Những câu hỏi hay về dấu hiệu khác thường của kỳ kinh nguyệt


4,226
1
1
Xu
53
Chu kỳ kinh nguyệt là một vấn đề đáng quan tâm bậc nhất của phụ nữ. Vì vậy, bất cứ một dấu hiệu khác thường nào của nó cũng được chị em lưu tâm đặc biệt hơn cả.

Chu kỳ kinh nguyệt không đều


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Xin chào bác sĩ.

Xin bác sĩ giải đáp giúp em với ạ. Chu kỳ kinh nguyệt của em không đều. Em lấy chồng nửa năm rồi nhưng vẫn chưa có tin vui, gần đây em bị căng tức ngực và khó chịu, thi thoảng em có đau bụng dưới, sức khỏe em không tốt. Từ 3-5 tháng nay em hay buồn nôn mà không biết lý do. Cho em hỏi hiện tựơng này liên quan bệnh gì không bác sĩ?

Em chân thành cảm ơn.

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào em!

Rối loạn kinh nguyệt có thể do nhiều lí do gây ra, do cơ thể mệt mỏi (do thiếu ngủ, căng thẳng, lo âu, stress, thay đổi môi trường sống, ăn uống không đảm bảo vệ sinh, lao động nặng nhọc, quá sức,…), mắc một số bệnh phụ khoa (viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, vòi trứng, buồng trứng,…), do dùng một số thuốc chữa trị bệnh (tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch,…), sau nạo phá thai, bệnh nội tiết, lạm dụng các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá,…),…

Trường hợp của em, việc chưa có tin vui sau cưới nửa năm là bình thường, hiếm muộn được tính mốc thời gian là sau 1 năm (với điều kiện hai vợ chồng quan hệ đều đặn). Tuy nhiên, điều quan tâm là chu kỳ kinh nguyệt của em không đều, đây cũng là một yếu tố phản ánh tình trạng sức khỏe sinh sản của cơ thể (trừ một số tình huống có tính chất di truyền).

Còn hiện tượng căng tức ngực, khó chịu, buồn nôn,… thì có thể do nhiều lí do gây ra, trước hết cần loại trừ yếu tố có thai, tiếp đó có thể do rối loạn bệnh lý đường tiêu hóa (dạ dày, ruột non, đại tràng,…), rối loạn bệnh lý đường tiết niệu (thận, niệu quản, niệu đạo), bệnh lý đường hô hấp, tim mạch, rối loạn chuyển hóa, rối loạn thần kinh thực vật,…

Do vậy, em nên sớm tới cơ sở y tế chuyên khoa Phụ sản khám nhằm xác định lí do rối loạn kinh nguyệt và các triệu chứng khác liên quan. Trong tình huống bệnh lý thuộc chuyên khoa khác thì bác sĩ sẽ mời hội chẩn hoặc chuyển gửi khám chuyên khoa.

Chúc em sức khỏe.

Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài kèm theo máu đen


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 17 tuổi là nữ giới. Cháu muốn hỏi bác sĩ một vài vấn đề về chu kì kinh nguyệt của cháu. Kì kinh nguyệt của cháu thường kéo dài hơn các bạn khác, có khi kéo dài hơn 2 tuần. Những ngày cuối thường hay bị ra máu đen còn những ngày đầu cháu hay bị đau bụng dưới. Xin hỏi bác sĩ cháu có bị làm sao không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đặng Phương Liên


Chào cháu!

Kinh nguyệt là hiện tượng chảy máu từ tử cung (niêm mạc tử cung) kèm theo hoại tử bề mặt của niêm mạc tử cung, xảy ra một cách có chu kỳ ở phụ nữ từ tuổi dậy thì đến lúc mãn kinh, ngoài thời kỳ thai nghén. Một chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên hành kinh cho đến ngày đầu tiên của kỳ kinh tiếp theo vào tháng sau. Thông thường, một chu kỳ kinh nguyệt có vòng kinh kéo dài từ 28-35 ngày, có thể ngắn hơn, hoặc dài hơn tùy vào cơ địa của mỗi người. Thời gian hành kình thường kéo dài 3-7 ngày. Lượng máu kinh trung bình cho mỗi lần hành kinh là từ 40-80ml. Vào những ngày đầu và ngày cuối, kinh nguyệt thường ra ít hơn.

Đau bụng trước kỳ kinh phổ biến ở hầu hết phụ nữ. Có thể bắt đầu và chấm dứt ở ngày đầu tiên có kinh hoặc kéo dài mấy ngày sau đó. Điều này là hoàn toàn bình thường, cháu không nên quá lo lắng. Cháu có thể nghỉ ngơi tại giường, thư giãn cơ thể, tránh lao động nặng, chườm ấm vùng bụng để giảm đau, bớt khó chịu trong những ngày hành kinh. Kinh nguyệt bình thường bắt đầu với màu đỏ tươi sau đó đỏ đậm dần và chuyển màu nâu khi gần hết ngày hành kinh. Có thể nói, hiện tại kinh nguyệt của cháu có chu kỳ hơi dài, song nếu đều đặn thì không có gì đáng ngại. Các biểu hiện đau bụng khi hành kinh, máu kinh thẫm màu cũng là bình thường, cháu không cần phải lo lắng. Cháu biết quan tâm đến chu kỳ kinh nguyệt để có thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe của bản thân như vậy là rất đáng hoan nghênh.

Chúc cháu sức khỏe!

Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài 8 đến 10 ngày có phải bị rong kinh?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Xin bác sĩ giải đáp giúp em về sức khoẻ sinh sản. Em có chu kỳ kinh nguyệt kéo dài từ 8-10 ngày. Không biết có phải em bị rong kinh không? Và có nhiều tháng vừa hết ngày có tháng khoảng 3 ngày lại có tiếp và dài ngày?

Cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn!

Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt khoảng 28 – 30 ngày, nhưng cũng có thể dài hơn hoặc ngắn hơn và ngày hành kinh kéo dài trong khoảng 3 – 7 ngày. Trường hợp của bạn, có ngày hành kinh 8 – 10 ngày, nhưng chưa rõ lượng kinh có nhiều hay không. Theo lý thuyết, rong kinh, rong huyết là khi chu kỳ kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày hoặc lượng máu mất nhiều hơn 80ml/chu kỳ kinh nguyệt.

Tuy nhiên, việc xác định theo ml đôi khi rất khó vì trên thực tế không phải lúc nào cũng có dụng cụ để đong, đo đếm được lượng huyết mất do hành kinh, mà lượng kinh này đều thấm vào băng vệ sinh. Do vậy, cũng có cách để xác định lượng kinh để xác định rong kinh, rong huyết như: kinh nguyệt ra nhiều ướt đẫm nhiều băng vệ sinh, kinh nguyệt thấm ướt quần áo, kinh nguyệt nhiều đến nỗi không thể học tập hay làm việc bình thường được, kinh nguyệt có xuất hiện những cục máu đông lớn,..

Hiện tượng rong kinh, rong huyết kéo dài có thể gây ra một số hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe phụ nữ nếu không được khắc phục, chữa trị kịp thời. Tuy vậy, hiện tượng rong kinh, rong huyết có rất nhiều lí do gây ra. Chưa rõ tuổi của bạn là bao nhiêu, nếu đang ở độ tuổi dậy thì, việc rối loạn chu kỳ kinh nguyệt cũng là dễ hiểu do hoóc môn nội tiết dao động và chưa ổn định. Ngoài ra, các lí do khác cũng có thể gây rong kinh, rong huyết ở phụ nữ như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, nhiễm khuẩn, uống thuốc không theo chỉ định,… và một số tình huống không rõ lí do.

Tóm lại, điều quan trọng trước tiên với bạn là không nên lo lắng quá mức, vì việc lo lắng quá mức có thể tác động tới sức khoẻ và cũng là yếu tố góp phần gây rối loạn kinh nguyệt. Bên cạnh đó, bạn nên sớm đến cơ sở y tế chuyên khoa về Sản phụ khoa để khám kiểm tra nhằm xác định chính xác lí do gây rối loạn kinh nguyệt, đồng thời nhận các biện pháp chữa trị và giải đáp thích hợp.

Chúc bạn sớm ổn định sức khoẻ!

Chu kỳ kinh nguyệt thất thường 2 lần/ tháng có ảnh hưởng việc sinh con?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 23 tuổi. Tháng trước cháu đến tháng là ngày 15 nhưng sau đó đến ngày 22 lại có. Cháu với người yêu quan hệ và không dùng phòng tránh vì muốn có con. Đến tháng sau không có, có tháng gần một tháng liền, nhưng hôm nay lại thấy ra máu. Cho cháu hỏi có bị sao không ạ?

Cháu cảm ơn.

Bác sĩ Đinh Anh Tuấn


Chào cháu.

Kinh nguyệt phản ánh chức năng điều hòa nội tiết của buồng trứng. Nếu kinh nguyệt thường không đều như cháu chứng tỏ chức năng buồng trứng bị rối loạn. Khi chức năng buồng trứng bị rối loạn, có thể có những vòng kinh không phóng noãn, tức là không có hiện tượng rụng trứng, và như vậy sẽ tác động đến khả năng có thai. Nếu các cháu mong muốn có thai, tôi khuyên cháu nên đến khám chuyên khoa Phụ sản để xác định xem chức năng của buồng trứng thế nào, có hiện tượng phóng noãn (rụng trứng) trong các chu kỳ kinh nguyệt không. Nếu chức năng buồng trứng bị rối loạn thì tùy theo lí do, bác sĩ sẽ có những giải đáp cụ thể hơn cho cháu.

Chúc cháu thành công.

Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài cả tháng không hết có phải là bệnh?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Tôi tên là Mai Linh, năm nay 46 tuổi. Hai tháng nay tôi có uống viên sắt, nhưng sang tháng thứ 2 tôi đến chu kỳ kinh nguyệt và kéo dài cả tháng không hết. Xin các bác sĩ giải đáp cho tôi trường hợp của tôi có phải bị bệnh lý trong người không?

Tôi xin cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn.

Rong kinh là một hiện tượng thường gặp của phụ nữ. Khi rong kinh, chu kì kinh nguyệt kéo dài trên 5 ngày, lượng máu mất đi trong một lần thấy kinh vượt quá mức bình thường (khoảng 80ml). Rong kinh có thể gặp ở mọi độ tuổi của người phụ nữ nhưng thường gặp nhất ở giai đoạn tiền mãn kinh. Tiền mãn kinh là thời kì trước khi dứt hẳn kinh nguyệt của người phụ nữ. Giai đoạn này có thể xảy ra rất sớm và kéo dài từ 4-5 năm trước khi bước vào giai đoạn mãn kinh hoàn toàn, thường rơi vào độ tuổi từ 48 đến 52. Thời gian đến sớm hoặc muộn phụ thuộc vào nội tiết và sức khỏe của người phụ nữ.

Trong thời kì tiền mãn kinh, buồng trứng sẽ suy yếu dần cho đến khi mất đi chức năng nội tiết. Khi buồng trứng không còn chức năng nội tiết, người phụ nữ sẽ ngưng hẳn kinh nguyệt và chấm dứt khả năng đẻ con. Triệu chứng tiền mãn kinh khác nhau ở mỗi người. Những dấu hiệu thường gặp là sự thay đổi chu kì kinh nguyệt và tính chất kinh nguyệt: vòng kinh sẽ bắt đầu thay đổi như kinh ít, kéo dài và thưa dần, một tháng, hai tháng, hay ba tháng mới có kinh một lần; có những tình huống bị rong kinh, băng kinh (cường kinh).

Trường hợp của bạn có thể là một dấu hiệu rong kinh của thời kì tiền mãn kinh sớm. Việc dùng thuốc sắt của bạn chỉ là trùng hợp. Nếu bạn nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý, tập luyện mà biểu hiện rong kinh không kéo dài, không tái diễn, không gây tác động đến sức khỏe thì đó không phải là triệu chứng bệnh lý. Nếu triệu chứng rong kinh ồ ạt gây thiếu máu, mất máu. Bạn cần phải đến ngay các cơ sở khám bệnh để phát hiện và loại trừ các bệnh lý khác như u xơ tử cung, ung thư tử cung, polyp cổ, buồng tử cung….

Chúc bạn mạnh khoẻ!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl