Lưu ý cần biết về chứng ho có đờm ở nam giới


4,226
1
1
Xu
53
Thông thường nam giới ít khi quan tâm đến những dấu hiệu bất thường bên trong cơ thể. Tuy nhiên, bài viết dưới đây về chứng ho có đờm sẽ thay đổi suy nghĩ ấy của các bạn.

Bị ho, cảm giác ngứa trong lồng ngực, cổ họng có đờm là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Nam

Em chào bác sĩ ạ.

Thưa bác sĩ. Em năm nay 19 tuổi, là nam giới. Em bị ho, cảm giác như ngứa lòng ngực dẫn đến ho, cổ họng có đờm và cảm giác ngứa cổ họng. Xin bác sĩ giải đáp giúp xem em đã mắc bệnh gì với ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Triệu chứng của em phần nhiều do viêm nhiễm đường hô hấp trên, có biểu hiện của viêm họng. Có viêm phế quản hay không cần phải đi khám bác sĩ Tai Mũi Họng.

Chúc em mau khỏi bệnh.

Ho kéo dài lúc nửa đêm và sáng sớm, có đờm, buồn nôn ở người già


Câu hỏi bởi: thanhhoa2015

Thưa bác sĩ.

Bố tôi năm nay 60 tuổi, ông thường ho kéo dài vào lúc nửa đêm và sáng sớm, có lúc bị nôn nữa và có đờm. Tôi có đọc thông tin của 1 người gửi câu hỏi trước đó cũng bị ho như bố tôi và các bác sĩ chẩn đoán là viêm họng mãn tính và có kê đơn thuốc gồm: Dogmatil 50mg, Decontractyl 250mg, Dorithricin, Loratadin 10mg. Tôi có ra hiệu thuốc gần nhà để mua những loại này nhưng cô bán thuốc bảo đó là thuốc đau xương rồi cô ấy bán cho tôi những loại này Erythromycin 500mg, Danzym lysozym 5mg, Cendein, Cetirizine hydrochloride tablets 10mg, Rovamycine 1.5 M.I.U. Còn có 6 viên thuốc rời đề YY và một hộp thuốc ngậm ho Phytotussin. Vậy xin hỏi đơn thuốc này có được không bác sĩ? Vì do từ nhà đến bệnh viện rất xa không có điều kiện khám trực tiếp. Mong được sự trả lời sớm của bác sĩ.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Việc suy luận từ chẩn đoán bệnh của người này để áp sang người khác rồi uống thuốc để chữa trị như của bạn có thể để lại những hậu quả khó lường vì mỗi người mỗi bệnh khác nhau. Đơn thuốc bác sĩ kê không chỉ để chữa trị bệnh viêm họng mà còn phải để chữa trị các bệnh khác phối hợp trên cơ thể bệnh nhân đó và thuốc kê được xem xét dựa trên kết quả chức năng gan và thận của bệnh nhân, chẳng hạn như cũng cùng một bệnh viêm họng nhưng bệnh nhân nghiện rượu, xơ gan thì sẽ không kê thuốc giảm đau, còn bệnh nhân chức năng gan thận tốt có thể kê thuốc giảm đau. Vì vậy, bạn cần phải đưa bố bạn đến bệnh viện khám để bác sĩ kê đơn chữa trị mà không nên tự ý uống thuốc như vậy.

Còn với biểu hiện ho và có đờm như vậy, có thể do bệnh viêm họng hoặc có thể do các bệnh lý mãn tính khác của đường hô hấp như: bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) hoặc có thể do viêm nhiễm cấp tính khác như: viêm phế quản, viêm phổi,… Để chẩn đoán chính xác cần phải có sự thăm khám của bác sĩ kết hợp với các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán. Do đó dù có xa thì bạn cũng nên sắp xếp để đưa bố bạn đi khám càng sớm càng tốt và tôi cũng không thể kê đơn mò như này được.

Chúc bố bạn mạnh khỏe!

Mổ mở khí quản, thường xuyên ho dữ dội, tím tái mặt, nhiều đờm, có nên dùng thêm kháng sinh?


Câu hỏi bởi: Tuấn Anh

Thưa bác sĩ.

Cậu của cháu năm nay 44 tuổi, bị tai nạn phải nằm viện đã nửa tháng. Do bất tỉnh quá lâu nên bác sĩ chữa trị đã mổ mở khí quản để đưa ống thở và ống dẫn thức ăn (cháo) ở cổ để tránh mất tiếng sau khi bình phục. Hiện tại cậu cháu có phản ứng sắp tỉnh, tuy nhiên hằng ngày vì đưa thức ăn qua khí quản nên có khả năng bị nhiễm trùng đường hô hấp và viêm phổi, thường xuyên ho dữ dội, tím tái mặt, nhiều đờm. Cháu băn khoăn không biết có nên yêu cầu bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh hay chống viêm kèm theo thêm hay không vì lo cậu cháu khi bình phục hẳn sẽ viêm phổi nặng tác động tới sức khỏe lâu dài. Hi vọng bác sĩ cho cháu lời khuyên để gia đình yên tâm.

Cháu vô cùng biết ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu.

Trước hết cháu cần hiểu một đôi điều về mở khí quản và những biến chứng của mở khí quản. Mở khí quản là vết rạch ở khí quản tạo ra lỗ mở từ khí quản ra da qua canule krisaberg tạm thời hay vĩnh viễn cho phép không khí đi qua khi có tắc nghẽn đường hô hấp trên, giúp lấy chất tiết ở khí quản, giúp việc cai máy thở (do giảm khí khoảng chết và hạ kháng lực đường thở), cho phép giúp thở nhân tạo dài ngày. Nơi mở thường ở đốt 2, 3, 4 vòng sụn khí quản.

Biến chứng:

Tắc nghẽn đường thở: do cục máu đông trong những giờ đầu sau mổ, trong giai đoạn này điều dưỡng hút đàm mỗi 5-10 phút/lần để tránh máu cục làm tắc nghẽn đường thở.

Chảy máu: nên quan sát và thăm khám để phát hiện chảy máu, thường có nguy cơ chảy máu trong những giờ đầu sau mổ. Theo dõi số lượng máu chảy và báo bác sĩ.

Tắc nghẽn đường thở do đàm nhớt: hút đàm nhớt thường xuyên, nên nghe phổi trước và sau khi hút đàm. Vật lý trị liệu giúp tống xuất đàm nhớt dễ dàng.

Tràn khí dưới da: theo dõi khó thở, da phù nề, tiếng nổ dưới da khi thăm khám, người bệnh đau, theo dõi hô hấp và thực hiện phụ bác sĩ dẫn lưu khí.

Nhiễm trùng chân mở khí quản: nhận thấy vùng chung quanh chân nơi mở khí quản đỏ, sưng, đau phù nề, tiết dịch. Điều dưỡng rửa sạch vết thương và thay băng khi ẩm ướt, cấy mủ, thực hiện kháng sinh, theo dõi viêm phổi.

Viêm phổi: hút đàm, bảo đảm hệ thống hút đàm vô trùng, hướng dẫn người bệnh hít thở sâu, vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Thay định kỳ ống mở khí quản hay khi ống bị nghẹt. Nghe phổi mỗi 2 giờ, theo dõi nhiệt độ người bệnh thường xuyên.

Dò khí thực quản: phòng ngừa bằng cách theo dõi áp lực bóng chèn, thay ống mở khí quản định kỳ. Biểu hiện dò nơi mở khí quản là người bệnh ăn sặc, thở khó.

Hẹp khí quản: thường xuất hiện ở người bệnh đặt canule lâu ngày, sẹo có sau khi rút ống mở khí quản ở trẻ em. Biểu hiện người bệnh thở khó, nói khó, thở có tiếng rít.

Trường hợp của cậu cháu còn đang nằm viện vì vậy nên cháu không nên lo lắng quá. Các y bác sĩ sẽ có trách nhiệm chăm sóc và theo dõi cho cậu của cháu. Tuy nhiên cháu cũng cần biết rằng nếu như chỉ nhiều đờm mà không có triệu chứng nhiễm trùng thì chỉ cần hút đờm nhớt thường xuyên. Vật lý trị liệu giúp tống xuất đờm nhớt dễ dàng.

Thuốc kháng sinh chỉ được dùng khi có triệu chứng nhiễm trùng như sốt hay bạch cầu tăng… vì vậy nếu như cháu chưa thực sự yên tâm thì cháu có thể giải đáp trực tiếp bác sĩ chữa trị cho cậu cháu.

Chúc cậu cháu chóng bình phục!

Đi khám khoa nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Tôi là Nam 29 tuổi. Gần đây tôi bị ho có đờm, khong rát cổ, không sốt, nhiều đờm ở mũi, có uống thuốc theo đơn bác sĩ 5 ngày nhưng không đỡ, sau đó được đổi thuốc mạnh hơn nhưng vẫn bị đờm nhiều vào buổi sáng, đến trưa và tối thì hết. Sau 2 ngày đổi thuốc tôi xuất hiện thêm triệu chứng đỏ 2 bên mặt, tai, cổ, mệt mỏi, huyết áp đo thì 116/74 nhịp tim 84-94, khô môi, bùn rủn chan tay. Toi có tham khảo nhiều tren mạng thì thấy giống nhiều bệnh nén rất hoang mang. Nhờ bác sĩ tư vấn tôi nên đi khám gì và ở đâu?

Bác sĩ Hà Văn Chấn


Chào bạn:

Ho có đờm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn ho khan. Người bị ho có đờm nếu nặng dễ dẫn đến tắc thở, tử vong nếu đờm tích tụ quá nhiều trong cổ họng mà không được đẩy ra ngoài.

Nguyên nhân gây ho có đờm là sự tăng tiết chất nhầy trong cổ họng làm cổ họng ngứa ngáy khó chịu và làm cản trở quá trình hô hấp của cơ thể. Khi đờm trong cổ họng tăng quá mức bình thường thì cơ thể xảy ra một phản xạ tự nhiên là ho – bật mở nắp thanh quản một cách mạnh mẽ để đẩy dị vật ra ngoài là đờm.

Những nguyên nhân gây làm tăng sự tiết dịch nhầy trong cổ họng dẫn đến ho có đờm là:
– Thời điểm giao mùa là thời gian gây nên ho có đờm nhiều nhất đặc biệt ở trẻ em và người cao tuổi.
– Bị lây virus gây ho có đờm qua đường hô hấp từ người bệnh sang người lành.
– Người bị dị ứng với không khí chứa nhiều phấn hoa, nước hoa, bụi, khói, ô nhiễm
– Người hút thuốc lá trực tiếp và hít khói thuốc. Đây là nguyên nhân tiềm ẩn bệnh ho có đờm mạn tính rất nguy hiểm
– Cơ thể nhiễm các loại virus bệnh sởi, ho gà, thủy đậu sẽ xảy ra biểu hiện bệnh của cơ thể là ho có đờm.
– Là dấu hiệu cơ thể bị các bệnh nghiêm trọng: viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn…

Vậy bạn hãy khám nội hô hấp từ đó BS sẽ cho khám 1 số khoa khác nếu cần thiết.Bạn nên đến viện Bạch Mai để khám.

Chúc bạn sức khỏe.

Cơ thể mệt mỏi, đầy bụng khó tiêu, ho có đờm có phải do gan nhiễm mỡ?


Câu hỏi bởi: HoangVu

Chào bác sĩ.

Thưa bác sĩ! Em năm nay 21 tuổi, là nam. Cách đây gần 1 tháng thì em bị cảm sốt, đi khám thì bị sốt siêu vi. Sau đó 2 tuần thì cơ thể em mệt mỏi, đầy bụng. Em có đi khám gan tổng quát tại bệnh viện Chợ Rẫy thì bác sĩ bảo em bị gan nhiễm mỡ. Được một thời gian thì 2 tuần gần đây em ho có đờm, cơ thể lại chán ăn, lúc nào cũng đau nhức cơ thể, sốt và nhức đầu nhẹ. Mong bác sĩ giải đáp giùm em có phải do gan nhiễm mỡ hay do bao tử?

Cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Với các biểu hiện như bạn mô tả: mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng kèm theo sốt, trên siêu âm có hình ảnh gan nhiễm mỡ, tôi nghĩ trước tiên tới bệnh viêm gan virus (viêm gan A, viêm gan B, viêm gan C là những thể hay gặp). Để chẩn đoán viêm gan cần phải dựa các xét nghiệm kháng nguyên, kháng thể trong máu.

Ngoài ra, hiện tượng đầy bụng còn có thể do bệnh lý của dạ dày (tăng tiết acid dạ dày, viêm dạ dày,…) hoặc do rối loạn hấp thu ở đường tiêu hóa (do hấp thu kém hoặc do ăn quá nhiều trong một bữa),…

Vì vậy, bạn nên đi khám chuyên khoa Tiêu hóa để bác sĩ sẽ khám và làm các xét nghiệm để kiểm tra cho bạn và kê đơn chữa trị cho bạn nếu cần thiết.

Còn hiện tượng ho có đờm không liên quan tới tình trạng gan nhiễm mỡ mà lí do là do viêm họng hoặc do viêm mũi xoang hình thành dịch mủ chảy xuống họng miệng tạo thành đờm. Điều trị hết viêm sẽ hết đờm.

Chúc bạn khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl