Những điều cần biết về đau nửa đầu bên phải (Phần 1)


4,226
1
1
Xu
53
Không ít người thường xuyên gặp phải đau nửa đầu và đặc biệt là đau nửa đầu bên phải. Tham khảo giải đáp của bác sĩ ở tuyển tập dưới đây để có thêm kiến thức về bệnh này.

Bị đau nửa đầu bên phải từ tai trở xuống là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Cháu là nữ, năm nay 24 tuổi. Khoảng 5 ngày nay cháu bị đau nửa đầu bên phải, đau như là bị con gì cắn cứ giật từng cơn. Ban đầu mới bị thì cơn đau giật liên tục ở vùng sau tai, sau đó chuyển xuống dưới ót bên phải và phía trên 1 tý. Hiện tại thì cơn đau ít hơn nhưng vẫn còn đau từng cơn giật mạnh ở trên vành tai phải và phía sau tai 1 chút. Cháu thấy ban ngày thì đau nhiều hơn ban đêm và chỉ tập trung ở nửa đầu bên phải từ chỗ tai trở xuống thôi, trước đây chưa từng xảy ra tình trạng này. Vậy cho cháu hỏi cháu bị bệnh gì và cách điều trị ra sao ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Bệnh đau nửa đầu tên gọi theo tiếng Anh là đau đầu Migraine. Đau đầu Migraine là loại đau đầu nguyên phát, với đặc điểm là đau đầu từng cơn, đau ở phía một bên đầu, đau theo mạch đập, đau tăng lên khi hoạt động thể lực, đau tái diễn có chu kỳ, phần lớn khi đau có kèm theo buồn nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động. Ngoài cơn người bệnh hoàn toàn bình thường. Bệnh này gặp nhiều ở nữ hơn nam, bệnh mang tính chất gia đình.

Yếu tố gây khởi phát bệnh:

Yếu tố tâm lý: Stress, trạng thái lo lắng, buồn phiền…

Yếu tố nội tiết: Tuổi dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt, uống thuốc tránh thai đều làm tăng cơn đau.

Yếu tố môi trường: Sự thay đổi thời tiết, khí hậu đều tác động tới tăng hay giảm số cơn.

Với biểu hiện triệu chứng ở cháu mới 5 ngày với thời gian còn rất ngắn mới xảy ra của chứng đau nửa đầu thì chưa thể khẳng định rõ ràng là cháu bị thể loại đau đầu nào, mà cần có thời gian để theo dõi thêm. Cũng có thể cháu bị đau đầu loại Migraine như bác đã nói ở trên hoặc cũng có thể cháu bị đau đầu vận mạch.

Đau đầu vận mạch là bệnh đau đầu nguyên phát, hay gặp ở nhiều lứa tuổi thường gọi là đau đầu vùng thái dương. Nguyên nhân là do co thắt mạch máu trong đầu và trong sọ não. Thường gặp nhất là co mạch thái dương và gây lên cơn đau ở vùng đó. Đau đầu vận mạch thường gây ra cơn đau dữ dội, những cơn đau này đột xuất không báo trước. Nguyên nhân gây đau đầu vận mạch cũng giống như các loại đau đầu khác chủ yếu là do áp lực công việc, stress… gây nên.

Theo các biểu hiện triệu chứng ở cháu thì bác nghĩ là cháu bị đau đầu vận mạch nhiều hơn. Để chẩn đoán chính xác là cháu bị đau đầu loại gì thì cần phải theo dõi thêm một thời gian nữa và cần khám kỹ càng hơn. Do vậy cháu có thể sử dụng các loại thuốc đau đầu thông thường như Paracetamol, hỗn hợp thần kinh… khoảng 3-5 ngày nếu không hết đau đầu thì cháu đến khoa Thần kinh Bệnh viện tỉnh để khám lại và chữa trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa Thần kinh nhé.

Chúc cháu mau khỏi bệnh!

đau nửa đầu bên phải


Câu hỏi bởi: MAI THẢO

thưa bác sĩ, cháu năm nay 25 tuổi, thời gian gần đây cháu hay bị đau phần trán trên thái dương và nhức hốc mắt, sau đó lại đau nửa đầu bên phải và sau gáy, cho cháu hỏi vậy cháu bị bênh gì và nên khám và điều trị như thế nào.
cháu cảm ơn ạ

Điều dưỡng Đỗ Thị Hảo


Chào bạn.
Theo những biểu hiện mà bạn mô tả thì có thể có những bệnh sau:

1, Bệnh thiên đầu thống (glocom);
bệnh nhân đau đầu kèm theo nhức mắt, mắt bi cương tụ xung huyết đỏ xung quanh lòng đen của mắt
Xem: http://dieutri.vn/bgnhankhoa/9-11-2012/S3160/Benh-hoc-glocom.htm

2, Bệnh đau nửa đầu Migrain:
Đau nửa đầu Migraine là một bệnh thuộc loại bệnh lý đau đầu do căn nguyên mạch, có đặc điểm bệnh lý cơ bản là: đau nửa đầu từng cơn, gặp nhiều ở tuổi thanh thiếu niên, ở nữ gặp nhiều hơn nam và đa số có yếu tố gia đình. Cơn thường bắt đầu bằng một pha tiền triệu thị giác phối hợp với các hiện tượng kích thích vỏ não vùng chẩm. Bệnh nhân có cảm giác nhìn thấy một vệt tối có vân tia sáng viền thành hình ngoằn ngoèo, lấp lánh chuyển động biến dạng.
Lúc đầu ám điểm lấp lánh này chưa ảnh hưởng đến thị lực, nhưng khi các hình ảnh này mất đi để lại những khoảng trống ám điểm làm cụt thị trường, nơi có ám điểm nữa, gọi là mù ám điểm.
Đau đầu: Tiếp sau giai đoạn mù ám điểm, bệnh nhân bị đau một bên đầu tăng dần có khi nhanh chóng trở nên dữ dội. Đầu đau theo kiểu mạch đập, như muốn nổ tung ra. Đau tăng nếu có những kích thích nhẹ như âm thanh và ánh sáng.
Đau đầu kèm theo buồn nôn đôi khi có nôn, lúc đầu thường đau một bên sau chuyển sang vùng trán – ổ mắt cùng bên hoặc vùng chẩm gáy, rồi lan toàn bộ đầu. Cơn đau ít khi kéo dài đến 6 giờ, cá biệt có thể tồn tại từ 12 đến 24 giờ có khi đến 48 giờ. Cơn đau thường giảm sau khi nôn hoặc đái nhiều.
Từ cơn này sang cơn khác, đau đầu và ám điểm có thể thay đổi bên hoặc luôn tồn tại cùng một bên .
Xem: http://www.dieutridau.com/benh-hoc/than-kinh/201-dau-nua-dau-migraine

3, Bệnh rối loạn tuần hoàn não, thiếu máu não:
Não được tưới máu bởi hai nguồn động mạch não: Hệ động mạch cảnh trong, tách từ động mạch gốc tận cùng với động mạch não trước và động mạch não giữa; Hệ sống nền hình thành từ 2 động mạch gai sống trước thành thân nền. Và tận cùng là động mạch sau não. Hệ thống các mạch máu bảo đảm sự tưới máu được đều khắp giữa hệ cảnh và hệ sống nền, giữa động mạch cảnh và ngoại động mạch cảnh trong… sao cho não được hoạt động tốt nhất. Người bình thường lưu lượng máu (tưới máu não là 55ml máu/100g não/phút), khi lưu lượng máu não đến não quá thấp (dưới 20ml/100g/phút) thì não sẽ bị thiếu

Như vậy nếu bạn đau nửa đầu kèm theo biểu hiện nhức mắt nhiều và xung huyết đỏ thì đi khám chuyên khoa mắt để loại trừ bệnh glocom. Nếu mắt bạn hoàn toàn bình thường thì đi khám chuyên khoa nội thần kinh của các bệnh viện xác định đúng nguyên nhân điều trị bài bản thì bệnh mới khỏi. Bạn không nên tự ý mua thuốc uống theo mách bảo hoặc sự tư vấn của các nhà thuốc.

Chúc bạn mạnh khỏe.

Đau nửa đầu bên phải


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Năm nay cháu 20 tuổi hiện là sinh viên. Khoảng 2-3 ngày nay cháu bị đau nửa đầu bên phải. Đau từ đỉnh đầu xuống dưới gáy phải cổ, cứ tê tê trên đầu, đau như vậy làm mắt phải cháu hơi nặng, tối cháu ngủ không được, khi ngủ cháu trùm kín chăn trên đầu vì ánh sáng làm cháu khó chịu. Trước giờ cháu chưa từng bị đau như vậy. Bác sĩ cho cháu hỏi là hiện tại cháu đang mắc phải chứng bệnh gì và cách chữa trị thuốc uống như thế nào ạ?

Cháu cảm ơn bác sĩ ạ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Với các biểu hiện như bạn mô tả rất có thể bạn đang bị bệnh đau nửa đầu (đau đầu migraine). Đau nửa đầu thường bắt đầu ở trẻ em, thanh thiếu niên hoặc đầu tuổi trưởng thành. Một cơn đau nửa đầu điển hình có các dấu hiệu và biểu hiện sau:

Đau trung bình đến đau nặng, có thể được giới hạn ở một bên đầu hoặc có thể tác động đến cả hai bên Đau đầu với một dao động hay đau rồn dập Đau nặng hơn với các hoạt động thể chất Đau gây cản trở hoạt động rất hay Buồn nôn có hoặc không có nôn mửa Nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh. Khi không được chữa trị, chứng đau nửa đầu thường kéo dài từ 4 đến 72 giờ, nhưng tần suất đau đầu thay đổi tùy từng người. Có thể chứng đau nửa đầu nhiều lần một tháng hoặc ít thường xuyên.

Về chữa trị đau nửa đầu, một loạt các loại thuốc đã được thiết kế đặc biệt để chữa trị đau nửa đầu. Ngoài ra, một số loại thuốc thường được sử dụng để chữa trị các vấn đề khác cũng có thể giúp làm giảm hoặc ngăn ngừa chứng đau nửa đầu. Thuốc được sử dụng để chống lại chứng đau nửa đầu gồm hai loại chính:

Loại thuốc giảm đau: Điều trị cấp tính, các loại thuốc được chỉ định trong các cơn đau nửa đầu và được thiết kế để ngăn chặn các biểu hiện đã bắt đầu. Loại thuốc dự phòng: Những loại thuốc được dùng thường xuyên, thường là hàng ngày, để giảm bớt mức độ nghiêm trọng hoặc tần số của chứng đau nửa đầu.

Với tình trạng hiện tại bạn nên đến chuyên khoa Thần kinh sớm để được khám và chữa trị bệnh.

Chúc bạn sức khỏe!

Mờ mắt phải và đau nửa đầu bên phải


Câu hỏi bởi: hoàng đạt

Chào bác sĩ.

Bác sĩ ơi cho cháu hỏi: Cả 2 mắt cháu đang bình thường tự nhiên mắt phải có triệu chứng mờ đi và nhìn không được rõ nữa, xong sang hôm sau ngủ dậy cảm thấy đau nửa đầu bên phải thế là cháu bị sao vậy bác sĩ mà dạo này cháu cũng ngồi máy tính nhiều không biết có tác động gì không ạ?

Cháu cám ơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Có rất nhiều lí do gây mờ mắt như:

1. Các bệnh lý tại mắt:

– Chấn thương mắt

– Tật khúc xạ: cận thị, loạn thi, viễn thị…

– Bệnh lý của phần trước nhãn cầu: viêm loét hoặc sẹo giác mạc, viêm mống mắt thể mi, glocom…

– Đục thủy tinh thể hoặc bệnh lý võng mạc

2. Các bệnh lý toàn thân:

– Tăng huyết áp

– Bệnh tuyến giáp

– U não, u tuyến yên…

Trường hợp của bạn ngoài mờ mắt còn có dấu hiệu đau đầu (có thể do bạn ngồi máy tình nhiều cũng có thể do một bệnh lý thực thể gây ra). Bạn không nói rõ bạn bao nhiêu tuổi nên rất khó để khu trú ngyên nhân giúp bạn. Bạn nên đi khám sớm để chữa trị đúng lí do và loại trừ các bệnh lý nguy hiểm.

Chúc bạn sống khỏe!

chữa đau nửa đầu bên phải lâu năm


Câu hỏi bởi: Síu Cún Sàu

Chào bác sĩ.

Cho cháu hỏi: Cháu bị đau nửa đầu bên phải từ tai xuống khoảng 10 cm. Khi đau kéo lên thẳng thái dương bên phải và đau hết bên đầu bên phải, cơn đau không phải đau theo cơn mà nó chỉ nặng hết đầu bên phải và mỏi cả gáy rất khó chịu. Cách đây 4 năm trước, đau không ngẩng được đầu lên, cháu phải uông thuốc hoạt huyết nhất nhất mới khỏi cho đến 4 năm nay đau cháu uống thuốc không có đỡ. Hiện tại cháu rất lo không biết bị đau gì? Xin bác sĩ cho biết cách chữa trị. Xin trả lời qua hòm thư [email protected].

Xin trân trọng cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào cháu!

Với các triệu chứng như cháu mô tả rất có thể cháu bị đau đầu vận mạch: Gặp ở mọi lứa tuổi, cơn đau do co thắt mạch máu làm thiếu máu tạn thời vùng não và gây lên cơn đau, cơn đau thường đột ngột và đau dữ dội, thường co thắt mạch máu vùng thái dương gây căng và đau ở vùng thái dương một bên đầu. Nguyên nhân chủ yếu do sức ép trong học tập và công việc, tâm lý bất ổn và căng thẳng, cũng có thể do thời tiết thay đổi làm thay đổi độ ẩm, áp xuất, nhiệt độ…, khi bệnh chuyển thành mạn tính đau đầu có thể liên tiếp mỗi ngày không thành cơn rõ rệt.

Đối với chữa trị đau đầu vận mạch, đau đầu nhẹ có thể dùng những thuốc giảm đau không cần kê đơn như Paracetamol, thuốc kháng viêm NSAIDs, Aspirin… song cần lưu ý tác dụng phụ của thuốc cũng như chống chỉ định chủ yếu đối với hệ tiêu hóa. Đối với đau đầu trung bình và nặng hoặc đau đầu nhẹ nhưng không còn đáp ứng với thuốc giảm đau đã nêu thì cháu nên đến khám chuyên khoa Thần kinh để được chữa trị thích hợp. Tốt nhất cháu nên đến chuyên khoa Thần kinh ở bệnh viện tuyến tỉnh hoặc tuyến Trung ương để bác sĩ thăm khám trực tiếp, làm thêm một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác lý do và chữa trị.

Chúc cháu sức khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl