Sốt xuất huyết và những nguyên nhân


4,226
1
1
Xu
53
Muỗi Aedes aegypti là véc-tơ truyền bệnh chủ yếu ở hầu hết các khu vực bệnh lưu hành, vì vậy muốn ngăn chặn dịch, loại muỗi này cần phải bị loại bỏ. Bạn có thể hiểu rõ hơn về tác nhân gây bệnh qua các giải đáp của bác sĩ dưới đây.

Cách phòng tránh sốt xuất huyết như thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Xin bác sĩ giải đáp giúp cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đinh Thị Thu Hương


Chào bạn.

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây dịch, do 4 type Dengue gây ra. Virus được truyền bệnh từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes agypti là trung gian truyền bệnh chính. Bệnh có đặc trưng bởi sốt, xuất huyết và thoát huyết tương có thể dẫn đến sốc và tử vong nếu không được chữa trị đúng và kịp thời. Bệnh lưu hành ở vùng nhiệt đới, chủ yếu là Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Việt Nam là một trong các nước lưu hành bệnh nặng. Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra, bệnh truyền từ người này qua người khác do một loại muỗi vằn( cái) Aedes agypti. Khi muỗi chích, mầm bệnh được truyền đi. Muỗi Aedes agypti phân bố mọi nơi .

Muỗi thường sống ở nơi bùn lầy nước đọng trong nhà hay ở lùm cây, ngọn cỏ. Muỗi Aedes agypti cái đốt vào ban ngày, chủ yếu vào sáng sớm và chiều tối. Sau khi hút máu người bệnh, muỗi cái có thể truyền bệnh ngay nếu hút máu người lành. Nếu không có cơ hội truyền bệnh, virus tiếp tục phát triển trong ống tiêu hóa và tuyến nước bọt của muỗi và chờ dịp truyền sang người khác. Muỗi Aedes đẻ trứng, sau đó trứng phát triển thành bọ gậy. Bọ gậy thường sống trong các dụng cụ chứa nước của gia đình hay ở ngoài nhà như rãnh nước, ao hồ. Mật độ muỗi thường tăng vào mùa mưa. Bệnh sốt xuất huyết Dengue hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt muỗi và bọ gậy và phòng chống muỗi đốt: Phòng chống muỗi đốt:

Mặc quần áo dài che kín tay chân.

Ngủ trong màn (mùng) kể cả ban ngày.

Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi…

Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để không lây bệnh sang người khác Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy.

Luôn luôn đậy kín tất cả các vật dụng chứa nước ăn uống sinh hoạt như bể, chum vại, lu, đựng nước.

Thả cá vào tất cả các vật dụng chứa nước (bể, giếng, chum, vại, lu, khạp…) để diệt bọ gậy.

Thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa…; dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

Thay nước, thau rửa chum, vại, lu hàng tuần.

Loại bỏ các hốc chứa nước tự nhiên như hốc cây, kẽ lá, gốc tre, nứa…

Bỏ muối vào các bát nước kê chân chạn (tủ đựng chén bát).

Khi xảy ra dịch cần tăng cường các biện pháp chống dịch, làm giảm nhanh mật độ muỗi trong cộng đồng bằng cách phun hóa chất diệt muỗi.

Hy vọng những thông tin đã cung cấp ở trên giúp bạn biết cách phòng bệnh sốt xuất huyết.

Chúc bạn mạnh khỏe.

Vi-rút Zika có lây qua đường máu không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ.

Bác sĩ có thể cho cháu biết làm thế nào để phòng tránh vi rút Zika ạ? Liệu vi-rút Zi-ka có lây qua đường máu không ạ? Nếu mẹ mắc vi rút Zika thì khi cho con bú có tác động gì không thưa bác sĩ?

Xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào bạn.

Đường lây truyền vi rút Zika:

Con đường lây truyền chủ yếu là do bị muỗi Aedes nhiễm vi rút Zika đốt, loại muỗi lây truyền bệnh sốt xuất huyết và hoạt động chủ yếu vào ban ngày.

Vi rút Zika được cho là lây truyền từ mẹ sang con qua nhau thai trong thời kỳ mang thai và được cho là lí do gây nên tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Một số đường lây truyền hiếm gặp hơn là lây truyền từ mẹ sang con khi sinh. Người mẹ nhiễm vi rút Zika gần ngày sinh có thể lây truyền vi rút cho con khi sinh nở, tuy nhiên đường lây này là ít gặp.

Cho đến nay, chưa có một tình huống nào trẻ em nhiễm vi rút Zika khi bú mẹ, vì lợi ích của sữa mẹ, mà ngay ở cả những vùng đang có dịch xảy ra, khuyến khích các bà mẹ tiếp tục cho con bú.

Theo CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ), lây truyền Vi rút Zika thông qua truyền máu và qua quan hệ tình dục đã được ghi nhận.

Hiện nay Việt Nam chưa ghi nhận tình huống nào nhiễm vi rút Zika, để phòng tránh lây nhiễm vi rút Zika, cần chú ý phòng tránh muỗi đốt, mặc quần dài, áo dài tay, chú ý phòng tránh muỗi đốt vào ban ngày do muỗi Aedes hoạt động vào ban ngày là chủ yếu. Có thể sử dụng các loại hóa chất xua muỗi để tránh muỗi đốt, khi ngủ cần nằm màn phòng tránh muỗi đốt. Hạn chế sự sinh sản và phát triển của muỗi Aedes bằng các biện pháp diệt loăng quang, diệt bọ gậy, loại bỏ hoặc che đậy các vật dụng chứa nước tự nhiên như chum, vại, chai lọ….v.v. Những người mẹ đang mang thai trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ nên trì hoãn các chuyến công tác tới các quốc gia đang có dịch lưu hành.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Sự khác biệt giữa muỗi gáy bệnh sốt xuất huyết và muỗi gây bệnh Zika


Câu hỏi bởi: Kim Dung

Thưa bác sĩ,

Virus Zika cũng chính là muỗi gây sốt xuất huyết gây lên,ở Hà nội bị sốt xuất huyết rất nhiều,nhưng chưa có trường hợp nào mắc Zika,vậy muỗi sốt xuất huyết ở mình khác muỗi gây bệnh Zika ở điểm nào ạ?

Xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái


Chào bạn,

Bản thân muỗi aedes aegypti truyền bệnh sốt xuất huyết chính là loài muỗi truyền Zika, tức là không có sự khác biệt về loại muỗi truyền. Ngoài ra thì muỗi eades albopictus, cũng là nguồn truyền sốt xuất huyết, cũng có thể truyền virus Zika. Sự khác biệt nằm ở nguồn virus. Ví dụ nguồn sốt xuất huyết rất phổ biến ở VN, tuy nhiên hiện nay chưa có trường hợp Zika nào được thông báo ở Việt Nam, vì thế chưa có nguồn virus Zika ở Việt Nam. Zika có nguồn từ Uganda, sau đó phát hiện dịch ở khu vực Trung Nam Mỹ, về mặt địa lý khá xa với Việt Nam. Tuy vậy, hiện nay giao thương thuận lợi khiến việc muỗi mang virus cũng có thể du nhập vào Việt Nam. Người mang virus Zika cũng có thể vào Việt Nam theo nhiều con đường khác nhau. Đó có thể là nguyên nhân khiến virus ZIka phát tán ở Việt Nam.

Thân ái.

Nổi phát ban chân tay sau khi đi truyền nước và dùng thuốc vì sốt xuất huyết


Câu hỏi bởi: truong linh

Thưa bác sĩ.

Cháu năm nay 18 tuổi. Cháu bị sốt 5 ngày, đi xét nghiệm máu bị sốt xuất huyết. Cháu truyền nước và dùng thuốc nhưng giờ bị nổi phát ban ở chân và tay rất ngứa và sưng lên, vậy có bị sao không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu.

Hiện tại cháu có sốt xuất huyết ngày thứ 5, sốt xuất huyết hay còn gọi là Dengue xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây nên, muỗi Aedes là trung gian truyền bệnh. Thường khi lui bệnh thì một số bệnh nhân có xuất hiện ban dát sẩn, ban có thể có ngứa. Ban dát sẩn khác với ban xuất huyết. Trường hợp của cháu phát ban và ngứa có thể do hai khả năng:

Diễn biến tự nhiên của bệnh như trên đã nêu.

Cháu có dị ứng với một tác nhân nào đó, có thể là dị ứng với một loại thuốc chữa trị nào đó hoặc một tác nhân nào khác.

Bác sĩ không rõ hiện cháu đang chữa trị ngoại trú hay nội trú, cháu nên thông báo cho bác sĩ chữa trị các biểu hiện để được thăm khám, tư vấn và kê đơn chữa trị cho cháu.

Chúc cháu mạnh khoẻ!

Sau khi muỗi chích, sưng to và tím có phải bị muỗi sốt xuất huyết chích?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Xin chào bác sĩ!

Tôi muốn hỏi bác sĩ là cháu bé nhà tôi sau khi bị muỗi chích cháu thường bị sưng to. Sau vài ngày chuyển sang màu tím như vậy có phải cháu bị muỗi xuất huyết chích không?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào bạn!

Sau khi bé nhà bạn bị muỗi đốt thì tại nơi bị muỗi đốt thường sưng to, sau vài ngày thì nốt muỗi đốt chuyển sang màu tím. Bạn băn khoăn như vậy có phải do loại muỗi gây bệnh sốt xuất huyết đốt hay không? Chúng tôi không khẳng định được nốt muỗi đốt như vậy là do muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (muỗi Aedes) gây nên hay không, để biết chính xác đó là loại muỗi gì thì phải bắt được loại muỗi đó và định danh loài muỗi bởi các nhà côn trùng học. Triệu chứng nốt muỗi đốt sưng to, sau vài ngày chuyển sang màu tím thường gặp ở những trẻ có cơ địa dị ứng.

Cơ thể của trẻ có phản ứng quá mẫn với những tác nhân lạ triệu chứng bằng biểu hiện cháu đễ bị dị ứng, dễ nổi mẩn đỏ khi có tác nhân dị ứng hoặc khi bị côn trùng đốt. Biểu hiện rõ là các nốt đỏ sưng to, gây ngứa, gãi, trẻ khó chịu, sau vài ngày các nốt muỗi đốt chuyển màu tím và thường mất đi trong vòng 1 hoặc 2 tuần. Để phòng tránh bạn nên cho cháu mặc quần áo dài khi đi ra ngoài kết hợp bôi dung dịch có tác dụng xua muỗi của trẻ em (như dung dịch xua muỗi của hãng Johnson’s baby) có tác dụng chống muỗi đốt cho trẻ. Với những trẻ có cơ địa dị ứng bạn cung nên chú ý xem trẻ có dị ứng với tác nhân nào hay không (như thuốc, thức ăn, phấn hoa, bụi nhà…) để phòng tránh.

Chúc bạn và gia đình mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl