Chế độ sinh hoạt hợp lý cho người viêm cầu thận


4,226
1
1
Xu
53
Người bị viêm cầu thận cần chú ý chế độ nghỉ ngơi tuyệt đối nhất là với người bị tăng huyết áp, vệ sinh cá nhân, răng miệng thường xuyên…

Bị viêm cầu thận và nhiễm trùng đường tiểu chữa thế nào?


Câu hỏi bởi: My Thuong

Thưa bác sĩ!

Mẹ cháu đang bị viêm cầu thận giai đoạn đầu kèm theo nhiễm trùng đường tiểu. Xin hỏi mẹ cháu nên đến đâu chữa cho tốt ạ? Mẹ cháu bị phù 2 chi và mặt. Trong nước tiểu có hồng cầu nhưng không cao. Vậy mẹ cháu phải ăn uống và chữa trị thế nào ạ?

Cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu!

Viêm cầu thận cấp là hội chứng tổn thương viêm các cầu thận của cả 2 thận với triệu chứng biểu hiện khởi phát đột ngột bao gồm đái ra máu có trụ hồng cầu, protein niệu kèm theo phù, tăng huyết áp. Mẹ cháu bị viêm cầu thận giai đoạn đầu, kèm theo nhiễm trùng đường tiểu. Mẹ cháu có thể chữa trị tại các bệnh viện đa khoa từ tuyến huyện trở lên. Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, trong chế độ ăn mẹ cháu cần:

Hạn chế ăn muối để giảm phù và tăng huyết áp. Thay vào đó mẹ cháu có thể ăn nước mắm và xì dầu. Ăn ít protein, đảm bảo đủ calo bằng glucid và vitamin. Hạn chế đường, các loại thực phẩm có nhiều cholesterol.

Khi có tiểu ít: ăn ít rau quả để giảm lượng K+ đưa vào. Ngoài ra mẹ cháu cần nghỉ ngơi, hạn chế vận động cho tới khi bệnh ổn định. Chúc mẹ con cháu mạnh khỏe!

Bị viêm cầu thận mãn tính IgA chữa như thế nào?


Câu hỏi bởi: muathu

Chào bác sĩ!

Hiện nay tôi 30 tuổi, đã có một con gái 3 tuổi. Mỗi lần bị viêm họng hoặc lao động nặng nhọc là tôi lại bị tiểu máu đại thể. Xét nghiệm trong nước tiểu của tôi thường có hồng cầu 250. Bác sĩ chuẩn đoán tôi bị viêm cầu thận IgA. Xin hỏi bác sĩ là bệnh của tôi có thể chữa theo hướng nào? Cách ăn uống và làm việc như thế nào là hợp lý? Tôi có thể có thêm em bé được không?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Bệnh lý thận IgA là một bệnh thận thường xảy ra khi một kháng thể gọi là Globulin miễn dịch A (IgA) mắc lại ở thận. Điều này cản trở khả năng thận lọc chất thải, nước dư thừa và chất điện giải trong máu. Theo thời gian, bệnh thận IgA có thể dẫn đến máu và protein trong nước tiểu, cao huyết áp, và sưng phù bàn tay và bàn chân. Một số người mắc bệnh thuyên giảm hoàn toàn và những người khác sống cuộc sống bình thường với protein máu ở mức độ thấp hoặc protein trong nước tiểu (tiểu máu hoặc protein niệu). Nhưng cũng có đến một nửa số người bị tác động cuối cùng tiếp tục phát triển giai đoạn cuối bệnh thận.

Do vậy, chữa trị bệnh thận IgA tập trung vào việc làm chậm sự tiến triển của bệnh và ngăn ngừa biến chứng. Bên cạnh việc uống thuốc chữa trị theo chỉ định của bác sĩ, bạn nên thực hiện một chế độ ăn ít muối. Giữ mức huyết áp gần bình thường có thể giúp làm chậm tổn thương thận từ bệnh thận IgA. Bác sĩ có thể khuyên nên thay đổi trong chế độ ăn uống, chẳng hạn như hạn chế lượng muối để giúp kiểm soát huyết áp. Một chế độ ăn ít muối cũng có thể giúp giảm thiểu giữ nước và sưng phù.

Ngoài ra nên ăn ít protein. Giảm số lượng protein ăn và tiến hành các bước để giảm mức cholesterol có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh thận IgA và bảo vệ thận. Bạn có thể sinh em bé được nếu như bệnh của bạn đã được giải quyết.

Chúc bạn mạnh khỏe!

chế độ sinh hoạt của bệnh nhân bệnh viêm cầu thận?


Câu hỏi bởi: Vũ Linh

Chào bác sĩ!

Tôi là nam, 32 tuổi đã có gia đình hơn 1 năm và có 1 cháu 5 tháng tuổi. Hôm trước tôi đi siêu âm và thử nước tiểu. Kết quả là có sỏi trong 1 bên thận d=3-4mm, đạm trong nước tiểu cao, huyết áp 145. Bác sĩ kết luận tôi bị viêm cầu thận. Vậy xin bác sĩ cho lời khuyên về chế độ sinh hoạt cũng như hướng chữa trị?

Tôi trân trọng cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Em có sỏi thận, cao huyết áp và có protein niệu cao, được khám và chẩn đoán viêm cầu thận.

Khuyên em:

Cần chữa trị sỏi thận. Sỏi nhỏ kích thước 3-4mm có thể chữa trị Nội khoa. Định kỳ theo dõi chức năng thận, em đã làm xét nghiệm đánh giá chức năng thận chưa? Nếu chưa thì cần làm Tìm lí do cao huyết áp và chữa trị. Có phải cao huyết áp do bệnh thận hay do một lí do nào khác (Cholesterol máu cao, tiểu đường,…) Điều trị viêm cầu thận theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Về chế độ ăn cần chú ý:

Ăn giảm muối, ăn nhạt, lượng muối dưới 5g/ngày. Hạn chế chất béo, mỡ động vật, hạn chế ăn đạm, lượng protein khoảng 0,6g/kg/ngày. Nên sử dụng chất béo không bão hòa từ đậu phộng, dầu ô liu, đậu nành – Hạn chế thực phẩm nhiều Cholesterol nhue trứng, nội tạng… Đối với rau xanh và hoa quả cần hạn chế một số loại thực phẩm giàu Kali như chuối, cà chua, khoai tây…

Em nên khám toàn diện, tìm hiểu lí do tăng huyết áp và tham khảo ý kiến thầy thuốc chuyên khoa.

Chúc em mạnh khỏe!

bệnh viêm cầu thận


Câu hỏi bởi: phí minh quang

cháu năm nay 18 tuổi. bị viêm cầu thận từ năm 12 tuổi. hàng tháng đi khám uống thuốc nhưng nửa năm trở lại đây cháu không đi hà nội khám nữa. hôm qua cháu đi khám chỉ số protein lên 3+. cháu rất lo lắng. muốn gặp trực tiếp bác sĩ tuyển để bác khám và tư vấn để bệnh không nặng thêm dẫn đến suy thận. xin cảm ơn

Chăm sóc khách hàng ViCare


Chào bạn,

Đầu tiên, cảm ơn bạn đã tin dùng chức năng Hỏi Bác sĩ của ViCare. Chúng tôi rất xin lỗi vì đã xảy ra sự nhầm lẫn, và gửi đến bạn một câu trả lời về da liễu, thay vì câu hỏi mà bạn đã đặt ra.

Tuy chưa thể liên hệ với bác sĩ Tuyển như nhu cầu của bạn, ViCare đã gửi câu hỏi của bạn tới bác sĩ chuyên khoa khác để nhận lời tư vấn. Hi vọng thông tin này sẽ vẫn hữu ích với bạn. Một lần nữa, xin lỗi bạn vì sự nhầm lẫn đáng tiếc này.

Chúc bạn sức khỏe.

Bác sĩ Đặng Quốc Dũng


Chào bạn,

Theo thông tin bạn cung cấp thì có thể chuẩn đoán là bạn bị viêm cầu thận mãn tính. Đã là bệnh mãn tính thì chủ yếu là điều trị kéo dài, hạn chế bệnh để không gây ra biến chứng, dẫn đến suy thận. Tuy nhiên thời gian gần đây bạn lại không theo dõi định kì nữa, điều này khiến cho bệnh chuyển biến xấu.
Tốt nhất bạn vẫn nên tuân thủ đều đặn theo lịch khám và điều trị mà bác sĩ kê, uống thuốc đều đặn. Đặc biệt bạn không nên uống thuốc linh tinh không rõ nguồn gốc hay tác dụng cụ thể khi không có chỉ dẫn của bác sĩ (các loại thuốc nam, thuốc bắc…). Đồng thời bạn cũng nên duy trì lịch khám định kì theo đúng lịch hẹn của bác sĩ trực tiếp khám.

Chúc bạn sức khỏe.

Viêm cầu thận nên kiêng gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Tôi bị bệnh viêm cầu thận có hội chứng thận hư. Đang chữa trị bằng medrol, tôi xin hỏi chế độ ăn như thế nào là phù hợp? Tôi có thể lái xe đường dài được không? Quan hệ vợ chồng có làm bệnh nặng thêm không?

Xin cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Viêm cầu thận là một bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm của các tiểu cầu thận và các mạch máu nhỏ trong thận. Bệnh có thể xuất hiện độc lập hoặc kết hợp với hội chứng thận hư.

Hội chứng thận hư là hội chứng lâm sàng và sinh hóa xuất hiện ở nhiều bệnh do tổn thương ở cầu thận, đặc trưng bằng những dấu hiệu sau: phù, protein niệu cao, protein máu giảm, lipid máu tăng. Bạn bị viêm cầu thận có hội chứng thận thư. Người bị hội chứng thận hư do mất nhiều protein qua đường nước tiểu kèm theo chán ăn do giảm dịch ruột, phù gan và nội tạng nên thường bị thiếu dinh dưỡng. Tình trạng thiếu dinh dưỡng còn góp phần làm tăng tình trạng mắc các bệnh nhiễm khuẩn trong hội chứng thận hư như: Viêm phúc mạc tiên phát, viêm phổi, viêm cơ, lao phổi…

Cho nên ngoài việc chữa trị bằng thuốc, bạn cũng cần quan tâm tới chế độ ăn để giúp cơ thể tăng sức đề kháng và chống lại các rối loạn về thành phần sinh hóa trong máu. Bạn cần biết một số nguyên tắc trong chế độ ăn cho người bị hội chứng thận hư như sau:

1. Giàu chất đạm (protein): chế độ ăn phải bù đủ lượng đạm cho chuyển hóa của cơ thể và số lượng đạm mất qua nước tiểu, nhưng cũng không nên ăn quá nhiều đạm vì có thể sẽ làm xơ hóa cầu thận dẫn đến suy thận. Lượng đạm trung bình 1 ngày = 1 g/kg/ngày + lượng protein mất qua nước tiểu trong 24 giờ. Trong đó 2/3 là đạm động vật có giá trị sinh học cao từ thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa. 1/3 là đạm thực vật từ gạo, mì, đậu đỗ…

2. Năng lượng: Ðảm bảo đủ năng lượng từ 35-40 kcalo/kg/ngày.

3. Chất béo: Nên ăn giảm chất béo (20-25 g/ngày). Khi chế biến thức ăn nên hấp, luộc; hạn chế xào, rán, quay. Nên dùng các loại dầu thực vật như: Dầu đậu tương, dầu hạt cải, dầu lạc, dầu vừng để thay thế mỡ.

4. Các vitamin, muối khoáng và nước:

– Lượng nước trong chế độ ăn và uống hàng ngày bằng lượng nước tiểu + 500ml.

– Ăn nhạt, bớt muối, mì chính: 1-2 g muối/ngày.

– Ăn nhiều các loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin C, beta caroten, vitamin A, selenium (như các loại rau xanh, quả chín có màu đỏ và vàng: đu đủ, cà rốt, xoài, giá đỗ, cam…) vì các loại vi chất dinh dưỡng nêu trên có tác dụng chống oxy hóa, chống tăng các gốc tự do là những chất gây xơ hóa cầu thận, chóng dẫn đến suy thận.

Trong những tình huống tiểu ít và có kali máu tăng thì phải hạn chế rau quả. Trường hợp của bạn không nói rõ bệnh ở giai đoạn nào, đang dùng liều Medrol là bao nhiêu nên việc quan hệ vợ chồng sẽ tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bản thân bạn.

Nếu hiện tại bệnh của bạn đã ổn định tức là hết phù, huyết áp ổn định, đạm niệu trong nước tiểu không còn, protein máu bình thường thì quan hệ vợ chồng sẽ không làm bệnh nặng thêm, tuy nhiên bạn vẫn cần nên hạn chế.

Bạn cũng cần biết tác dụng phụ của medrol có thể gây nên suy giảm tình dục. Nếu có hiện tượng này bạn cần tư vấn bác sĩ điều trị ngay.

Việc lái xe đường dài là không nên vì bệnh của bạn vẫn chưa khỏi hẳn, bác sĩ vẫn đang cho bạn uống thuốc. Hơn nữa khi lái xe đường dài, thần kinh luôn căng thẳng, thận luôn luôn bị rung lắc không được nghỉ ngơi. Do đó để thận có thể được nghỉ ngơi và phục hồi tốt bạn không nên lái xe cũng như ngồi xe đường dài.

Chúc bạn chóng khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl