Những câu hỏi về vấn đề mang thai lại sau khi sảy


4,226
1
1
Xu
53
Sau khi sảy thai, tỉ lệ mang thai lại thường thấp đi. Chính vì vậy, có không ít thắc mắc được đặt ra xung quanh vấn đề này.

Bị sảy thai lần 2 khả năng mang thai lại như thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Vợ tôi bị sảy thai lần 2. Xin hỏi bác sĩ khả năng mang thai lại cao không ạ và quan hệ bao nhiêu lần/tuần là tốt nhất.

Xin cám ơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân


Chào bạn!

Nếu vợ bạn bị sảy thai 2 lần rồi, cần phải đi khám chuyên khoa Sản tìm hiểu lí do tại sao và chữa trị kịp thời. Có rất nhiều lí do gây ra tình trạng này là:
– Thai nhi phát triển không bình thường: có thể do bất thường của tinh trùng hoặc trứng khi thụ tinh khiến cho thai không thể phát triển được, dẫn tới sảy thai.
– Bất thường ở tử cung: Tử cung bị dị tật, bị u xơ, bị viêm nhiễm, phẫu thuật hay nạo hút nhiều lần…
– Do rối loạn hệ miễn dịch, rối loạn chuyển hóa (basedow, đái tháo đường…)
– Do sự thay đổi hormon bất thường trong cơ thể người mẹ (sụt giảm hormon…)
– Ngoài ra còn do các lí do như di truyền, lao động nặng nhọc, nhiễm độc hóa chất,…

Những tình huống sảy thai liên tiếp cần đặc biệt cẩn thận nếu muốn có thai lại. Vợ bạn chỉ nên có thai lại sau khoảng 6 tháng khi tử cung đã hoàn toàn bình phục. Các bạn không phải lo lắng, dù đã sẩy thai một hay nhiều lần, không có nghĩa là vợ bạn mất hết cơ hội làm mẹ.

Để tăng cơ hội thụ thai, vợ bạn nên giữ gìn và tăng cường sức khỏe chung như
– Tránh căng thẳng, stress, nên tập thể dục, đi bộ đều đặn mỗi ngày, các bài tập nhẹ nhàng như Yoga cũng rất tốt để cải thiện sức khỏe.
– Không tiếp xúc hay làm việc trong môi trường độc hại, ô nhiễm.
– Ăn uống đầy đủ dưỡng chất nhất là các loại thực phẩm giàu chất sắt, axit folic.

Nếu đã có thai lại, vợ bạn nên đi khám thường xuyên, hỏi ý kiến bác sĩ trong những tình huống cần uống thuốc. Đời sống tình dục luôn đóng một vai trò quan trọng đối với hạnh phúc lứa đôi. Không có một mức độ “chuẩn” cho tất cả mọi người bởi tình trạng sức khỏe cũng như ham muốn của mỗi người khác nhau. Việc này phụ thuộc hoàn toàn tâm trạng, sức khỏe và chia sẻ với đối tác mong muốn của bản thân để hai bạn có một lịch “yêu” hợp lý nhé.

Chúc hai bạn mau có tin vui!

Sảy thai được 2 tháng đã mang thai lại được chưa?


Câu hỏi bởi: do thi kim oanh

Chào bác sĩ!

Cháu tên Đỗ Thị Kim Oanh, năm nay 25 tuổi, ở Đồng Nai. Cháu mang thai được 2 tháng thì bị sảy thai do cháu xúc đất, đẩy đất bằng xe cút kít tại nhà. Cháu nghỉ ngơi được 2 tháng thì cháu có hiến máu nhân đạo cho người thân. Vậy cháu xin hỏi giờ cháu có thể có bầu lại được không? Cháu rất mong bác sĩ chỉ giúp cháu.

Cháu xin chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Lê Thị Kim Trang


Chào cháu!

Không có tài liệu chính xác nào về việc mẹ nên chờ đợi bao lâu mới có thể mang thai lại sau sảy thai. Tuy nhiên, đa số các chuyên gia đều nhất trí là cần ít nhất từ 3 đến 6 tháng để cơ thể mẹ hồi phục hoàn toàn (Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng, sau sẩy thai, ít nhất 6 tháng sau phụ nữ mới nên có thai lại). Vì khi đó, nội mạc tử cung còn rất mỏng, 3 – 6 tháng là khoảng thời gian cần thiết để tử cung, buồng trứng và các cơ quan liên quan có thể hồi phục hoàn toàn. Theo trong thư thì cháu có hiến máu nhân đạo 2 tháng sau khi sảy thai. Nếu tuân thủ đúng những quy định khi hiến máu theo hướng dẫn của bác sĩ thì không thấy vấn đề gì đáng ngại cho sức khoẻ cũng như khả năng mang thai lại của cháu. Bởi vì, sau khi hiến máu khoảng 3 – 4 tuần, các thành phần trong máu sẽ phục hồi lại gần như bình thường.

Như vậy, cháu hoàn toàn có khả năng mang thai lại sau 3-6 tháng nếu thấy cơ thể mình đã hoàn toàn ổn định về thể chất và tinh thần. Với lần sảy trước đấy, lí do trực tiếp có thể là do vận động hay va chạm mạnh khi mang bầu (xúc đất, đẩy xe) nên sau này, cháu cần chú ý hơn trong sinh hoạt. Cháu nên giữ gìn và tăng cường sức khỏe chung như tránh căng thẳng, stress, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tham khảo ý kiến bác sĩ để bổ sung sắt, acid folic… Và quan trọng là cháu nên đến bác sĩ chuyên khoa Sản để khám và được giải đáp cho những lần mang thai tiếp theo.

Chúc cháu luôn khoẻ mạnh!

Nguyên nhân sảy thai và sau bao lâu thì có thể mang thai lại?


Câu hỏi bởi: Em be

Chào bác sĩ.

Em 22 tuổi và muốn có con đầu lòng. Kinh nguyệt đều 30 ngày. 10/8 là ngày đầu của kì kinh cuối. 10/9 dùng que thử 2 vạch. Trưa 26/9 âm đạo bắt đầu ra máu (máu màu hồng và nâu) số lượng ít. Chiều đi siêu âm thành bụng ở phòng khám thì chưa thấy mang thai. Chiều 26/9 máu ra nhiều hơn. Em đến Trung tâm bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em tỉnh Hải Dương để khám. Siêu âm đầu dò bác sĩ kết luận mang thai gần 6 tuần và dọa sảy. Xét nghiệm máu thiếu canxi và sắt. Bác sĩ cho thuốc uống và tiêm luôn 1 mũi vào mông (cách ngày tiêm 1 mũi). Em yên tâm về nhà nhưng đến khoảng 18h âm đạo tống ra 1 bọc gì đó. Hốt hoảng mang bọc đó đến bệnh viện Đa khoa huyện thì bác sĩ nói em bị sảy thai và siêu âm thành bụng không còn gì. Trong suốt thời gian từ khi ra máu em không có biểu hiện đau ở đâu cả. Em làm công nhân may, sinh hoạt bình thường không mắc bệnh vùng kín. Bác sĩ cho em hỏi nguyên nhân sảy thai của em và chế độ sinh hoạt sau sảy thai hiện tại của em? Bao lâu sau thì em nên có thai lại và khi muốn có thai lại bước đầu tiên em nên làm gì để tránh sảy thai như lần này?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Lê Huy Tuấn


Chào bạn!

Sảy thai có rất nhiều lí do và tùy từng người mà có lí do khác nhau, chẩn đoán thường phải khám trực tiếp mới xác định được. Ví dụ lí do:

Về phía mẹ có những bệnh mãn hoặc cấp tính. Có bất thường ở tử cung, phần phụ, nội tiết kém…

Về phía thai và phần phụ của thai có những bất thường về gen, nhóm máu…

Nói chung phải khám trực tiếp mới xác định được, tuy nhiên cũng có rất nhiều trường hợp không rõ lí do. Bạn hãy nghỉ nghơi đợi khi nào ổn định thì đi khám lại nhé, có thể sau 6 tháng nữa thì đi kiểm tra khi đó bạn nên khám cả hai vợ chồng thì tốt.

1. Chồng:

Khám chuyên khoa Nam học kiểm tra bộ phận sinh dục nam có gì bất thường hay không.

Làm xét nghiệm tinh dịch đồ để kiểm tra chất lượng tinh trùng thế nào.

2. Vợ:

Khám Phụ khoa xem có mắc bệnh gì không.

Siêu âm đầu dò âm đạo kiểm tra tử cung, niêm mạc tử cung, buồng trứng, trứng.

Chụp tử cung vòi trứng xem có bị tắc hay bán tắc hay không?

Xét nghiệm định lượng nội tiết xem có gì bất thường không, làm xét nghiệm máu xem yếu tố RH như thế nào..

Khi có các kết quả mới có thể có hướng chẩn đoán phù hợp được.

Chúc bạn khỏe.

Sảy thai liên tiếp, phải kiêng thế nào để có thai lại?


Câu hỏi bởi: dothuthao

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 26 tuổi, cháu chưa có con. Tháng 10 năm 2013 cháu đình chỉ thai hơn 5 tháng, cả cháu và chồng là người mang gen Thalassemia, vợ chồng cháu chưa làm xét nghiệm gen, sau sinh 3 tháng cháu có kinh nguyệt trở lại. Tháng 2 năm 2014 cháu thử que kết quả 1 đậm 1 mờ nhưng cháu lại bị ra máu ngay sau đó. Đầu tháng 4 cháu nghi cháu mang thai, cháu thử que 3 lần mỗi lần cách nhau 2 tuần mà kết quả vẫn mờ, lúc ấy qua ngày kinh rồi mà vẫn mờ, được hơn 1 tháng thì cháu lại bị ra máu, cháu đi siêu âm đầu dò thì bác sĩ kết luận cháu bị sảy thai sớm.

Đến bây giờ cháu chưa thấy kinh nguyệt lại, trước đây thời con gái cháu kinh nguyệt cũng không đều. Cháu xin bác sĩ giải đáp giúp cháu là: cần kiêng bao lâu để mang thai lại ạ? Hiện tại cháu thấy cơ thể cháu mỏi mệt, ngồi mà đứng lên thì hoa mắt. Mong bác sĩ giải đáp giúp cháu ạ.

Cháu cám ơn ạ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân


Chào em!

Hiện tại em thấy cơ thể mỏi mệt, hoa mắt mỗi khi ngồi rồi đứng dậy, tốt nhất em nên đi khám tổng thể và chuyên khoa Sản. Cần chẩn đoán mức độ thiếu máu của em, đây cũng là một trong những lí do gây sảy thai. Hoặc tìm các lí do khác gây sảy thai và bác sĩ chuyên khoa Sản sẽ điều chỉnh lại chu kỳ kinh nguyệt giúp em.

Cả hai vợ chồng em nên đi xét nghiệm để biết được gen bệnh Thalassemia ở thể nhẹ hay nặng và có kế hoạch cho lần mang thai sắp tới. Em chỉ nên có thai lại sau khoảng 6 tháng khi tử cung đã hoàn toàn bình phục, sức khỏe của em tốt. Em nên giữ gìn và tăng cường sức khỏe chung như tránh căng thẳng, stress, nên tập thể dục, đi bộ đều đặn mỗi ngày, các bài tập nhẹ nhàng như yoga cũng rất tốt để cải thiện sức khỏe. Không tiếp xúc hay làm việc trong môi trường độc hại, ô nhiễm. Ăn uống đầy đủ dưỡng chất nhất là các loại thực phẩm giàu chất sắt, axit folic.

Nếu đã có thai lại, em nên đi khám thường xuyên, hỏi ý kiến bác sĩ trong những tình huống cần uống thuốc. Trong tình huống cần thiết, cần phải chẩn đoán xem thai có mắc bệnh Thalassemia hay không bằng các thủ thuật xâm lấn để lấy các vật liệu di truyền của thai (DNA) như sinh thiết gai nhau khi thai 11 – 14 tuần hoặc chọc ối khi thai trên 16 tuần.

Các thủ thuật trên có thể gây sảy thai (tỷ lệ 1/100 với sinh thiết gai nhau và 1/500 với việc chọc ối). Nếu sau khi chẩn đoán và biết thai bị mắc Thalassemia thể nặng, cần cân nhắc việc giữ thai hay chấm dứt thai kỳ. Bởi trẻ mắc bệnh, việc chữa trị rất khó khăn và tốn kém vì hầu như phải truyền máu suốt đời.

Chúc em sức khỏe!

Giáo viên thể dục bị sảy thai và muốn mang thai lại


Câu hỏi bởi: vũ thu hà

Xin chào bác sĩ!

Năm nay em 24 tuổi, đầu tháng 2 em bị sảy thai. Vừa phát hiện mình mang thai chưa kịp đi siêu âm do đi lại nhiều nên bị sảy. Em có uống thuốc tránh thai hàng ngày vỉ 28 viên. Kỳ kinh hàng tháng rất đều. Đến viên thứ 23 là em có kinh. Cách đây 2 tuần em có đi khám để mang thai lại. Siêu âm và khám phụ khoa mọi thứ đều bình thường chỉ có niêm mạc mỏng 4,5mm thôi ạ. Uống hết vỉ thứ 4 thì em dừng thuốc 3 ngày thì bị ra máu nhưng số lượng ít. Ra máu 3 ngày thì hết. Mấy hôm qua em có cảm giác chướng bụng và đau lưng. Em thử que nhưng chỉ hiện 1 vạch. Emm không biết liệu mình mang thai hay không? Là giáo viên thể dục phải vận động nhiều nên em rất lo. Mong bác sĩ cho em lời khuyên ạ!

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào bạn!

Theo thông tin bạn mô tả, thì bạn đã sẩy thai một lần cách đây 4 tháng và lí do do đi lại nhiều. Chính vì đã tìm ra được lí do nghi ngờ sẩy thai của lần trước nên lần dự kiến có thai tiếp theo bạn cần thận trọng để tránh nguy cơ như lần trước.

Trong tình huống của bạn, mới ra máu mấy ngày trước đây và gần đây có chướng bụng, đau lưng, đồng thời dùng que thử thai chỉ lên 1 vạch thì khả năng nhiều bạn không thấy thai. Về lý thuyết, que thử thai có thể cho biết kết quả sau quan hệ tình dục khoảng 7-10 ngày, và để chắc chắn hơn thì thường thử thai sau chậm kinh khoảng 1-2 tuần. Tuy nhiên, que thử thai cũng có sai số nhất định và để khẳng định chắc chắn nhất thì phải dựa vào các xét nghiệm như xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm,… tại cơ sở y tế chuyên khoa Sản phụ. Bên cạnh đó, điều cũng đáng quan tâm với bạn là giai đoạn chuẩn bị có thai hoặc khi đã có thai cần nghỉ ngơi, hạn chế tối đa vận động nặng vì bạn đã có tiền sử sẩy thai, cố gắng tránh suy nghĩ căng thẳng vì sẽ tác động tới sức khoẻ.

Việc khám kiểm tra sức khoẻ trước mang thai và phòng bệnh qua chủng ngừa sẽ giúp tăng cường sức khoẻ mẹ, loại bỏ bớt yếu tố nguy cơ trong khi mang thai sau này. Với những tình huống đã từng sẩy thai như bạn, thì khi có thai, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của thai nhi, nên đăng ký quản lý thai nghén tại cơ sở y tế chuyên khoa và khám kiểm tra thai nghén định kỳ.

Chúc bạn vui khoẻ!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl