống có lí do từ thoái hóa cột sống. Tình trạng vôi hóa và gai cột sống có thể gây đau khi gai chạm vào các phần mềm xung quanh và rễ thần kinh, đặc biệt khi đi lại. Điều trị chủ yếu dùng các thuốc chống viêm giảm đau nhóm Non-steroid, vật lý trị liệu như điện xung, sóng ngắn, đắp nến, xoa bóp. Trường hợp đau nhiều có thể cắt gai bằng vi phẫu thuật rất hiệu quả. Em nên đến khoa Nội thần kinh của bệnh viện để chữa trị.

Chúc em mạnh khỏe.

Sau khi phẫu thuật gai cột sống lưng bao lâu mới đi lại được?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ!

Chồng em năm nay 31 tuổi, bị gai cột sống lưng phẫu thuật ngày 09.01.2015, sau khi phẫu thuật đến nay anh vẫn đau và mệt mỏi. Bác sĩ cho em hỏi làm cách nào để chồng em đỡ đau và mất bao lâu chồng em mới có thể đi lại được?

Em xin chân thành cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Khi bệnh nhân có đau sau phẫu thuật, bác sĩ thường cho người bệnh sử dụng những nhóm thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ, vitamin nhóm B… Trước khi bác sĩ quyết định sử dụng một biện pháp chữa trị, bác sĩ cần phải biết rõ những thông tin về tình trạng sức khỏe bệnh tật hiện tại, tiền sử sức khỏe của người bệnh, lí do nào dẫn tới những biểu hiện phiền toái của người bệnh. Vì vậy, em nên đưa chồng tái khám để được kê đơn, giải đáp cụ thể, chi tiết và phù hợp. Thông thường sau phẫu thuật khảng 2 – 3 tháng là chồng em đi lại được, tuy nhiên thời gian vận động còn tùy thuộc vào từng can thiệp phẫu thuật, đặc điểm tổn thương của từng người và khả năng hồi phục của từng cá thể. Vì vậy chỉ có phẫu thuật viên chính (người đã trực tiếp phẫu thuật cho chồng em mới có thể biết rõ nhất về tổn thương) mới trả lời em chính xác câu hỏi này.

Chúc em và gia đình mạnh khỏe!

Bị gai đôi S1 phải chữa trị như thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cháu bị đau cột sống và bác sĩ chẩn đoán cháu bị gai đôi S1. Vậy làm cách nào để chữa khỏi bệnh ạ? Có cần chế độ tập luyện gì không?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Gai đôi cột sống là một dị tật bẩm sinh của cột sống. Dị tật này có từ lúc sinh do trong qua trình hình thành từ bào thai, ống thần kinh không đóng hoàn toàn và phần xương sống nằm phía trên của phần dây sống cũng không đóng hoàn toàn. Bạn bị gai đôi S1 tức là gai đôi đốt sống cùng. Bạn nên xác định sẽ chung sống hòa bình với bệnh. Việc chữa trị bệnh gai cột sống là chữa trị bảo tồn, chỉ phẫu thuật khi có triệu chứng chèn ép thần kinh, tổn thương khác trong ống tủy.

Những thuốc thường dùng là nhóm giảm đau kháng viêm không steroid, nhóm giãn cơ, hoặc kết hợp dùng một số dụng cụ nâng đỡ như áo nẹp lưng… để giảm bớt gánh nặng lên các đốt sống bị bệnh.

Các phương pháp chữa trị hỗ trợ gồm châm cứu, vật lý trị liệu. Bạn cần phải chú ý tập thể dục đều đặn nhưng cần tránh những môn tập nặng, bắt cột sống phải chịu một trọng lượng lớn như nhảy cao, nhảy dây… mà nên tập các môn thể thao nhẹ như bơi lội, aerobic, yoga… để giúp giảm sức nặng của cơ thể lên cột sống. Tuy nhiên vì bạn bị gai đôi đốt sống cùng nên khi tập aerobic không nên tập các động tác xoay, vặn, cúi vì sẽ làm đau nhiều hơn. Về chế độ ăn uống, cần hạn chế chất béo, nhất là mỡ động vật, tăng cường ăn rau quả, uống sữa, giữ cân nặng hợp lý. Khi nào bị đau nhiều hoặc có triệu chứng chèn ép, rối loạn thần kinh thì cần đi khám bác sĩ để được chỉ định uống thuốc hoặc giải đáp cách chữa trị.

Chúc bạn mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl